Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Cuộc sống bình thường mới

 


Sài Gòn sau gần nửa năm “ủ rũ” và đau thương nhất thì nay cũng đã bắt đầu trở lại nhịp sôi động vốn có. Tuy mới đang chỉ là sự “hé mở” nhưng đó là một dấu hiệu cho những hy vọng mới trong giai đoạn đại dịch này. Những con đường, con hẻm đã thôi không còn giăng dây, treo bảng phong tỏa.

Gần nửa năm qua, thực hiện giãn cách xã hội để chung tay phòng chống dịch Covid-19 thì hầu như mọi người đều ở trong nhà, không được ra đường, ngoại trừ lý do cần thiết. Có những buổi sáng khi thức dậy, đôi khi tôi có cảm giác trống trải, sợ hãi khi nhìn ra ngoài cổng không một bóng người, những dãy xe máy vẫn nằm im lặng nơi nhà xe. Chỉ khi nào ban điều hành khu phố thông báo đến điểm test cộng đồng, hoặc nhận quà từ thiện thì các gia đình trong dãy trọ lần lượt đi ra để tránh tập trung đông người.

Từng tiếng bước chân trên cầu thang vội vã chạy xuống. Chẳng ai dám hồ hởi chào hỏi nhau như trước, bởi không ai dám chắc mình có đang ủ bệnh hay không? Trong mỗi người lúc này, cảm giác bao trùm là nỗi lo sợ không biết ngày mai mình sẽ ra sao?

Đôi khi đâu đó và những buổi sáng tinh mơ có thể nghe thấy tiếng chim hót, nó như xoa dịu phần nào tâm trạng của mọi người khi liên tục bị âm thanh của còi xe cứu thương inh ỏi “dội vào”.

Nhưng rồi đâu đó thương đau nhất cũng phải đi qua, bởi cuộc sống vốn dĩ chuyển động liên hồi, không một ai có thể ngăn cản được sự vận hành của xã hội. Hết giãn cách, hết phong tỏa, người dân lại được ra đường với tấm “bình phong” là 2 mũi vắc xin cùng với ý thức thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, hy vọng Sài Gòn sớm trở lại cuộc sống bình thường mới với biết bao tươi đẹp.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/127940/cuoc-song-binh-thuong-moi?t=1635247091&zarsrc=10&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR0jcyLDJYm-kY24f51t3crccRj7pKQ8dmjqa1YqM_lWM1BMI3s482MkkT8

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Viết tặng các “bóng hồng” đang căng mình chống dịch

 Tôi có cô bạn đang làm điều dưỡng tại Bệnh viện 115. Suốt gần 4 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được gặp mặt nhau, thậm chí có thể phải kéo dài thêm một thời gian nữa. Em bảo, ngày em nhận nhiệm vụ “lên đường” để ở hẳn trong bệnh viện thì cô chủ nhà trọ cho ít khẩu trang và nước rửa tay rồi tự nhiên cô bật khóc. Cô bảo cứ lo đi chống dịch còn tiền nhà về tính sau.

Sự tàn khốc của dịch Covid-19 ai cũng biết nhưng có lẽ, sẽ ít ai có thể hình dung ra khung cảnh khốc liệt trong bệnh viện, nhất là những áp lực mà các y, bác sĩ đã và đang phải trải qua, đặc biệt là các bóng hồng. Lịch trình dày đặc của họ được chia thành 3 ca trực thì mới mong có thể đảm bảo được sức khỏe cho đội ngũ y, bác sĩ điều trị. 

Em bảo, trong suốt ca trực các y, bác sĩ phải bất di bất dịch trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Và những thói quen sinh hoạt thường ngày nhất như đi vệ sinh hay uống ngụm nước đều khó khăn với họ. 

Mỗi ngày sau khi hết ca trực thì tất cả y, bác sĩ cởi bỏ đồ bảo hộ, tắm rửa rồi lên một chiếc xe riêng biệt chở về khu cách ly dành cho mình. Và ở đó thường là những hộp cơm nguội ngắt vì đã quá giờ ăn trưa, ăn tối như ngày thường. Em còn kể, có những nữ y, bác sĩ sau ca trực đã rã rời thân thể nhưng vẫn phải tranh thủ gọi điện thoại về nhà để dạy con học online. Thậm chí, có những em bé ngày nào cũng gọi điện thoại khóc hỏi tại sao mẹ đi làm mãi không về? 

Còn những y, bác sĩ chưa có gia đình riêng, chưa vướng bận con cái thì họ chỉ mong sao nhanh hết dịch để được về bên cha mẹ, người thân của mình. Bởi hằng ngày, chính họ là người đầu tiên nhìn thấy những cái chết trong bệnh viện do Covid-19 gây ra. Có những ngày, đội ngũ nhân viên nhà xác gần như kiệt sức vì số lượng người chết nhiều, và theo lẽ tự nhiên tâm trí họ cũng bị xao động.

Chính những y, bác sĩ đang từng giờ, từng phút giành giật sinh mạng người bệnh trong tay tử thần Corona, bản thân họ cũng có người thân bị nhiễm SARS-CoV-2 trong cuộc chiến sinh tử ấy. Thậm chí, chính tính mạng họ cũng không thể nào thoát khỏi con virus vô hình kia. Thế nên, khi thế giới tôn sùng họ là anh hùng, những chiến sĩ quả cảm nơi tuyến đầu chống dịch, cũng là lúc trái tim họ thêm rỉ máu khi thấy nhiều người bệnh ra đi.

Những ngày này, khi cuộc sống bình thường mới đang dần được thiết lập trở lại thì đội ngũ y, bác sĩ vẫn chưa được “thả về”. Thậm chí lúc này có rất nhiều nữ y, bác sĩ phát hiện ra mình đang là F0 nên phải đưa đi điều trị. 

Trong cuộc nói chuyện video với tôi, em nói: “Chị ơi! Em chỉ muốn về ăn bữa cơm với mẹ, vì mấy tháng rồi em không được về Cà Mau”. Chỉ nghe đến đó là tôi đã òa khóc vì thương cho những hy sinh thầm lặng của các chiến binh áo trắng. Tôi dang tay như để ra hiệu muốn ôm em một cái nhằm động viên tinh thần cô gái điều dưỡng ấy. 

Quả thật, khó có từ ngữ nào có thể lột tả được hết sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ trong đợt dịch bệnh này. Bởi khi có những ngày, chính họ cũng không biết ngày mai liệu mình còn sống hay không, nhất là những bóng hồng đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Biết ơn những nữ y tá, bác sĩ vẫn luôn kiên cường chiến đấu mỗi giờ, phút trôi qua. Họ là những bóng hồng đặc biệt giữa vườn hoa cuộc sống.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/127764/viet-tang-cac-bong-hong-dang-cang-minh-chong-dich

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Vắc-xin cho tâm hồn

 Giữa thời đại dịch này thì câu chuyện vắc-xin luôn là đề tài được chúng ta quan tâm nhất. Bởi lẽ đây là phương án an toàn để giúp con người chống chọi với vi rút.

Ngoài vắc xin Covid-19, mỗi người cần giữ cho mình một tâm hồn lạc quan nhất và một cái đầu thật tỉnh táo nhất /// N.D
Ngoài vắc xin Covid-19, mỗi người cần giữ cho mình một tâm hồn lạc quan nhất và một cái đầu thật tỉnh táo nhất
N.D

Thế nhưng dù đã tiêm đủ hai liều vắc-xin thì vẫn có thể nhiễm Covid-19. Thậm chí, hiện nay một số quốc gia đang lên phương án tiêm mũi thứ 3, để phòng vệ trước biến thể không ngừng tiến hóa của vi rút.

Cảm xúc tiêu cực là cơ hội cho nhiều mầm mống bệnh tật

Các nhà khoa học đang ngày đêm làm việc cật lực để mong cải tiến ra loại vắc-xin tốt hơn, nhằm chạy đua cùng các biến thể vô hình ấy. Còn các quốc gia sau một thời gian phong tỏa, chìm trong bóng đêm đại dịch, tang thương với những con số người chết thì dần dần cũng phải gỡ bỏ phong tỏa để người dân trở lại cuộc sống bình thường mới.

Nhiều người chờ đợi được tiêm vắc-xin và cũng sẽ có những nhóm nhỏ tỏ ra hoài nghi hoặc không muốn tiêm vắc-xin. Thậm chí, tỏ hẳn thái độ tiêu cực chống đối lại chính quyền địa phương, tung ra những tin tức thêu dệt chống phá. Cũng có nhóm người tự hủy hoại tâm trí của mình bằng việc hàng ngày lướt tin tức tiêu cực. Quả thật sự ủ rũ của những tháng ngày dài phải ở yên trong nhà không đáng sợ bằng việc để cho tâm hồn mình bị nhiễm phải những năng lượng tiêu cực.

Hết ngày này qua tháng nọ, nguồn năng lượng trong tâm hồn dần cạn kiệt sức lực cho dù thể trạng cơ thể vẫn khỏe mạnh thanh xuân. Đâu đó, sự sợ hãi hoang mang bủa vây không gian sống của họ, nó có thể hút cạn nguồn năng lượng sống trong mỗi người. Có khi chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì tâm hồn đang cạn kiệt năng lượng.

Lo lắng, sợ hãi, hoang mang về những nỗi đau mất mát khi phải mất đi người thân bạn bè, mất công việc và mất đi thu nhập. Đó là tâm trạng chung của rất nhiều người trên khắp hành tinh trong suốt hai năm nay. Cứ loay hoay nhốt mình trong những mớ cảm xúc tiêu cực sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho rất nhiều mầm mống bệnh tật tấn công cơ thể, chứ không riêng gì vi rút Corona.

Vắc xin cho tâm hồn - ảnh 1

Hình ảnh thể hiện thái độ tiêu cực của người dân trong dịch bệnh

CẮT TỪ CLIP

Người chiến thắng là người có khả năng thích nghi

Khi tâm hồn hoảng loạn thì tự nhiên cơ thể sinh học cũng bị suy kiệt theo. Thế nên, trước khi tiêm vắc xin cho cơ thể, xin hãy nhớ một điều là phải tự tiêm vắc-xin cho tâm hồn trước đã.

Song, nói thì dễ chứ làm mới là điều khó khăn. Bởi dịch bệnh chưa qua thì tỷ lệ người dân đã/đang và sẽ có nguy cơ bị trầm cảm tăng đột biến. Thậm chí nhóm người ở tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ cũng đã rơi vào những dấu hiệu liên quan đến trầm cảm, tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau của mỗi người. 

Sự miễn nhiễm tâm hồn dành cho những ai đã may mắn tự “tiêm vắc-xin cho tâm hồn” của mình, để có thể chống chọi với giông tố cuộc đời và những đại họa bất khả kháng. Lẽ dĩ nhiên, đại dịch bệnh lần này cũng là một tai họa bất khả kháng giáng xuống nhân loại, đến mức ban đầu có những quốc gia dù có nền y học tiên tiến nhất cũng đã chủ quan ỷ y cho rằng nó chỉ như một loại cảm cúm thông thường. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn họ buộc phải phong tỏa toàn quốc và cho đóng cửa hết các đường biên giới.

Vắc xin cho tâm hồn - ảnh 2

Rào chắn sẽ dần gỡ bỏ đến trước ngày 1.10 để bắt đầu cuộc sống bình thường mới

N.D

Quốc gia nào cũng mong nghiên cứu ra lại vắc xin tốt nhất để cứu dân mình nhưng sự thật tàn khốc là tốc đột biến chứng của vi rút tăng một cách chóng mặt. Vậy nên, đành phải quay ra phương án sống chung bình thường mới.

Thật ra trong lịch sử hình thành của trái đất thì con người chúng ta đã trải qua biết bao trận dịch bệnh tương tự. Những trận đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người từ già, trẻ, lớn, bé, giàu, nghèo…Và cũng vì một nhẽ, bản chất con người được sinh ra đã có sẵn một bản năng sinh tồn để còn vượt qua mọi nghịch cảnh của số phận mình. Nói theo góc độ của tôn giáo là tùy thuộc vào mức độ thiện duyên của mỗi người để họ có thể vượt qua được nghịch cảnh.

Còn nhìn nhận dưới góc độ tâm lý học sẽ cho chúng ta thấy rằng tùy vào “sức đề kháng” của tâm hồn mỗi người sẽ giúp họ đương đầu với thử thách. Có một câu nói rất hay với đại ý rằng, người chiến thắng không phải là người thông minh nhất hay có sức khỏe tốt nhất, mà đó là người có khả năng thích nghi với mọi môi trường sống một cách tốt nhất. Vậy thì, muốn thích nghi được thì trước tiên cần phải tự tiêm cho mình vắc xin tâm hồn một liều cao nhất.

Xin hãy giữ cho mình một tâm hồn lạc quan nhất và một cái đầu thật tỉnh táo nhất để không thể chủ quan trước bất kỳ mọi tình huống nào xảy ra từ cuộc sống.

nguồn: https://thanhnien.vn/vac-xin-cho-tam-hon-post1116136.html

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Người tử tế đâu rồi?

  Người ta nói vụ cướp xe bia ở Biên Hòa trong khoảng 100 người thì chỉ có 3 người đứng ra ngăn cản và giúp người lái xe thu hồi những lon bia nằm lăn lóc trên đường.


- Người ta nói trong vụ cướp tiền ở quận 3, nạn nhân chỉ được những người đi đường trả lại 30,5 triệu trên tổng số tiền 50 triệu bị cướp.

- Và người ta cũng nói chưa bao giờ cái từ “hôi của” lại được cả xã hội chúng ta nhắc nhiều như mấy tháng vừa qua. Tôi đã thử search trên Google và trong vòng 0,16 giây Google đã cho ra 30.500.000 kết quả tìm kiếm. Con số đó đã nói lên điều gì về nhân cách của người Việt chúng ta, chắc hẳn ai cũng biết, cũng hiểu như hiểu 1+1 bằng 2 vậy!

Nhưng có một nữ nhà văn đã từng thốt lên rằng: “Trong đám đông đang thiếu một anh hùng”, cái từ “Anh hùng” đôi khi không nhất thiết phải là một con người lực lưỡng, khỏe mạnh hay thông minh tài giỏi. Đơn giản chỉ là khi chúng ta đứng trước ranh giới giữa cái Thiện và cái Ác, thì con người tử tế trong tận tâm trí của chúng ta sẽ không bị bóp chết mà thôi!

Minh họa: LƯU THIỆN

Có lần đứa em gái của tôi trên đường đi học về thấy có một tờ 5.000 của ai đó đánh rơi. Nó chỉ đứng nhìn rồi bỏ chạy. Về nhà kể với mọi người, tự nhiên có người buột miệng hỏi: “Sao không lấy. Dại quá!”. Em tôi thản nhiên bảo: “Vì sợ quả báo!”. Một đứa trẻ học lớp 5 đã biết thế nào là nhân quả nếu đi nhặt hay lấy đồ của người khác.

Rồi có lần tết đến, có người đến nhà chơi và lì xì cho chị em chúng tôi, nhưng khi ra về họ đánh rơi một block tiền tờ mệnh giá 5.000 đồng. Tôi phát hiện và mẹ tôi gọi điện thoại cho họ đến nhận lại. Khi đem kể chuyện này cho mọi người nghe, trong đám đông có một số người đã thốt lên: “Dại quá, lộc trời cho mà không lấy?”. Đứa trẻ non nớt như tôi không hề biết thế nào là lộc trời cho, nhưng tôi biết nhặt của rơi mà không trả là phải tội.

Mấy tháng trước VTV1 chiếu một đoạn phóng sự về vụ án Cậu Thủy, kẻ giả danh nhà ngoại cảm để đi lừa gạt những thân nhân gia đình liệt sĩ đang ngày đêm cầu mong sớm tìm được thi hài của con em mình hy sinh mấy chục năm về trước. Tôi xem và khóc tức tưởi, khóc như một đứa trẻ đang cầm miếng bánh trên tay thì bị người ta cướp mất. Miếng bánh ấy mang tên Niềm Tin Đạo Đức khi trông thấy những người có chức, có quyền cũng tham gia tiếp tay cho tội ác tày trời này.

Hôm bữa có cô bé chung dãy nhà trọ tự nhiên hớt ha hớt hải chạy vào phòng tôi khoe: “Chị ơi, ngoài kia có ông bị cụt chân đi bán táo mèo. Chỉ mười ngàn một ký thôi. Nhà chị có mua không để em mua giùm cho, chứ thấy ông ế sáng giờ tội quá”! Cứ thế cô bé gõ hết phòng này đến phòng khác. Nhà tôi mua 5kg táo mèo. Mặc dù phải đi chia cho bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm mỗi người một ít, nhưng tự nhiên lòng thấy vui vui. Hỏi ra mới biết ngày xưa cô bé này phải sống với ông bà ngoại, bố mẹ đi làm xa và nhà nghèo lắm. Có lần mấy chị em đi hái trộm cà chua nhà hàng xóm. Bị ông bà ngoại phát hiện, nhưng mấy chị em không hề bị đánh đòn mà thay vào đó ông ngoại đã giảng một bài học về cách làm người, về sự khó nhọc của người ta khi trồng ra một quả cà chua. Từ đó cho dù nghèo đói đến mức nào thì họ vẫn giữ được nhân cách tử tế của mình.

Vậy người tử tế đâu rồi giữa cuộc sống này? Tôi nghĩ đó chưa chắc đã là một bà bán cá ở ngoài chợ hay một ông tổng giám đốc của một ngân hàng lớn. Đó cũng chưa chắc đã là một cậu sinh viên hay một thanh niên giang hồ…

Thật ra người tử tế đều nằm trong mỗi con người chúng ta, từ khi phôi thai hình thành, lớn lên và chui ra khỏi bụng mẹ. Nhưng một khi chúng ta chui ra khỏi bụng mẹ, không còn sự bao bọc chở che, chúng ta phải tự vật lộn giữa cái thiện và cái ác. Lúc đó sự tử tế mới bắt đầu hình thành… Nhưng nó hình thành như thế nào là tùy thuộc vào những người đã tạo ra chúng ta.

nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguoi-tu-te-dau-roi-128089.html

Đường sách TP. Hồ Chí Minh hoạt động trở lại sau giãn cách

  Sau nhiều ngày giãn cách xã hội thì đường sách TP. Hồ Chí Minh đã được hoạt động trở lại và có nhiều chương trình ý nghĩa, trong đó có chương trình khai trương tủ sách gia đình do Công ty sách Sbook thực hiện.

Việc tạo ra tủ sách nhằm hỗ trợ phụ huynh, giáo viên và học sinh cấp 1 có được những tài liệu liên quan đến chương trình học. Qua đó trang bị một tủ sách giúp trẻ thỏa sức tìm hiểu, học hỏi một cách thú vị và hiệu quả nhất. Cha mẹ cũng có thể dựa vào những tựa sách chọn lọc để dạy và học cùng con, giúp con phát triển trí tuệ và nhân cách hoàn chỉnh. Việc xây dựng tủ sách cho con không chỉ dừng lại đối với học sinh cấp 1 mà sẽ còn phát triển các tủ sách dành cho lứa tuổi cấp 2 và cấp 3. 

Tủ sách gia đình đã nhận được sự quan tâm của phụ huynh và trẻ em đến tham quan tìm hiểu, mua sách

Tủ sách dạy và học dành cho con được phân theo từng lớp, từng cấp giúp cha mẹ, thầy cô và các đoàn thể dễ dàng hơn trong việc lựa chọn sách tốt cho con. Thay vì phải “bơi” trong biển sách thì các bậc cha mẹ có thể chọn sách theo combo từng cấp học hoặc từng lớp học cho các con. Những tựa sách được lựa chọn theo các tiêu chí của Bộ GD&ĐT. Tủ sách chọn lọc rất hữu ích cho các em trong việc phát triển trí tuệ và hoàn thiện nhân cách. 

Danh mục sách được chọn lọc kỹ lưỡng giúp trẻ em phát triển tri thức, hoàn thiện nhân cách theo 5 trụ cột giúp trẻ mở mang kiến thức; tình cảm - ý chí tích cực (có ước mơ, hoài bão, ý chí vươn lên); có đạo đức tốt; giá trị sống cao đẹp và thói quen tinh thần tốt. Nhờ đó góp phần gieo niềm say mê của trẻ với sách, dần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ môi trường gia đình. Từ việc xây dựng tủ sách sẽ tạo thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường, đồng thời hỗ trợ việc học tập. Để vàng để bạc không bằng để sách cho con. Xây dựng tủ sách hay dành cho con trong gia đình là con đường mang đến những điều bổ ích cho con trẻ, giúp các em đạt được 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sau một thời gian giãn cách xã hội thì người dân TP. Hồ Chí Minh đã được đến đường sách nhưng phải tuân thủ biện pháp 5K

Đối với tủ sách gia đình, Sbooks phối hợp với Hội xuất bản Việt Nam và Đường sách TP. Hồ Chí Minh giới thiệu những tựa sách hay được chọn lọc để đưa vào kệ sách gia đình. Bạn đọc, du khách, các gia đình có thể chọn lựa các đầu sách thuộc tủ sách doanh nhân, tủ sách trí tuệ, tủ sách văn học, tủ sách kinh điển, tủ sách phát triển bản thân, tủ sách khoa học, tủ sách khai tâm để làm phong phú tủ sách riêng của gia đình mình. 

Việc xây dựng tủ sách trong mỗi căn nhà là nền tảng để xây dựng một nền văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ. Những căn nhà nhiều sách sẽ tạo nên những đứa trẻ đầy kiến thức và vốn sống. Phát triển tủ sách gia đình là gián tiếp thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội Việt Nam lên một tầm cao mới.

nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/127595/duong-sach-tp-ho-chi-minh-hoat-dong-tro-lai-sau-gian-cach

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...