Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Khi lòng tốt được trao truyền

 


Hồi cuối tháng 7 vừa qua, lúc đó TP. Hồ Chí Minh đang ở vào tâm điểm cao nhất của dịch Covid-19 đến mức thành phố phải ban hành quy định cấm người dân ra đường sau 18 giờ. Và câu chuyện một người cha phải bất chấp tất cả, lao ra đường để đi tìm nơi bán bình oxy cứu con trai mình đang bị bệnh hiểm nghèo, không chỉ chạm đến trái tim cộng đồng mạng mà ngay cả các anh công an giao thông đã ngay lập tức tìm cách giúp đỡ ông bố, chứ không hề xử phạt. Thậm chí, có người đã tặng hẳn 1 bình oxy, cùng với rất nhiều người khác quyên góp hỗ trợ để gia đình có thêm kinh phí chữa bệnh cho con.

Những tưởng cuộc đời như vậy là đã được cái kết có hậu khi cậu bé vừa có bình oxy để duy trì sự sống vừa có thêm tiền cho những tháng ngày điều trị tiếp theo và người cha kia sẽ bớt gánh nặng lo âu. Nhưng rồi 3 tháng sau, đứa con xấu số của người cha đáng thương kia đã về bên kia thế giới, chấm dứt tất cả mọi hành hạ đau thương về thể xác lẫn tinh thần của cậu bé.

Cha mẹ của em sau những tháng ngày đau đớn nhất khi đã mất đi đứa con thân yêu của mình cũng đã vực dậy tinh thần để tiếp tục cuộc sống và còn ý nghĩa hơn khi họ quyết định làm một việc tử tế là trao tặng bình oxy cho những ai đang cần để duy trì sự sống.

Họ là những người cha, người mẹ mang trong mình nỗi đau mất con. Và hẳn nỗi đau này sẽ kéo dài cho đến cuối đời, nhưng trên tất cả những ông bố, bà mẹ kia chắc chắn sẽ không muốn chứng kiến thêm nhiều gia đình có cùng nỗi đau. Họ quyết định tìm một ai đó đang cùng hoàn cảnh để tặng bình oxy và cầu mong sẽ có một cái kết có hậu hơn gia đình mình.

Và biết đâu, khi một hoàn cảnh nào đó được nhận bình oxy kia, đến khi họ được khỏi bệnh và cũng sẽ tìm bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo khác để tặng bình oxy. Cứ vậy mà nối tiếp nhau những nghĩa cử của sự tử tế thêm được đáp đền tiếp nối và mở lối cho những câu chuyện giàu tính nhân văn trong xã hội. Nó là nguyên tắc tồn tại của cuộc đời này khi ta nhận được sự hỗ trợ, rồi ta lại tiếp tục đi tìm một ai đó cần trợ giúp để tiếp sức họ. Cứ như vậy, cuộc gieo duyên sẽ được nối dài mãi…  

Gieo duyên để được làm người tốt, hay giúp người khác “thúc đẩy” những hạt mầm tử tế trong tâm hồn của họ được sinh sôi nảy nở, thì khu vườn cuộc sống sẽ có thật nhiều bông hoa tươi đẹp hơn. Bởi lòng tốt là thứ duy nhất trên đời càng cho đi bao nhiêu sẽ càng được nhận về bấy nhiêu.

Cuộc đời này ai rồi cũng phải trải qua những nỗi đau thương mất mát, tổn thương hay thậm chí có khi đương đầu với tuyệt vọng đến cùng cực. Nhưng, không có nghĩa là ta không đủ khả năng để mang tới niềm hy vọng cho những ai đang đớn đau, bất hạnh hơn mình. Dù đôi khi tia hy vọng ấy chỉ mỏng manh tựa như hơi thở của bình oxy thì cũng đáng để trân trọng rồi!

Vì lẽ đó, hãy cứ trao truyền lòng tốt sẽ khiến mỗi người thêm muốn sống tốt hơn.

nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/128572/khi-long-tot-duoc-trao-truyen?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=10&fbclid=IwAR0YWZW7AX08FJbjPLS74ENeeZplfbv6ntgSnQv0or9AVuY8XfgUh8ocoRY

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Hãy trân trọng vì mình còn tồn tại!

 


Hôm trước có dịp đi ngang qua Trung tâm triển lãm và hội chợ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, bất chợt tôi nhìn thấy dòng chữ “Bệnh viện dã chiến”, thấy lòng nhói lại. Bởi bình thường nơi đó là bãi giữ xe máy, hoặc là nơi để người ta làm các gian hàng triển lãm trưng bày hàng hóa hội chợ. Vậy mà nay nó đã được dựng lều bạt, với rất nhiều giường bệnh, nhiều bình oxy to lớn.

Tôi ngồi trong xe taxi nhìn lướt qua mà cảm giác rùng mình sợ hãi. Dạo một vòng đi qua vài quận trong cái trạng thái “bình thường mới”, dù dòng người vẫn qua lại tấp nập, nhưng đâu đó hai bên đường có những cửa tiệm, những tòa nhà vẫn còn đóng cửa yên ắng. Nỗi đau, sự tổn thất mất mát vẫn còn đọng lại quanh đây và cả những lo lắng tiềm ẩn khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Đợt sóng thứ tư này ập tới Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của hơn 23 ngàn con người. Một con số đau đớn khi có quá nhiều đứa trẻ chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đã thành mồ côi; những người vợ, người chồng chia ly sinh tử không một lời từ biệt. Những người già ra đi không kịp nhìn mặt con cháu và cả những y, bác sĩ đã hy sinh thầm lặng trong lúc cứu bệnh nhân.

Hơn nửa năm nay, tôi không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần khi vô tình đọc những bài báo, xem những đoạn clip nói về những câu chuyện đau thương về các bệnh nhân ra đi vì Covid. Và có những ngày tôi đã sững sờ khi hay tin bạn bè mình đã về bên kia thế giới. Những cuộc chia ly trong cô độc, không thể nào ở cạnh nhau hay thăm viếng nhau. Trái tim như bóp nghẹn vì không thể đến thắp cho họ một nén nhang tiễn biệt lúc sinh tử.

Và bản thân như muốn quỵ xuống khi trông thấy ai đó đang ôm hũ tro cốt người thân, hay những kỷ vật còn sót lại của người mất. Tôi biết có những gia đình đã không còn nước mắt để khóc khi liên tục tang chồng tang, đau đớn nhìn người thân ra đi trong sự cô độc tàn khốc của đại dịch. Còn nhớ hồi tháng 8 khi nhìn thấy cảnh một người bạn của mình ở nước ngoài có người mẹ già ở Sài Gòn mất vì dịch bệnh, nhưng bạn lại không thể nào về tiễn biệt mẹ lần cuối. Đám tang online là cụm từ đang được sử dụng trong hai năm nay và bạn tôi đã khóc sưng húp mắt đến mức không mở được mắt ra, khi gọi về nhà nhìn người ta đến đưa xác mẹ đi hỏa táng.

Đêm 19-11, TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện lễ tưởng niệm những đồng bào, y, bác sĩ đã ra đi vì dịch bệnh cầu mong sự siêu thoát cho hơn hai mươi ba ngàn các linh hồn đến được một thế giới khác bình an hơn. Những ai may mắn đang còn sống hãy trân trọng cuộc sống này và biết ơn vì mình còn tồn tại. 

Nguồn:https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/128464/hay-tran-trong-vi-minh-con-ton-tai

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2021

Món quà ý nghĩa ngày giãn cách

Sài Gòn thực hiện giãn cách đến vài tháng, đó là những tháng ngày “ai ở đâu ở yên đấy”, nên những thứ nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt hằng ngày như giấy ăn, đồ dùng dành cho phụ nữ, bàn chải đánh răng, bột giặt… - món quà tuy nhỏ mà lại vô cùng ý nghĩa. Thậm chí, cũng chẳng ai nghĩ sẽ mang ra tặng nhau. Bởi ngày bình thường được tự do đi lại thì ai cũng có thể chạy ngay ra cửa hàng tạp hóa, hay cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua về xài.

Rồi những thứ gia vị như mắm muối, hành, ngò, chai dầu ăn hay đơn giản chỉ bó rau, vỉ trứng là thứ nhu yếu phẩm quá đỗi bình thường mà nhà nào cũng có sẵn, nhưng vào những ngày giãn cách lại trở nên khó mua.

Còn nhớ có lần một người bạn ở Gò Vấp mua cho tôi chai sữa tắm và ít đồ dùng phụ nữ. Thế nhưng trước đó, bạn phải chờ có giấy “thông hành” mới được đi siêu thị mua hàng, sau đó phải chờ thêm 2 ngày mới tìm được người ship hàng để gửi qua cho tôi. Trong khi ngày thường từ Gò Vấp qua Tân Bình chỉ mất hơn 30 phút chạy xe máy mà thôi.

Tết Trung thu vừa qua, bạn tôi gửi cho một ít quà, mà phải vòng hết đường này qua hẻm nọ vẫn không thể nào thoát khỏi những sợi dây phong tỏa. Lúc nhận quà, tôi phải nhờ bạn hàng xóm chạy ra tận đầu hẻm xách vào giùm, bởi nguyên con đường đã bị hàng rào bít lại nên xe ôtô không thể chạy vào. Khi mở gói quà ra, ngoài gạo, bánh kẹo, rau củ quả, còn có bàn chải và kem đánh răng, dầu gội, bột giặt, tôi vội nhắn tin cảm ơn rối rít bởi “Đồ anh tặng em là những thứ nhà em gần hết”.

Và có hôm một chiến sĩ Sư đoàn 309 đang làm nhiệm vụ hỗ trợ phường tôi chống dịch, nhắn tin hỏi: “Chị ơi, chị có thiếu nhu yếu phẩm gì không để chiều mai tụi em đem qua nhé.” Vậy là đúng 17 giờ hôm sau, chiến sĩ cùng với chủ tịch phụ nữ phường lại tiếp tế nhu yếu phẩm cho tôi. 

Những thứ đồ phục vụ sinh hoạt như chai nước mắm, chai dầu ăn, bịch muối, bịch đường cát hay gói hạt nêm ngày thường bé nhỏ nhưng trong ngày giãn cách bỗng trở nên có giá trị to lớn cả về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Thậm chí, có những mối quan hệ lâu năm không liên lạc, tưởng chừng sẽ quên nhưng rồi trong ngày dịch lại liên tục nhắn tin hỏi thăm, động viên nhau cùng vượt qua đại dịch. Đơn giản vậy nhưng tự nhiên thấy tình cảm con người thêm xích lại gần nhau hơn, dù cách xa rất nhiều về mặt địa lý.

Đôi khi có cả những lời cầu nguyện khi biết tin ai đó không may bị nhiễm bệnh hoặc có người thân qua đời vì Covid-19, dẫu tôi chưa có cơ hội được gặp họ ngoài đời. Nhìn lại những tháng ngày vừa qua, có chút thoáng rùng mình sợ hãi và tôi cầu mong dịch bệnh đừng tái diễn.

Thế nhưng, đâu đó tôi vẫn thầm biết ơn những tháng ngày lịch sử này để hiểu thêm về giá trị của sự tử tế, về những mối quan hệ tưởng chừng qua đi mà nay vẫn còn kết nối lại được. Và cả về những món quà thường ngày nhỏ nhặt, không ai nghĩ lại vô cùng quý giá trong thời dịch giã này.

Ngoài kia cuộc chiến với giặc vô hình - virus SARS-CoV-2 vẫn còn chưa thấy hồi kết. Vậy nên, con người chỉ cần biết cách xích lại gần nhau, cùng nâng đỡ nhau bằng những quan tâm thường nhật và chỉ vậy thôi là tự khắc chúng ta sẽ chiến thắng!

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/128287/mon-qua-y-nghia-ngay-gian-cach

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Tiếng Việt nửa Tây nửa ta, có sửa được không?

 Còn nhớ những ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp, một trong những nỗi ám ảnh của tôi là gặp phải những người thích giao tiếp tiếng Việt theo kiểu nửa Tây nửa ta.

Tôi có đứa em họ định cư ở Mỹ hơn 30 năm, nhưng mỗi lần đọc Facebook hay đọc các bài báo do tôi viết, nó đều phát hiện ra những lỗi sai chính tả của tôi. Thậm chí, mỗi lần về quê, nó vẫn nói được giọng Quảng Trị còn giỏi hơn cả tôi.

Tôi cũng có những người bạn là giáo sư, tiến sĩ hẳn hoi, đã sống nước ngoài lâu năm nhưng họ vẫn giao tiếp bằng ngôn ngữ thuần Việt với người Việt Nam một cách rất chuẩn chỉnh.

Những ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp, một trong những nỗi ám ảnh của tôi là gặp phải những người thích giao tiếp theo kiểu nửa Tây nửa ta. Oái oăm, một con nhỏ nhà quê mà tôi lại chọn làm việc trong ngành truyền thông và tổ chức sự kiện - môi trường làm việc mà nhiều người nói tiếng Anh nhiều hơn cả tiếng Việt.

Tiếng Việt nửa Tây nửa ta, có sửa được không? - ảnh 1

Người trẻ có xu hướng sử dụng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt trong giao tiếp

THÁI NGUYÊN

Quả thật mỗi khi giao tiếp qua chat hay qua tin nhắn SMS, tôi có thể tra từ điển để hiểu được nghĩa của từ tiếng Anh mà người ta chèn vào trong câu tiếng Việt. Còn khi gặp mặt trực tiếp, tôi thật sự ngớ người. Nhất là ở các buổi họp hay các khóa về truyền thông tôi đang theo học, ngoài việc đưa các thuật ngữ tiếng Anh vào, một số người còn nói chuyện theo kiểu nửa Tây nửa ta.

Lâu dần trong môi trường này, một thời gian sau, tôi không còn ám ảnh hay khó chịu khi nghe người ta sử dụng bồi thêm tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày nữa. Thậm chí, tôi còn bắt chước theo họ. Có một thời gian, trong các bản thảo của mình, tôi cũng viết theo kiểu chèn thêm vài câu tiếng Anh để được bằng bạn bằng bè.

Tiếng Việt nửa Tây nửa ta, có sửa được không? - ảnh 2

'Enjoy cái moment này’ thành trào lưu trên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Thế giới phẳng đang tạo ra những con người là công dân toàn cầu và kết nối với nhau bằng một ngôn ngữ khác, thay cho tiếng mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này sẽ khiến không ít người vô tình dần lãng quên gốc gác của mình.

Minh chứng cho điều này chính là bộ phim Hàn Quốc đang gây sốt trên khắp thế giới mang tên Trò chơi con mực. Sau khi xem xong bộ phim, tỷ lệ người dân các nước đăng ký học tiếng Hàn trên các ứng dụng nền tảng số tăng một cách đột biến, đến mức tổng thống Hàn Quốc đã gọi bộ phim này là Quyền lực mềm, vì từ bộ phim này, người dân trên toàn thế giới vừa muốn học tiếng Hàn vừa tìm hiểu về văn hóa xứ kim chi.

Nửa năm nay tôi có theo dõi một bạn nam YouTuber là một Việt kiều đang định cư tại Canada. Bạn chuyên chia sẻ về các món ăn của Việt Nam, đặc biệt là món ăn của người Huế, bằng giọng nói đặc sệt Huế.

Các clip của bạn chỉ là hướng dẫn món ăn của người Việt Nam, qua đó chia sẻ thêm về văn hóa ẩm thực Việt cho bạn bè thế giới nhưng đây lại là kênh YouTube truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều khi được nghe lại tiếng miền Trung thân thương.

Tôi không cực đoan khắt khe lên án trào lưu của các bạn trẻ thích nói chuyện theo kiểu nửa Tây nửa ta lẫn lộn ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng khi con người được giáo dục đủ về tình yêu dân tộc thì tự khắc họ sẽ sửa được mà thôi. Vì ngôn ngữ mẹ đẻ là ADN luôn nằm sẵn trong từng tế bào của mỗi người, thế nên dù đi tới đâu, dù mang trong mình bất kỳ quốc tịch nào thì khi được gặp trúng “ADN” giống nhau thì tự khắc lòng tự tôn dân tộc sẽ được trỗi dậy.

nguồn: https://thanhnien.vn/tieng-viet-nua-tay-nua-ta-co-sua-duoc-khong-post1398647.html

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

Khi công chúa không phải lấy hoàng tử




 Nếu trong truyện cổ tích thì đa số công chúa đến cuối truyện thể nào cũng tìm thấy hoàng tử và 2 người sẽ cưới nhau, bên nhau hạnh phúc trọn đời. Từ đó, người đời thường đưa ra một “khuôn mẫu” chung là cứ hễ công chúa thì phải xinh đẹp, ngoan hiền, thậm chí phải sống cam chịu để cuộc đời “sắp xếp” ban phép màu cho gặp hoàng tử đẹp trai, thông minh, giàu có.

Và ngay cả những cô gái dù sinh ra không phải là công chúa thì cũng mơ sẽ được gặp hoàng tử. Bất luận mình có yêu họ hay không. Thế nhưng, một tuần qua khi câu chuyện về công chúa Nhật Bản dám từ bỏ địa vị cao quý để đi theo tiếng gọi của trái tim với một nam thường dân, đã trở thành chủ đề của cả thế giới quan tâm chú ý.

Công chúa đã dũng cảm từ bỏ danh xưng, cung điện và một số tiền hồi môn cực lớn nếu như công chúa lấy một người có địa vị tương xứng với mình, thay vì chấp nhận cưới một người thường dân và gia đình anh ấy đang gánh nhiều món nợ tài chính. Thậm chí, áp lực nặng nề nhất khi dân chúng biểu tình phản đối về cuộc hôn nhân này.

Câu chuyện tình sóng gió đến mức cơ quan Hoàng gia Nhật Bản tiết lộ công chúa Mako bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng phức tạp sau chấn thương tâm lý vì sức ép dư luận nhắm vào cặp đôi và gia đình hoàng gia.

Nhưng sau tất cả thì cô công chúa ấy cũng quyết tâm vực dậy tinh thần để dành lấy tình yêu của mình và sẵn sàng chuyển qua một đất nước khác sinh sống bên người đàn ông mình chọn yêu. Họ quyết định ra đi và định cư ở một quốc gia khác, với cuộc sống của người bình thường nhất.

Dường như phải bắt đầu gây dựng sự nghiệp, cũng chẳng còn danh xưng công chúa để được hưởng nhiều quyền lợi như trước, và thậm chí nếu vợ chồng trẻ gặp phải những sóng gió hôn nhân, lại tiếp tục làm đề tài cho mọi người bàn tán.

Song, đâu đó trên hành trình của một kiếp người nếu đã may mắn tìm được một người đồng cam cộng khổ thì đó luôn là một đặc ân. Công chúa hay hoàng tử cũng là những con người mà thôi. Nhất là khi công chúa đã quyết tâm chọn một người đàn ông bình thường để yêu và nên duyên vợ chồng thì đó là một minh chứng cụ thể rằng, cổ tích cũng do chính bản thân mình tạo ra.

Và công chúa Mako đã dũng cảm đứng dậy sau nhiều tổn thương tâm lý, để tự mình viết nên một câu chuyện cổ tích khác cho tình yêu của mình. Vậy còn những phụ nữ bình thường như chúng ta thì sao, liệu có dũng cảm tranh đấu cho chính hạnh phúc của mình? Thậm chí, nếu không may chọn sai đối tượng, thì liệu rằng có đủ dũng khí để từ bỏ? Đâu đó với nhiều người, hạnh phúc là thứ gì đó xa xỉ vượt ngoài tầm với. Nhưng với không ít người, hạnh phúc lại trong tầm tay và phải thật bản lĩnh mới nâng niu, gìn giữ được.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/128143/khi-cong-chua-khong-phai-lay-hoang-tu?fbclid=IwAR2L-Lp5pcPIoD2vPXLMDFJiRyboHXZUyTeJgr8OhBudSpzbl0hyUhnffqY

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...