Trong bốn năm ngồi viết tác phẩm “Tin vào Điều tử Tế” tôi luôn nuôi ước mơ sẽ được đến một trại giam nào đó để được ngồi nghe một tâm sự của phạm nhân. Bởi xã hội chúng ta hiện nay đang xảy ra quá nhiều điều tiêu cực và đồng nghĩa với việc tỷ lệ tội phạm đang gia tăng một cách đáng báo động. Quả thật trước cái xấu chúng ta có quyền lên tiếng! Thế nhưng, đôi khi chúng ta lại quên đi rằng đằng sau những điều phạm pháp luôn ẩn chứa một sự tổn thương. Sự tổn thương đến từ nạn nhân, tức người bị hai, từ người thân của họ; những mất mát từ vật chất lẫn tinh thần…và ở đó cũng có cả sự tổn thương của những người gây án, những hung thủ, những người tội phạm ấy, liệu có ai trong chúng ta thử một lần ngồi lại để lắng nghe họ?...
Quả thật với những người tội phạm ấy dù vô tình phạm tội hay phạm tội có chủ đích, thì bản thân họ vẫn được xem là một con người. Dù có thể, con người đó, trong một phút giây nào đó họ vô tình thiếu đi tính Thiện. Tôi xin phép được dùng từ “vô tình” vì một nhẽ phàm làm con người khi được sinh ra trên cõi đời này thì ai ai cũng luôn có sẵn hạt giống của sự Tử Tế cả! Vì một nhẽ tạo hóa sinh ra con người từ trứng và tinh trùng của người đàn ông và người đàn bà, chứ đâu phải tạo hóa tạo ra chúng ta từ hạt mưa, hạt cát hay hạt bụi trong không khí.
Vậy hà cớ gì khi đứng trước nỗi đau, đứng trước lỗi lầm của người khác đã có không ít người trong chúng ta thường miệt thị, mỉa mai và dùng rất nhiều lời tiêu cực để ném về phía họ? Và có lẽ ở Việt Nam chúng ta chưa có khái niệm rạch ròi giữa việc lên tiếng trước cái xấu và việc buông ra những ngôn từ xúc phạm đến những người không may vướng vào lao lý. Nói theo cách của nhà Phật là sự khẩu nghiệp của con người. Với riêng cá nhân tôi khi vô tình đọc những điều tiêu cực trên truyền thông hay trên mạng xã hội viết về những vụ án mạng, những vụ thảm sát cướp của, giết người, buôn ma túy, thì tôi không nổi da gà bằng việc đọc những bình luận, những phán xét mỉa mai của một bộ phận công chúng trong xã hội.
Hóa ra cuộc đời...đôi khi cần những cái nắm tay giữa hai bờ ranh giới. Không phán xét đúng sai, không oán giận quá khứ. Ảnh: Lê Trung Tự
Từ đó tôi nuôi trong mình một ý tưởng mà ban đầu khi chia sẻ ra đã không ít người lắc đầu vì sự khả thi của nó cực kỳ thấp, tức là tỷ lệ thành công nếu tôi mang được sách của mình đến tặng các trại giam và xin đến giao lưu ở những nơi như vậy, chỉ mong manh như sợi chỉ, vì quy trình đến trại giam không hề dễ và việc tiếp xúc với nhóm đối tượng nhạy cảm này rất phức tạp. Và không ít người ngạc nhiên bảo nhà giam thì làm gì có thư viện. Rồi liệu họ có chịu đọc sách, chịu cải tạo tốt hay không khi tỷ lệ tái phạm tội hiện nay ở Việt Nam vẫn đang gia tăng chứ chưa thấy giảm.
Nhưng tôi luôn tin khi mình có khát khao đủ lớn là mang đến giá trị tích cực cho cộng đồng, thì tự khắc luật hấp dẫn của vũ trụ sẽ tìm giúp tôi gặp được những con người giúp tôi thực hiện được tâm niệm này.
Trại giam Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp
Sau gần một năm vừa miệt mài đi bán sách, vừa đi xin tài trợ, tôi vừa âm thầm nhờ quý độc giả trên khắp cả nước giúp tôi liên hệ với những trại giam trên địa phương nơi họ đang sống, để giúp tôi kết nối với ban quản lý các trại giam và bày tỏ nguyện vọng đem tác phẩm “Tin vào Điều tử Tế” tặng các thư viện ở trại. Quả thật cuộc đời tôi đã quá quen với việc bị từ chối, thành ra khi gặp nhiều trại giam e ngại từ chối nhận sách thì tôi cũng không lấy làm nản. Nhưng bên cạnh đó tôi được tiếp xúc với những trại giam họ nhiệt tình đồng ý vì bản thân thư viện họ đang thiếu sách mới. Thậm chí có những ban quan lý trại giam có tâm đến mức muốn mời những nhân vật người thật việc thật để về trại giam giao lưu với phạm nhân, nhằm giúp họ có thêm động lực mà cải tạo tốt hơn, để sớm về với cộng đồng.
Vậy nên may mắn đã mỉm cười với tôi khi chính thư viện tỉnh Đồng Tháp (được biết thư viện tỉnh Đồng Tháp và trại giam Cao Lãnh là hai đơn vị thường xuyên phối hợp các hoạt động giao lưu văn nghệ, trao đổi sách, phát động nhiều phong trào giúp phạm nhân hứng thú với công việc đọc sách mỗi ngày).
Bảy giờ sáng tại khách sạn thành phố Cao Lãnh xe của đoàn đã đến đón tôi. Những chuyến đi dài khiến tôi mệt mỏi và mất ngủ, trong tôi cứ tồn tại một cảm giác hồi hộp đến khó tả. Tôi đã quen với đám đông, quen với những buổi giao lưu chia sẻ trên khắp ba miền, nhưng tôi luôn tự hỏi chính mình rằng khi đứng trước nhóm “đối tượng khán giả đặc biệt” này thì mình sẽ chia sẻ gì đây? Mình không thể nào tự hào kể với họ về cuộc đời mình và cũng chẳng thể nào phán xét họ tại sao lại vào nơi này.
giao lưu tại trại giam Cao Lãnh - Đồng Tháp
Đầu tháng 7, là thời điểm mà các tỉnh Miền Tây vào mùa mưa. Nên trong thời gian ngồi chờ đến phần giao lưu của mình, tôi cứ thẫn thờ nhìn ra khung cửa sổ của hội trường trại giam. Những hạt mưa rã rích rơi ngoài khung cửa sổ, thi thoảng có chút gió luồn vào se lạnh. Bất giác tôi nhìn xuống hội trường, nhìn xuống gần 200 “vị khán giả đặc biệt” kia, họ là 10% trên tổng số 2.000 phạm nhân đang cải tạo tại nơi này. Đây là tỷ lệ những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, sắp được trả về với cộng đồng thì mới có cơ hội tham gia vào các chương trình như thế này. Và trong phúc chốc tôi bỗng giật mình khi nhớ lại vài phút trước khi mới đặt chân vào trại giam và khoảng cách từ cổng vào đến hội trường rất xa, bản thân tôi chỉ tự đi được một đoạn thì bỗng trời mưa, nên được một anh công an bế tôi vào hội trường.
Và trong khoảng thời gian mà anh công an bế tôi trên tay, đi qua một dãy hàng rào, nơi cách ly với những phạm nhân nguy hiểm, họ đứng sau hàng rào nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò lạ lẫm. Bất chợt tôi mường tượng ra khung cảnh sợ hãi, tôi thấy họ như những con thú hoang dại đang bị nhốt trong chuồng, có người tò mò nhìn tôi, có người reo hò gì đó khi thấy đoàn người lạ đi vào. Cuộc sống ở nhà giam là nơi cách ly với thế giới bên ngoài quá lâu nên phản ứng như vậy là điều hết sức bình thường. Nhưng trong tích tắc ấy tôi bỗng co rúm người sợ hãi.
Thế mà trong khoảng thời gian ngồi chờ đến tiết mục của mình tôi vẫn cứ nhìn về phía những phạm nhân đang ngồi ở dưới. Vẫn là những khuôn mặt trẻ, thậm chí là rất trẻ; có người khắc khổ, có người cũng ra dáng trí thức cũng có những khuôn mặt lầm lì đầu gấu…Đúng là nơi mà bao nhiêu tội lỗi của xã hội được quy tụ lại ở đây. Họ háo hức với những tiết mục văn nghệ do đoàn nghệ thuật tỉnh biểu diễn, thậm chí còn có cả những tiết mục văn nghệ do những phạm nhân biểu diễn, nhưng cho đến khi kết thúc chương trình tôi ngồi phỏng vấn ba phạm nhân ấy thì mới biết hồi nãy họ đã đứng hát trên sân khấu. Họ cũng là những người trẻ được sinh ra ở những vùng quê nghèo; người vào trại bởi đánh nhau, gây thương tích nhưng gia đình không có tiền bồi thường nên đành phải chịu thi hành án, người thì dính vào ma túy rồi buôn bán ma túy, rồi sinh ra trộm cướp, nhưng họ lại thuộc tỷ lệ 10% nhóm cải tạo tốt để sớm hoàn lương về lại xã hội.
Chia tay trại giam Cao Lãnh tôi lên xe cùng đoàn thư viện tỉnh ra về. Ngoài kia trời đã mưa lớn. Tự nhiên tôi chợt nghĩ vào những ngày mưa dai dẳng như vậy khi phạm nhân không thể ra ngoài lao động và cũng chẳng thể có cái điện thoại trong tay để lướt mạng như khi ở ngoài xã hội, còn tivi mỗi ngày chỉ được coi vào một khoảng thời gian nhất định. Vậy thì chỉ còn lại thứ thư giãn duy nhất là những cuốn sách mà thôi. Mà ở trại giam thì chắc chắn sẽ được kiểm định những đầu sách lành mạnh. Và suy cho cùng sách là một “món ăn” rất tốt để dành cho bộ não lẫn tâm hồn. Thế thì khi phạm nhân được “ăn” một “món ăn” lành mạnh để được thanh lọc từ tâm hồn lẫn bộ não bớt đi những suy nghĩ tiêu cực, thì tự khắc họ sẽ sống tử tế mà thôi. Thật ra ai cũng vậy chứ không riêng gì phạm nhân mới cần được “thanh lọc” như vậy.
Trại giam Z30D Hàm Tân - Bình Thuận
Sáu giờ sáng thức dậy khi nghe tiếng chuông điện thoại của một anh quản giáo gọi mời xuống ăn sáng, lúc đó tôi mới giật mình hoảng hốt chợt nhớ ra mình đang nghỉ đêm tại nhà khách của một trại giam lớn nhất Việt Nam.
Tôi ngồi dậy vệ sinh thay đồ, rồi tự nhiên nhìn ra khung cửa sổ. Bầu trời sau một đêm mưa bão và có chút sương mù se lạnh, nhưng tiếng chim vẫn hót và những bông hoa vẫn cứ khoe sắc. Ở đó không gian tĩnh lặng và đẹp đến mức tôi ước giá đây không phải trại giam thì hay biết mấy. Tôi khẽ bật cười với ý nghĩ giá như các trại giam trên khắp Việt Nam đều có những người lãnh đạo, những cán bộ quản giáo làm việc bỏ thêm chút tâm vào và biến các trại giam thành một hệ sinh thái trong lành, để khi vào đây những người lầm lỡ như được “gọt giũa” lại phần con của mình bớt đi thì hay biết mấy!
Ăn sáng xong, đúng bảy giờ ba mươi phút tôi được đưa đến hội trường K2 để chuẩn bị tham dự chương trình giao lưu gặp gỡ các gia đình phạm nhân tại đây. Tôi đã biết được các quy trình kiểm tra người, giấy tờ tư trang đồ đạc cá nhân theo quy định của các trại giam, vì tôi đã từng được mời đến giao lưu tặng sách ở trại Cao Lãnh - Đồng Tháp cách đó hai tháng. Nên vừa xuống xe là tôi đã chạy lại một chị quản giáo để chị khám xét người mình trước khi vào hội trường. Sau đó, có một anh quản giáo giúp tôi vào bên trong. Thật ra đoạn từ cổng vào hội trường, với người bình thường chỉ mất khoảng ba đến năm phút. Nhưng với một đứa “sáu chân” như tôi thì thời gian mất gấp đôi. Vậy mà trên đường đi tôi gặp ngay một anh phạm nhân chạy tới cùng giúp tôi. Tranh thủ tôi vừa đi vừa hỏi anh: “Ủa ở đây thứ bảy, chủ nhật các anh làm gì?” Anh bảo: “Thứ bảy, chủ nhật không phải đi lao động thì tham gia văn nghệ hoặc đọc sách báo gì đó cô ạ.”
Tôi được xếp ngồi vào hàng ghế đại biểu và ngồi chưa được năm phút tôi đã lon ton chạy xuống dưới hàng ghế dành cho phạm nhân ngồi, để còn tranh thủ “phỏng vấn” mọi người. Chạy ngay đến khu dành cho các nữ phạm nhân đang ngồi. Họ đa số đều trẻ và đẹp, nhưng đa số đều dính vào con đường ma túy. Và điều làm tôi bất ngờ nhất là ở đó có cả những “mầm sống bụ bẫm”. Các mầm sống kia là con của các nữ phạm nhân được sinh ra trong trại giam và các bé chỉ được sống cùng mẹ cho tới năm ba tuổi, rồi sau đó phải đem trả về nhờ người nhà nuôi cho tới khi người mẹ được thả tự do. Và trại giam Z30D là trại giam duy nhất có nhà trẻ để nuôi các bé con của các nữ phạm nhân. (*)
(*) Tác giả xin lỗi vì thông tin nhầm lẫn này. Trại giam Z30D là một trong số ít trại giam tại VN cho phép nữ phạm nhân sinh con và nuôi đến năm 3 tuổi.
Bé Bon 11 tháng tuổi. Tuy được sinh ra trong trại giam nhưng vẫn bụ bẫm kháu khỉnh không khác gì các em bé ở ngoài. Ảnh: Lê Trung Tự
Sẽ không ai có thể tin được rằng nơi gom tụ những lầm lỡ ấy lại có thể sinh ra những đứa trẻ bụ bẫm và ngoan ngoãn như bé Bon, bé Gạo. Những đứa trẻ chắc khỏe giữa môi trường thiếu thốn vật chất so với các bé sơ sinh khác ở ngoài đời, và mẹ của những đứa trẻ ấy bước đường cùng dù biết mình đang mang thai nhưng vẫn xin được đi vào trại. Vì một khi dính vào con đường ma túy thì chỉ còn duy nhất hai lựa chọn một là tiếp tục tái phạm và hai là để bị bắt để mong có cơ hội hoàn lương. Mẹ Bon bảo: “Cả hai vợ chồng em đều vào đây vì ma túy và Bon là con thứ ba của em. Không còn cách nào khác em phải vào đây dù khi bị bắt em biết mình đã mang thai, nhưng em không dám xin tại ngoại để sinh con…”
Cảm giác tôi đứng hình khi nhìn bé Bon và bé Gạo đang ngủ ngon trong vào tay mẹ dù cả hội trường mấy trăm người ồn ào nháo nhiệt. Người ta bảo trẻ con thường dễ thích nghi và quả thật chúng là những đứa trẻ do trời nuôi thật. Bụ bẫm, trắng trẻo và chắc khỏe ngoan ngoãn giữa một không khí tù tội như vậy. Tôi như rớt nước mắt khi nhìn thấy những con người khỏe mạnh, lành lặn, xinh đẹp và rất trẻ, nhưng đã chôn vùi thời thanh xuân của mình ở đây. Rồi cuộc đời của Bon của Gạo sẽ đi về đâu khi ngày ba mẹ chúng được thả tự do, thì cũng là ngày các con bước vào tuổi dậy thì hay tuổi trưởng thành. Và trong khoảng thời gian đó ai sẽ nuôi dạy các con thành người? Trong khoảnh khắc ấy tôi tự hứa với lòng mình rằng mình sẽ làm một điều gì đó để có tiền mua sữa, mua tã và mua đồ dùng đem vào cho các bé ở đây. Và phải cố gắng làm định kỳ hàng năm cho những đứa trẻ tiếp sau ra đời vẫn còn cơ hội như bao đứa trẻ khác ở ngoài xã hội. Vì đơn giản mọi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được yêu thương chăm sóc như nhau, bất kể cha mẹ chúng là ai đi chăng nữa.
Kết thúc chương trình, tôi lên xe về lại thành phố mà lòng trĩu nặng. Quả thật trong cuộc đời của mỗi con người liệu chúng ta đã bao lần buộc phải đứng giữa ranh giới cái Thiện và cái Ác. Liệu có ai dám vỗ ngực là chưa từng không?...Sẽ không ai cả! Vậy thì khi những người phạm nhân kia được thả tự do thì xin chúng ta hãy bao dung với họ và hãy trân trọng những phút giây mà mình đang được-tự-do-làm-người-lương-thiện.
Khi liên tục chứng kiến những mặt trái của xã hội đang diễn ra hằng ngày, khiến tôi có những lúc chùng xuống và tôi chỉ ước giá như trên đời này không có nơi gọi là trại giam thì sao nhỉ? Nhưng khi tôi được đặt chân đến các trại giam và nhất là trại Z30D Thủ Đức thì tôi lại có suy nghĩ rằng, thật ra trại giam không đáng sợ như chúng ta vẫn mường tượng. Vậy tại sao không thay thế bằng cụm từ: “Hệ sinh thái để gột rửa những tâm hồn lầm lỡ” thay cho cụm từ như nhà tù/trại giam/người tù/phạm nhân nhỉ?...
Tôi đã khóc rất nhiều khi nghe tâm sự của một nữ phạm nhân đã từng là hoa khôi trường SKĐA vô tình bị chính người yêu của mình gài vào đường dây buôn ma túy xuyên lục địa. Chị đã từng bị kết án tử hình rồi giảm xuống còn chung tâm và chị vẫn nỗ lực từng ngày để được giảm án. Ảnh: Lê Trung Tự
Để làm được cái gọi là “hệ sinh thái” trên thiết nghĩ các trại giam hãy trang bị những thư viện sách thật nhiều, hằng tháng tổ chức những chương trình mời các nhà sư, các cha xứ về chia sẻ về đạo lý làm người, hay tổ chức các khóa học về tư duy, về kỹ năng dành cho các phạm nhân có cải tạo tốt, thì tự khắc tâm hồn họ sẽ được trong lành hơn và tỷ lệ tái phạm chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều.
Một xã hội sẽ sống tử tế hơn khi có những tâm hồn luôn được trong lành và bình yên!
Tái Bút:
Tính đến thời điểm khi tác phẩm “Tin vào Điều tử Tế” được tái bản lần thứ 5 với 11.000 cuốn thì trong đó đã có 16 trại giam trên cả nước có cuốn sách này. Có những trại giam ở quá xa không có điều kiện để tôi đến giao lưu, thì tôi đều gửi sách hoặc nhờ quý độc giả tại địa phương đem sách đến trao tận tay ban lãnh đạo của trại. Và nó là một nỗ lực không phải chỉ riêng cá nhân tôi mà là nỗ lực của rất rất nhiều quý độc giả khắp Việt Nam cùng chung tay góp sức. Bản thân tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ động viên từ vật chất lẫn tinh thần từ quý độc giả cùng chung tay cho dự án này. Và tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm kết nối với các trại giam còn lại ngoài ra, tôi cũng rất mong xã hội sẽ có thêm nhiều dự án ý nghĩa nhằm giúp đỡ đến nhóm đối tượng phạm nhân, những con người không may vướng vào lao lý.
Và tôi cũng tha thiết mong muốn các trại giam trên khắp cả nước đểu có nhiều hơn nữa những hoạt động liên quan đến việc đọc sách, để cho các thư viện không còn những là nơi làm cảnh cho có phong trào. Hiện nay trên thế giới có những nhà giam đã đưa ra “tuyệt chiêu” nếu như phạm nhân nào chăm chỉ đọc sách thì sẽ được giảm án. Thậm chí họ có cả những thư viện online để giúp cho những phạm nhân đang đi học mà không may vướng vào lao lý, thì vẫn duy trì tiếp việc học và vẫn cho họ quyền thi cử để lấy bằng tốt nghiệp.
Tôi tin rằng một ngày không xa, đất nước mình sẽ khác đi theo phương diện tích cực hơn. Và sẽ không có gì khác ngoài con đường tri thức để khai sáng tâm thức của mỗi con người. Vậy nên sách luôn là công cụ hỗ trợ tuyệt vời nhất cho mục đích cao cả này.
Sài Gòn 12/11/2019
Trích trong sách Tin Vào Điều Tử Tế