Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Quả bóng lăn, trái tim lăn




Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao được xem là vua trong các môn thể thao, vì nó vừa kết hợp giữa thể lực, trí tuệ và cả sự may mắn. Bốn năm cho một chu kỳ quả bóng tròn “hoành hành” trên khắp thế giới. Hàng triệu người cuồng nhiệt la hét cổ vũ, thức trắng đêm để theo dõi trọn vẹn 64 trận đấu.

Hàng triệu trái tim cùng lăn theo quả bóng, trong đó có cả những người không hề hay biết tí gì về môn thể thao vua này. Thậm chí, cũng chẳng hiểu nổi nguyên do gì mà 22 người lại đi tranh giành một quả bóng. Nhưng, trái tim họ lại lăn theo những món tài sản như nhà cửa, xe cộ, đất đai, tiền, vàng… cứ thế không cánh mà bay. Trái tim họ lăn theo những món nợ cứ thản nhiên từ trên trời giáng xuống gia đình mình. Họ là những người vợ, người mẹ của những con người ham mê trò chơi cá độ theo quả bóng tròn kia.

Và cứ đến mỗi mùa World Cup là nỗi ám ảnh đến cả gia đình họ; những đứa trẻ vô tội có thể sau một đêm thức dậy đã bị mất nhà vì đêm qua cha hoặc anh chúng đã bị thua độ. Là nỗi ám ảnh của một gia đình sau một mùa World Cup sẽ dẫn nhau ra tòa vì không chịu nổi cảnh nợ nần chồng chất. Là nỗi ám ảnh của những ông bố, bà mẹ khi thấy con cái mình vướng vào tù tội chỉ vì thua độ.

Trái tim họ dường như thắt lại, chỉ muốn gào thét cùng mùa World Cup không kém gì những trái tim cuồng nhiệt hâm mộ bóng đá… Nhưng, họ lại ước đừng bao giờ có mùa World Cup để gia đình họ được bình yên.

Những con người đang trông chờ vào sự may rủi của môn thể thao vua này, họ đâu biết rằng gia đình, tương lai của mình chỉ được đặt cược vỏn vẹn trong 90 phút để rồi những thời gian tiếp theo cuộc sống của họ sẽ đi về đâu? Bao nhiêu câu chuyện đau lòng sau mỗi mùa thế vận hội World Cup vẫn cứ tiếp diễn… và kéo theo bao nhiêu là tai họa.

Thậm chí có người đã bán cả tính mạng mình cho quả bóng tròn; những vụ tự tử, những vụ ẩu đả do nợ nần thua độ bắt tỷ số. Nó vô tình đã làm mất đi tinh thần fair-play (chơi đẹp) của môn thể thao được yêu thích nhất hành tinh này.

Cứ mỗi một mùa World Cup mới sẽ có rất nhiều gia đình quây quần tụ họp để cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích. Song bên cạnh đó, đã có không ít gia đình đã lăn đi biết bao gia sản theo quả bóng tròn trên sân cỏ kia… Thôi thì chỉ mong sao sẽ ngày càng ít đi những trái tim bớt đau khổ chỉ vì có người thân chạy theo mùa cá độ. Bởi bóng đá chỉ là một môn thể thao mang tính giải trí. Nhưng người yêu bóng đá thì nhìn nhận bộ môn thể thao này bằng một tâm thức như thế nào mà thôi…!

Quả bóng lăn… trái tim lăn… nhưng cầu mong sao tài sản và hạnh phúc gia đình lẫn tính mạng của con người đừng để bị lăn theo là được.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/139129/qua-bong-lan-trai-tim-lan?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo


Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé! 

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Viết cho ngày Quốc tế Đàn ông




 Được nhen nhóm ý tưởng vào năm 1960, nhưng phải đến năm 1999 thì ngày Quốc tế Đàn ông mới ra đời do Tiến sĩ Jerome Teelucksingh sáng lập. Ông là giảng viên lịch sử tại Đại học Tây Ấn ở Trinidad và Tobago. Ông đã chọn ngày 19-11 như một lời tri ân đối với người cha của mình. Ông cũng khuyến khích mọi người sử dụng ngày này để tuyên truyền các vấn đề ảnh hưởng đến nam giới và các bé trai. Ý tưởng này nhanh chóng được chấp nhận trên toàn cầu và được nhiều quốc gia áp dụng, bao gồm Úc (2003) và Ấn Độ (2007).

Nhắc đến công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới thì hầu hết chúng ta đều thiên về nữ giới, sẽ luôn cho rằng đây mới thật sự là nhóm đối tượng cần được quan tâm bảo vệ, cần được lắng nghe những nỗi niềm tâm sự của họ. Còn nhắc đến nam giới thường sẽ luôn đi kèm theo câu chuyện họ là nguyên nhân tạo nên mọi khổ đau dành cho phụ nữ.

Vai trò của hai giới luôn là điều quan trọng trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Nhưng đôi khi nam giới - tức nhóm đối tượng được mặc định là phái mạnh, thường ít khi có cơ hội để nói về những áp lực, những nỗi khổ niềm đau của bản thân mình. Thậm chí, thường có xu hướng co mình lại hay họ thường xuyên sử dụng đến các chất kích thích để như một liệu pháp tự chữa lành tâm lý cho mình.

Và hệ quả là những vết trượt dài để dẫn đến tình trạng nghiện ngập, bạo hành gia đình, rồi dẫn đến việc hôn nhân đổ vỡ. Thường sẽ có muôn vàn lý do để biện hộ cho vấn đề này. Thế nhưng ít ai có thể thấu hiểu được những nỗi đau thầm kín của đấng mày râu. Một con số thống kê đã chỉ ra rằng, hiện nay tỷ lệ đàn ông bị trầm cảm và dẫn tới việc phải tự vẫn cao hơn nhiều so với nữ giới.

Vì một khi đã lâm vào bước đường cùng, thì họ sẽ ra tay để tự sát thương với bản thân mình cao hơn phụ nữ, nên dẫn đến cái chết nhanh chóng hơn. Phải chăng sự mạnh mẽ chưa chắc đã là một lợi thế trong một vài tình huống áp lực của cuộc sống.

Vậy thì bình đẳng giới chưa chắc sẽ thiên về sự đấu tranh để giành lại công bằng cho một giới, mà ở đó nó là một quá trình để hai bên cùng nhau thấu hiểu được các vấn đề tổn thương của chính bản thân mình. Có khả năng tự chữa lành, tự tạo ra hạnh phúc cho chính bản thân mình thì mới có đủ điều kiện tạo ra hạnh phúc cho người khác.
Và đó cũng là lý do vì sao hiện nay chỉ còn 28 quốc gia trên thế giới vẫn đón nhận ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 với rất nhiều khẩu hiệu “có cánh” dành cho chị em nữ giới.

Thế nhưng, tính tới thời điểm này thì ngày Quốc tế Nam giới 19-11 đã được tổ chức tại hơn 170 quốc gia như: Nam Phi, Áo, Đan Mạch, Ấn Độ, Singapore, Malta, Trinidad và Tobago, Jamaica…

Mong rằng ngày Quốc tế Nam giới hằng năm sẽ là ngày ý nghĩa để phái mạnh được nói ra những nỗi niềm của mình, để họ trút bỏ sự áp lực trong cuộc sống hiện đại và bớt chôn vùi bản thân bằng các hình thức tự hủy hoại bản thân mình cũng như làm tổn thương người khác.

Vì vũ trụ tạo ra hai giới để được hưởng những công bằng yêu thương...

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/138946/viet-cho-ngay-quoc-te-dan-ong?fbclid=IwAR31dOkYQOoZ62nV-tmRQZ0kooWgNzaeKaKYoCdnlu-pThBGBY4oWvA5ugI

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Hãy mời Trần Trà My một ly cafe nhé

     Mến chào quý độc giả!

Biết ơn quý độc giả đã ghé thăm trang blog của mình. Nếu như quý độc giả thấy các bài viết và những chuyến hành trình của mình mang đến giá trị tích cực cho cuộc sống, thì xin hãy ủng hộ mình một ly cafe bằng hình thức chuyển khoản theo số tài khoản mình để bên dưới nhé. 

Tên chủ tài khoản: Trần Thị Trà My số tài khoản:101004918535 ngân hàng Viettinbank chi nhánh Nguyễn Trãi - Đông Hà - Quảng Trị.

Để tìm kiếm thêm thông tin về các tác phẩm và các dự án xã hội mình đang thực hiện, quý độc giả vui lòng truy cập vào đường link facebook cá nhân: https://www.facebook.com/tran.t.my.3,  trang fanpage: https://www.facebook.com/NhaVan.TraMy. 

Hoặc liên hệ qua email: trantramynhavan@gmail.com 


Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Ngày Quốc khánh và câu chuyện đặc xá

 Đối với nhiều người trong chúng ta thì kỳ nghỉ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ 30-4 và 2-9 là những ngày được dành thời gian bên gia đình và người thân, bạn bè. Đó có thể là những chuyến du lịch trong hoặc ngoài nước; cũng có thể là những bữa cơm, buổi cà phê đông đủ người thân yêu. Hoặc đơn giản là trốn mình trong nhà và ngủ một giấc thật dài để bù năng lượng cho bản thân. Nhưng đâu đó trong xã hội chúng ta, với dịp nghỉ nhân các ngày lễ đặc biệt này luôn là một cơ hội đặc biệt để họ được làm lại cuộc đời. Tức là sẽ được giảm án hoặc được trả tự do trước thời hạn, để họ được tự do sống một cuộc đời hướng thiện, rũ bỏ lỗi lầm từ quá khứ.


Tôi có nhiều thời gian nghiên cứu về tâm lý tội phạm và hay đi tới các trại giam để tặng sách, truyền lửa cho phạm nhân - nhóm người đặc biệt của xã hội. Vậy nên, với những ngày lễ đặc biệt này, tôi thường hay nhắn tin cho các anh công an ở nhiều trại giam để hỏi thăm xem năm nay ở trại có phạm nhân nào được hưởng đặc xá trước thời hạn hay không?

Và cứ khi nào nhận được phản hồi của các anh quản giáo là năm nay trại được bao nhiêu phạm nhân nhận hưởng đặc xá, là tự nhiên lòng tôi thấy vui kỳ lạ.

Song, bên cạnh niềm vui của những người được giảm án ra trại trước thời hạn là một nỗi lo. Bởi có thể sau hoàn lương sẽ là một cuộc đời khác, thậm chí rất khác vì tỷ lệ tái phạm tội đang còn rất cao. Và đó đang là vấn đề nhức nhối của gia đình có con em đã từng phạm tội, cũng như của xã hội. Hiện nay, đoàn thanh niên các địa phương tổ chức rất nhiều chương trình tạo điều kiện cho thanh niên hoàn lương có nhiều cơ hội học hỏi kỹ năng mềm, học thêm về văn hóa để họ có thể tìm việc làm nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.

Tuy nhiên, những con số vươn lên sau hoàn lương để có được công việc ổn định và thành công vẫn còn là tỷ lệ thấp. Có lần được nói chuyện với một bác nguyên giám thị trại giam đã về hưu và được biết: “Tỷ lệ những người có thể hoàn lương trở về xã hội vẫn còn ít lắm”. Tôi thoáng buồn nhưng vẫn tự tin trả lời với bác rằng: “Cháu có biết những con số đó ạ! Và, nếu giúp gì được cho họ thì mình cứ cố gắng làm hết mình là được bác ạ”.

Nhân dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, Chủ tịch nước đã ký quyết định cho 2.438 phạm nhân trên khắp cả nước được hưởng đặc xá trước thời hạn. Đây là con số cho những nỗ lực của các phạm nhân đã học tập, cải tạo tốt trong quá trình thi hành án, nên được hưởng sự khoan hồng từ Nhà nước. 

Và thi thoảng trên trang facebook cá nhân hoặc trong điện thoại tôi hay nhận được những dòng tin nhắn SMS từ số lạ gửi đến với nội dung: “Chị ơi, em đã được ra trại rồi. Khi nào ổn định cuộc sống, em muốn được gặp lại chị nhé”. Chỉ cần vậy thôi đã khiến tôi có cảm giác như mình có thể mường tượng ra khung cảnh cuộc đời ai đó đang được bước sang trang mới tươi đẹp hơn, tử tế hơn.

Vậy là, tết Độc lập năm nay đã có thêm 2.438 gia đình trên khắp cả nước được hưởng kỳ nghỉ lễ đoàn viên. Còn ngoài kia, xã hội đang mong chờ những con người hoàn lương biết làm lại cuộc đời, xây dựng cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/136570/ngay-quoc-khanh-va-cau-chuyen-dac-xa

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Hạnh phúc là gì?

 


Khi nghe đến câu hỏi này thì mỗi người sẽ có đáp án khác nhau cho riêng mình. Có người sẽ bảo hạnh phúc là khi có được một khoản tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Rồi có người sẽ nói hạnh phúc là khi mua được một căn nhà ở đâu đó. Hoặc có khi hạnh phúc là mua được điện thoại đời mới nhất, hay tậu được dòng xe mới xuất hiện trên thị trường. Cũng có người sẽ trả lời rằng hạnh phúc là khi có được vị trí công việc mình hằng mơ ước. Thậm chí ai đó sẽ nói hạnh phúc là khi có tiền để đi tân trang lại nhan sắc. 

Đôi khi có người sẽ trả lời hạnh phúc là khi được sống thật với chính mình, không cần phải xinh đẹp, thông minh hay làm ra thật nhiều tiền. Đó là một trong rất nhiều đáp án nhận được khi đặt câu hỏi này với những người trưởng thành. Còn với trẻ nhỏ thì ngược lại. Bởi càng nhỏ tuổi thì nhu cầu hạnh phúc của trẻ càng đơn giản. 

Cháu gái 4 tuổi của tôi sau hai năm đại dịch mới được mẹ đưa sang đoàn tụ với ba ở Nhật Bản một thời gian. Trong một buổi tối, gia đình trẻ đang ngồi vui đùa cùng nhau thì bé thốt lên: “Hạnh phúc quá!”. Hai vợ chồng em tôi giả vờ ngơ ngác hỏi lại: “Hạnh phúc là gì hả con?” thì bé gái nhanh nhảu đáp: “Là khi cả nhà mình được ở cạnh nhau đó ba mẹ”.

Còn nhớ có lần tôi cùng đoàn đến huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước tặng quà cho các em thiếu nhi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thấy một bé gái tầm 5, 6 tuổi mà vẫn đi chân đất nên mọi người trong đoàn tìm một đôi dép nhựa màu hồng tặng bé. Thế nhưng mãi không thấy bé gái ấy đi dép mới, một bạn trong đoàn chạy tới hỏi lý do thì bé trả lời: “Tại xíu về nhà để đi dép mới cùng em trai sẽ thấy hạnh phúc hơn!”.

Nghe vậy, mọi người trong đoàn đều mỉm cười. Một bạn nam trong đoàn chạy tới hỏi bé gái kia: “Ủa thế nào là hạnh phúc hơn vậy con?” thì bé nói: “Là khi hai chị em nhà con được cùng đi dép đẹp á chú”. Tiếng cười giòn tan của bé làm cả đoàn chúng tôi xua tan mệt mỏi sau một ngày dài đến vùng biên giới thực hiện chương trình từ thiện. 

Hạnh phúc là gì và đôi khi chẳng có gì cả nhưng vẫn cảm nhận được thực sự thế nào là hạnh phúc. Vậy cũng đủ làm nên hạnh phúc rồi nhỉ.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/136058/hanh-phuc-la-gi

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi

Có lần tôi tham gia một buổi giao lưu mang tên “Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi”, trong lúc đang chờ sắp xếp chỗ ngồi thì hai mẹ con chị bước vào. Họ là những vị khán giả đến sớm nhất buổi giao lưu. Tôi lúc đó đang tranh thủ ăn để kịp vào chương trình. Hai mẹ con đến ngồi cạnh tôi, chị niềm nở nói với con gái: “Cô Trà My kìa con, cô viết sách đó. Cô giỏi lắm đó con”. 




Tôi chào hỏi lại và hỏi thăm thì được biết bé 19 tuổi và đang học cấp 3 tại một trường bên quận 6. Khi nghe tên trường bé đang học, tôi nói mình đã từng được mời về trường đó giao lưu. Nghe xong, người mẹ vội quay lại nói với cô bé: “Vậy là cô My đã từng về trường con giao lưu với các bạn rồi đó”.

Trong tích tắc tự nhiên tôi khựng người lại, cảm giác có gì đó sai sai vì tầm tuổi này sao lại là học sinh cấp 3? Thoáng thấy ánh mắt khác lạ của tôi, chị bỗng giải thích: “Tại cháu bị tự kỷ”. Hơi bối rối và có chút thoáng buồn, nhìn cô gái 19 tuổi, trắng trẻo, mập mạp, xinh xắn, tự nhiên tôi muốn khóc vì thương cảm. Những biểu hiện giao tiếp khác lạ, thậm chí giống một đứa trẻ 5 tuổi hơn là 19 tuổi. 

Tôi cố gắng nuốt cái gì đó đang mắc kẹt trong cảm xúc của mình và sau vài giây để cố gượng cười. Người mẹ đặc biệt ấy lanh trí nhận ra những dòng cảm xúc khác lạ của tôi nên cố gắng nói chuyện để quên đi tâm trạng. Còn cô gái 19 tuổi kia vẫn đang ôm điện thoại, thi thoảng lại vùng vằng hệt đứa bé mẫu giáo nên người mẹ phải hết sức nhỏ nhẹ dỗ dành đầy kiên nhẫn. 

Trong quá trình diễn ra buổi giao lưu, khi tất cả khán giả đều chăm chú lắng nghe thì riêng cô bé kia vẫn ôm điện thoại. Mãi sau này tôi mới biết, đó là giải pháp chữa cháy hiệu quả, bởi nếu không bé sẽ không chịu ngồi yên. Đối với đứa trẻ tự kỷ thì việc ra ngoài giao tiếp với xã hội là điều rất khó khăn. Tôi ngồi trên hàng ghế diễn giả và không hề rời mắt khỏi hai mẹ con họ.

Tự nhiên tôi chợt nghĩ chủ đề “Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi” ngày hôm nay rất hợp với mẹ con họ. Trong mỗi chương trình giao lưu, tôi hay khuyến khích mọi người chia sẻ về câu chuyện của cá nhân mình, hơn là cứ bắt diễn giả trên sân khấu kể về chính bản thân họ. Đến lượt chị ấy chia sẻ, chị đã làm tôi ngạc nhiên đến bật khóc khi nói rằng chị biết ơn chính đứa con của mình đã khiến bản thân chị được thay đổi.

Chị nói rằng, biết ơn con gái đã mang đến cho chị đức tính kiên nhẫn, nguồn năng lượng tích cực mà mỗi ngày chị đều phải học từng chút một. Dành thời gian nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã vất vả thì với một đứa trẻ có những tổn thương về tâm trí là một hành trình chắc sẽ không ngôn từ nào có thể diễn tả được!... Phải có một tình yêu thương vô điều kiện dẫu sự thật cuộc đời có trần trụi đến đâu thì người mẹ kia vẫn đón nhận để được đồng hành với con bằng tâm thái của sự biết ơn.

Những ngày gần đây khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, tự nhiên hình ảnh hai mẹ con họ luôn hiện về trong tâm trí tôi. Bởi tôi biết dẫu cô bé 19 tuổi kia có kết quả như thế nào thì người mẹ ấy vẫn sẵn sàng đón nhận, không phán xét oán trách và cũng chẳng bao giờ đổ lỗi hay chối bỏ. Thôi thì cứ yêu thương nhau dẫu sự thật cuộc đời có trần trụi đến đâu!

Thế nên, làm cha mẹ bao giờ cũng là một hành trình gian nan nhưng cũng đầy yêu thương nhất.         

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/135032/yeu-thuong-dau-cuoc-doi-tran-trui


Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Nguyễn Á và buổi triển lãm về chiến sĩ Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Sudan

 BPO - "Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan" là buổi triển lãm sách lần thứ 17 của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á được tổ chức mới đây tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP. Hồ Chí Minh.

Bộ sách ảnh lần này gồm 150 bức ảnh màu trưng bày là thành quả chọn lọc từ hàng ngàn bức ảnh được bấm máy trên đất nước Sudan, góp phần khắc họa hình ảnh về người lính đang góp thêm những điểm son đẹp trong công tác đối ngoại quốc phòng.

Buổi triển lãm ảnh thu hút hơn 100 khán giả đến tham dự

Đây là bộ ảnh vô cùng đặc biệt khi Nguyễn Á đã vượt hành trình tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) với chặng đường dài 8.000km, thời gian bay hơn 12 tiếng. Nguyễn Á cùng các "chiến sĩ mũ nồi xanh" Đội công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 xuất quân thực hiện nhiệm vụ của Liên hiệp quốc đáp xuống phi trường Juba (thủ đô Nam Sudan). 

Suốt 1 tháng trời lăn lộn, Nguyễn Á ăn ngủ, sinh hoạt trong khu vực bệnh viện dã chiến cùng các chiến sĩ Việt Nam tình nguyện gìn giữ hòa bình tại Sudan, trong môi trường vừa khắc nghiệt vì nghèo đói và cũng rất nguy hiểm đến tính mạng khi bên ngoài đang là cuộc nội chiến. Những lúc tác nghiệp bên ngoài không hề dễ dàng.

Nguyễn Á xúc động chia sẻ: “Cuộc đời quan trọng nhất là được sống với đam mê của mình. Điều đó đối với Á vô cùng quan trọng! Cuộc đời Á có rất nhiều chuyến đi nhưng đây là chuyến đi đặc biệt nhất khi Á được đến một vùng đất nghèo nhất thế giới, gặp những con người nghèo khổ nhất. Họ không có nhà ở và phải sống trong các khu tị nạn. Bản thân Á may mắn khi được đồng hành với lực lượng chiến sĩ tình nguyện, tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nghèo đói trong một đất nước ở thời kỳ nội chiến”.

Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.3 đang bồi hồi chia sẻ lại những kỷ niệm lúc đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

Trung tá Trịnh Mỹ Hòa đang công tác tại Bệnh viện 175, người trực tiếp điều hành tại bệnh viện 2.3 tại Sudan kể về những tháng ngày làm công tác tình nguyện tại bệnh viện dã chiến: “Bệnh viện dã chiến có 63 tình nguyện viên gồm các y, bác sĩ và một số người phục vụ hậu cần, nó tương đương một bệnh viện cấp huyện tại Việt Nam. Bệnh viện gồm có các chuyên khoa về sản, chấn thương chỉnh hình, nội thần kinh. Thời gian làm tình nguyện bên đó gần 14 tháng. Nam Sudan là đất nước vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực, nghèo đói, xung đột sắc tộc diễn ra hằng ngày. Chính vì thế nên lực lượng chúng tôi qua đó vô cùng nguy hiểm. Ngoài công tác chữa bệnh, chúng tôi còn làm thêm công tác dân vận như hướng dẫn bà con bảo vệ môi trường, trồng cây xanh; đến trường học tặng sách và dạy các em vẽ tranh, hoặc đến trại giam khám bệnh cho phạm nhân. Lồng ghép các hoạt động này, chúng tôi còn có dịp quảng bá thêm về hình ảnh con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước mình”.

Lực lượng tình nguyện viên quốc tế xem lại từng trang sách ảnh có mặt mình lúc đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

Ngoài triển lãm ảnh “Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình còn diễn ra ở thủ đô Hà Nội ngày 8-7 và kết thúc ở TP. Đà Nẵng vào ngày 15-7.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/134672/nguyen-a-va-buoi-trien-lam-ve-chien-si-viet-nam-gin-giu-hoa-binh-o-sudan

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...