Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Nhớ những mùa trung thu xưa cũ

 

Ngày bé ở quê cứ vào tầm mồng mười tháng tám âm lịch là tụi trẻ con đã rộn ràng chuẩn bị cho trung thu. Hằng đêm, từng tốp múa lân đã đi đầy đường, chen vào khắp hang cùng ngõ hẻm, làm nháo nhào cả khu phố mỗi lần có đoàn múa lân xuất hiện.

Quê tôi ở tận một huyện nghèo của miền Trung. Phải tận năm 92 hay 93 gì đó của thế kỷ trước, khi cả gia đình chuyển vào thị xã, chị em chúng tôi mới biết thế nào là Tết Trung thu. Nhưng miền Trung, rằm tháng tám đa số rơi vào mùa mưa bão. Thành ra, cứ hễ đêm nào trời không mưa là tụi trẻ chúng tôi lại reo hò vui sướng vì được ra đường xem múa lân và cũng có khi tụ tập lại thành một đoàn múa lân nhỏ. Tự trang trí "đồ nghề " và lập ra nhóm nhảy quanh xóm để kiếm tiền.

Hồi mới từ quê lên thị xã sinh sống, mỗi khi thấy đoàn múa lân vào nhà, chị em chúng tôi lại sợ hãi khóc toáng lên! Đứa thì núp sau gốc bàn, đứa chui vào lòng cha mẹ. Chúng tôi nào biết ông Địa là ai, Tôn Ngộ Không là ông nào, hay đầu lân sư tử là cái gì đâu. Nhưng mùa Trung thu năm sau, ba tôi đã mua giấy về làm mặt nạ, làm đèn ông sao, mua cả cái trống bé bé về cho tụi tôi chơi Trung thu. Ba còn lấy mấy cái lon bia hay mất thùng giấy carton người ta bỏ đi về làm lồng đèn và đặt thêm cây nến vào thắp sáng lên.

Mặt nạ thì kiếm tờ giấy to và vẽ vời trang trí thêm. Sau đó, khoét hai cái lỗ để làm hai con mắt, đục thêm hai cái lỗ kế bên mang tai, kiếm hai sợi dây luồng vào là thành cái mặt nạ. Con nhà nghèo nên ba mẹ phải sáng tạo để chúng tôi cũng có đồ chơi như tụi trong xóm. Nguyên dãy khoảng 10 nhà san sát nhau, nên lớn thêm một chút là tụi tôi đã biết tụ tập lại mỗi lần đến Tết Trung thu. Thật ra bắt đầu qua rằm tháng bảy, chúng tôi đã rục rịch đếm từng ngày… Nguyên cái xóm nhỏ ấy, tụi con nít chúng tôi bắt đầu góp tiền từ bán ve chai, nhịn ăn sáng... để đến rằm Trung thu mua bánh, kẹo, trái cây và cả nước ngọt nữa.



Đúng đêm rằm, nếu trời không mưa, chúng tôi lại trải chiếu ra sân của nhà ai đó. Ngồi bày bàn tiệc ra để cùng nhau phá cổ Trung thu, cùng hát hò vang một khoảng trời, rồi cùng nhau ngắm trăng tròn và mơ về chị Hằng, chú Cuội.

Nhưng năm nào xui đúng ngày bão, bầu trời đen thui thì không được ngắm ông trăng, chẳng được xem múa lân và cũng chẳng được cùng nhau hát hò phá cổ đêm rằm. Thế nên nhà nào biết nhà đó. Mấy chị em chúng tôi tự chơi với nhau, lấy thùng carton đội lên đầu, lấy cái trống nhỏ tự đánh tùng tùng rồi cùng nhảy múa lân, cùng ăn bánh nướng, bánh dẻo cơ quan ba tôi phát cho. Nhà đông con nên có lợi, mỗi khi lễ tết thường được phát quà gấp đôi nhà người ta.Thành ra bánh kẹo hay đồ chơi sẽ được nhiều hơn và tiếng cười, nói hay chí chóe, cãi cọ nhau cũng rộn rã hơn…

Lớn lên, xa quê hương, ở thành phố lập nghiệp, bận rộn đến quên cả tiếng trống lân, cũng không còn thời gian để nhìn lên bầu trời xem chị Hằng, chú Cuội. Đôi khi nhớ ra, chạnh lòng nhắn tin cho mấy đứa em ở quê hỏi: “Giờ này ở quê đã có múa lân chưa mấy đứa?”

Hỏi xong, tự nhiên thấy cả một bầu trời ký ức của những mùa Trung thu xưa cũ chợt hiện về trong tâm trí...

Nguồn:https://baobinhphuoc.com.vn/Content/nho-nhung-mua-trung-thu-xua-cu-74415

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Mái Tóc Và Câu Chuyện Tình Yêu (*)

 Ngồi xem một đoạn clip ngắn kể về câu chuyện ông cụ vụng về chải tóc cho vợ mình bên giường bệnh, không hiểu sao cứ khiến tôi thẫn thờ rất lâu. Nhìn cái cách ông cụ từ từ gỡ từng sợi tóc rối cho vợ mình rồi mới đưa lược lên chải vì sợ sẽ làm đau tóc bà cụ. Ừ thì rất vụng, nhưng lại rất ân cần và cũng rất chân thành.

 


Bốn mươi năm họ là vợ chồng của nhau, trải qua biết bao sóng gió và đến những ngày cuối đời - họ vẫn giữ được sự yêu thương chăm sóc như ngày nào mới yêu. Thói quen đó, thói quen luôn cần có nhau, luôn tôn trọng nhau và luôn dành cho nhau sự quan tâm chân thành, đôi khi là vụng về cũng được. Bởi trong tình yêu chỉ cần sự chân thành là đã quá đủ!

 

Hôm bữa đi cafe với một bạn nhà văn tôi có trải lòng thật với bạn rằng đã 7 năm trôi qua mình không thể viết bất kỳ một truyện ngắn nào liên quan đến tình yêu. Kể từ sau khi hoàn thành xong tập truyện ngắn mang tên "Yêu…Trên Từng Ngón Tay" là dường như tôi không thể viết thêm được gì liên quan đến chuyện yêu đương thậm chí, đọc một cuốn sách ngôn tình tôi cũng không dám đọc.

 

Vì sao ư? Bởi tôi và xung quanh mình, những câu chuyện, những cuộc tình của những người trẻ…cứ rạn nứt giữa đường. Hồi kết đường ai nấy đi của những cặp vợ chồng trẻ đã khiến tôi hoang mang đến ám ảnh.

Mọi niềm tin vào hạnh phúc gia đình cứ ngày càng vỡ vụn trước mắt tôi như những tấm kính trắng đã không chịu nổi trước sóng gió cuộc đời. 

 

Hãy trân trọng những khoảnh khắc có nhau trong hiện tại này

 

Hàng ngày nhìn những đôi vợ chồng trẻ, những người bạn quanh mình chỉ mới hôm qua thôi họ còn ngập tràn hạnh phúc trong một đám cưới sang trọng, thì ít lâu sau họ lại sửa trạng thái trên trang facebook cá nhân là Độc Thân và xóa sạch mới dấu vết của người cũ như chưa bao giờ bước vào đời nhau.

 

Những người mẹ trẻ đơn thân ngày một nhiều, nhiều đến mức mỗi khi tôi nhìn thấy họ và lắc đầu sợ hãi mà thốt lên rằng: "Không nhẽ cuộc sống hiện đại đã giết chết hôn nhân sao?" Và cũng có những lúc tôi đã có những ý nghĩ tiêu cực rằng, biết đâu sau này mình cũng là một bà mẹ đơn thân?...

Có một người bạn đã tâm sự rằng cuộc sống càng phát triển thì niềm tin vào hôn nhân càng trở lên xa xỉ, nó như một món đồ trang sức rất quý, nhưng không phải đôi vợ chồng trẻ nào cũng may mắn sở hữu nó. Vì nó quý giá nhưng lại rất vô hình, nên khi những thứ cám dỗ ngoài xã hội sẽ làm che lấp tầm mắt chúng ta.

 

Chúng ta bị che lấp "tầm nhìn yêu thương" bởi những cảm dỗ bên ngoài xã hội nên rất nhiều bạn trẻ ngày nay chỉ muốn yêu thôi đừng cưới. Bởi họ sợ đổ vỡ và sợ chính mình không đủ kiên nhẫn để nuôi dưỡng những hẹn thề sẽ sống với nhau đến đầu bạc răng long.

 

Và bởi họ cũng chứng kiến rất nhiều tấm gương vỡ xung quanh mình…

Và tất nhiên trong đó cũng có cả tôi – những đổ vỡ trong tình yêu từ năm 29 tuổi đã khiến tôi có một thời gian rơi vào trầm cảm và tự nhủ nên khép lại mong cách cửa trong trái tim mình. Ấy nhưng, những lúc như vậy thì câu chuyện của 15 năm về trước lại hiện về trong tâm trí mình.

 

Tôi nhớ mãi hình ảnh một bà cụ 70 tuổi trong một lần vào tiệm tóc gần nhà. Bà rất già, tóc bạc trắng và chỉ còn lơ thơ vài cộng mà thôi. Lúc chủ tiệm gội đầu xong và ngồi sấy tóc cho bà thì cô chủ tiệm mới buộc miệng bảo: "Tóc bà còn mấy sợi hay bà cắt ngắn cho tiện."

Lúc ấy bà cụ chỉ từ tốn trả lời rằng: "Tại ông nhà từ xưa giờ thích mái tóc này lắm con ạ!" Cô chủ tiệm hỏi lại: "Vậy năm nay ông bao nhiêu rồi bà?" Bà cụ vẫn giọng từ tốn: "Ông mất được bốn năm rồi con."

 

Tôi lúc đó mới chỉ là cô gái tầm 18, 19 tuổi, cái tuổi quá ngây ngô để hiểu sự đời nhưng không hiểu sao lúc đó tôi cứ nhìn bà bằng đôi mắt thán phục. Sự mơ mộng của một cô gái như tôi bỗng trổi dậy. 

 

Tôi hình dung chắc tình yêu của ông bà thời trẻ đẹp lắm, họ yêu nhau tha thiết lắm nên đến giờ phút cuối đời dù không còn ông bên cạnh, nhưng tình yêu họ dành cho nhau vẫn luôn còn mãi theo thời gian.

 

Và câu chuyện đẹp đó luôn đọng mãi trong tâm trí tôi và cũng vô tình giúp tôi xoa dịu đi những nỗi đau trong chuyện tình cảm.

Thì lúc ta trẻ, ta còn nhiều thứ để theo đuổi, nhiều cuộc tình để mà chọn lựa, để mà bỏ ngang nhưng khi ta về già, khi đó chỉ cần một cái nắm tay của một nửa của mình cũng làm trái tim ta bỗng ấm áp và diệu kỳ. Nó sẽ là nguồn sinh khi nuôi dưỡng ta chống chọi bên bệnh tật tuổi già.

 

Thôi thì tự nhủ hãy sống sao mà khi tới những ngày cuối đời bên giường bệnh vẫn có người cầm chiếc lược vụng về chải đầu cho mình như cặp vợ chồng già trong đoạn clip ngắn kia.

Cứ nghĩ vậy là tự nhiên ta sẽ biết trân trọng những khoảnh khắc có nhau trong hiện tại này thôi, bạn ạ!...

 

(*) Viết theo đơn đặt hàng của Soha.vn. Tuy nhiên, tựa đã được tác giả sửa lại

 

 Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!


Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Lan tỏa nghị lực sống: Trải nghiệm và cảm phục


Khi đến thăm các chốt biên phòng, lòng tôi chợt dâng lên một sự thán phục kỳ lạ, có những chốt biên phòng tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy sự thiếu thốn của họ. 
Tác giả Trần Trà My  tặng sách cho các chiến sĩ bộ đội biên phòng ở Bình Phước /// NHÂN VẬT CUNG CẤP
Tác giả Trần Trà My tặng sách cho các chiến sĩ bộ đội biên phòng ở Bình Phước
NHÂN VẬT CUNG CẤP
Bình Phước có 16 đồn biên phòng, 62 chốt và 11 chốt lưu động. Tất cả đều nằm trong rừng sâu hẻo lánh. Tôi đã đến được hơn 30 chốt để thăm các chiến sĩ biên phòng. Tôi đến đó chỉ mang theo món quà tinh thần là tác phẩm của mình viết và mang theo một trái tim đầy cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của họ.
Ngày xưa trong ký ức của mình, tôi hay ngồi xem những bộ phim tài liệu hoặc những phim truyện kể về cuộc chiến tranh khốc liệt. Những cảnh tượng về những người lính trẻ trong rừng sâu thăm thẳm, không điện không nước và sống trong các lán trại được lợp bằng lá rừng. Những bữa ăn vội vã để chuẩn bị cho ca trực. Những đêm mưa gió bão bùng không thể chợp mắt vì lo sợ sập lán...
Rồi thi thoảng mới có đoàn văn công nào đó đến thăm và phục vụ văn nghệ cho đời sống tinh thần của anh em chiến sĩ.
Tôi xem và vô cùng xúc động. Nhưng rồi tự nghĩ giá một ngày nào đó mình cũng được như mấy cô văn công trong thời chiến tranh ấy nhỉ. Thật sự đây chỉ là ước mơ trẻ con của một đứa bé vốn mơ mộng và giàu trí tưởng tượng mà thôi. Để rồi thời gian trôi qua và những suy nghĩ khác đã xâm chiếm lấy trí tưởng tượng của tôi. Tôi cũng quên luôn hình ảnh những cô văn công thời chiến mà mình đã từng xem trên ti vi thời thơ ấu.
Nhưng rồi khi đại dịch ập đến, tôi nhận được tin nhắn của anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, muốn mời tôi về giao lưu với các bạn chiến sĩ đang phục vụ trong quân ngũ. Anh bảo với tôi rằng: "Các chiến sĩ trẻ rất cần được tiếp lửa em ạ". Ban đầu tôi được mời đến giao lưu tại Tiểu đoàn 208 nằm trên huyện Lộc Ninh, kế tiếp là giao lưu tại Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động tỉnh Bình Phước. Hai chương trình giao lưu này đã tạo ra sự lan tỏa tại địa bàn tỉnh Bình Phước, rất nhiều bạn trẻ đã được tiếp lửa tinh thần từ chương trình.
Tôi có thêm cơ hội hiểu sâu hơn những gian khổ thiếu thốn của người lính, khi chính mình được ăn ngủ trong môi trường quân đội chuyên nghiệp. Để rồi giữa những ngày dịch bệnh hoành hành này, dường như trái tim tôi đã dành trọn vẹn tình cảm cho các chiến sĩ biên giới. Bởi họ đang ngày đêm canh gác nơi biên cương Tổ quốc.
Lan tỏa nghị lực sống: Trải nghiệm và cảm phục1

Tác giả Trần Trà My

Cuộc sống của người chiến sĩ vốn đã vô cùng khó khăn thiếu thốn và cuộc sống của những chiến sĩ biên phòng lại càng khó khăn hơn. Thậm chí những thứ tối thiểu như điện nước, sóng wifi, sóng điện thoại đều không thể tới được rừng sâu thăm thẳm. Đó là chưa kể điều kiện sinh hoạt như nhà vệ sinh, nhà bếp, chỗ ăn ngủ, đồ thực phẩm tươi sống đều rất hạn chế. Và ở đó còn có những câu chuyện cảm động như có những bạn trẻ phải hoãn lại chuyện cưới vợ để tập trung lo cho nhiệm vụ chống dịch, có những người lính trẻ lần đầu tiên được làm bố nhưng vẫn không thể về ôm con vào lòng. Và ở đó có những người lính biên phòng mới 19, 20 tuổi nhưng hơn nửa năm rồi không được về thăm gia đình, vì phải ở lại các chốt biên phòng canh gác.
Quả thật giữa thời 4.0 này khi một người trẻ như tôi chỉ cần một giờ không có sóng wifi, không có sóng điện thoại là tôi đã chịu không nổi. Thế nhưng ở các vùng biên giới các chiến sĩ phải sống như vậy. Họ phải bám vào các chốt biên phòng để bảo vệ quê hương.
Khi đến thăm các chốt biên phòng, lòng tôi chợt dâng lên một sự thán phục kỳ lạ, có những chốt biên phòng tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy sự thiếu thốn của họ. Tôi đến thăm các chiến sĩ trẻ bằng những lời hỏi han động viên. Bất giác hình ảnh cô văn công thời chiến tôi đã từng xem trên ti vi cứ hiện lên trong tâm trí của mình. Tôi thấy mình cũng có điểm tương đồng như các cô văn công thời chiến ấy. Duy chỉ có khác một điểm: Các cô văn công động viên tinh thần chiến sĩ bằng lời ca tiếng hát. Còn tôi động viên tinh thần họ bằng những con chữ tử tế giàu tinh thần yêu quê hương đất nước.
Tác giả của bài viết này là Trần Trà My (34 tuổi, quê Quảng Trị), từng bị liệt toàn thân, không nói được, nhưng chị vẫn cố gắng, nỗ lực tập luyện, để cho ra đời 4 cuốn sách chỉ với 1 ngón tay gõ bàn phím máy tính.
4 cuốn sách gồm: Giấc mơ đôi chân thiên thần, Chúng ta chính là mùa xuân, Yêu trên từng ngón tay và Tin vào điều tử tế.
Các cuốn sách của Trần Trà My viết về những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Dù điều kiện đi lại rất khó khăn nhưng chị đã đến nhiều nơi trong nước, tới các doanh trại quân đội, trường học, trại trẻ mồ côi, trại giam, trại cai nghiện, gặp gỡ hàng trăm người có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc đời chị để có những câu chuyện, xúc cảm đời thực lan tỏa cho bạn đọc. Chị cũng được mời đi nhiều nơi để giao lưu trò chuyện, qua đó truyền cảm hứng về khát vọng sống đẹp đến mọi người, nhất là giới trẻ, những người lầm lỡ.

Bản tình ca cuộc sống

AT - Bảy giờ sáng, khi cánh cửa sắt của ngôi biệt thự mở ra thì cũng là lúc một ngày làm việc mới của tôi bắt đầu. Lần nào cũng vậy, tôi luôn thận trọng đặt những bước chân nhẹ nhàng nhất vì sợ phá vỡ bầu không khí của buổi sáng tinh khôi trong ngôi nhà sang trọng này.

Vẫn là câu hỏi bằng giọng run run của bà cụ nằm trong phòng như một lời chào dành cho tôi mỗi khi bước vào nhà:

MfmVrnvK.jpg
Minh họa: NGUYỄN THANH

- Đến rồi hả con?

- Dạ con chào bà ạ! Bà ơi, hôm nay bà thấy trong người thế nào? - Tôi vừa nói chuyện vừa đeo khẩu trang, găng tay để bắt đầu công việc của một điều dưỡng viên đến rửa vết thương và tập vật lý trị liệu cho bà cụ. Nhẹ nhàng đưa người bà cụ sang một bên, tôi bắt đầu rửa những vết thương sau lưng, chúng như những cái hố nhỏ đang lan dần ra và lở loét do viêm nhiễm vì nằm lâu ngày.

- Bà nằm yên và chịu khó đau một tí nhé. Vết thương sắp lành rồi bà ạ. Con chỉ cần rửa sạch sẽ là ít hôm nữa bà ngồi dậy đi lại được rồi.

Tôi nói bằng giọng bình thản nhất có thể để an ủi bà chứ thật ra khi vết thương cũ chưa kịp lành thì vết thương mới lại xuất hiện. Vẫn bằng giọng nói run run và cố nén nỗi đau, bà trò chuyện cùng tôi:

- Sống mà làm khổ con cháu vậy chắc bà chết còn hơn, con ạ!

- Ơ kìa, sao bà lại nói vậy? Con cháu lúc nào cũng thương và mong bà trường thọ mà. Nào, bà chịu khó nằm yên một chút để con cho thuốc kháng sinh nha.

Bà cụ cố gắng nằm yên một hồi rồi buông ra một hơi thở dài, nói tiếp những đoạn đứt quãng:

- Nằm một chỗ mới biết hết giá trị của mình trong mắt con cái là như thế nào. Buồn lắm con ạ.

Bỗng dưng tôi khựng người lại trong tích tắc, bàn tay run lên và không thể nào đưa tiếp miếng bông tiệt trùng vào lau vết thương được. Tôi chợt nhớ đến cảm giác lần đầu tiên đến chăm sóc vết thương và tập vật lý trị liệu cho bà cụ, sau khi công ty vừa ký xong hợp đồng. Trước khi đến đây, sếp đã dặn tôi: “Đây là một khách hàng VIP*. Họ cực kỳ giàu có và có con làm bác sĩ ở nước ngoài hẳn hoi. Anh giao ca này cho em vì tin vào thái độ cũng như cách làm việc tận tâm với người bệnh của em”.

Chỉ vì chữ “Tin” của sếp đặt lên vai tôi mà ngay từ sáng đầu tiên đến chăm sóc bà cụ, tôi đã bị đối xử như một người giúp việc. Khi vừa đến nhà, họ bắt tôi… xuống bếp nấu cháo, gọt trái cây cho bà cụ, vì người giúp việc đang nghỉ phép. Trong khi đó, trong phòng bà cụ người ta đã thuê hẳn một cô điều dưỡng người nước ngoài. Tôi ngỡ ngàng đến mức định gọi điện ngay về công ty để hỏi xem có phải đã cho địa chỉ khách hàng nhầm không.

Thế nhưng khi thấy người con trai trưởng đứng bên cạnh bà cụ, một Việt kiều có bề ngoài giàu có phong độ, thì tôi mơ hồ hiểu ra vấn đề và cố làm cho hết nhiệm vụ khách hàng yêu cầu, dù đây không phải công việc dành cho một người điều dưỡng khi đến nhà khách hàng.

Tuy nhiên một tuần sau, mọi thứ được hoán đổi khi người con cả của bà về Mỹ lại. Lập tức người con thứ không thuê người điều dưỡng nước ngoài ấy đến chăm sóc bà cụ nữa. Toàn bộ số tiền người anh cả để lại để lo chăm sóc cho mẹ đã được vợ của người em quản lý và chi xài rất hạn chế. Vợ chồng con cái anh ta ở các phòng riêng và đi làm đi học suốt ngày, bỏ mặc việc chăm sóc bà cụ cho tôi và một con bé giúp việc. Chưa bao giờ tôi thấy hai đứa cháu nội bước vào phòng bà.

Công việc của tôi hàng ngày đến rửa vết thương và tập vật lý trị liệu chỉ gói gọn trong vòng một tiếng đồng hồ, nhưng tôi luôn nấn ná để trò chuyện thêm một chút cho bà cụ đỡ buồn, vì tâm lý người già luôn thích được có người trò chuyện. Sự cô quạnh của bà cụ làm tôi không ít lần rơi nước mắt. Bà hay nhờ tôi đưa bà ngồi dậy dựa vào cửa sổ cạnh giường. Từ đó nhìn ra sẽ thấy một ngôi nhà tôn lụp xụp và ẩm thấp. Bà cụ thường nói với tôi: - Nếu giờ đổi ngôi biệt thự sang trọng này để ở ngôi nhà lụp xụp kia bà cũng sẵn sàng.

Tôi ngạc nhiên hỏi lý do thì bà bảo tôi cứ lại gần cửa sổ mà quan sát. Y lời bà, tôi dán mắt vào cửa sổ để nhìn sang nhà bên cạnh. Khung cảnh chẳng có gì ngoài hình ảnh một anh con trai đầu trọc lóc, mặc một chiếc áo thun rách đang dìu mẹ mình từ trên giường xuống chiếc xe lăn. Gương mặt anh đầy vẻ cố gắng, thận trọng, với đôi mắt ánh lên tình thương yêu nồng ấm.

- Hình như anh con trai đang chuẩn bị đưa mẹ mình đi đâu đó, bà ạ - Tôi nói mà mắt vẫn không ngừng quan sát.

Bà cụ nói với đôi mắt nhìn xa xăm:

- Nó lại đẩy mẹ nó lên chùa xin ăn đó. Tội nghiệp, dù không có trí tuệ như người ta nhưng bù lại nó cực kỳ hiếu thảo với cha mẹ bằng trái tim chứ không phải bằng khối óc. Đúng là cuộc sống như một bản nhạc với đủ mọi nốt nhạc trầm bổng, chưa chắc ta và người đàn bà kia ai đã hạnh phúc hơn ai, con ạ!

Tôi thầm nghĩ đúng là mỗi con người chẳng khác nào một nốt nhạc có người may mắn được làm một nốt bổng bay cao, thì cũng có người bất hạnh làm một nốt trầm đến mức không ai nhận ra sự tồn tại của họ. Nhưng dù sao, họ vẫn là một phần không thể thiếu để tạo nên một ca khúc nhiều cung bậc bất tận cho cuộc đời này!

Xin phép bà cụ tôi ra về dù trong lòng không muốn bỏ cụ thui thủi một mình, trong khi con bé giúp việc vẫn đang dán mắt vào tivi bên phòng khách. Giữa muôn trùng của cuộc sống nhộn nhịp, tôi lại tiếp tục đến nhà khách hàng khác để chăm sóc.

… Và bản tình ca cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn!

(Sài Gòn, ngày 22-3-2011)

Nguồn: https://tuoitre.vn/ban-tinh-ca-cuoc-song-461528.htm

Câu chuyện một chiều mưa

 

Tập truyện ngắn 'Bản tình ca cuộc sống' của nhà văn đầy nghị lực Trần Trà My viết về những câu chuyện có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống với đủ cung bậc trầm bổng của cảm xúc, đem lại những góc nhìn nhân văn, ý nghĩa về cuộc đời.Nó và gã tiếp tục len lỏi giữa đường phố TP.HCM. Cả hai vừa tìm được vài phút giây hiếm hoi để rửa sạch bao nỗi buồn trong lòng.

Cơn mưa ập tới hối hả với những hạt to tướng. Ừ, mưa là thế đó! Bất chợt ập tới khi cái nóng oi bức chưa kịp tắt, rồi hối hả bỏ chạy khi những chiếc áo mưa khoác trên người chưa kịp ướt.

Nó đứng núp dưới tán cây bằng lăng, đôi mắt thả theo những hạt bong bóng mưa ở dưới mặt đường với một vẻ thích thú khôn tả. Ừ, nó là thế, lúc nào cũng thích ngắm nhìn những bong bóng mưa trôi trên mặt đường. Thích thú để rồi chưng hửng nuối tiếc khi nhìn những giọt bong bóng vỡ tan.

Đường phố náo loạn vì dòng người tất tả chạy trốn cơn mưa. Hình như ở thành phố xô bồ này người ta ghét mưa thì phải, vì mưa làm gián đoạn hết mọi công việc của họ. Còn nó thì ngược lại, nó yêu mưa vô cùng bởi nhiều lúc giữa cuộc sống tất bật, chúng ta cần có một khoảng lặng để nhìn lại chính mình.

Chợt mỉm cười với ý nghĩ ngây ngô ấy, nó khẽ thì thầm câu hát: “Yêu và yêu có thế thôi. Thu về làm mưa không ngớt. Bong bóng bên mưa, bong bóng không nghe giá lạnh”. Nghêu ngao hát cùng tiếng mưa rơi, hai cánh tay nó khoanh lại như để xua đi hơi lạnh đang phảng phất đâu đó trong không gian.

“Nhưng nàng công chúa có biết chăng, mưa là người đàn ông dối gian, vì mưa chỉ yêu có chính mưa mà thôi”. Khẽ giật mình khi có ai đó chợt nối tiếp câu nó định hát.

Đôi mắt nâu mở to ngơ ngác khi trước mắt nó là một gã cao lớn, tóc dài tận vai và đang ướt như chuột lột, cũng đang nghêu ngao hát như nó.

“Ngày xưa rất xưa ấy, có một nàng công chúa, hồn nhiên như mây trên bầu trời, đùa giỡn với gió và trăng, được tự do cùng mưa hát vang”. Gã hát xong câu đó bất chợt nhìn nó và bảo:

- Hình ảnh của nàng công chúa bong bóng rất giống em đó, cô bé ạ.

Nó nhíu mày đáp: Sao anh biết?

- Thì cô bé hãy nhìn dòng người qua lại kia đi. Ai cũng hoảng hốt chạy trốn cơn mưa, chỉ riêng mình cô bé là có vẻ thích thú ngắm nhìn những giọt bong bóng và còn hát nghêu ngao nữa!.

Vừa nói gã vừa chỉ tay ra ngoài đường, nơi đang ồn ào tấp nập với hàng tá xe cộ, át cả tiếng mưa rơi…

- Còn anh thì sao?

- Tôi á?

- Gã khẽ mỉm cười rồi cất cao giọng hát: “Ngày xưa lúc thơ bé, ta thường nhìn mưa hát và khi cơn mưa như nặng hạt, lại có bóng nước chợt tan. Mẹ bảo ta rằng bong bóng mưa… và mẹ cũng đi mãi trong chiều mưa bong bóng, mẹ đi mang theo câu chuyện buồn cổ tích bong bóng và mưa”.

Sách Bản tình ca cuộc sống. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Câu hát buồn của gã khiến tim nó nhói lên. Giọng nó thì thầm trong cổ họng như sợ sẽ làm gã buồn hơn:

- Không nhẽ anh cũng vậy sao?

Nó nhìn vào khuôn mặt mệt mỏi và buồn rười rượi của gã. Gã nghiêng đầu nhìn nó, cười trừ nói:

- Bởi mưa đã cướp mất mẹ của tôi.

Đôi mắt gã nhìn xa xăm về một khoảng trời ký ức nào đó. Nó đưa tay ra hứng những hạt mưa đang rơi, ngước nhìn gã và nói:

- Có phải mưa mang mẹ anh đi đâu! Tại số mẹ anh chỉ được sống tới đó thôi mà. Đừng đổ lỗi cho mưa mà tội anh ạ.

Giọng nói hết sức hồn nhiên của nó đã khiến nỗi buồn trên khuôn mặt của gã bỗng chạy trốn đâu mất và gã bật cười, nụ cười hiếm hoi kể từ bốn mươi chín ngày là ngày mẹ gã từ biệt cuộc sống này để đi về một nơi rất xa. Nơi sẽ không có những cơn đau hành hạ, những cơn đau làm thắt lòng mọi người trong gia đình.

- Ủa, bộ em nói sai hay sao mà anh cười dữ vậy?

Nó nói kèm theo cái nguýt mắt dài sắc nhọn.

- Ừ, thì tại bốn mươi chín ngày nay, kể từ khi mẹ tôi mất, hôm nay tôi mới được cười.

Gã gãi đầu bối rối. Nhìn bộ mặt đáng thương của gã, nó không nhịn được cười: “Thế á?”. Hai mắt nó tròn xoe nói tiếp:

- Đấy, anh thấy chưa, bất cứ thứ gì tồn tại trên thế giới này đều có hai mặt tốt xấu của nó hết và điều quan trọng là chúng ta có đủ bản lĩnh để nhận ra và chấp nhận nó không thôi. Ví dụ như hôm nay, nếu không có trời mưa thì làm sao chúng ta có thể vô tình gặp nhau dưới cây bằng lăng này, đúng không?

Nó nháy mắt tinh nghịch.

Nụ cười vô tư giòn tan vào tiếng mưa của nó làm nỗi buồn trong lòng gã tan ra. Gã chợt nhìn lên bầu trời, lúc này mưa đã ngớt và nắng lại bừng lên. Thở ra một hơi dài đầy tiếc nuối, nó lắc đầu nói:

- Thế là hết! Bong bóng vỡ tan vì mưa đã tận, cuộc sống lại nối tiếp.

Nó liếc mắt nhìn gã rồi nói thêm:

- Anh có nghĩ mưa làm chúng ta "refresh" lại bản thân không?

- Ừ, đúng thế thiệt. Cảm ơn nhé công chúa bong bóng.

Gã nói xong liền hít một hơi thở thật sâu căng đầy lòng ngực.

Hai người xa lạ lại đi về hai hướng khác nhau, lại tiếp tục cuộc hành trình của riêng mình. Nó và gã tiếp tục len lỏi giữa đường phố chật ních. Cả hai vừa tìm được vài phút giây hiếm hoi để "refresh" lại chính mình, để rửa sạch bao nỗi buồn trong lòng bằng chính những giọt nước mưa mát lạnh.

Trần Trà My / NXB Tổng hợp TP.HCM

nguồn: https://baomoi.com/cau-chuyen-mot-chieu-mua/c/36360224.epi?fbclid=IwAR0DMICgXbnRFNs0y3i6INoJY79tSTLZGRKjxtyDfQ7DIzSyDCpdURzppg0



Cây cô độc

 Niềm vui làm mẹ như vô vàn những người đàn bà khác với tôi là khát khao suốt mười năm qua. Và đó còn là những ám ảnh, những dằn vặt, thỉnh thoảng trong những giấc mơ.

Đã từng có thời gian tôi sống trong làng Hòa Bình, nằm trong khuôn viên của bệnh viện Từ Dũ. Thi thoảng đứng trên lầu nhìn xuống, tôi thấy những khuôn mặt non nớt đang ngồi chờ trước phòng khám thai. Có những bạn gái còn mặc nguyên bộ đồ thể dụ̣c trên người.

Bất giác tôi tự hỏi, nếu sau này họ trưởng thành và lập gia đình thì bao nhiêu trong số đó sẽ có thể mang thai trở lại được? Đó là lý do cho tôi bắt nguồn ý tưởng để viết truyện ngắn này.

Cay co doc anh 1

Có những sinh linh chưa kịp nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Ảnh: Zing.


Người vợ

Tôi là một người phụ nữ đã bốn mươi tuổi, thành đạt và hạnh phúc, đó là những gì mà người khác nhận xét về tôi. Bởi tôi là trưởng phòng của một công ty xuất nhập khẩu còn chồng tôi là đại gia bất động sản, gia đình tôi là hình mẫu lý tưởng của bao người, nhất là cấp dưới của tôi.

Tôi cũng cho là họ đúng vì chẳng có nhiều nhà mà cả vợ chồng cùng thành đạt như chúng tôi. Tuy nhiên ít ai biết rằng đằng sau ánh hào quang ấy là những nỗi niềm khó nói.

Mỗi khi nghe tin ai đó có thai hay bắt gặp một cái bụng bầu lướt qua mặt, tôi đều ứa nước mắt. Thậm chí, chứng kiến cảnh một nữ nhân viên khổ sở mệt mỏi, nôn ọe khi nghén hoặc nhìn thấy họ ăn một trái chanh, cắn một miếng xoài chua thì trong tôi cũng dấy lên cảm giác ghen tỵ khó tả.

Tôi thèm thuồng nhìn theo họ và ước gì mình được đánh đổi tất cả tiền tài, địa vị, sắc đẹp để trở thành họ.

Niềm vui làm mẹ như vô vàn những người đàn bà khác với tôi là khát khao suốt mười năm qua. Và đó còn là những ám ảnh, những dằn vặt, thỉnh thoảng trong những giấc mơ tôi lại nghe thấy tiếng khóc thét, tiếng van xin của những đứa trẻ cùng bao âm thanh rùng rợn nơi phòng mổ. Những đứa trẻ van khóc cầu xin: “Mẹ ơi, xin đừng giết con!”

Mới mười sáu tuổi, tôi đã lên bàn mổ hút đi cái thai chưa đầy năm tháng. Nỗi đau kéo dài tới khi tôi tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm và yêu một người con trai khác. Rồi nỗi đau quặn lên khi người ấy nói với tôi:

“Em đã không còn gì từ lúc mới mười sáu tuổi thì anh cũng không chắc cái thai trong bụng em là con anh đâu”.

Lại một lần tôi quay lại phòng mổ sản khoa. Lần cuối cùng…

Người chồng

Hôm nay tôi quyết định tạm gác hết công việc, tạt qua siêu thị mua ít đồ, gửi cho vợ tin nhắn: “Em về sớm nhé”.

Đã quá lâu rồi tôi mới tự vào bếp làm cơm cho vợ. Chúng tôi vẫn là một đôi vợ chồng yêu nhau, vẫn sống hạnh phúc nhưng là hạnh phúc chưa trọn vẹn bởi thiếu vắng những đứa trẻ.

Người ta vẫn bảo con cái là hoa trái của cây tình yêu. Vậy nên vợ chồng tôi cho dù có xây bao nhiêu căn biệt thự, mua bao nhiêu chiếc xe hơi đắt tiền đi chăng nữa thì khi chết rồi chúng tôi chỉ là một cái cây cô độc mà thôi.

Không ít lần mọi người khuyên tôi ly dị hoặc đi kiếm một đứa con bên ngoài vì vợ tôi không thể sinh con. Nhưng khi tôi chứng kiến mười năm liền vợ tôi sống trong giày vò, đến nỗi trong giấc ngủ vẫn còn khóc thì tôi không nỡ.

Tôi biết đối với một người đàn bà thì hạnh phúc nhất là được làm mẹ, vậy nên sẽ không có gì đau khổ hơn khi họ bị cướp đi hạnh phúc ấy. Và biết đâu chính tôi cũng là nguyên nhân đẩy vợ tôi vào bi kịch mà cô ấy đang phải chịu.

- Đây sẽ là bữa cơm cuối cùng của vợ chồng mình.

- Em nói sao?

- Hôm nay em đã đi gặp luật sư.

- Em cho rằng đấy là lối thoát?

- Ít nhất nó cũng là lối thoát cho anh. Những người đàn bà khác sẽ sinh cho anh một đàn con.

Tôi ôm chặt vợ, giọng nghẹn lại: “Không có lối thoát nào cho anh cả”. Tôi khó nhọc nói tiếp: “Trước khi cưới em, anh đã sống chung với vài người phụ nữ, và hai người trong số đó có thai”.

Vợ tôi hỏi dồn: “Vậy con đâu anh?”.

Một lúc lâu sau tôi mới có đủ dũng khí để trả lời câu hỏi của vợ:

“Anh đều dàn xếp bằng tiền”. Nhưng rồi cô thứ ba đã quát thẳng vào mặt anh: “Rồi một ngày anh sẽ bị báo ứng”. Khi ấy anh chỉ cười khẩy.

Vợ tôi bỗng bật khóc: “Trời ơi!”. “Anh nghĩ đây là nghiệp báo em ạ!”.




Nguồn: https://zingnews.vn/cay-co-doc-post1101504.html?fbclid=IwAR0DMICgXbnRFNs0y3i6INoJY79tSTLZGRKjxtyDfQ7DIzSyDCpdURzppg0

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...