Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Môi trường - đối tượng yếu thế đang cần được bảo vệ

Chị Thới Thị Châu Nhi khẳng định môi trường là một đối tượng yếu thế, không có khả năng tự bảo vệ mình và đang bị bàn tay con người tàn phá.
Trước khi vào tham dự chương trình, khán giả được thưởng thức nghệ thuật ẩm thực chay
Trước khi vào tham dự chương trình, khán giả được thưởng thức nghệ thuật ẩm thực chay
Đó là thông điệp được chị Thới Thị Châu Nhi, - Giám đốc điều hành của CHANGE - một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, chia sẻ trong buổi biểu diễn nghệ thuật là phương cách độc đáo mà các bạn trẻ vừa dùng để truyền tải các thông điệp về bảo vệ môi trường “Ô Hi Show” diễn ra vào tối ngày 11.4 tại Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM).

Cần nhiều đại sứ xanh

Đêm nghệ thuật về môi trường “Ô Hi Show” do Dự án môi trường I-Unity thuộc Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Hoa Sen phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Phước và một số đơn vị thực hiện đã thu hút gần 200 bạn trẻ đến dự với nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, hài độc thoại, nhảy hiện đại, diễn thuyết và trưng bày những chú rối làm bằng vật liệu tái chế từ giấy báo cũ, thùng carton, ni lông...
Chị Nhi khẳng định môi trường là một đối tượng yếu thế, không có khả năng tự bảo vệ mình và đang bị bàn tay con người tàn phá. Mỗi chúng ta đều đang xả rác và có những thói quen tiêu dùng lãng phí, tạo ra nhiều rác thải và đang phải trả giá bằng sức khỏe và thậm chí tính mạng của chúng ta.
Trái Đất đang tiến dần đến ngưỡng không chịu đựng được nữa trước tác động của con người. Rất cần ngày càng nhiều những đại sứ xanh với những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường”, chị Nhi chia sẻ. Đồng thời, quy tắc 5 Rs gồm “Rethink - Reduce - Reuse - Repair - Recycle” (Tạm dịch: Suy ngẫm lại - Giảm thiểu - Tái sử dụng - Sửa chữa - Tái chế) đã được chị Nhi giới thiệu và khuyến khích các bạn trẻ thực hiện.
“Công lý khí hậu” sẽ ra sao khi chính con người luôn là tác nhân khiến trái đất ngày càng ô nhiễm, từ những hành động rất nhỏ mỗi ngày như sử dụng bao ni lông, lãng phí điện nước, sử dụng quá nhiều đồ nhựa hay mua sắm rất nhiều thứ không dùng đến. Bên cạnh đó là việc phá rừng, tàn phá hệ sinh thái để xây lên rất nhiều khu du lịch.

Truyền tải các vấn đề môi trường một cách đa chiều 

Bên cạnh đó, hài độc thoại từ diễn viên Uy Lê - Saigon Tếu đầy chất trào phúng và vô cùng cởi mở về lối sống hằng ngày của mỗi người đang tác động đến môi trường để đưa ra các giải pháp khả thi.
“Không hẳn bạn phải trở thành một chiến binh bảo vệ môi trường nhưng hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất để trở thành chất xúc tác trong việc bảo vệ môi trường. Hãy dần thay đổi những thói quen xấu gây tác động không tốt đến môi trường sống và lan tỏa cách hành xử tử tế đối với môi trường”, diễn viên Uy Lê nhấn mạnh.
Theo cảm nhận Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy: “Các màn trình diễn nghệ thuật - tâm điểm của chương trình gồm bốn tiết mục truyền tải các vấn đề môi trường một cách đa chiều đã truyền cảm hứng để người tham dự nâng cao ý thức về lối sống giảm thiểu lãng phí”.
Cũng tại chương trình nhóm kịch M-CLOWNs mang tính bi lẫn hài đã đem đến những khoảnh khắc lắng đọng của chương trình với những phân cảnh diễn khiến người xem cảm động và “thức tỉnh”. Phá đi những cánh rừng để thay vào đó là các công trình xây dựng sinh ra nhiều lợi nhuận, mà theo cách lý giải của không ít nhà đầu tư, là sinh ra sự thịnh vượng và văn minh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường vì mất cân bằng sinh thái và đâu sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất là vấn đề chính trong vở kịch được “trao truyền” đến người xem.
“Ô Hi Show” được khép lại một cách trọn vẹn với bài hát chủ đề mang tên “Thế giới không phiền lo” với sự trình diễn của nhóm AMER.
“Đêm diễn là cơ hội để các sinh viên nâng cao khả năng diễn xuất và trao gửi những lời nhắn gửi về trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen , cố vấn của dự án I-Unity, chia sẻ.
I-Unity là dự án do các sinh viên đến từ Trường ĐH Hoa Sen và nhiều trường ĐH khác cùng chung tay thực hiện. “Ô Hi Show” nhận được sự cố vấn và hướng dẫn của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen; nhóm nghệ nhân rối Mekongaholics; sự hỗ trợ tài chính và tập huấn từ các nhà tài trợ từ cuộc thi Nhân tố thay đổi thuộc Quỹ Lương Văn Can và cộng đồng thuần chay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/moi-truong-doi-tuong-yeu-the-dang-can-duoc-bao-ve-1367449.html

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Nguyễn Văn Luận - khởi nghiệp từ “Sài Gòn tử tế”


Từ chưa thích nghi với Sài Gòn

Nguyễn Văn Luận sinh ra trong gia đình có ba mẹ đều là nông dân tại huyện Bình Long (nay là thị xã Bình Long). Luận tâm sự, từ nhỏ đến khi học hết phổ thông, anh chỉ quanh quẩn trong huyện và không biết gì đến thế giới bên ngoài. Năm 2005, tốt nghiệp THPT, Luận học Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh.

Những ngày đầu xa nhà là thời gian ngột ngạt với anh. Thậm chí, Luận còn bị say xe khi từ quê lên TP. Hồ Chí Minh mất gần 3 tiếng đồng hồ. Sau một thời gian, Luận đã thích nghi và vượt qua nỗi ám ảnh xe cộ.

Suốt những năm đại học, Luận may mắn gặp được người chủ nhà rất tử tế. Luận cũng tranh thủ đi làm thêm cũng như học ngoại khóa để nâng cao kỹ năng sống. Luận muốn tận dụng khoảng thời gian sinh viên vừa học vừa làm để có thêm trải nghiệm. Năm 2011, tốt nghiệp đại học, Luận xin vào làm ở một công ty về truyền thông chuyên sản xuất các chương trình truyền hình. Đồng thời, anh tiếp tục học thêm Đại học Kinh tế.

...đến yêu Sài Gòn vì những điều tử tế

Thời sinh viên, Luận thường xuyên tham gia những hội, nhóm và anh nhận ra người Sài Gòn rất dễ mến. Với Luận: “Sài Gòn là một nơi cho mình trưởng thành, cơ hội phát triển bản thân và những bài học về tình người quý báu”.

Đó cũng là lý do tháng 12-2018, dự án “Sài Gòn tử tế” ra đời khi Luận làm vai trò biên tập cuốn sách ảnh kể về những điều dung dị ở Sài Gòn qua ảnh. Cuốn sách ảnh này Luận đã đặt tên “Sài Gòn tử tế” - những câu chuyện tử tế của người Sài Gòn được ghi lại bằng hình ảnh. Và một thời gian sau là chuỗi cà phê mang tên “Touch Sài Gòn”. Lý giải thêm về “quy trình” khởi nghiệp khác lạ này, Luận chia sẻ: “Có thể một số người sẽ nghĩ dự án “Sài Gòn tử tế” là một hình thức PR cho “Touch Sài Gòn”. Tuy nhiên, mình mở ra quán cà phê này với mong muốn có một không gian để những người trẻ tập trung và cùng nhau làm nên nhiều điều tử tế”.

Điềm đạm và hơi kiệm lời. Dường như đó là nét rất riêng của chàng trai 34 tuổi Nguyễn Văn Luận (ảnh). Và đây cũng là phong cách tạo nên điều tử tế như chính cái tên dự án mà chàng trai đến từ thị xã Bình Long đang theo đuổi hơn 2 năm nay bằng mô hình khởi nghiệp gắn với thiện nguyện - “Sài Gòn tử tế”.


Với các mô hình như đêm nhạc gây quỹ, bán thiệp gây quỹ cho các chương trình thiện nguyện, sau gần 1 năm thì cà phê “Touch Sài Gòn” mở thêm chi nhánh thứ 2. Cũng tại thời điểm tháng 6-2020, Luận quyết định nghỉ việc để tập trung cho “Touch Sài Gòn” và những dự án thiện nguyện của “Sài Gòn tử tế”.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, người thất nghiệp tăng và các mô hình kinh doanh mới mở dường như có nguy cơ thất bại. Thế nên với Luận, đây là một quyết định vô cùng mạo hiểm. Luận phải làm một lúc nhiều vai từ giữ xe, bưng bê, lau dọn, kiêm luôn pha chế lẫn tạp vụ. Đây là thử thách mà hầu như người khởi nghiệp nào cũng phải trải qua.

Hiện nay, Luận đang tiếp tục công việc để chuẩn bị ra đời thêm chi nhánh thứ 3 của chuỗi cà phê mang tên “Touch Sài Gòn”. Khi được hỏi về việc có muốn đem mô hình cà phê này về quê hương Bình Phước hoặc tổ chức chương trình thiện nguyện tại nơi mình sinh ra, Luận cho biết: “Mình luôn nghĩ đến điều đó. Chắc chắn có một ngày mình sẽ làm điều gì đó cho quê hương Bình Phước”.

Trần Trà My
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/122253/nguyen-van-luan-khoi-nghiep-tu-sai-gon-tu-te?fbclid=IwAR1vPwMvJFTmEazZ7pdEfc1ex06L9YVjMz8gB3LAOky1PybOHoH7uirOMUY


Tỉnh đoàn Bình Phước phối hợp khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo đảo Nam Du

  Tỉnh đoàn Bình Phước vừa phối hợp Nhóm khám bệnh nhân đạo Trái tim nhỏ (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức hành trình thiện nguyện, tiếp sức người khó khăn với tổng trị giá gần 200 triệu đồng tại đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Khoảng gần 300 người dân đã có mặt từ rất sớm để chờ được khám bệnh

Trong hành trình, tại Trường tiểu học An Sơn, 379 người dân xã đảo thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đã được các y, bác sĩ TP. Hồ Chí Minh vượt gần 300 km đến tận tình thăm khám, đo điện tim, siêu âm bụng, siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm đường máu mao mạch, cấp phát thuốc miễn phí để điều trị một số bệnh thông thường. Đồng thời, tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và góp phần nâng cao sức khỏe.

Những trường hợp bệnh thuộc các chuyên khoa sâu hoặc các trường hợp cần can thiệp của bác sĩ chuyên khoa đều được các y, bác sĩ tư vấn khám đúng chuyên khoa để được điều trị sớm.

Theo bác sĩ Nguyễn Dương Minh Tân, Phó nhóm Khám bệnh nhân đạo Trái tim nhỏ, đây là hoạt động khám bệnh nhân đạo đầy thiết thực lần thứ 53 của nhóm, rất có ý nghĩa đối với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ít có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ y tế. Trước đó, tối ngày 18-3-2021, nhóm Trái tim nhỏ đã cùng Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức đêm nhạc thiện nguyện “Tình biển đảo” tại TP. Hồ Chí Minh để vận động một phần kinh phí tổ chức hành trình này.

Đoàn đã đến thăm và động viên tinh thn một trong những hộ khó khăn ở đảo

Dịp này, đoàn thiện nguyện đã cử đại diện trao tặng phần quà trị giá 5 triệu đồng cho Đồn biên phòng Nam Du và đến nhà 3 hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại đảo để thăm hỏi, động viên, tặng 1 triệu đồng/ hộ gồm hộ ông Nguyễn Văn Ân, bà Phạm Thị Ngọc Mai, ông Lê Mười Hai và gửi học bổng trị giá 1 triệu đồng hỗ trợ học sinh vượt khó Nguyễn Toàn Thắng mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Ngoài ra, chương trình giao lưu “Biển đảo yêu thương” do Tỉnh đoàn Bình Phước phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang và Nhóm khám bệnh nhân đạo Trái tim nhỏ tổ chức tại Đồn biên phòng Nam Du đã trở thành một trong những điểm nhấn của hành trình thiện nguyện lần này.

Tại đây, gần 50 cán bộ, chiến sĩ biên phòng, giáo viên, học sinh và thanh niên địa phương cùng giao lưu với nhà văn “viết chỉ bằng một ngón tay” Trần Trà My và Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy - cán bộ đoàn tiêu biểu trong các hoạt động xã hội, “truyền lửa” cho thanh niên. Qua đó, tinh thần lạc quan, vượt khó, khát vọng sống đẹp đã được lan tỏa, góp phần xây dựng nghị lực sống và niềm tin vào điều tử tế.

Chương trình giao lưu với chủ đề: “Biển đảo yêu thương” đã làm cho nhiều bạn đoàn viên thanh niên xúc động vì được nghe những câu chuyện vượt khó của nhà văn Trần Trà My

Trần Trà My
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/122347/tinh-doan-binh-phuoc-phoi-hop-kham-cap-phat-thuoc-mien-phi-cho-nguoi-ngheo-dao-nam-du?fbclid=IwAR0JPSes-0jt_jeAYphxmXz5n7kz-rFdgwtLLrmKVHcCVCcb-a37aJ_1BrI

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...