Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ cuối: Vào nhà tù và con đường của tôi


TTO - Năm 2013, phát hành xong cuốn sách Yêu trên từng ngón tay, tự nhiên tôi có cảm giác muốn làm cái gì đó mới hơn.

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ cuối: Vào nhà tù và con đường của tôi - Ảnh 1.

Trà My đã vào nhiều trại giam và kết bạn tình thân với các phạm nhân - Ảnh: NVCC

Bởi bản tính tôi luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự, lúc nào cũng đầy ắp trăn trở về xã hội, về những người yếu thế xung quanh mình. Tôi luôn đặt ra những câu hỏi khi đất nước xảy ra những biến động, nhất là những gì liên quan đến đạo đức con người.

Tim tôi buốt đau với những nỗi đau nhân thế

Đến một ngày cuối tháng 12-2013, tôi tình cờ xem phóng sự của VTV làm về vụ án "cậu Thủy" giả danh nhà ngoại cảm để lừa rất nhiều thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt. Tôi vừa xem vừa khóc tức tưởi. Tôi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với những con người như vậy? 

Sự tử tế của họ đâu rồi khi ngay cả cán bộ địa phương cũng tiếp tay cho kẻ lừa đảo tàn nhẫn kia? Cũng cùng thời điểm đó, những sự việc như hôi bia ở Biên Hòa, những vụ cướp giật, thảm sát liên tục xảy ra trong xã hội.

Tôi khóc như một đứa trẻ đang cầm miếng bánh trên tay thì bị ai đó cướp đi vậy. Miếng bánh của tôi mang tên "Niềm tin đạo đức!". Khóc xong, tôi ngồi vào bàn và viết ngay một bài mang tên "Người tử tế đâu rồi?". 

Ít ngày sau, tôi gửi báo Sài Gòn Giải Phóng, sau khi bài được đăng thì có bạn nào đó đã đưa lên webtretho. Và chưa đến một ngày, bài viết được hơn 5.000 lượt xem và hàng trăm bình luận của độc giả.

Tôi đã đọc hết tất cả bình luận. Đa số độc giả đều kể về những câu chuyện tử tế mà họ từng trải qua trong đời. Từ đó, tôi thầm nghĩ ngoài kia vẫn còn rất nhiều người tử tế. Và tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng về một dự án đi tìm những điều tử tế, những con người tử tế để viết sách.

Nhưng đây lại là một thử thách lớn tôi đang tự đặt ra cho mình, vì chủ đề quá khó so với tầm hiểu biết của tôi khi dám viết những vấn đề nhạy cảm của xã hội. 

Thậm chí giọng văn lãng mạn ngôn tình, lê thê của tôi buộc phải biến mất và thay vào đó là giọng văn ngắn gọn, mộc mạc và thẳng thắn. Đây cũng là bản thảo khiến tôi phải sửa, phải bỏ đi rất nhiều, bởi không phải dòng văn học lãng mạn để tôi có thể tự do ngồi tưởng tượng.

Ngay cả việc đi thu thập tư liệu, phỏng vấn nhân vật từ Bắc chí Nam buộc tôi phải dành thì giờ ngồi đọc nhiều thể loại sách khác nhau để thu thập kiến thức và xem cách họ tư duy đa chiều từ một vấn đề nào đó trong xã hội. 

Cũng phải thú thật là nhờ viết tác phẩm này mà tôi luyện được tư duy đa chiều, kỹ năng phản biện và cả lòng vị tha khi nhìn sự việc, nhìn con người.

Tuy nhiên, đây cũng là cuốn sách đã lấy đi của tôi cả mồ hôi lẫn nước mắt rất nhiều. Những chuyến hành trình trong gần 4 năm của một người khuyết tật không hề dễ dàng khi điều kiện hỗ trợ cho người khuyết tật tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. 

Tôi nhớ có lần đặt trước vé máy bay giá rẻ cả mấy tháng trời và đến khi ra sân bay làm xong thủ tục, gửi xong hành lý, tôi leo lên xe lăn để nhân viên hỗ trợ đẩy vào phòng chờ thì cũng là lúc nghe thông báo máy bay bị hoãn 5 tiếng đồng hồ, đến 23h khuya mới cất cánh. 

Tôi ngớ người khi nghe thông báo, vì lúc đó cái xe đẩy của tôi đã được gửi hành lý, còn tôi thì không thể nào điều khiển được xe lăn của sân bay.

Năm tiếng đồng hồ ngồi ở phòng chờ với tôi là sự bất tiện khủng khiếp. Tôi nghĩ lúc xuống sân bay Hà Nội vào 1h giờ sáng, và lúc đó một cô gái khuyết tật như tôi không dám bắt taxi về khách sạn bởi quá nguy hiểm. 

Tôi lục danh bạ điện thoại cầu cứu người bạn chỉ mới quen trên Facebook. Anh Nguyễn Trung Kiên hồi đó đang công tác tại Hải Phòng, hứa nếu tôi ra Hà Nội sẽ dẫn tôi xuống Hải Phòng. 

Nghe tôi trình bày sự việc, anh Kiên bảo chờ ít phút để anh tìm phương án. Vài phút sau, anh gửi cho tôi số điện thoại một bạn học thời cấp ba của mình đang công tác tại sân bay. May mắn hôm đó lại trúng ca trực của anh.

Khi anh ấy đưa tôi về khách sạn thì lúc đó đã hơn 2h sáng. Sửa soạn xong, hơn 3h tôi mới được ngủ. Sáng hôm sau, tôi phải dậy sớm đi cùng nhà văn Nguyễn Văn Học lên tận Hòa Bình thăm một người bạn đã mất do bị bệnh xương thủy tinh. 

Rồi hôm sau tôi lại tự bắt xe về Hải Phòng xin gặp chị Phạm Thị Huệ, người được mệnh danh là "Anh hùng châu Á".

Cứ vậy, tôi đi hết tỉnh này qua thành phố nọ. Thế nhưng tôi không phải đi một mạch được, vì tôi cũng phải cần có công việc làm để đảm bảo thu nhập và có kinh phí di chuyển. Tôi may mắn được gặp nhiều thành phần trong xã hội, được nghe nhiều góc nhìn từ họ để qua đó tôi có thêm chất liệu viết. 

Phải thú thật tôi là người không có nền tảng kiến thức để có thể viết sắc sảo hơn. Nhưng đây là một tác phẩm tôi viết bằng chính trách nhiệm công dân của mình, nên có thể vì vậy mà lượng sách bán ra chạy hơn tất cả các tác phẩm trước đây của tôi.

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ cuối: Vào nhà tù và con đường của tôi - Ảnh 2.

Nhiều cuốn sách Tin vào điều tử tế của cô gái khuyết tật Trần Trà My đã đến với phạm nhân - Ảnh: NVCC

Tôi muốn ôm các phạm nhân vào lòng

Điều tôi hạnh phúc nhất là khi nhận được sự đồng cảm từ độc giả và tôi được lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành, để sau mỗi lần tái bản tôi có thể ngồi chỉnh sửa. Tôi rất biết ơn độc giả về điều này. Thậm chí có những bạn giáo viên ở các trường xa xôi cũng liên hệ mua sách, với ước mong làm sao cho học trò của mình tin vào những điều tử tế để làm người tốt.

Còn về lý do vì sao tôi muốn đem sách Tin vào điều tử tế đến tặng các trại giam? Thú thật tôi đã ấp ủ ý định được làm điều gì đó cho nhóm đối tượng phạm nhân từ rất lâu rồi, mà chưa nghĩ ra mình phải làm gì. Mà nó như một định mệnh khi tự nhiên năm 2009, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lần đầu gặp tôi đã phán một câu rằng: "Số con phải làm cái gì đó liên quan đến nhà tù". Lúc đó, tôi nghĩ thầm có khi nào với cái tính khí quá thẳng thắn của mình mà viết sai gì đó sẽ bị bắt vào tù không?

Đến năm 2012, khi tôi được tham gia khóa học về tư duy, tự nhiên trong đầu tôi có ước nguyện giá mà được đem khóa học này vào dạy cho nhóm đối tượng phạm nhân thì hay biết mấy. Vì đây là chương trình học giúp học viên được chữa lành những vết thương tâm hồn, từ đó họ sẽ sống tử tế hơn và cái ác, cái tham sẽ được tiết chế lại.

Sau khi bán hết sách in đợt 1 chỉ trong 10 ngày, trong thời gian chờ tái bản, tôi bỗng nảy ý tưởng đem cuốn sách này gửi tặng đến các nhà giam, và biết đâu tôi sẽ có cơ hội tiếp cận các bạn phạm nhân để được lắng nghe họ. Bởi quá trình viết cuốn này, tôi cũng mong muốn sẽ phỏng vấn một phạm nhân nào đó để viết bài về họ. Đúng là hành trình mang Tin vào điều tử tế đến các trại giam quả thật không hề dễ dàng. Có những trại giam tưởng chừng đã đồng ý nhận sách của tôi thì đến phút cuối không hiểu sao họ lại từ chối. Hoặc có những trại giam tôi phải chờ vài tháng đến cả năm trời, có dịp thích hợp họ mới đồng ý nhận sách và mời tôi về giao lưu.

Thú thật, mỗi khi vào trại giam, đứng trên sân khấu nhìn xuống những "khán giả đặc biệt", dường như tim tôi nghẹn lại. Tôi chỉ muốn chạy xuống dưới sân khấu để được ôm từng người. Họ dẫu cho có phạm tội thế nào thì bản thân họ vẫn là một con người và quan trọng hơn hết, bên trong họ luôn tồn tại những vết thương vô hình...

Tôi ước mong ngòi bút của mình đổi thay được phận người ở nơi ấy, như đêm tối nhất là lúc bình minh sắp lên...

Tại sao tôi là "thiên thần 6 chân"?

Về nghĩa đen, đôi chân yếu ớt của tôi phải cần sự trợ giúp của chiếc xe đẩy 4 bánh mới có thể đi lại được. Nhưng tuyệt nhiên tôi không thích dùng đến xe lăn, vì chân tôi nếu không hoạt động là rất khó chịu, có khi còn mệt hơn cả việc phải đi lại nhiều.

Nhưng sâu xa hơn, tôi thích hình ảnh những thiên thần, vì họ lúc nào cũng đẹp và được bay lượn trên bầu trời. Tính cách tôi bay bổng, nhiều khi sống rất thiếu thực tế. Thậm chí tôi hay tưởng tượng về thế giới siêu nhiên nào đó mà ở đấy nhân loại sẽ có cuộc sống khác đi, sẽ không có bất kỳ điều tiêu cực nào xảy ra. Và tôi mơ mộng đến mức tưởng tượng một ngày sẽ có người ở thế giới ấy đến đưa mình đi...

Trái tim tôi luôn khát khao những điều tốt đẹp, thiện lương.


TRẦN TRÀ MY

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ 9: Tình yêu và nếu tôi chết đi


TTO - Tôi nhớ đó là khoảng năm 2014 khi cuốn Giấc mơ đôi chân thiên thần của tôi tái bản lần thứ 3, và đây cũng là thời gian tôi tập tành bán sách của mình nhằm có thêm thu nhập.

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ 9: Tình yêu và nếu tôi chết đi - Ảnh 1.

Trà My vẫn khát khao cuộc sống làm vợ, làm mẹ - Ảnh: NVCC

Cuộc điện thoại của số phận

Và hành trình bán sách của tôi vô tình gặp một anh trong lúc tôi và chị bạn Thu Anh đang bắt taxi ở Lotte Mart Hà Nội. Loay hoay mãi anh taxi vẫn không chịu bế tôi lên xe (do tôi khuyết tật, rất khó tự lên xe), thì bỗng dưng anh xuất hiện và bế tôi lên xe. 

Rồi anh em làm quen, trao đổi số điện thoại và mấy hôm sau hẹn cà phê. Anh còn giúp tôi đi bán sách và cho tôi cả số điện thoại vài công ty để tôi đem sách đến bán.

Vào một buổi trưa, tự nhiên anh gửi cho tôi một số điện thoại và bảo tôi liên hệ thử vì đây là công ty chuyên đào tạo CEO. Tôi cũng hồn nhiên gọi điện thoại thử, thì đầu dây bên kia bảo họ đang công tác ở Sài Gòn và sẽ gọi lại cho tôi sau. 

Cuộc nói chuyện ấy chỉ kéo dài chưa tới một phút, nhưng tôi cứ có một cảm giác là lạ nhói lên! Tôi chỉ biết mỗi cái tên và số điện thoại của người đó mà thôi, thế nhưng tôi bị ấn tượng bởi chất giọng trầm ấm áp kia. 22h đêm hôm đó, người đàn ông kia chủ động liên lạc lại với tôi.

Cái cảm giác nhói lạ lúc trưa lại hiện về trong tôi! Hai người nhắn tin nói chuyện đến gần 2h sáng, rồi tôi bảo mình phải đi ngủ, mai 8h tôi về Hưng Yên. 

Và tôi cũng không quên nhờ anh ấy sáng mai 7h30 gọi điện đánh thức tôi dậy, bởi tôi có tật xấu rất hay ngủ quên. 

Sáng hôm sau mới 6h30, điện thoại tôi đã reo và vẫn là giọng ấm áp kia đánh thức tôi dậy. Hóa ra có sự nhầm lẫn nhẹ, anh ấy sau khi đi công tác nước ngoài về quên chỉnh lại thời gian. Tôi nhắn tin lại bảo anh không sao, xem như có thêm thời gian trang điểm.

Ngồi trên taxi, tôi cứ líu lo như con chim non vì những cảm xúc lạ đang ngự trị trong tim! Dòng cảm xúc trong tôi cứ tăng mạnh lên mỗi khi điện thoại reo có tin nhắn. Dường như những ngày tháng đó, tôi chỉ ôm điện thoại để chờ đợi một người. 

Đúng là cái cảm giác có tình cảm của một ai đó lần đầu tiên bao giờ cũng thú vị, mặc dù thời gian để hai người ở bên nhau cực kỳ ít. Kẻ Nam người Bắc và ai cũng phải có công việc riêng, tôi chẳng dám đòi hỏi gì nhiều vì tôi biết công việc kinh doanh của anh rất bận. 

Nhưng không ngờ giữa anh và tôi lại có rất nhiều người bạn chung, nên những thông tin về anh, tôi đều khéo léo nắm được.

Tôi bị sốc và luôn tự hỏi chính mình rằng ở vị thế của anh có dư điều kiện để quen với những cô chân dài xinh đẹp. Còn tôi ngoài sự ngây thơ cả tin ra, tôi không có gì cả. Tôi liên tục nhắn tin cho anh để hỏi cho ra nhẽ, nhưng có một khoảng thời gian anh đã cắt liên hệ với tôi. 

Càng buồn, càng suy sụp tinh thần, thì bệnh mất ngủ trong tôi càng nặng. Đó là khoảng thời gian tôi phải sống trong căn nhà trọ nhỏ xíu và tối tăm trên đường C1, Cộng Hòa. 

Tôi bị trầm cảm đến mức rất nhiều đêm tôi cứ nhìn lên một khoảng không vô định. Tuy nhiên, ban ngày tôi lại tỏ ra như không có chuyện gì cả.

Và rồi tôi quyết định bỏ hết công việc đang làm để tìm cách tiếp cận chi nhánh của công ty anh ở Sài Gòn. Ban đầu, tôi chỉ xin vào đó học, rồi tiếp tục xin vào làm việc vì tôi biết chi nhánh đang thiếu vị trí PR. 

Tôi phải đối diện với anh để trái tim tôi mới thật sự quên được anh, vì nếu không, lý trí và trái tim tôi suốt ngày "đấu đá" với nhau sẽ làm bệnh trầm cảm của tôi thêm nặng. 

Quả thật, đến giờ phút này, tôi vẫn không hề giận người đó. Nhưng tự tha thứ cho chính mình mới là điều khó. Tôi bị trầm cảm có lẽ là do tôi không chịu tha thứ cho chính mình.

Hằng ngày cứ đến 10h sáng, tôi đến công ty làm việc, rồi một tuần ba buổi tôi ở lại học CEO đến 22h đêm. Thi thoảng họp hành hay công ty tổ chức những sự kiện lớn cho học viên, anh bay vào làm việc và chúng tôi vẫn phải giáp mặt nhau một cách bình thường. 

Tôi bắt đầu rơi vào trạng thái bị đóng băng mọi cảm xúc và lúc nào tôi cũng chỉ ước giá có ai đó cho mình cái tát thật mạnh để mình được bật khóc cho nhẹ trong lòng. Đi làm về, tôi không muốn giao tiếp với ai, không muốn gặp ai...

Tôi mất ngủ, bỏ ăn, nên khuôn mặt tôi chỉ là một cảm xúc trống rỗng. Tôi dừng luôn việc viết tiếp sách "Tin vào điều tử tế", và đỉnh điểm nhất có những ngày ở nhà tôi đã thủ sẵn dao lam. 

Phòng trọ tôi ở tầng một, chỉ 12m2 và rất ngột ngạt. Tôi hình dung nếu giờ mình rạch tay, máu chảy lênh láng và chắc phải vài ngày sau ai đó mới phát hiện ra. Tôi luôn hình dung về cái chết của mình vào những ngày tối tăm...

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ 9: Tình yêu và nếu tôi chết đi - Ảnh 2.

Trà My giờ rất tự tin với cuộc sống tình cảm của mình - Ảnh: NVCC

Tôi vẫn muốn làm vợ, làm mẹ

Rồi một lần đi dự hội thảo, tôi vô tình gặp được bạn Nguyễn Phi Vụ đang học tâm lý để sau này chuyên đi đào tạo và điều trị các triệu chứng về tâm lý. Cứ vài tuần, bạn lại qua nhà tôi, nghe tôi kể tất cả những tâm sự, những tổn thương tôi giấu kín trong lòng. 

Và tôi cũng kể những dự định sau này sách tôi được xuất bản, tôi muốn đem nó tặng cho các trại giam. Phi Vụ ngồi nghe và ghi chép lại tất cả. Lúc này, tôi bắt đầu thấm mệt vì đã tận mắt chứng kiến và biết thêm nhiều sự thật về người đàn ông kia.

Tôi thực sự muốn xin nghỉ ở công ty đó, nhưng vì lời hứa mà tôi đã tự hứa với người kia trước khi vào đó làm là sẽ giúp họ giải quyết vài sự việc có liên quan đến vấn đề quản trị thương hiệu. Nên tôi đành cố làm thêm vài tháng rồi viết đơn xin nghỉ. Tôi tự thấy trái tim tôi đau vậy đủ rồi!

Chuyển về nhà mới, nhưng bệnh mất ngủ của tôi vẫn kéo dài và tôi không thể làm bất cứ việc gì. Thậm chí, tôi nhận rất nhiều công việc liên quan đến chữ nghĩa, nhưng vẫn không làm nổi. Tâm trí tôi bế tắc cùng cực nhất thì tự nhiên Nguyễn Thị Vân (NLS) lại hay nhắn tin cho tôi. Đây là người bạn mà tôi hay gọi "sư phụ cua trai".

Đúng, tôi và Vân là những người phụ nữ không may bị khuyết tật, thậm chí Vân còn bị nặng hơn tôi, nhưng chúng tôi luôn tự chủ động trong cả công việc lẫn cuộc sống, luôn biết rõ mục tiêu mình là gì. 

Thế nhưng, tôi thừa nhận mình từng là cô gái luôn bị động trong chuyện tình cảm nên dẫn đến những tháng ngày u ám. Còn Vân thì ngược lại. Cô tự tin đến mức chủ động đến và cũng chủ động rút lui với những mối quan hệ không ổn.

Vân hay trêu tôi: "Chị làm vậy phí một đời, vì trai ngoài kia còn đầy...". Còn tôi hay nói đùa với bạn bè mình rằng: "Công nhận từ ngày Vân lấy được chồng, mình cảm thấy hạnh phúc và tự tin hẳn". Và để có được niềm hạnh phúc như hiện tại, ít ai biết được rằng cô gái bé nhỏ kia đã trải qua... 7 cuộc tình đổ vỡ.

Thú thật là cô gái khuyết tật cơ thể, nhưng không vì vậy mà tôi phải kìm ném đi những cảm xúc thật của mình. 

Và cũng chính câu chuyện của Vân đã giúp tôi khỏi bệnh trầm cảm. Hiện giờ, tôi đã đủ tự tin trong mối quan hệ mới và cũng tự tin rút lui nếu nhận thấy không thể là mối quan hệ đường dài...

Là cô gái khiếm khuyết hình thể, nhưng không có nghĩa mọi nhu cầu của tôi phải bị che khuất. Tôi vẫn khát khao làm vợ, làm mẹ, dù tôi biết đời sống hôn nhân không hề dễ dàng với phụ nữ khuyết tật.

Đó cũng là lý do tôi rơi xuống hố sâu trầm cảm. Dù bề ngoài tôi luôn tỏ ra mình độc lập, mạnh mẽ. Đôi khi tôi còn bất cần với đời nữa. Tuy nhiên, tìm hiểu sách tâm lý, tôi mới vỡ lẽ những người càng tỏ ra mạnh mẽ bao nhiêu thì ẩn sâu trong họ có thể là sự yếu đuối bấy nhiêu.

Thời gian gần đây tôi không còn phải cố gắng gồng mình lên để cố tỏ ra mạnh mẽ. Tôi có thể khóc, có thể cười và tự cho phép mình được nghỉ ngơi. Và cũng nhờ trải qua biến cố tình cảm mà tôi có thể chủ động hơn trong chuyện yêu đương.

TRẦN TRÀ MY

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ 8: Hãy có ước mơ lớn lao


TTO - Sau khi vượt qua nghịch cảnh của số phận, chúng ta sẽ làm được gì để trả ơn cuộc đời này? Đối với tôi, đó thực sự mới là điều quan trọng chiếm gần hết suy nghĩ của mình.

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ 8: Hãy có ước mơ lớn lao - Ảnh 1.

Khát vọng vươn lên được Trà My thể hiện vào sách - Ảnh: NVCC

Lần đầu ra công chúng

Năm 2006, một người em họ đang học Trường CĐSP Quảng Trị báo cho tôi biết nhà trường tổ chức cuộc thi văn học và kêu tôi gửi bài dự thi. Rồi tôi chợt nhớ mình đã từng sáng tác truyện ngắn "Mặc cảm" kể về cô sinh viên nhà quá nghèo nên phải bỏ học để đi phụ quán cơm và cô luôn bị mặc cảm bởi điều này.

Nhưng đến một ngày, cô phát hiện người khách vào ăn cơm chính là cha bạn học mình. Khi nghe ông tâm sự con trai mình chẳng chịu học hành gì dù nhà rất có điều kiện, lúc đó cô sinh viên nghèo kia mới giảm đi sự mặc cảm của mình.

Tôi nhờ người bạn nộp bài dự thi và chỉ để tên tác giả là tôi kèm theo số di động của ba tôi mà thôi. Chẳng mong mình được giải gì, chẳng qua tôi muốn cho mình cơ hội được trải nghiệm. Ai ngờ cái tên của tôi lại được ban tổ chức truy lùng khắp các khoa vì họ nghĩ tôi là một trong những sinh viên.

Thầy cô truy không ra, bèn gọi vào số điện thoại tôi ghi bên dưới bài dự thi. Ba tôi đang đi làm nghe điện thoại bất ngờ từ nhà trường thì cũng giật mình. Thế là ngay ngày hôm đó, cô hiệu phó đã xuống nhà tôi. Rồi ba dẫn tôi lên trường nhận giải và giao lưu với các bạn sinh viên, thầy cô.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi xuất hiện trước công chúng.

Bài dự thi của tôi được giải ba (hình như cuộc thi không có giải nhất). Giấy khen được nhà trường đề tặng là "Sinh viên Trần Trà My", vì nhầm tôi là sinh viên trường. Đối với tôi, điều này mới tạo ra sự công bằng nhất, bởi tôi không thích bất kỳ sự ưu ái nào!

Cả đêm hôm đó tôi mất ngủ vì hạnh phúc, đây là trái ngọt đầu tiên đến với tôi trong cuộc đời viết văn. Tôi quyết định viết bức thư cho chương trình "Ước mơ Việt Nam" để kể về câu chuyện này. Và thay vì gửi thẳng địa chỉ Đài Truyền hình Việt Nam, tôi lại gửi cho chị họ tôi lúc bấy giờ đang là sinh viên để nhờ chị ấy đem đến thẳng đài VTV.

Mấy tháng sau, êkip truyền hình đã gọi điện thoại cho ba tôi và báo sẽ về Quảng Trị để làm chương trình về tôi.

Thời đó, chương trình này do chị Mộng Hoài làm MC rất nổi tiếng. Chị ấy ở ngoài trẻ trung và thân thiện, nên mới gặp nhau vài phút tôi đã có cảm giác như chị em thân thiết từ lâu. Tôi quan sát cách họ làm việc, cách viết kịch bản và cách khai thác nhân vật, rồi ước gì sau này mình cũng được như họ...

Tâm lý cô gái khuyết tật 20 tuổi lần đầu được lên chương trình truyền hình quốc gia có thời lượng 30 phút làm cho tôi hồi hộp. Hôm đó, êkip chương trình đã đến nhà tôi vào lúc 8h sáng để setup mọi thứ.

Nhưng đó lại là một ngày mưa gió bão bùng, thành ra không thể thu âm thanh trực tiếp và mãi đến tận trưa mới quay được. Khi êkip truyền hình ra về, lòng tôi lại trỗi lên khát khao muốn vào Sài Gòn lập nghiệp.

20 tuổi, tôi đứng nơi hiên nhà và hình dung về một tương lai tươi sáng. Rồi tôi sẽ trở thành một cô gái xinh đẹp, tự tin, đi khắp nơi và được gặp gỡ rất nhiều người. Và tôi luôn tin vào điều đó! Tại sao không dám cho mình một ước mơ lớn lao?

Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ 8: Hãy có ước mơ lớn lao - Ảnh 2.

Khuyết tật, nhưng Trà My rất thích đi và giao lưu - Ảnh: NVCC

Biến khuyết điểm thành ưu điểm

Còn nhớ khi đang quay chương trình "Ước mơ Việt Nam", khi êkip vừa off máy là tôi đã xin ngay tờ kịch bản chương trình. Vì tôi muốn học thêm cách viết nội dung kịch bản. Tôi tin rằng sau này mình sẽ không dừng lại ở việc viết văn.

Cho đến khi vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi càng cố gắng làm quen với nhiều người thành công, thành đạt. Cách hay nhất là tham gia nhiều sự kiện quan trọng, qua đó tôi được học hỏi thêm nhiều thứ và xây dựng các mối quan hệ xã hội.

Một đứa con gái khuyết tật, chỉ có thể nhúc nhắc đi lại bằng xe đẩy, nói không ai nghe rõ, nhưng tôi cố tham dự nhiều sự kiện dành cho giới doanh nhân, nghệ sĩ hay bạn trẻ sinh viên. Đến mức nhiều người ngạc nhiên sao sự kiện nào cũng thấy mặt tôi cả.

Vào chỗ đông người, tôi thường quan sát và cũng chủ động làm quen, trao đổi name card, chứ chẳng hề thụ động ngồi một chỗ. Thậm chí, tôi sẵn sàng đặt câu hỏi với diễn giả hay phản biện vấn đề họ vừa nói.

Tất nhiên là tôi phải nhờ thêm giấy viết, vì giọng ú ớ của tôi nói thì họ sẽ rất khó nghe được. Có hôm tôi còn "chạy show" hai, ba sự kiện trong ngày, và tôi quan sát luôn cả êkip tổ chức sự kiện để học hỏi...

Nhờ mạnh dạn đi nhiều như vậy nên kiến thức, mối quan hệ, sự tự tin trong tôi đã tăng lên rất nhiều.

Dù rất mệt và có tình huống bước vào những nơi sang trọng thì bảo vệ không cho tôi vào, vì họ nghĩ cô gái khuyết tật vào để xin xỏ gì đó. Bởi hồi đó tôi chưa biết trau chuốt ngoại hình, toàn mặc đồ trẻ con, thậm chí ngay giày dép tôi cũng chỉ có thể mua đồ nhỏ của em bé.

Đã vậy, tôi còn toàn xin đi nhờ xe máy, tóc tai bê bết mồ hôi thì nhìn ngoại hình của tôi có lẽ chẳng khác gì "đứa ăn xin". Trong khi các sự kiện này đa số là dành cho những người thành đạt, nổi tiếng.

Quả thật tôi cũng biết tận dụng những khuyết điểm của mình để biến thành ưu điểm. Nhưng cứ để cho truyền thông nói lui nói tới về sự "vượt lên số phận" của mình thì sẽ tạo ra sự nhàm chán cho cả chính tôi lẫn khán giả. Bởi suy cho cùng, mỗi cuộc đời ai cũng có lúc vượt lên nghịch cảnh cả, huống gì người khuyết tật như tôi.

Dần dần tôi suy tư nhiều về những khoảnh khắc trong cuộc sống vô tình gặp một người xa lạ nào đó cảm ơn mình, rồi nói rằng nhờ sự cố gắng của mình đã giúp họ thay đổi tương lai hoặc vượt qua được bế tắc cuộc sống.

Có lẽ lúc đó chúng ta mới thấm thía về sự cố gắng của mình không chỉ giúp cho chính cuộc đời mình mà còn tạo niềm hi vọng cho hàng triệu người khác có cơ hội vươn lên.

Và cuộc đời tôi trong suốt mấy năm qua đã gặp được những khoảnh khắc tuyệt vời như vậy! Có rất nhiều người xa lạ ngoài kia đã chạy đến cảm ơn tôi khi vô tình tôi đã giúp họ chiến thắng được số phận.

Thậm chí, có những bạn nữ mà ngay cả ước mơ đơn giản nhất là mặc cái váy hai dây hay mang một đôi giày cao gót đẹp cũng không dám thực hiện. Chỉ tới khi họ thấy những bức hình "chưng diện" đầy tự tin của cô gái khuyết tật cao 1,32m của tôi trên Facebook, họ mới thêm tự tin hiện thực hóa những mơ ước đơn giản trên.

Mới đây nhất, tôi ngồi xem chương trình "Điều ước thứ 7" trên VTV3 kể về cô bé Hà Phương sinh ra bị mất một tay nhưng có ước mơ thành người mẫu. Và tôi rất xúc động phát hiện ra chi tiết người mẹ của bé vẫn hay sưu tầm những bài báo viết về các tấm gương vượt lên số phận, trong đó có những bài báo viết về tôi.

Đôi khi chỉ cần không bê tha với chính cuộc đời mình cũng là cách "cứu rỗi" được biết bao cuộc đời xa lạ ngoài kia. Tương lai còn dài và tôi cũng còn rất nhiều hoạch định cho bản thân.

Tuy nhiên, tôi không thích đao to búa lớn theo kiểu mình là diễn giả đi truyền nghị lực sống cho ai cả, mà chỉ đơn giản một điều: khi cuộc sống của ai đó bế tắc thì xin hãy nhớ có một người đã từng vô cùng bất hạnh như tôi, nhưng bây giờ tôi đang thực hiện ước mơ lên đến những vì sao...

Vươn đến những vì sao trên trời

Chương trình truyền hình được phát, tôi nhận được rất nhiều thư từ của khán giả cả nước. Ngoài ra, tôi cũng có một số tiền do chương trình trao tặng để được nối mạng Internet. Từ đó các bài viết của tôi không cần phải in giấy gửi bưu điện cho các báo nữa.

Nhờ có mạng mà tôi được giao lưu, học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Tôi lập blog và xin được kết bạn với rất nhiều người thành công để học tập ở họ những cái hay. Một cô gái khuyết tật ngồi ở nhà như tôi đã có thể vươn đến những vì sao trên trời...


TRẦN TRÀ MY

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...