Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Rồi một ngày mình nói về tình yêu




Trong một chuyến từ thiện tặng áo dài vùng biên giới tại Bình Phước, tôi được đi cùng chị Trịnh Vân Anh - Hoa hậu quý bà duyên dáng. Chị cũng là một trong những Đại sứ Áo dài luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Trên xe, mọi người nói chuyện và ăn vặt. Đang ăn một viên kẹo, chị Vân Anh thốt lên: Ngon quá em, để chị mang về cho ông xã…

Nhắc đến người đàn ông của mình, tôi thấy mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc khó tả. Dù miệng chị ấy vẫn liên tục “nói xấu” chồng. Thú thật, một hành động nhỏ xíu đó làm tôi ấn tượng và tủm tỉm cười mãi. 

Tôi thầm ước, giá một ngày nào đó được đến xem tổ ấm của chị, để được nghe những bí quyết giữ gìn hạnh phúc của vợ chồng ấy. Quan trọng hơn là được hưởng nguồn năng lượng tích cực, tin vào đời sống hôn nhân gia đình của đôi vợ chồng này. 

Bởi có một khoảng thời gian, khi vết thương lòng của tôi đang “cắn xé” tâm trí mình, tất cả những gì liên qua đến tình yêu nam nữ tôi đều loại ra khỏi suy nghĩ của mình. Cứ hễ mỗi lần vô tình xem một phân đoạn phim, đọc một áng văn ngôn tình, nghe một bài hát hay ra đường thấy một đôi tình nhân nào đó đang tình tứ bên nhau là tự khắc tim tôi nhói đau khó chịu. 

Đỉnh điểm của vết thương lòng kia đã làm tôi rơi vào trầm cảm vài năm liền. Trạng thái mất ngủ triền miên khiến tôi như bị treo lơ lửng trên không trung. Có một khoảng thời gian tôi rất sợ những người đàn ông lạ tìm cách làm quen với mình. Càng vùng vẫy sẽ càng bị nhấn chìm trong sự đau khổ hệt như con nhện đang vẫy vùng trong những sợi tơ do chính mình tự giăng ra. 

Nhưng cuộc đời mà! Mọi vết thương dù có sâu, có đau đến đâu thì cũng phải tự mình vá lành mà kiêu hãnh bước tiếp. Và quan trọng nhất là mở lại sẵn cửa tâm hồn để đón chờ những tình yêu mới. 

Rồi một ngày đẹp trời, tôi cũng đã thực hiện ước mơ được đến nhà chị Vân Anh. Một bữa tiệc tất niên nhỏ và ấm cúng được hai anh chị tự tay trang trí để chuẩn bị đón năm mới.

Tôi để ý trong buổi tiệc, họ vẫn ríu rít bên nhau như cặp vợ chồng mới cưới. Dù ở bên là cô cháu ngoại đã gần 10 tuổi. Trong lúc ăn, anh Việt Hùng bảo: “Anh ấy lúc nào cũng ủng hộ và bên cạnh chị Vân Anh. Một người đồng hành mọi hoạt động của chị trong suốt ba mươi lăm năm nay”. Tôi nghe cụm từ 35 năm mà tròn xoe mắt nhìn họ đầy ngưỡng mộ.

Trên đường về, tôi luôn nghĩ về hình ảnh cặp đôi hạnh phúc ấy. Giờ đây mỗi khi nghe bài hát “Rồi một ngày mình nói về tình yêu” của Hồ Ngọc Hà làm tôi vô cùng hứng thú với câu hát: “Khi yêu phải học cách nhẫn nạiKhi yêu đừng hơn thua đúng saiHãy thương nhiều vào, thiệt thòi chút không sao.Tìm được nhau thật khó biết bao.

Một mùa Valentime nữa lại về. Tôi xin gửi lời chúc đến tất cả mọi người và mong ai cũng tìm được người đồng hành trong chuyến hành trình tình yêu. 


Trần Trà My

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/121510/roi-mot-ngay-minh-noi-ve-tinh-yeu?fbclid=IwAR3ivoSJhjgsEOqOLjbtNNd_q9zKiVPQ3_K2fO6qOyoLlG8ce01v6licEAQ


Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Tết Tân Sửu 2021: Nhiều hoạt động tình nguyện ở vùng biên giới

 Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Xuân biên giới 2021 với chuỗi hoạt động tiếp sức người yếu thế nhằm thực hiện 90 ngày thi đua cao điểm chào mừng Đại hội XIII của Đảng, 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trẻ em huyện biên giới Bù Đốp (Tinh Bình Phước) vui mừng khi nhận quà tết /// Tinh Đoàn Bình Phước
Trẻ em huyện biên giới Bù Đốp (Tinh Bình Phước) vui mừng khi nhận quà tết
TINH ĐOÀN BÌNH PHƯỚC
Tổng giá trị chiến dịch Thanh niên tình nguyện Xuân biên giới 2021 của Tỉnh Đoàn Bình Phước  hơn 2,4 tỉ đồng trong đó, nguồn lực do Tỉnh Đoàn vận động hơn 1,4 tỉ đồng thực hiện thành 2 đợt: Đợt 1từ ngày 8-12.1, đợt 2 từ 20.1 đến giáp tết.
Tại chuỗi hoạt động, Tỉnh Đoàn Bình Phước tặng quà tết cho 2 khu cách ly tập trung tại huyện Lộc Ninh và thành phố Đồng Xoài, động viên, chúc tết các lực lượng trực chiến, người cách ly; gửi hàng chục bức thư pháp chúc xuân tặng các khu cách ly nhằm động viên tinh thần.
Tết Tân Sửu 2021: Nhiều hoạt động tình nguyện ở vùng biên giới - ảnh 1

Tuổi trẻ Bình Phước trao các bức thư pháp chúc xuân để gửi đến từng người cách ly và tặng quà tết, hoa xuân cho khu cách ly tập trung tại thành phố Đồng Xoài (hình trên) và huyện Lộc Ninh (hình dưới)

TỈNH ĐOÀN BÌNH PHƯỚC

 Tỉnh Đoàn cùng đoàn viên thanh niên Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng cờ Tổ quốc, trao quà, chúc tết 2 gia đình khó khăn ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập; thăm, trao nhu yếu phẩm, cờ Tổ quốc cho các đồn biên phòng, chốt chặn dịch; chốt dân quân tự vệ, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tại 3 huyện biên giới và tặng quà cho người yếu thế. 
Nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa này, Tỉnh Đoàn Bình Phước đã tổ chức “Xuân ấm áp - Tết yêu thương” ở huyện Bù Đốp. Tại đây, hàng trăm học sinh đã tham gia nhiều trò chơi dân gian do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh tổ chức, đọc sách nhận quà tết và 10 suất học bổng 10 Vừ A Dính (1 triệu đồng/suất).
Anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước, chia sẻ: “Với những chuỗi hoạt động  của chương trình Thanh niên tình nguyện Xuân biên giới 2021, chúng tôi rất mong muốn góp chút yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn một cái tết với nhiều thử thách dịch bệnh này”.
                                                                                            Trần Trà My
Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/tet-tan-suu-2021-nhieu-hoat-dong-tinh-nguyen-o-vung-bien-gioi-1341383.html?fbclid=IwAR3Ho3Z91NrVJ-JQrblEl3W83X3nokJM_sUPSXPmtPeOAZMT9frTt21Htf4

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

KÝ ỨC NHỮNG MÙI HƯƠNG


 

1. Có những ngày tôi rơi vào trạng thái rất kỳ lạ khi thèm quay quắt mùi lá chuối được gói trong gói xôi dừa của 20 năm về trước. Mùi thơm của nếp, của muối vừng, của từng sợi dừa được người ta bào mỏng ra và gói lại trong chiếc lá chuối vẫn còn màu xanh tươi giòn giòn và cuộn tròn trong bàn tay lạnh buốt của những sớm đầu đông. Giữa những cơn mưa ban sớm buốt lạnh mà cầm được gói xôi dừa, gói trong lá chuối là một niềm ấm áp khó tả đến mức không cần phải ăn cũng đã cảm thấy ấm bụng rồi!

2. Rồi có những ngày chớm lạnh cuối năm, khi đất trời Sài Gòn chuyển mình qua màu xám u ám. Tự nhiên tôi lại thèm được ngửi mùi lá dong  người ta vừa mới vớt từ nồi bánh chưng ra. Cái mùi thơm kỳ lạ của nồi bánh chưng vừa chín tới, mùi lá dong đã chín và chuyển qua màu vàng sẫm, tách từng lớp lá bên trong sẽ là chiếc bánh chưng màu xanh của lá dong quyện vào. Mùi thơm của lá dong, quyện vào độ dẻo của nếp, vị đậm đà của đậu xanh và thịt mỡ hòa quyện thêm một chút cay cay của tiêu và chút thơm thơm của từng miếng hành tím cắt mỏng. Lúc bé tôi có một thói quen rất kỳ lạ là mỗi khi thấy nội tôi bóc bánh chưng để cho ra đĩa, là thể nào tôi cũng chạy tới xin những chiếc lá dong ấy để ngửi một hơi mùi thơm của nó. Có những khi nội cố tình để xót lại vài mẫu bánh chưng vụn vụn để phần tôi ăn. Đấy là một cảm giác hạnh phúc nhất của một đứa trẻ khi vừa được hít hà no nê mùi lá dong và cũng vừa làm no dạ dày bằng những mẫu bánh chưng vụn còn nằm sót lại trên lá.

3. Rồi tự nhiên có những ngày, tôi lại thèm được ngửi thấy mùi lá chuối nóng hổi trong chiếc bánh tét khi ai đó vừa mới bóc ra. Trời ơi, mùi thơm của nếp, của đậu xanh nó hòa quyện vào mùi lá chuối nóng hổi sao mà quyến rũ đến lạ thường như vậy! Tôi lại có một ước ao kỳ lạ là mong sao được bảo quản từng miếng lá chuối kia thật lâu để được ngửi mùi thơm ấy. Cảm giác như không cần phải ăn mà chỉ cần hít hà cái hơi đó thôi cũng sẽ đủ khiến cho cái dạ dày no căng cả ngày rồi.

4. Hoặc có những ngày khi nhà ai đó đang nấu món gì đó mà cho một xíu nước mắm vào. Vậy là mùi thơm của nước mắm dậy lên bay khắp dãy hành lang chung cư. Nó làm tôi nhớ đến hương vị của món dưa món ngày Tết; cái món ăn mặn mặn, giòn giòn và cay cay, pha thêm tí xíu ngọt ngọt của đường hoặc của mì chính, ăn kèm với cơm trắng hay bánh chưng bánh tét là ngon ngây ngất và no nguyên một ngày dài.

5. Hay có hôm, vưà thấy ai đó đang cầm một bó hành ngò trong tay là tự nhiên tôi lại liên tưởng đến món măng hầm ngày Tết. Khi măng vừa hầm chín tới múc ra tô, rắc thêm tí hành ngò và cho thêm một tí xíu tiêu xay cho lên trên. Rồi sau đó đặt lên bàn thờ mời những người thân đã khuất cùng về ăn mâm cơm ngày Tết. Ta nói cái mùi vị ấy nó làm cho không chỉ người sống mà có khi còn cả hương hồn của người mất cũng cồn cào đến lạ thường! 

6. Và có những ngày tôi thèm được ngửi thấy mùi hoa sen hòa quyện vào mùi tanh tanh của bùn đất. Nếu ai đó đã từng sống ở gần hồ sen và thức dậy vào những buổi sáng tinh mơ mùa hạ, sẽ thấy thấm hương vị của hai mùi này. Hương sen sớm mai tinh khiết, tỏa ra một hương thơm quyến rũ đến kỳ lạ! Và khi nó được quyện vào mùi tanh tanh của bùn đất, nó sẽ còn quyến rũ hơn cả khi ai đó đang xịt những chai nước hoa đắt tiền lên người. Và chỉ cần nhắm mắt lại và ngửi về nó là tự khắc bao nhiêu ký ức xa xôi sẽ bỗng dưng ào về trong tâm trí

7.  Cũng có những ngày giữa dòng người xa lạ, bất chợt tôi vô tình ngửi được ai đó đang xài dòng nước hoa có thoang thoảng mùi hương của hoa nhài. Bất giác người tôi như bị thôi miên và sẽ đi theo mùi hương ấy một cách vô thức, bởi dường như tôi đang chạy theo dòng ký ức ngày bé của mình. Lúc đó nhà nội tôi vẫn còn là nhà tranh vách đất và hai bên hàng rào sẽ là những bụi cây hoa nhài. Trong ký ức non nớt của mình tôi còn lưu giữ lại những hình ảnh về những buổi sáng tinh mơ mùa hạ, nội hay bế tôi ra vườn để hái những bông hoa nhài bé tí vẫn còn đang đẫm hơi sương để vào pha trà mỗi buổi sáng. Những chùm hoa màu trắng nhỏ xíu mà tỏa ra thứ hương thơm dịu ngọt, đem ướp vào trà rồi đổ thêm chút nước sôi vào, rót ra cái ly nhỏ và trước khi uống hãy đưa lên mũi và nhắm mắt lại để hít thật sâu mùi thơm của trà, được quyện vào mùi ngọt ngào của hoa nhài. Hương thơm ngọt ngào và tinh khiết của hoa nhài luôn làm tôi nhớ đến hình ảnh của nội, vì suốt tuổi thơ tôi nội là một trong những người mà tôi quấn quýt nhất.

 

8. Những mùi hương quá đi thân quen nhưng theo năm tháng khi cuộc sống công nghiệp ập đến, đã khiến cho ta lãng quên hoặc buộc phải cất nó vào kho tàng ký ức trong trái tim của mình!… Đâu đó, trong ngóc ngách tâm hồn...ký ức những mùi hương quen thuộc cứ hiện về trong trí nhớ của tôi! Nhất là vào những ngày giáp tết, khi những tâm hồn dù chai sạn cảm xúc nhất cũng mong được hướng về ông bà tổ tiên và những tiềm thức xưa cũ...

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

 

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Cuối năm lang thang cùng người vô gia cư


 Sài Gòn những ngày cuối năm, giữa những tất bật hối hả, giữa sự háo hức của người tha phương chuẩn bị về quê ăn tết thì cũng có những phận người vô gia cư, không người thân quê quán trên các đường phố Sài Gòn.

Tác giả cùng nhóm người lang thang trong một đêm giáp Tết Tân Sửu	 /// ẢNH: T.M
Tác giả cùng nhóm người lang thang trong một đêm giáp Tết Tân Sửu
ẢNH: T.M
Những ngày cận tết, tôi đã có một buổi lang thang trong vai người vô gia cư để làm một phép thử nhỏ về tình người ở những thân phận vô gia cư.
22 giờ, tôi đến khu vực chợ Kim Biên và quanh Bệnh viện Chợ Rẫy. Đầu tiên, tôi tiếp cận hai cô bé đang trải bạt nằm trên vỉa hè. Tôi lại gần ngồi xuống bắt chuyện, nhưng thấy tôi có hình hài lạ quá nên tụi nhóc bỏ chạy. Nhìn thấy bên kia đường có một phụ nữ lớn tuổi, một người mẹ trẻ và 3 đứa con nhỏ, tôi đi sang và được họ niềm nở mời cùng ngồi xuống miếng carton trải trên vỉa hè. Người mẹ trẻ sinh năm 1996 mà đã có 3 đứa con, đứa lớn nhất 6 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi.
Tôi giới thiệu mình mồ côi cha mẹ nên phải lên Sài Gòn lang thang ăn xin. Người mẹ trẻ đồng cảm: “Em cũng không có gia đình như chị vì ba mẹ em mất rồi”.
Vài phút sau tôi thấy một thanh niên đi xe máy chở thêm 2 đứa trẻ chạy đến. Đó là chồng của cô gái có 3 đứa con. Người chồng sinh năm 1991, đang làm thợ hồ. Chúng tôi ngồi nói chuyện một lúc và cô gái liên tục bảo tôi gọi điện thoại về cho người thân ở quê để họ an tâm…
Tôi lại tiếp tục lang thang trên đường. Gặp một bà cụ đang ngồi ăn bánh bao từ thiện, tôi xin phép ngồi xuống cạnh cụ. Ngồi bệt dưới nền đất lạnh, bà đưa tôi một cái bánh bao. Tôi thử bắt chuyện bà bằng những câu hỏi thông thường, tuy nhiên ngay cả tên của mình bà cũng không nhớ. Bà nhìn xa xăm rồi bảo: “Chồng chết, mất hết tài sản nhà cửa nên bỏ quê lên đây lang thang”. Dường như ký ức còn lại của bà chỉ có vậy. Ăn xong, bà đứng dậy đi tìm chỗ ngủ cạnh những người già vô gia cư khác. Họ nằm la liệt trên vỉa hè; người trải tấm chiếu rách, người trải bao ni lông, người trải miếng carton, cứ vậy mà ngủ cho qua một đêm.
Sài Gòn càng về đêm càng lạnh. Cái lạnh này sẽ cảm nhận rõ hơn khi lang thang ngoài đường với chiếc áo mỏng manh.
Tôi lại tiếp tục đi đến một nhóm người vô gia cư khác. Họ niềm nở đón tôi, có người còn nhường chỗ ngủ nơi thềm nhà, người thì chia sẻ đồ ăn vừa xin được.
Những ngày giáp tết này, tôi mong sao cho cuộc sống sớm ổn định trở lại như trước khi dịch bệnh ập đến, để những  người vô gia cư, phận người lang thang kia được chút ấm no.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/cuoi-nam-lang-thang-cung-nguoi-vo-gia-cu-1339543.html?fbclid=IwAR2dWqmYsDto_WbZCfHxjgKNIs4L6x53wygi4DPpURNT6qCcK3Uo6zaPG7o

Tết Xa Nhà

 Click vào tài khoản ngân hàng chuyển khoản với nội dung: "Gửi mẹ sắm tết", tự nhiên nước mắt rơi lúc nào không hay. Lên youtube và mở ngay bài hát "Tết chỉ cần được trở về" của ca sĩ Hương Tràm vậy là bật khóc ngon lành. Khóc như một đứa trẻ bị bỏ quên trên chuyến tàu… Một cảm giác cô đơn, lạc lõng và ngơ ngác ùa về... Ở đó có cả sự hoang mang sợ hãi!

Xác định rõ mục tiêu tết này không về quê mà thay vào đó, tôi dành tiền gửi về phụ mẹ sắm tết. Đồng thời lên kế hoạch chạy đua với nhiều dự định cho một năm mới bận rộn. Bởi năm 2020 vừa qua, ai cũng bị cuốn vào vòng xoáy của Covid…

Những ngày tết, tôi sẽ tập trung hoàn thành bản thảo cuốn sách thứ 5 và ra mắt độc giả sau tết. Ngoài ra, tôi còn dự định sẽ tham gia một số hoạt động từ thiện dành cho công nhân không có điều kiện về quê ăn tết. Đây là cơ hội để tôi có dịp tiếp xúc với công nhân, hiểu thêm về cuộc sống của họ. Bởi tôi đang nhen nhóm ý tưởng đến các khu công nghiệp truyền cảm hứng sống tích cực đến họ… 

Tôi cũng tự an ủi, đây là dịp thử trải nghiệm một cái tết của người độc thân, phải tự mua sắm và trang trí nhà cửa. Tự lập ra kế hoạch tài chính chi tiêu cần thiết trong dịp tết để biết đâu, đến ngày lập gia đình, tôi còn biết tính toán chi tiêu cho tổ ấm của mình…

Tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan là vậy nhưng đêm về, tôi lại chạnh lòng bật khóc ngon lành. Cái cảm giác nghẹn ngào nhìn người xung quanh rục rịch chuẩn bị hành lý về quê ăn tết hay vô tình lướt MV quảng cáo có những cảnh đoàn viên gia đình… mà cảm thấy tim như muốn vỡ ra.

Rồi lại tự hỏi, cuối năm này ở quê như thế nào? Cả nhà đang chuẩn bị ra sao? Những ngày giáp tết lạnh lẽo này sức khỏe ba, mẹ liệu có ổn?... Dường như rất nhiều câu hỏi hiện ra nhưng tôi không dám gọi điện thoại về nhà. Bởi rất sợ phải nghe câu hỏi: “Bao giờ con về?”.

Để bớt suy nghĩ tôi lao vào công việc đến mức kiệt sức lăn ra ốm. Bình thường, ốm rồi sẽ nhanh qua. Nhưng những ngày cuối năm, tự nhiên thấy mình giống một khối pha lê mong manh dễ vỡ. Năng lượng đôi chút vơi cạn và mình tự thấy, cũng nên khóc một chút cho nhẹ lòng. 

Chọn ăn tết xa nhà và không đi du lịch, tôi dành toàn bộ thời gian cho công việc viết lách. Tôi cũng sẽ rèn thêm nội lực. Bởi tôi biết, ngoài kia, sẽ có rất nhiều người cần tôi truyền cảm hứng sống cho họ. 

2021 là một năm thế giới sẽ đối diện thêm nhiều biến động mới. Nhưng đây cũng là năm mà Liên Hiệp quốc chọn là năm chữa lành những vết thương tâm hồn. Ngoài kia, sự hối hả đang bủa vây dòng người để về quê ăn tết. Còn tôi sẽ chọn “lội ngược dòng” để ấp ủ những dự tính lớn lao hơn cho cộng đồng. 

Gạt nước mắt và đón một cái tết độc thân với nhiều trải nghiệm thú vị...                    


Trần Trà My

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/121345/tran-tra-my-tet-xa-nha



Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

NHỚ NHỮNG CÁI TẾT XƯA CŨ


 

Những ngày cuối năm tôi hay có những giấc mơ kỳ lạ? Những mảnh ghép ký ức trong tiềm thức của mình làm cho tôi nhớ về những cái tết thơ bé của mình. Khi đó,  những người thân của mình vẫn còn đông đủ...

 

Dân miền Trung chúng tôi tầm 20 tháng chạp trở đi là đã rực rịch dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ đạc và lo mâm cúng tất niên để chuẩn bị đón ông bà tổ tiên về ăn tết. Riêng tụi trẻ con chúng tôi tầm đầu tháng chạp là đã được sắm sửa đồ mới. Lý do là nhà đông con nên phải chuẩn bị mua sắm sớm, mới có được đồ rẻ - đẹp. 

 

 


 

 

Chụp cùng gia đinh năm 2020

 

Tôi nhớ ba tôi hay dặn mẹ rằng: Nhớ lựa đồ đẹp cho Trà My". Thú thật lúc nhỏ các em của tôi sẽ được hai lần may hoặc mua áo quần mới; đó là khi khai giảng năm học và mỗi lần tết đến. Còn tôi, bị khuyết tật từ khi sinh ra. Vậy nên, chỉ có tết tôi mới được ba mẹ mua áo quần và giày mới. 

 

Mà năm nào ba mẹ làm ăn khó khăn là tôi sẽ đi xin tiền người thân hoặc người thân sẽ mua đồ đẹp cho tôi diện tết. Thành ra từ nhỏ tôi đã thích mình phải đẹp, dù sinh ra trong một hình hài không trọn vẹn. 

 

Tết ở quê hồi đó nghèo mà vui lắm nhé. Tại mọi người phải tranh thủ mua sắm dự trữ đồ từ rất sớm để cho nó rẻ. Trừ hoa và trái cây thì tầm 29 tết mới đi mua về để để được lâu. Riêng ba tôi rất mê cây cảnh thành ra từ 25 tết trở đi là ba tôi đã trưng bày hoa và cây cảnh từ ngoài cổng vào đến trong nhà. Người ta hay gọi đùa nhà tôi là ăn hoa chứ không phải ăn tết, vì từng góc nhỏ trong nhà ba tôi đều trưng bày hoa.

 

Thậm chí, ba người phụ nữ trong nhà cũng là tên của ba loại hoa vô cùng kiêu kỳ. Mẹ tôi tên Lan, em gái tôi tên Ly và cái tên của tôi cũng là tên của một loại hoa. Thành ra cứ tết đến dù nghèo đến đâu ba tôi cũng phải trưng hoa thật nhiều ông mới chịu. Đến tầm 28 tết là sẽ chuẩn bị công đoạn gói bánh chưng bánh tét. Có năm thì gia đình tôi cùng với các nhà hàng xóm sẽ cùng góp nhau lại gói, hoặc có khi chạy ra nhà nội cách đó 7 cây số để cùng nội gói bánh.

 

Tụi trẻ con lúc đó đều được nghỉ học nên tôi sẽ có người chơi cùng. Tôi vừa là chị cả trong nhà vừa là cháu nội đầu lòng của bà nội, nên sau tôi sẽ là 9 đứa em. Vui nhất là những ngày trước tết tụi tôi được gặp nhau để hỏi thăm nhau câu: "Tết này mẹ mua áo quần đẹp gì?" À chưa kể tới việc phải chạy tour ăn tất niên từ nhà này qua nhà khác. Tại họ hàng gia đình tôi vô cùng đông. 

 

Tôi thích nhất là ngày cuối năm được ngồi quây quần mọi người để nhìn gói bánh. Mùi lá chuối, lá dong tươi xanh, mùi của nếp, của nhân đậu xanh và của thịt heo nó quyện lại tạo một thứ mùi tổng hợp khó quên lắm. Chưa kể nội tôi rất khéo tay còn làm thêm bánh in, bánh thuẩn, bánh học, bánh lá gai... Ta nói một đứa nghiền đồ ngọt như tôi chỉ mon men lại gần để chực chờ ăn vụng. Mà thời đó nhà nội tôi chưa có điện nên phải thắp đèn dầu. Khoảng thời gian cuối năm bao giờ cũng lạnh, nhưng nội vẫn thức để làm đủ các loại bánh biếu họ hàng ăn tết. Còn đứa trẻ con như tôi thường ngồi cạnh nội để chực chờ ăn vụng và hỏi nội xem còn mấy ngày nữa là đến tết. Đôi khi còn là để nghe nội kể chuyện ngày xưa hoặc ngồi nói chuyện cho nội đỡ buồn ngủ.

 

Có khi tôi thức cùng nội đến tận 12h đêm chờ nội làm xong nội bế tôi đi vệ sinh, rồi bế tôi lên giường ngủ. Đêm khuya lạnh lắm và tôi thường ôm nội thật chặt để ngủ và hít hà mùi hương liệu làm bánh còn vương trên người nội. Những đêm như vậy, trong giấc mơ của tôi chỉ toàn là bánh kẹo và mứt tết, thấy mình được ăn no phủ phê cho thỏa cơn thèm. Bởi thời đó có những món ăn chỉ có ngày tết mới được ăn mà thôi.

 

Nhà tôi theo đạo Phật nên 30 và mồng 1 là ăn chay. Thành ra trong nhà chẳng dự trữ thịt thà như những nhà khác. Mẹ tôi sẽ tự tay làm dưa món, củ kiệu, dưa cải và các loại mứt để ăn ba ngày tết. Mà công nhận thời đó người ta ăn tết đúng nghĩa, vì ngày thường làm gì có những thứ đồ kia để ăn. Vậy nên phải làm rất nhiều loại bánh mứt để cho tụi trẻ con chúng tôi được ăn đến rằm. Mà mấy ngày trước tết mẹ tôi thường phải giấu đồ ăn rất kỹ, vì nếu không tụi tôi sẽ ăn vụng hết. Ba mẹ tôi thường căn dặn rất kỹ: “Đây là đồ cúng nên các con không được ăn”. Nhưng với một đứa trẻ nghiện đồ ngọt như tôi thường canh me mỗi khi mẹ tôi đang rim mút gì đó trên bếp là thể nào tôi cũng tìm cách ăn vụng và xúi giục luôn 3 đứa em ăn vụng theo. Mặc dù lúc nhỏ tôi chỉ có thể ngồi một chỗ mà thôi.

 

 


 

 

Từ ngày nội mất thì “địa điểm tập kết” của đại gia đình chúng tôi vào ngày đầu năm sẽ là chùa Long Hưng. Đây là ngôi chùa của cô ruột tôi đang trụ trì tại thị xã Quảng Trị.

 

Đêm 30 tết nhà tôi sẽ làm một mâm cơm chay để cúng ông bà tổ tiên. Đúng lúc giao thừa, ba tôi sẽ đốt pháo còn tụi tôi sẽ chui vào mẹ vừa sợ hãi vừa thích thú mỗi lần từng tiếng pháo vang ra. Ba bảo: “Mấy đứa ngủ sớm để sáng mai dậy theo ba đi xuất hành rồi ra mệ nội”. Vậy là sáng hôm sau mấy chị em chúng tôi tự động bật dậy chứ chẳng cần ba mẹ kêu. Chúng tôi được mang áo quần mới, leo lên xe đi xuất hành xong chạy thẳng ra nhà nội để thắp hương tổ tiên đã khuất.

 

Tôi luôn thích cái không khí của sáng mồng 1 tết lúc nào cũng tinh khiết trong veo, thơm mùi trầm hoặc thơm mùi nhang được thắp trên bàn thờ, một bầu không khí trang nghiêm và ấm cúng nhất. Và  nhớ nhất là khi mọi người thường chào nhau bằng câu: “Chào...năm mới!” Ở dấu ba chấm này có thể là tên của một ai đó hay là vai vế của một người nào đó. Và cho dù cả năm có gặp nhau 365 ngày đi chăng nữa thì cứ tới sáng mồng 1 tết vẫn nhìn nhau bằng một ánh mắt mới mẽ hơn và dù năm cũ có xảy ra bao nhiêu mâu thuẫn đi chăng nữa thì sáng đầu năm, mọi hiểu nhầm đều sẽ cho qua.

 

Tụi con nít chúng tôi, ngày đầu năm là sẽ tự động ngoan và lễ phép đến lạ vì để được người lớn lì xì. Chúng tôi tự động đứng xếp hàng để được người lớn lần lượt mừng tuổi xong là sẽ sà vào bàn để được ăn những món ăn ngày tết. Những món ăn với đủ sắc màu đã được người lớn kỳ công chuẩn bị từ những ngày trước tết. Ở đó chúng tôi ăn một cách ngấu nghiến vì cả năm trời chẳng bao giờ có mà ăn. Vậy mới đúng nghĩa của câu: “Ăn tết”.

 

Cuối năm, mùa sum họp của những người tha phương. Mùa của những người đang sống hoài niệm về những người đã khuất. Tôi nhắn dòng tin gửi cho cô em họ của mình với nội dung: “Chị nhớ nội!” Vậy là trong bóng đêm tôi bật khóc ngon lành. Tết này phải một mình ăn tết xa nhà, nên lòng càng nhớ về những miền ký ức xưa cũ...

 

Những cái tết tuy có bị thiếu thốn vật chất, nhưng ở đó lại đong đầy tình thân!...

 Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!


Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...