Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Ký ức mùa mưa lũ miền Trung

13 năm sống ở Sài Gòn nhưng hễ mỗi khi thành phố đổ những cơn mưa dai dẳng, là trong lòng tôi, nỗi bất an lại hiện về. Bao giờ cũng vậy, đó là một điềm báo về việc Miền Trung đang vào mùa mưa bão. Và rồi trong tôi lại hiện về những kỷ niệm khó quên. Chính xác nhất là nỗi ám ảnh của một đứa trẻ 5,6 tuổi. Hồi đó nhà tôi vẫn còn ở huyện Cam Lộ và nằm ngay đường quốc lộ.

Bão vừa tan và lũ lụt cũng ập đến. Hồi đó, căn nhà của gia đình tôi được làm bằng gỗ và đêm đến mưa gió ầm ầm nên cả gia đình 5 người phải nằm trên một cái giường bé tí. Thời đó chẳng có điện nên nhà phải xài bình ác - quy để thắp sáng. Hôm nào bình ác - quy hết điện thì phải thắp đèn dầu.

Đêm đó, nhà chỉ thắp ngọn đèn dầu bé tí. Cả gia đình nằm bên nhau vừa ôm cái radio để canh nghe tin tức thời tiết cơn bão và cũng vừa canh để cho ngọn đèn dầu khỏi bị tắt, dù đã đóng hết mọi cánh cửa. Ngoài kia, gió vẫn không ngừng gào thét, gió luồn qua các khe cửa, buốt lạnh và làm tắt luôn ngọn đèn dầu.

Tụi trẻ con chúng tôi tăng thêm phần khiếp sợ. Nhìn lên mái nhà, những miếng ngói, những thanh gỗ đòn tay đang lung lay nhưng muốn bay theo ngọn gió. Lúc đó, ba mẹ tôi chỉ biết cầu nguyện làm sao cho mái ngói không bay và những miếng ván được làm quanh tường nhà không bị mưa gió làm cho sập xuống....

Anh chị em chúng tôi lo lắng một chút rồi cũng thiếp đi. Còn ba mẹ vẫn phải cố gắng thức. Dưới gối thủ sẵn cây đèn pin để nửa đêm lỡ có chuyện gì sẽ biết đường ôm ba đứa con chạy đi lánh nạn.

Sáng mở mắt ra, cảnh tượng đầu tiên là nước đã vào đến thành giường. Người lớn bế chúng tôi vào sát góc giường để chúng tôi không bị rớt xuống nước. Dường như mọi sinh hoạt từ việc vệ sinh đến nấu ăn đều phải trên chiếc giường bé tí ấy.

Tôi vẫn nhớ, hai chân mẹ tôi bị ngâm nước mưa quá nhiều nên nó đã sưng tấy là lỡ loét. Ba tôi phải lội nước ra sau vườn xem thử có cây gì còn sống để hái vào ăn cho qua bữa. Cũng may vẫn còn vài bụi rau ngót. Ba hái vào nấu được một nồi canh đặt giữa giường…

Chúng tôi vẫn hồn nhiên chơi đồ hàng trên giường. Vẫn hát hò một góc nhà giữa dòng nước trắng xóa. Ngoài kia, mưa gió vẫn thét gào và người lớn vẫn tất bật giúp đỡ nhau qua mùa thiên tai. Sau này lớn lên, tôi hiểu rồi bị ám ảnh tiếng mưa gió bão bùng cùng nỗi lo sợ mỗi khi miền Trung vào mùa mưa bão. Bởi hiện tại chỉ có một mình tôi thoát ly vào Sài Gòn lập nghiệp.

Hôm nay, Miền Trung lại oằn mình trong mùa mưa lũ!

Nguồn:https://baobinhphuoc.com.vn/Content/ky-uc-mua-mua-lu-mien-trung-224410


Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Phụ nữ hơn nhau có phải ở tấm chồng?

BPO - Có lần book xe công nghệ đi làm, tôi rất ngạc nhiên khi người tài xế là một phụ nữ tầm 40 tuổi. Tôi lên xe và bắt chuyện với chị. Sau một hồi nói chuyện, tôi mới biết hôm nay là ngày đầu tiên chị đi làm, sau hơn 10 năm ở nhà. Tôi hỏi đùa: “Chị đi làm cho vui à”. Chị cười lắc đầu bảo: “Vui gì em. Năm nay thằng con chị lên lớp một”.

Tôi bất giác có ý nghĩ, chắc gia đình chị đang gặp khó khăn nên anh chồng giờ mới để vợ đi làm. Tôi an ủi: “Thì ai cũng phải lao động mà chị. Ngay cả em cũng phải một mình vào thành phố kiếm sống chứ có ở nhà để gia đình nuôi đâu”.

Chị ấy im lặng vài giây rồi từ tốn bảo: “Ừ, người như em mà vẫn không ăn bám cha mẹ, trong khi ông chồng chị thì…” Rồi chị tâm sự về cuộc đời mình. Một người chồng bình thường, khỏe mạnh về thể xác, một gia đình chồng giàu đến mức con trai 40 tuổi, lấy vợ, sinh con nhưng cha mẹ vẫn phải nuôi. Hằng ngày “công việc” của anh chồng là nướng tiền vào những cuộc vui đỏ đen.

Tuy sống trong an nhàn, nhung lụa, nhưng tôi đoán tâm trí chị chắc không thể bình yên. Và sự dằn xé nội tâm lên đến đỉnh điểm khi đứa con trai bắt đầu lên lớp một.

Người mẹ sau hơn 10 năm chung cảnh ăn bám bố mẹ như chồng đã biết thoát ra, tự đi kiếm một công việc mưu sinh. Chị muốn làm gương cho đứa con trai sau này không “tiếp nối” cách sống tầm gửi như cha nó...

Vài năm sau, vào một đêm mưa tầm tã, giao lưu xong tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tôi cũng book xe công nghệ để về. Hôm đó, tôi khá mệt nên ngồi lên xe, thở một lúc mới bắt chuyện làm quen. Cũng là một nữ làm nghề “xe ôm”. Chị hơn tôi một tuổi và chọn giờ chạy xe vào ban đêm để sáng sớm kịp đưa đón hai con đi học.

Bất giác tôi buộc miệng bảo: “Chị chạy ban đêm vậy vừa nguy hiểm vừa hại sức khỏe”. Chị bảo: “Vì ban ngày phải bận đưa đón con đi học. Vào năm học mới, rất nhiều khoản phải chi”. Tôi lắng nghe về tâm sự của một bà mẹ đơn thân chăm hai con nhỏ và đau đầu nhất mỗi khi bước vào năm học mới...

“Ba bé không phụ một tay hả chị?” Tôi hỏi thẳng thừng. Nhưng sau cái lắc đầu: “Người ta vô tâm lắm em”. Tôi và chị cùng im lặng.

Công việc chạy xe công nghệ của chị bắt đầu vào 19 giờ tối và kết thúc vào 5 giờ sáng hôm sau… Một khung giờ làm tôi thương quá đỗi. Khi xuống xe, tôi và chị đã kịp kết bạn qua facebook. Và đêm khuya, thỉnh thoảng tôi vẫn chia sẻ bài viết với chị. Tôi biết, chị có thể đọc trong thời gian tranh thủ chờ khách...

Tôi cứ phân vân, liệu rằng phụ nữ có phải hơn nhau ở tấm chồng như nhiều người vẫn nói? Nhưng rồi ngẫm ra, điều đó còn tùy vào thái độ sống của mỗi phụ nữ.


Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/Content/phu-nu-hon-nhau-co-phai-o-tam-chong-62116

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...