Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Cuối năm, tết đến và ký ức những mùi hương

 

Đâu đó, trong ngóc ngách tâm hồn, ký ức những mùi hương quen thuộc cứ hiện về trong trí nhớ của tôi, nhất là vào những ngày cuối năm, tết đến.

Mùi hương của lá dong, lá chuối một thời ấu thơ

Có những ngày tôi rơi vào trạng thái rất kỳ lạ khi thèm quay quắt mùi lá chuối trong gói xôi dừa. Mùi thơm của nếp, của muối vừng, của từng sợi dừa được người ta bào mỏng ra và gói lại trong chiếc lá chuối vẫn còn màu xanh tươi giòn giòn, rồi cuộn tròn trong bàn tay lạnh buốt của những sớm đầu đông.

Cuối năm, tết đến và ký ức những mùi hương - ảnh 1
Một gói xôi, gói bắp trong tấm lá chuối mướt mát tươi nguyên

PHAN ĐỊNH

Giữa những cơn mưa ban sớm buốt lạnh mà cầm được gói xôi dừa, gói trong lá chuối là một niềm ấm áp khó tả đến mức không cần phải ăn cũng đã cảm thấy ấm bụng rồi.

Rồi có những ngày chớm lạnh cuối năm, khi đất trời Sài Gòn chuyển mình qua màu xám, tự nhiên tôi lại thèm được ngửi mùi lá dong mà người ta vừa mới vớt từ nồi bánh chưng ra. Cái mùi thơm kỳ lạ của nồi bánh chưng vừa chín tới, mùi lá dong đã chín và chuyển qua màu vàng sẫm, tách từng lớp lá bên trong sẽ là chiếc bánh chưng màu xanh của lá dong quyện vào.

Cuối năm, tết đến và ký ức những mùi hương - ảnh 2

Chợ lá dong ngày tết

ĐỘC LẬP

Mùi thơm của lá dong, quyện vào độ dẻo của nếp, vị đậm đà của đậu xanh và thịt mỡ hòa quyện thêm một chút cay cay của tiêu và chút thơm thơm của từng miếng hành tím cắt mỏng. Lúc bé tôi có một thói quen rất kỳ lạ là mỗi khi thấy nội tôi bóc bánh chưng để cho ra đĩa, là thể nào tôi cũng chạy tới xin những chiếc lá dong ấy để ngửi một hơi mùi thơm của nó. Có những khi nội cố tình để sót lại vài mẫu bánh chưng vụn vụn để phần tôi ăn. Đấy là một cảm giác hạnh phúc nhất của một đứa trẻ khi vừa được hít hà no nê mùi lá dong và cũng vừa làm no dạ dày bằng những mẫu bánh chưng vụn còn nằm sót lại trên lá.

Rồi tự nhiên có những ngày, tôi lại thèm được ngửi thấy mùi lá chuối nóng hổi trong chiếc bánh tét khi ai đó vừa mới bóc ra. Trời ơi, mùi thơm của nếp, của đậu xanh hòa quyện vào mùi lá chuối nóng hổi sao mà quyến rũ đến lạ thường!

Tôi lại có một ước ao kỳ lạ là mong sao được bảo quản từng miếng lá chuối kia thật lâu để được ngửi mùi thơm ấy. Cảm giác như không cần phải ăn mà chỉ cần hít hà cái hơi đó thôi cũng sẽ đủ khiến cho cái dạ dày no căng cả ngày rồi.

Mùi của hương vị món ăn ngày tết

Có những ngày khi nhà ai đó nấu món ăn cho một xíu nước mắm vào. Vậy là mùi thơm của nước mắm dậy lên, bay khắp dãy hành lang chung cư. Nó làm tôi nhớ đến hương vị của món dưa món ngày tết; cái món ăn mặn mặn, giòn giòn và cay cay, pha thêm tí xíu ngọt ngọt của đường hoặc của mì chính, ăn kèm với cơm trắng hay bánh chưng bánh tét là ngon ngây ngất và no nguyên một ngày dài.

Cuối năm, tết đến và ký ức những mùi hương - ảnh 3

Dưa món ăn kèm với cơm trắng hay bánh chưng bánh tét là ngon ngây ngất

T.L

Hay có hôm, vừa thấy ai đó đang cầm một bó hành ngò trong tay là tự nhiên tôi lại liên tưởng đến món măng hầm ngày tết. Măng hầm vừa chín tới, múc ra tô, rắc thêm tí hành ngò và cho thêm một tí tiêu xay lên trên. Rồi sau đó đặt lên bàn thờ mời những người thân đã khuất cùng về ăn mâm cơm ngày tết.

Mùi của hoa sen và bùn đất quê hương

Và có những ngày tôi thèm được ngửi thấy mùi hoa sen hòa quyện vào mùi tanh tanh của bùn đất.

Nếu ai đó đã từng sống ở gần hồ sen và thức dậy vào những buổi sáng tinh mơ mùa hạ, sẽ thấy thấm hương vị của hai mùi này. Hương sen sớm mai tinh khiết, tỏa ra một hương thơm quyến rũ đến kỳ lạ. Và khi nó được quyện vào mùi tanh tanh của bùn đất, nó sẽ còn quyến rũ hơn cả mùi nước hoa đắt tiền.

Chỉ cần nhắm mắt lại và ngửi, tự khắc bao nhiêu ký ức xa xôi bỗng dưng ào về trong tâm trí…

Cuối năm, tết đến và ký ức những mùi hương - ảnh 4

Hương sen sớm mai tinh khiết, tỏa ra một hương thơm quyến rũ đến kỳ lạ

DIỆU HUYỀN

Cũng có những ngày giữa dòng người xa lạ, bất chợt tôi vô tình ngửi được ai đó đang xài dòng nước hoa có thoang thoảng mùi hương của hoa nhài. Bất giác người tôi như bị thôi miên như thể theo mùi hương ấy một cách vô thức, bởi dường như tôi đang chạy theo dòng ký ức ngày bé của mình.

Lúc đó nhà nội tôi vẫn còn là nhà tranh vách đất và hai bên hàng rào sẽ là những bụi cây hoa nhài. Trong ký ức non nớt của mình tôi còn lưu giữ lại những hình ảnh về những buổi sáng tinh mơ mùa hạ, nội hay bế tôi ra vườn để hái những bông hoa nhài bé tí vẫn còn đang đẫm hơi sương để vào pha trà mỗi buổi sáng. Những chùm hoa màu trắng nhỏ xíu mà tỏa ra thứ hương thơm dịu ngọt, đem ướp vào trà rồi đổ thêm chút nước sôi vào, rót ra cái ly nhỏ và trước khi uống hãy đưa lên mũi rồi nhắm mắt lại để hít thật sâu mùi thơm của trà, được quyện vào mùi ngọt ngào của hoa nhài.

Hương thơm ngọt ngào và tinh khiết của hoa nhài luôn làm tôi nhớ đến hình ảnh của nội, vì suốt tuổi thơ tôi nội là một trong những người mà tôi quấn quýt nhất.

Những mùi hương quá đỗi thân quen nhưng theo năm tháng khi cuộc sống công nghiệp ập đến, đã khiến cho ta lãng quên hoặc buộc phải cất nó vào kho tàng ký ức trong trái tim của mình.

Đâu đó, trong ngóc ngách tâm hồn, ký ức những mùi hương quen thuộc cứ hiện về trong trí nhớ của tôi, nhất là vào những ngày giáp tết, khi những tâm hồn dù chai sạn cảm xúc nhất cũng mong được hướng về ông bà tổ tiên và những tiềm thức xưa cũ...

Nguồn: https://thanhnien.vn/cuoi-nam-tet-den-va-ky-uc-nhung-mui-huong-post1422609.html?fbclid=IwAR0432xbjlOAE6UW3-VpbljdI9eRt6Mt5UbvgAMvC4wdVFF_g9dctl77ACU

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Phía Tây thành phố - ghi chép của bác sĩ ở tâm dịch

 Tản văn “Phía Tây thành phố” là những câu chuyện cảm động do chính tác giả, bác sĩ Lê Minh Khôi, anh hiện là giảng viên bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc, Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh và bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh); Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (năm 2021).

Với 48 bài tản văn và phân nửa trong số đó được viết trong những ngày Sài Gòn bị phong tỏa “Những câu chuyện dịu dàng trong mắt bão Covid, và những chiều thưa bóng nhân gian”. Đó là dòng tâm sự được tác giả ghi ngay vào bìa của cuốn sách “Phía Tây thành phố”.

“Tôi không thoải mái lắm về việc ca ngợi nhân viên y tế như những người hùng. Họ cũng là con người bằng xương bằng thịt với những ước vọng và sợ hãi, âu lo và toan tính rất người. Không ai muốn làm người hùng trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên một khi cuộc sống đã đặt ra những thử thách, nếu không vượt qua được thì chỉ có vĩnh viễn bị chôn vùi”. Đây là những dòng tâm sự được trích ra từ tản văn mang tên “Máu Chiến” của bác sĩ Lê Minh Khôi.

"Phía Tây thành phố" là những ghi chép có thật của bác sĩ Lê Minh Khôi, người đã điều hành Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh trong đợt dịch lần thứ 4

Đọc “Phía Tây thành phố” như một cuốn nhật ký ghi chép lại hơn 6 tháng ròng Sài Gòn phải căng mình chống dịch. Trong cuộc chiến không tiếng súng, không thấy bóng quân địch ấy, chỉ có những người làm trong ngành y đang gồng mình chiến đấu để cứu mạng sống cho bệnh nhân.

“Sài Gòn những ngày này đã khác lắm rồi, khác đến độ bồn chồn. Buổi trưa ngồi quán cơm ăn vội đã không còn nghe những âm thanh ồn ã xoắn xuýt vào nhau. Không còn thấy bụi đường tung lên mù mịt. Không nghe tiếng mời chào đánh giày hay vé số. Cả người hành khất quen cũng đã vắng.

Người bác sĩ với những phút giây cận kề sinh tử để cứu sống bệnh nhân vẫn tranh thủ những phút nghỉ ngơi ít ỏi để viết sách

… Vậy mà ngày mai sẽ vắng hơn nữa. Mọi người ở nhà. Mong là mọi người hãy ở nhà. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình. Khác hoàn toàn với các ngành khác thì người Y vẫn phải tiếp tục. Thậm chí lượng công việc và áp lực tâm lý còn cao hơn trước rất nhiều. Trong thời khắc như thế này, có lẽ xã hội sẽ nhìn ngành Y có khác hơn những hằn học trước đây” - trích trong tản văn “Đêm trước”.

“Phía Tây thành phố” đã từng là một trong những tâm dịch của Sài Gòn, đã từng ở trong những tháng ngày áp lực nhất. Riêng tác giả Lê Minh Khôi vừa điều hành Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, vừa tranh thủ những giây phút nghỉ ngơi ít ỏi để viết, để tỉ mỉ ghi chép lại các câu chuyện có thật xảy ra xung quanh mình.

Anh chia sẻ: “Là thầy thuốc, khi đối diện với những mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể chất, những góc khuất của tâm hồn và cả cái chết, tôi chỉ muốn viết trước hết là để thuyết phục chính mình về cái thiện lương nguyên thủy của con người”.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130377/phia-tay-thanh-pho-ghi-chep-cua-bac-si-o-tam-dich

Gala Đại sứ Áo dài chào xuân 2022

 Hòa trong không khí đón chào mùa xuân mới, tại Nhà Văn hóa Thanh niên vừa diễn ra chương trình Gala Đại sứ Áo dài Việt Nam năm 2022. Chương trình lần này quy tụ rất nhiều nghệ sĩ được khán giả mến mộ như MC Quỳnh Hoa, MC Anh Quân, Quốc Bình, Ngọc Tiên, nhạc sĩ Sĩ Luân, ca sĩ Quốc Đại, NSUT Tuyết Thu, hoa hậu quý bà duyên dáng Trịnh Vân Anh, diễn viên Nguyệt Ánh, nhóm nhạc Vmusic, thầy giáo 9X Hoàng Dương… cùng rất nhiều hoa khôi, người mẫu nhí tham gia biểu diễn.

Gala Đại sứ Áo dài là một chuỗi chương trình nằm trong dự án Đại sứ Áo dài Việt Nam, do nhà thiết kế (NTK) áo dài Nguyễn Việt Hùng khởi sướng bắt đầu từ năm 2019. Đây là một dự án xã hội được NTK Nguyễn Việt Hùng ấp ủ từ rất lâu, không những quảng bá bộ quốc phục của Việt Nam mà còn là nơi tôn vinh thêm chiếc áo dài của dân tộc. 

Gala Đại sứ Áo dài luôn dành tìm cảm yêu quý của các anh chị em nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực quy tụ lại để biểu diễn phục vụ khán giả

Ở đó, mọi đối tượng đều có thể trở thành những đại sứ áo dài từ thiếu nhi, học sinh - sinh viên, nghệ sĩ, công nhân viên chức hay cả những người khuyết tật cũng đều có thể tham gia cuộc thi. Riêng năm 2020 và 2021 tình hình dịch bệnh kéo dài nên cuộc thi Đại sứ Áo dài Việt Nam buộc phải tạm dừng. Tuy vậy cứ vào dịp cuối năm thì Gala Đại sứ Áo dài Việt Nam vẫn diễn ra để phục vụ người dân.

Năm nay, NTK Nguyễn Việt Hùng lấy ý tưởng từ những bức tranh cổ động tuyên truyền chống dịch để cách điệu và đưa vào bộ sưu tập của mình. Đặc biệt với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ tham gia vào đội tình nguyện viên chống dịch thời gian vừa qua.

Nhóm nhạc Phù Sa huyền thoại tham gia biểu diễn văn nghệ tại đêm Gala

Chương trình Gala Đại sứ Áo dài Việt Nam được biểu diễn ngoài trời, nằm trong khuôn khổ chương trình Tết Việt do Nhà Văn hóa Thanh niên tổ chức hàng năm đã thu hút rất nhiều khán giả đến xem và tham quan chụp hình.

Tại đêm Gala, NTK Nguyễn Việt Hùng đã xúc động chia sẻ: “2021 là năm đầy biến động đối với Việt Nam chúng ta, khi làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã làm cho mọi hoạt động phải tạm dừng trong nhiều tháng liền, và phải đến những tháng cuối năm 2021 thì cuộc sống mới có thể trở lại bình thường. Ban đầu tôi không nghĩ mình có thể tổ chức được Gala Đại sứ áo dài năm nay, nhưng từ sâu thẳm trái tim mình tôi vẫn muốn tổ chức sự kiện này, bởi Gala Đại sứ áo dài không chỉ là nơi trình diễn những bộ sưu tập áo dài, mà đó còn là cầu nối để gắn kết tất cả những người yêu áo dài, tôn vinh nét đẹp truyền thống Việt. Nhớ lại những mùa Gala trước với rất nhiều kỷ niệm đẹp, trong đêm Gala này, tôi vô cùng xúc động. Xin gửi lời tri ân đến những người đã đồng hành, ủng hộ và giúp sức cho Đại sứ Áo dài thành công, tri ân các nghệ sĩ, thí sinh, phóng viên các báo, đài đã đến cùng cuộc thi từ những ngày đầu. Tất cả điều này thật đáng tự hào và hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực để Đại sứ áo dài Việt Nam ngày càng tạo nên dấu ấn riêng, lan tỏa thật nhiều tình yêu áo dài để làm nên những điều thiện nguyện lớn lao cho cuộc đời”.

Bộ sưu tập mang tên "Để gió cuốn đi" với sự tham gia trình diễn của MC Quỳnh Hoa, MC Phùng Thế Phi cùng hai đại sứ áo dài nhí Thiên Nga và Gia Huy

 Dự kiến năm 2022, chương trình Đại sứ Áo dài  sẽ tiếp tục được khởi động lại với nhiều buổi triển lãm liên quan đến áo dài và nhiều bảng thi, hứa hẹn hấp dẫn hơn những năm trước và mở rộng thêm dành cho nhiều đối tượng tham gia. Đây là sự kiện mang tầm quốc gia và được NTK Nguyễn Việt Hùng - người dành trọn tâm huyết cho áo dài Việt Nam ấp ủ từ rất lâu.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130316/gala-dai-su-ao-dai-chao-xuan-2022

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những bài học giúp tôi thay đổi tư duy

 Thức dậy vào một buổi sáng cuối năm, lướt mạng xã hội hay tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch về cõi niết bàn, lòng dâng lên những dòng cảm xúc kỳ lạ, rồi bỗng dung hai hàng nước mắt cứ thế chảy dài trên gò má. Tôi xin phép được tự nhận mình là một người may mắn, trong vô vàn những người may mắn trên khắp thế giới đã tiếp nạp được nhiều tư tưởng có giá trị của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và sẽ làm một người trao truyền tiếp nối, để các bài giảng, các hệ tư tưởng của Sư Ông được truyền lại cho thế hệ mai sau.

Sống trong Chánh Niệm để trọn vẹn Tỉnh Thức ở hiện tại

Một trong những bài học tôi đã được học và tâm đắc nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đó chính là việc sống trọn vẹn, an trú ở ngay trong phút giây của hiện tại. Và sẵn sàng đón nhận hết mọi khoảnh khắc mà cuộc đời ban tặng ở ngay thời điểm hiện tại này, tập ghi nhận nó và quan sát ngay cảm xúc của chính mình. Cuộc đời này có quá nhiều thứ không bao giờ xảy ra theo đúng như ý muốn của mình, nên cho dù lo lắng, sợ hãi, chán ghét hay oán giận thì nó vẫn phải xảy ra theo quy luật của nhân quả. 

Từ ngày tôi được học triết lý này thông qua các cuốn sách mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết ra, nó đã làm tôi quay trở lại giữ cho tâm hồn của mình trong veo như một đứa trẻ hồn nhiên và lạc quan. Một đứa trẻ có vui có buồn, cũng có đôi chút hờn giận… nhưng nó vẫn háo hức tự mình khám phá cuộc sống, chứ không bao giờ lo lắng sợ hãi đến mức tự nhốt mình trong nhà. Nó khóc và nó biết rằng nó đang khóc, rồi lại tiếp tục đứng dậy và khám phá tiếp thế giới xung quanh.

Khái niệm sống trong Chánh Niệm đã giúp tôi có thể thiền ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi đi xe hơi tôi vẫn thiền, khi rửa chén tôi vẫn có thể thiền, khi đứng trong đám đông tôi vẫn có thể thiền. Bởi hiểu đơn giản thiền là khi tôi quay vào bên trong để cảm nhận, để nhận biết hơi thở của mình đang vào/ ra ra sao. Để tìm về sự an trú ngay trong tâm mình, vậy là sự an nhiên đã được hình thành ngay từ những phút giây đơn giản ấy.

Ảnh: Internet

Vậy nên đối với tôi, cuộc đời giống như một trò chơi và tôi mãi là một đứa trẻ con không hồi tưởng về quá khứ, không lo lắng về tương lai, vì trẻ con thường chỉ chơi trong giây phút hiện tại, không mắc kẹt vào những tư tưởng, những định kiến, trẻ con chỉ biết chơi hết mình. Thiền sư Thích Nhất Hạnh hay khuyên chúng ta sống trong Tỉnh Thức để thấu hiểu chính mình, nương nấu vào chính tâm mình và không hề đổ lỗi tại/bởi/vì ai đó đã làm mình buồn, đã khiến mình giận.

Càng sống trong Chánh Niệm Tỉnh Thức như vậy đã làm cho tôi càng tĩnh tâm để lắng nghe những thanh âm từ cuộc sống, giúp tôi thấy được vẻ đẹp của bông hoa dại mọc ven đường, nghe được tiếng gió reo vui bên dòng suối, hay niềm nở đón chào một ánh nắng đang vô tình lọt qua khe cửa. Thậm chí có những buổi sáng tinh mơ nằm trên giường tôi vẫn có thể nghe thấy được tiếng chổi quét của cô lao công ngoài đường lớn. Vậy là đã khiến tôi nở một nụ cười an nhiên đón chào một ngày mới với trọn vẹn nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. 

Thấu cảm nỗi đau của người khác và hiến tặng họ món quà bằng cách lắng nghe

“Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể trao tặng cho những người xung quanh. Thấu hiểu cũng chính là tên gọi khác của sự yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu và cảm thông cho người khác bạn cũng sẽ chẳng yêu thương được chính mình”. Đó là một trong những câu nói tôi rất yêu thích của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nó cũng là động lực và sự khai sáng cho tôi mở ra những dự án thiện nguyện xã hội của mình.

Khuyết điểm lớn nhất của tôi là không có được một giọng nói tròn vành rõ tiếng, nhưng tôi vẫn chọn con đường đi chia sẻ, đi truyền lửa trên khắp mọi miền. Bởi sau nhiều năm đọc sách và nghe những bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khiến tôi nhận ra rằng, ngồi lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của một ai đó bằng thái độ không phán xét, không đổ lỗi hay so sánh cũng là một món quà vô giá mà mình có thể dành tặng cho người đối diện.

Bởi cuộc sống hiện đại ai cũng có thể trở thành những người nói hay. Nhưng một người học cách chịu ngồi xuống để lắng nghe người khác thường sẽ ít hơn. Thiền sư Thích Nhất Hạnh hay dạy chúng ta về cách vun trồng những hạt mầm hướng thiện trong tâm hồn mình càng một đơm hoa kết trái, để ra quả ngọt cho đời bằng những hành động tử tế hay một câu nói tử tế, đôi khi là phải biết lắng nghe nhau bằng một thái độ chân thành tử tế để thấu cảm cho những sai lầm của người khác nữa. Mỗi một hành động gây ra đau khổ cho nhau thường bắt nguồn từ nhiều vết thương lòng không được chữa lành.

Thế nên mỗi khi được vào các trại giam hay các trung tâm cai nghiện, tôi chỉ mong mỏi được lắng nghe các bạn ấy chứ không phải tới đó để được nói về mình. Tôi tin rằng đó là món quà tuyệt vời nhất mà tôi dành cho họ, những con người không may lầm lỡ cuộc đời.

“Con là sự tiếp nối của thầy” - là tất chúng ta những ai đang sống và tu tập theo các bài giảng của Sư Ông, sự tiếp nối trao truyền sống trọn vẹn cho ngày hôm nay bằng Tỉnh Thức của sự giác ngộ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ ra đi về mặt sinh học, còn về mặt tư tưởng của thầy luôn soi sáng cho tất cả chúng ta, những ai đang biết sống trong Chánh Niệm.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130193/thien-su-thich-nhat-hanh-va-nhung-bai-hoc-giup-toi-thay-doi-tu-duy

Viết cho những ngày cuối năm

  Vậy là lại thêm một năm đặc biệt nữa đã trôi qua. Tôi vẫn thích dùng từ “đặc biệt” để mang hàm ý tích cực, dù đã hơn 2 năm trôi qua thế giới phải sống trong bối cảnh đại dịch tàn phá với các biến chủng mới liên tục xuất hiện. Thậm chí, dù đã tiêm thêm những mũi vắc xin tăng cường thì con người vẫn nơm nớp lo sợ.

Tại Việt Nam chúng ta vẫn còn nhiều tỉnh, thành áp dụng các quy định cách ly khác nhau với những người ở vùng dịch về quê đón tết. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều phận người tha phương tiếp tục chọn phương án đón tết xa nhà. Một phần lo sợ mang virus về quê và một phần bởi kinh tế khó khăn sau làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4. Vậy nên cũng đành ngậm ngùi tặc lưỡi: “Phải đón thêm một cái tết online cho an toàn và tiết kiệm”.

Và tất nhiên, tôi cũng đang tiếp tục nằm trong số đó. Còn nhớ đầu năm 2021, tôi hồ hởi vẽ ra một năm với rất nhiều hoạt động thiện nguyện và việc xuất bản thêm sách mới. Tôi cùng với anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước còn vạch ra dự định đến các khu công nghiệp, nơi mà nhiều công nhân đang cần được tiếp lửa về mặt tinh thần cũng như kỹ năng sống. Ngoài ra, tôi còn thông qua các tỉnh đoàn khác nhờ họ hỗ trợ liên hệ các trại giam để đưa sách Tin vào điều tử tế vào tặng các phạm nhân. Thậm chí, tôi còn có thêm kế hoạch xin vào một bệnh viện tâm thần nào đó để sống, trải nghiệm 1 ngày cùng với những bệnh nhân nơi đây.

Bí thư Tỉnh đoàn Trần Quốc Duy trao quà cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt số 3 trên đường ĐT759 thuộc địa bàn xã Phước Tín, thị xã Phước Long. Ảnh: Ngọc Nhật

Nhưng rồi tất cả hoạt động buộc phải đóng băng vì dịch bệnh. Sài Gòn rơi vào những tháng ngày phong tỏa khi các ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng. Những tháng ngày thức dậy mở mắt ra thấy mình còn giữ được hơi thở và giữ được thân nhiệt ở mức bình thường đã là một hạnh phúc trong khi xung quanh chỉ toàn F0. Những tháng ngày âm thanh quanh mình chỉ toàn là tiếng còi hú của xe cứu thương và những sợi dây giăng kín trên mọi con đường. Có lẽ trong hành trình 15 năm sống tự lập của mình, chưa bao giờ tôi phải chịu cảnh ở yên trong nhà lâu như vậy.

Trong suốt gần 6 tháng đó không được ra đường nhưng tôi vẫn tìm cách để có được những hoạt động xã hội ý nghĩa. Bởi với tôi, mọi phút giây vẫn còn được tồn tại trên đời đều có thể biến thành những khoảnh khắc có giá trị. Và đó là lý do tôi chủ động liên hệ vào Quận đoàn để gửi sách tặng người dân ở các khu phong tỏa, quyên góp nhu yếu phẩm cho các chốt biên phòng tỉnh Bình Phước, rồi tìm cách hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những người khó khăn trong khu phong tỏa ở gần nơi mình thuê trọ. Cố gắng tìm mọi cách để mình không có thời gian rảnh dù đang ở khu vực bị cách ly, phong tỏa. Bởi càng để bản thân nhàn rỗi thì những cảm xúc tiêu cực sẽ càng xâm chiếm lấy tôi. Thậm chí những tháng ngày đỉnh điểm của dịch, tôi chỉ có thể làm việc, viết lách bằng điện thoại, bởi laptop bị cháy và không thể nào mang đi sửa suốt gần 3 tháng liên tiếp vì thành phố chưa thể mở cửa.

Những ngày này, khi nhìn lại quãng thời gian 1 năm vừa qua, tôi thầm cảm ơn sự dũng cảm của mình khi không chọn cách chạy trốn về quê trú ẩn trong lúc Sài Gòn “trở bệnh”. Và cũng cảm ơn Sài Gòn đã luôn bao dung chở che tôi suốt 15 năm qua. Cuối năm bao hối hả tất bật nhưng cũng là năm Sài Gòn sẽ chọn một cái tết tĩnh lặng chứ sẽ không ồn ào sôi nổi như mọi năm trước đây. Song tôi vẫn luôn tin rằng mùa xuân bao giờ cũng kéo theo bao hy vọng. Hoài niệm để chiêm nghiệm về năm cũ và khi bước đến năm mới bỗng thấy mình thêm vững mạnh hơn.

Dù thế nào đi chăng nữa tôi vẫn hay tin rằng năm con hổ, người dân sẽ bớt khổ hơn…

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130173/viet-cho-nhung-ngay-cuoi-nam

Có những ngày chông chênh giữa phố

 Là MC kiêm cây bút trẻ, Phạm Minh Mẫn đã từng xuất bản cuốn “Mình đang sống cuộc đời của ai?” ra mắt vào tháng 3-2021. Lần này, chàng trai 8X dành hơn 250 trang sách để viết về những hoài niệm, ký ức đáng nhớ thông qua hành trình của nhân vật “tôi” xuyên suốt tác phẩm. Như Phạm Minh Mẫn đã chia sẻ ở những dòng đầu tiên trong sách “Có những ngày chông chênh giữa phố” rằng: “Những câu chuyện trong quyển sách này, có một phần chất liệu là hoài niệm tuổi thơ của tôi, một phần khác là của bạn bè hoặc những số phận tôi hữu duyên chứng kiến. Tôi trân trọng góp nhặt lại và gửi gắm vào hành trình trưởng thành của nhân vật “tôi” qua mấy trăm trang sách”. 

Cuốn sách “Có những ngày chông chênh giữa phố” chứa đựng nhiều cảm xúc, gắn liền với ký ức của nhiều độc giả, nhất là thế hệ 8X, những người lần đầu tiên “biết đến máy vi tính, đến Internet rồi lần mò tạo “nick chat” trên Yahoo, suốt ngày trốn học đi “chơi net”, “tìm bạn bốn phương”. Rồi cũng đám 8X như tôi là được đọc những tờ báo tuổi teen đầu tiên như Mực tím, Hoa học trò in màu thật đẹp, lâu lâu được tặng một tấm poster của thần tượng là hãnh diện dán cẩn thận lên tường nằm ngắm cả đêm; biết cái gì gọi là đĩa CD nhạc “hot”, hát “karaoke 5 số”… Điều mà với thời ba má, anh chị tôi dường như là những thứ văn hóa lạ lẫm và xa xỉ”.

“Có những ngày chông chênh giữa phố” được Nhà xuất bản Tổng Hợp phát hành trong tháng 1-2022

“Đó là câu chuyện của tất cả chúng ta, những ai đã lớn lên cùng ký ức. Ký ức đó có thể từ rất xa xưa, ám cũ hoặc chỉ độ chục năm trước; có thể rõ ràng, rành mạch cũng có thể chỉ là những phản chiếu mơ hồ. Mong bạn có thể thả lòng mình thật chậm, để chúng ta cùng sống lại một quãng đời đã qua của mình, và của nhau. Nếu hành trình đó đẹp đẽ hãy mỉm cười, nếu là bi ai hãy ủi an và khích lệ lẫn nhau. Bất luận thế nào, đó đều là những hồi ức đầy ý nghĩa và cần thiết”.

Cùng với đó là những kỷ niệm về mùi trầu của nội, về chảo kho quẹt của má những ngày mưa, về đêm trung thu nhớ đời, về chiếc radio cũ, mấy quyển truyện tranh nhịn ăn cả tuần mới dám mua. Rồi còn cả những năm tháng mới biết thương một người, những ngày học làm người lớn, những quãng ngây ngô, khờ dại hồi mới lên Sài Gòn với đủ cung bậc cảm xúc… Chỉ là những điều nhỏ bé, gần gũi, vụn vặt vậy mà khiến cho thanh xuân của chúng ta ắp đầy những yêu thương, để mỗi lần thấy lòng chông chênh giữa phố thị lại thấy nhớ về nó một cách da diết.

Vẫn chọn lối hành văn chân phương, nhẹ nhàng, ngôn từ giản dị, dễ hiểu, Minh Mẫn muốn những dòng viết của mình từ từ thấm vào lòng người đọc, khiến họ cảm thấy dễ chịu, gần gũi, đọc từng dòng và có thể mỉm cười khi hồi tưởng về những năm tháng đẹp đẽ mình từng trải qua. Vậy nên, quyển sách này phù hợp cho tất cả mọi độ tuổi, bởi bất kỳ ai cũng sẽ thấy mình ít nhiều trong những trang sách nhiều cảm xúc đó, ắt hẳn sẽ mỉm cười và bật khóc khi lần giở qua từng kỷ niệm cùng với tác giả.

Với những người yêu thương, hãy tiếp tục giữ sự quý trọng. Với những hoài niệm đáng giá, hãy nâng niu và tạo ra thêm những dư vị tương tự cho những ngày sắp tới. Còn với những lỗi lầm, những tổn thương, hãy nhìn nó và không cho phép mình tự tạo thêm những vết sẹo nào khác tương tự cho cuộc đời và cho chính mình. Đó là tất cả những gì mà tác giả muốn truyền tải trong tác phẩm “Có những ngày chông chênh giữa phố”.


Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130057/co-nhung-ngay-chong-chenh-giua-pho

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Tiểu thuyết chạm đến thứ virus trong lòng người

  Dịch Covid-19 xảy ra đã làm biến đổi và đảo lộn vô vàn khía cạnh của cuộc sống. Thứ virus nguy hiểm với tốc độ lây lan chóng mặt, len lỏi qua hệ miễn dịch và tấn công hủy hoại cơ quan hô hấp của con người, khiến biết bao sinh mệnh người đã ra đi, đẩy nhiều em nhỏ vào cảnh mồ côi.

Chỉ sau 2 năm bệnh dịch, con người đã buộc phải thích nghi và thay đổi toàn bộ thói quen sống của mình. Trước đây, liệu có ai từng mường tượng rằng một ngày nọ, chúng ta chỉ có thể giao tiếp với nhau trong trạng thái đeo khẩu trang thường trực và giữ khoảng cách an toàn. Tiểu thuyết mới “Đắm bầy Virus” (NXB Dân trí, 2022) của Nguyễn Văn Học có bối cảnh diễn ra trong đại dịch Covid-19, nhưng nhà văn không chỉ đề cập đến thứ virus sinh học, mà còn bóc trần một thứ virus khác đã cố hữu tồn tại, đó là virus trong lòng người. Một thứ hạt mầm ác lẩn khuất và sinh trưởng trong mỗi con người, gây thoái mòn đạo đức, khơi dậy lòng tham, làm khủng hoảng đức tin... cũng được che đậy bởi mặt nạ nhân cách. 

Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang khắc họa những vấn đề trong xã hội đương đại

“Đắm bầy Virus” được thuật lại qua 2 lời kể song hành của nhân vật Hảo - nhà báo, đóng vai trò ngôi kể chuyện thứ nhất và cây sưa đỏ, đóng vai trò là chứng nhân quan sát tất cả biến động xảy ra ở những làng xóm thuộc xã Tiến Thắng, một xã nông thôn Bắc Bộ điển hình đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự biến đổi văn hóa. Xuất phát là những làng quê thanh bình yên tĩnh nhưng Tiến Thắng tất yếu hứng chịu và trải qua cơn bão đến từ quá trình công nghiệp - đô thị hóa, sự nhiễu động của cơn bão này không chỉ làm biến dạng bức tranh cảnh quan làng mạc, mà vô hình trung bóp méo lệch lạc những con người làng sống bên trong nó. 

Nếu như nhà báo Hảo là người trong cuộc tận mắt chứng kiến, trăn trở khắc khoải trước những bại hoại xảy ra ngay trong gia đình mình, trong làng của mình thì cây sưa, không phải là một nhân chứng thuần túy vô tri, trái lại còn chính là nạn nhân phải gánh chịu sự phương hại đến từ con người tha hóa. Hai ngôi kể này bổ khuyết cho nhau, thậm chí tương thông cộng cảm lẫn nhau, giúp người đọc nhìn thấy được cả vận động bề mặt của tình tiết lẫn bề sâu của nội tại nhân vật tiểu thuyết. 

“Ước sẽ ổn, như toàn thế giới này sẽ ổn. Còn quê hương của tôi, nơi tôi sinh ra thì chẳng thể ổn được trong lúc này. Vùng quê ấy thật gần mà bỗng sao xa cách quá, như thể cách nhau vạn dặm. Như thể đó là một miền đất tôi muốn quên đi. Mà sao quên được. Ở đó còn mồ mả cha ông, còn người thân, họ hàng, những người bạn thuở nào. Ở đó còn một vùng ký ức vừa vắng lặng vừa ồn ào, vừa đáng tự hào vừa muốn chôn sâu. Bao đau khổ về cái mất mát, cái hư vô vẫn trổ mầm trong mỗi đêm mơ, không sao đẩy lui được. Bởi tôi vẫn không thể không nghĩ, không thể vô tâm ngoảnh mặt để sắp xếp một hành trình mới cho gia đình của mình”, trích đoạn trong sách.

Nhà văn Nguyễn Văn Học muốn chuyển tải những bi kịch về việc bán đất đai của tổ tiên, cha ông để hưởng thụ. Thói hưởng thụ đã ăn vào máu giới trẻ. Rất nhiều bi kịch đã xảy ra từ thú ăn chơi hưởng lạc, vô độ. Có thể nói, đại dịch Covid-19 được nói đến trong tác phẩm, như một cái cớ, một chất xúc tác để khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, đi vào những ẩn ý sâu xa trong tác phẩm. Rằng khi chúng ta mất niềm tin vào đấng tạo hóa, tham lam, ích kỷ, vụ lợi cá nhân, sẽ phải trả giá đắt.

Khai thác bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng trên thực tế, nó chỉ đóng vai trò như một dẫn liệu để Nguyễn Văn Học mở rộng và khai triển những chủ đề cấp bách mình theo đuổi. Bởi, về sâu thẳm, điều tác giả tâm niệm vẫn là nhận diện hiện trạng của những giá trị sống, giá trị nhân văn, giá trị của đức tin trong mỗi con người hiện nay, dùng con chữ để bảo vệ và nhân bản những giá trị trên, góp phần giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/129833/tieu-thuyet-cham-den-thu-virus-trong-long-nguoi

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

“Ở bên này thương nhớ” - nối dài yêu thương

 Có lẽ, thanh xuân là khoảng thời gian đẹp nhất đời người để ta mơ mộng, yêu thương, trải nghiệm và trưởng thành. Tất cả được cô đọng trong “Ở bên này thương nhớ” và ở đó tác giả đã viết về thanh xuân của mình cũng như dành cả thanh xuân để… viết.

Không khó để thấy, chất liệu chính làm nên “Ở bên này thương nhớ” là tình yêu và hiển nhiên không chỉ tình yêu trai gái, đó còn là tình yêu gia đình, bằng hữu, những mối nhân duyên bất chợt ghé qua đời.

Tác giả Lê Hoài Việt nhấn mạnh, tình yêu chính là “gia vị nhiệm màu” để tất cả chúng ta chữa lành những vết thương, khổ đau thầm kín, giúp ta tô vẽ thêm nhiều bức tranh sinh động trong cuộc sống.

"Ở bên kia thương nhớ" là cuốn sách đong đầy những cảm xúc về nhân sinh quan cuộc sống

Đây cũng chính là thông điệp của “Ở bên này thương nhớ”: “Hãy cứ mạnh mẽ yêu và đau thương. Hoa hồng đầy gai có thể làm bạn đau, nhưng chẳng ai ruồng bỏ hoa hồng cả, người ta sẽ học được cách tránh gai để thưởng thức vẻ đẹp của hoa hồng. Tình yêu cũng như vậy. Mong rằng thông qua “Ở bên này thương nhớ”, độc giả có thể tự tin hơn và trang bị cho mình “chất liệu” để yêu” - tác giả Lê Hoài Việt chia sẻ.

Lý do để có tựa “Ở bên này thương nhớ”, tác giả cho biết, khi trái tim còn thổn thức, thì dù ở đâu cũng có thể yêu thương và trái tim vẫn sẽ chạm đến trái tim, nên “bên này” hay “bên kia” nó có nghĩa rằng không muốn có bất cứ giới hạn nào.

Trong tác phẩm “Ở bên này thương nhớ” không chỉ là những bài viết mới đây, mà còn có đôi dòng từ tận mười năm trước. Điểm đặc biệt của tập sách là thay vì tinh chỉnh cho trau chuốt lời văn ý lòng, tác giả Lê Hoài Việt đã chọn giữ lại gần như nguyên bản, dẫu dù có đôi chỗ còn ngô nghê tuổi trẻ, một vài quan điểm hiện đã hanh hao nhiều, sau mênh mang những cuộc viễn chinh va vấp.

Khi Lê Hoài Việt nói về tình mẹ, hình ảnh người mẹ gắn với tác giả là một phụ nữ giỏi giang, vững chãi đã nuôi nấng mấy chị em nên người, giúp kinh tế gia đình khởi sắc từng ngày. 

“Tết đối với Việt là những ngày mẹ đi buôn bán đường dài từ Quảng Ngãi - Đà Nẵng về, ký ức đó đọng lại trong Việt đến bây giờ, nhắc lại vẫn cay cay khóe mắt” - Lê Hoài Việt bộc bạch.

Tác giả Lê Hoài Việt cũng chia sẻ, toàn bộ doanh thu bán sách sẽ được anh dùng trao học bổng cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Trường đại học Mở TP.Hồ Chí Minh, trao quà cho người dân nghèo ở Quảng Ngãi…

Trong trang sách nhỏ vừa vặn bàn tay, bạn đọc còn có thể nhận ra đôi chỗ dường như tác giả tự phủ định chính những quan điểm của mình, bởi đơn giản anh muốn người đọc đi cùng mình xuyên suốt hành trình của giác ngộ, của tỉnh thức và hơn nữa, cùng một câu chuyện nhưng lúc này Lê Hoài Việt chọn đi về phương Nam, khi khác muốn hòa hợp với nhân sinh quan, với trí óc và con tim, rẽ lối đi về hướng Bắc lại là sự lựa chọn.

Theo tác giả “đó mới là cuộc đời với những nhiệm màu chẳng thể nào đoán định, cũng như lòng người làm sao có thể phân được đúng sai!”.

“Quyển sách đầu tay của tôi đã ra đời như thế, như một món quà dành tặng bản thân, người thân, người thương và một phần nào đó chia sẻ niềm riêng nơi mình cùng với những tâm hồn đồng điệu. Để rồi những năm tháng sau đó, lúc lưng còng tóc bạc da nhăn, thấy hình nhân mình đọc sách bên cửa sổ, thì có cái mà tự hào, mà nhớ về một thời tuổi trẻ dọc ngang. Để rồi, biết đâu đó có một ai đang lầm lũi mơ hồ trong những cảm xúc mịt mờ như tôi đã, sẽ tìm thấy từ những bài viết này bản thân mình” - tác giả Lê Hoài Việt tâm sự.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/129834/o-ben-nay-thuong-nho-noi-dai-yeu-thuong

'Đàn gà nghĩa tình' hỗ trợ thiếu nhi khó khăn

 Tết Nhâm Dần năm 2022, Hội đồng Đội, Tỉnh đoàn Tây Ninh phát động chương trình 'Đàn gà nghĩa tình' nhằm chăm lo và hỗ trợ thiếu nhi, thầy cô phụ trách Đội có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Anh Nguyễn Tiến Tân, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Hội đồng Đội tỉnh mong muốn 'Đàn gà nghĩa tình' là phong trào phát huy tinh thần tuổi nhỏ làm việc nhỏ của thiếu nhi Tây Ninh, giúp các em yêu lao động, biết quan tâm đến các hộ khó khăn, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19. Đây cũng là môi trường để các em góp sức mình cùng với chính quyền, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn”.

'Đàn gà nghĩa tình' hỗ trợ thiếu nhi khó khăn - ảnh 1

Đoàn viên thanh niên Tỉnh đoàn Tây Ninh kiểm tra từng chú gà con trước khi đưa đến tận nhà cho thiếu nhi chăm sóc

H.Đ.Đ.T.N

Chương trình “Đàn gà nghĩa tình” thực hiện từ 1.1 và sẽ kết thúc vào 30.1.2022. Hội đồng Đội cấp huyện triển khai phát động bằng nhiều hình thức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, cách thực hiện và phân bổ số lượng đến 100% Hội đồng Đội cấp xã, Liên đội trường học. Với hình thức thiếu nhi thực hiện nuôi gà, mỗi Liên đội thực hiện nuôi ít nhất 10 con gà. Hội đồng Đội các cấp thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, vận động và hỗ trợ các em thực hiện. Sau đó cùng tổng kết phong trào và tiến hành trao tặng các gia đình thiếu nhi, đội viên và thầy cô giáo viên phụ trách Đội có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Mỗi hộ gia đình được tặng 2 con gà.

Toàn bộ số gà thu được từ chương trình “Đàn gà nghĩa tình” được sử dụng cho hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

'Đàn gà nghĩa tình' hỗ trợ thiếu nhi khó khăn - ảnh 2

Sau giờ học trực tuyến, các em thiếu nhi cho gà ăn

H.Đ.Đ.T.N

“Đây là hoạt động có ý nghĩa, chăm lo cho các em đội viên có hoàn cảnh khó khăn, là hoạt động mang tính giáo dục đội viên, nhi đồng tinh thần tương thân tương ái, có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Từ đó các em tự giác tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua tuổi nhỏ làm việc nhỏ do Đoàn, Đội phát động, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần", Trần Thạch Cương, Phó Bí thư Huyện đoàn Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh chia sẻ thêm về hoạt động ý nghĩa này.

Sau khi kết thúc chương trình “Đàn gà nghĩa tình”, Hội đồng Đội cấp huyện tổng kết bằng hình ảnh (ít nhất 20 tấm ảnh) hoặc video clip có độ dài từ 3 – 5 phút để ghi lại quá trình tham gia của các em thiếu nhi, đội viên trên địa bàn và đăng lên Fanpage của đơn vị mình quản lý.

Nguồn: https://thanhnien.vn/dan-ga-nghia-tinh-ho-tro-thieu-nhi-kho-khan-post1421716.html

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Học trong căn chòi rung lắc

 Gần như chúng tôi phải đứng yên một chỗ, bởi càng đi lại, căn chòi càng lắc mạnh. Chúng tôi nhìn nhau ái ngại, không hiểu tại sao gia đình họ có thể ở được và hằng ngày cô bé ấy ngồi học như thế nào.

Được ra khỏi thành phố sau gần 8 tháng ở yên một chỗ vì dịch, lần này tôi nhận lời mời của Trần Đăng Tiến, Trưởng ban phong trào Tỉnh đoàn Tây Ninh, đi trao tặng góc học tập cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Dương Minh Châu.

Học trong căn chòi rung lắc - ảnh 1

Lần đầu tiên bé Ngọc có được bộ bàn ghế ngồi học trong căn chòi nhỏ bé giữa lòng hồ Dầu Tiếng

NGUYỄN BÍCH

5 giờ sáng, trời TP.HCM se lạnh, tôi ngồi trong xe lướt nhìn khung cảnh bắt đầu bình minh chào ngày mới. Cuộc sống đã dần được hồi sinh sau những tháng ngày u ám; xe cộ tấp nập, người dân được ra đường tập thể dục và ai nấy đều không quên đeo khẩu trang.

Nhà 4 vách nhưng mới xây được 1,5 tấm vách

Buổi lễ trao góc học tập diễn ra tại Trường tiểu học Suối Đá, điểm ấp Tân Định, H.Dương Minh Châu. Dịch nên tất cả mọi hoạt động đều không được tụ tập trên 20 người, các hàng ghế cho học sinh (HS) cũng phải có khoảng cách theo đúng quy định. Buổi lễ diễn ra nhanh gọn, chưa đầy 30 phút rồi chúng tôi tranh thủ tới thăm 3 em có hoàn cảnh khó khăn nhất huyện.

Đầu tiên, chúng tôi đến thăm một HS lớp 5 đang ở “nhà dần xây”, tức gia đình có tiền đến đâu xây đến đó, nhà 4 vách thì hiện tại mới xây được 1,5 tấm vách, mà ba em chưa có tiền xây tiếp. Chúng tôi phải đi qua những con đường gạch đá lởm chởm. Em đang ở nhà với ba, còn mẹ đang làm mướn. Gọi là nhà chứ thực ra nó chỉ có cái khung và 1,5 tấm vách tường được xây bằng gạch, bên trong có mỗi cái giường ngủ và ít xoong nồi. Mái nhà bằng tôn chỉ mới được lợp một nửa. Tôi chợt nghĩ đến khung cảnh lúc trời mưa gió, cả nhà chỉ có thể nép vào một góc để tránh mưa. Rồi giữa mùa nắng chang chang, cậu HS nhỏ cũng phải ngồi trong căn nhà một nửa mái tôn, một nửa vách tường để miệt mài học bài.

Chúng tôi trao cho em góc học tập gồm một bộ bàn ghế, một cây đèn bàn và một hộp khẩu trang.

Căn chòi lênh đênh trên mặt hồ Dầu Tiếng

Căn nhà tiếp theo cũng của một HS lớp 5. Thật ra nó là căn chòi rách nát giữa dòng hồ thủy điện Dầu Tiếng, một căn chòi lênh đênh trên mặt nước của đôi vợ chồng làm nghề đánh cá và hai đứa con. Cô bé Ngọc ngơ ngác khi thấy mọi người đến thăm và đem theo bộ bàn ghế ngồi học.

Khi đứng trên căn chòi cũ nát kia, chúng tôi mới thấu hiểu thế nào là độ rung lắc của nó, dù bên ngoài thời tiết không hề mưa gió. Gần như chúng tôi phải đứng yên một chỗ, bởi càng đi lại, căn chòi càng lắc mạnh. Chúng tôi nhìn nhau ái ngại, không hiểu tại sao gia đình họ có thể ở được và hằng ngày cô bé ấy ngồi học như thế nào. Những hôm mưa gió, căn chòi chao đảo lắc cực mạnh thì làm sao?

Có lẽ chúng ta không quen với cảnh lênh đênh trên mặt nước, còn với tụi nhỏ, dù thế nào cũng phải sống và bám trụ trên căn chòi kia. Có thể biết đâu mai này nhờ có tri thức mà cuộc sống của tụi nhỏ bớt lắc lư, trôi nổi trên mặt hồ thủy điện Dầu Tiếng?

Mượn điện thoại để học trực tuyến

Hoàn cảnh tiếp theo chúng tôi ghé thăm là một cô bé lớp 5, cha mẹ ly hôn rồi bỏ lại bé cho ông bà ngoại nuôi. Đón chúng tôi sau lớp khẩu trang che kín mặt để bảo đảm sức khỏe do dịch Covid-19 là San San, cô bé có đôi mắt đen nhánh lanh lợi nhưng đượm buồn.

Mùa dịch bệnh phải học trực tuyến mà hai ông bà lại không hề biết chữ và chẳng có điện thoại cho cháu học. Cô bé nhanh trí đi mượn điện thoại nhà hàng xóm về học, hôm mượn nhà này, mai mượn nhà khác, miễn sao nghe được cô giáo giảng bài. Học cuối cấp để chuẩn bị lên lớp 6, nhưng kiến thức thu được ngày có ngày không. Tôi hỏi bé về mơ ước sau này, San San bảo muốn được trở thành bác sĩ. Một ước mơ đẹp, nhưng quá to lớn so với căn nhà đơn sơ được xây bằng tình nghĩa xóm làng và sự hỗ trợ của chính quyền. Chưa kể dịch bệnh kéo dài mà phương tiện hỗ trợ học trực tuyến không hề có, đồng nghĩa với việc ước mơ kia có thể đứt quãng bất cứ lúc nào.

Sau khi chia sẻ câu chuyện này lên Facebook, đã có một bạn hảo tâm liên hệ muốn tặng bé chiếc điện thoại để hỗ trợ học trực tuyến. Ba ngày sau, tôi dẫn bạn quay lại nhà của San San và tận tay trao cho cô bé chiếc điện thoại mới tinh. Vẫn như thường lệ, chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy được mắt nhau qua lớp khẩu trang che kín. Nhưng đâu đó, ánh mắt lanh lợi của cô bé đã vơi bớt đi sự đượm buồn…

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-trong-can-choi-rung-lac-post1418755.html?fbclid=IwAR1vawlF0b--gO_GjvhVkkreaR0QAWesx4ZAwt5A3dni9J_vgFTL6B7agfg

“Blouse trắng” - thấm đượm tình người trong chống dịch

 Trong khuôn khổ chương trình liên hoan sân khấu kịch toàn quốc năm 2021, vở kịch “Blouse trắng” tác giả Miên Thảo, đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến, chỉ đạo nghệ thuật NSND Nguyễn Ngọc Giàu vừa diễn ra tại sân khấu kịch Trịnh Kim Chi đã gây xúc động mạnh cho khá giả đến xem vì những câu chuyện thấm đượm tình người trong thời gian chống dịch.

“Blouse trắng” kể về khoảng thời gian khốc liệt nhất khi TP. Hồ Chí Minh chống chọi lại đại dịch Covid-19. Những phân đoạn của vở kịch được lấy tư liệu thực tế trong rất nhiều câu chuyện của người dân tại thời điểm giãn cách xã hội. Ở đó khi tuyến đầu chống dịch vừa đấu tranh để giành lấy mạng sống người dân dưới tay tử thần Covid-19, vừa lo bảo vệ sức khỏe cho chính mình và bảo vệ tính mạng người thân của mình trước đại dịch.

Đảm nhận vai bác sĩ Hoàng Nam, ca sĩ Nam Cường đã lột tả hết sự đau đớn tận cùng khi hay tin cha mất mà không thể về chịu tang

Ở đó là câu chuyện của nữ bác sĩ tên Hạnh do NSƯT Trịnh Kim Chi thủ vai phải trải qua nhiều tháng liền trong bệnh viện dã chiến để lo chữa trị cho bệnh nhân, để lại 2 con thơ ở nhà chồng chăm sóc, và đau đớn thay khi đại dịch đã cướp đi mạng sống của chồng mình. Hay như câu chuyện của bác sĩ trẻ Hoàng Nam do ca sĩ Nam Cường thể hiện. Chàng sinh viên vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay chưa kịp đem về khoe ba mẹ ở quê, thì đã tình nguyện xin vào bệnh viện dã chiến chống dịch. Sự khốc liệt tuy vô hình nhưng nó khủng khiếp đến mức cha mất mà bác sĩ trẻ cũng không thể về nhà chịu tang, đành lập bàn thờ vọng tại bệnh viện dã chiến.

Trong suốt 90 phút vở kịch “Blouse trắng”, khán giả gần như đã không thể kìm được nước mắt bởi những tình tiết trong câu chuyện. Thậm chí, khi một nữ nhân vật phụ ngồi nói chuyện với nam nhân vật phụ khác hỏi thăm xem đã điều trị hết bệnh sao không về mà ở lại đây làm tình nguyện viên, khi nam nhân vật phụ trả lời rằng: “Cả gia đình đều chết hết” thì phía dưới hàng ghế khán giả đã không ít người bật khóc và thốt lên: “Trời ơi, còn khủng khiếp hơn cả thời chiến tranh!”.

Vở kịch lấy bối cảnh là một bệnh viện dã chiến và các y tá, bác sĩ ngày đêm làm việc để chữa trị cho bệnh nhân

Vở kịch còn tái hiện lại các y tá, bác sĩ hằng ngày khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kính mít giữa thời tiết nóng nực để cố gắng giành lấy từng hơi thở cho bệnh nhân trước dịch bệnh. Những giây phút nghỉ ngơi ít ỏi họ tranh thủ gọi điện thoại về nhà cho gia đình; khi mà những đứa con thơ gào khóc đòi mẹ, chồng luôn hỏi bao giờ mới được về nhà, hay bố mẹ ở quê chỉ mong được nhìn rõ mặt con sau lớp kính bảo hộ. Những chi tiết như vậy hầu như ngày thường chưa bao giờ xảy ra trong cuộc sống thường ngày, thì nay đại dịch ập đến đã làm đảo lộn tất cả. 

Và đó chính là sự hy sinh thầm lặng nhất của những ai tình nguyện xông pha nơi tuyến đầu chống dich. Một mặt trận không tiếng súng, không bóng dáng kẻ thù, thậm chí nhiều khi phải chiến đấu với cả sự thiếu ý thức và thờ ơ của người dân trước tính mạng của mình cũng như của cộng đồng xã hội. 

Nỗi đau đớn tận cùng của nữ bác sĩ Hạnh do NSUT Trịnh Kim Chi thể hiện khi nhận hài cốt của chồng mình

Nam ca sĩ Nam Cường người thủ vai bác sĩ Hoàng Nam xúc động chia sẻ: “Những câu chuyện trong “Blouse trắng” đều được tái hiện lại từ những câu chuyện có thật về các y, bác sĩ tuyến đầu và cả tình nguyện viên. Nên khi Nam Cường hóa thân vào nhân vật bác sĩ Hoàng Nam, mình cảm nhận được cái đau của nhân vật. Sự bất lực khi hay tin cha mất mà mình không làm được gì cả, phải kìm nén nỗi đau của bản thân để giúp người dân vượt qua đại dịch. Càng vào nhân vật mình càng thấy thương, kính phục và biết ơn rất nhiều y, bác sĩ và tình nguyện viên ở tuyến đầu”.

“Blouse trắng” với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Trịnh Kim Chi, Hữu Tiến, ca sĩ Nam Cường, Lê Khâm, Kim Đào, Huỳnh Điệp Kiều Ngân, Quỳnh Thư, Thành Vinh, Minh Châu, Thanh Thiện, Nhựt Huy, Bình Hưng, Bé Huyền Mỹ, Bé Vương Hoàng Long, Bé Yến Linh và tập thể diễn viên, học viên Sân khấu Trịnh Kim Chi.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/129778/blouse-trang-tham-duom-tinh-nguoi-trong-chong-dich?fbclid=IwAR0XfLaZw9s_DglA9r9Yghw1Qqp9lN1SYVBFw3XgJXT4Rqb24x2Rkly8AKQ

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Mang tiền về cho mẹ có phải là thực dụng?

 

Bài rap Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu như một tiếng lòng nói hộ biết bao người con xa xứ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tuy nhiên vẫn có không ít ý kiến trái chiều cho rằng nội dung bài rap Mang tiền về cho mẹ quá thực dụng. Thế nhưng có lẽ ý kiến đó là khi chúng ta chưa thực sự chứng kiến những câu chuyện đau buồn của những ông bố bà mẹ sinh ra những đứa trẻ chỉ to xác về mặt vật lý, để rồi cuối năm phải mang nợ về cho cha mẹ, những ưu phiền về cho gia đình.

Mang tiền về cho mẹ có phải là thực dụng? - ảnh 1

Đen Vâu trong MV Mang tiền về cho mẹ, bản rap đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của giới trẻ về tình cảm đối với gia đình

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Cha mẹ không mong chờ nhưng đó là bổn phận làm con

Lần đầu tiên nghe ca khúc Mang tiền về cho mẹ từ lúc xuất hiện trên YouTube tôi đã bật khóc, nhất là đến đoạn chèn vào tiếng ru của mẹ. Bởi lẽ đã 2 cái tết trôi qua do dịch bệnh tôi không dám về nhà vì sợ có thể sẽ vô tình mang vi rút về cho ba mẹ đang có sẵn bệnh nền. Hơn nữa, những tháng ngày TP.HCM phong tỏa, tôi cũng bị mất thu nhập rất nhiều, thậm chí có những tháng laptop bị cháy không thể nào đem đi sửa, thì thu nhập gần như bằng 0.

Thế nhưng, những ngày cuối năm dù đã xác định sẵn mục tiêu không dám về nhà nhưng tôi vẫn luôn đau đáu câu hỏi liệu cuối năm có khoản tiền nào gửi về biếu ba mẹ không? Năm ngoái tôi cũng xông xênh tài chính để gửi về biếu ba mẹ được 5 triệu đồng ăn tết. Còn những năm trước khi được tự do đi lại, mỗi lần về quê tôi đều vác theo vài thùng hàng làm quà. Dù năm nào về đến nhà cũng bị ba mẹ la một trận.

Để ý cảnh đầu tiên của MV Mang tiền về cho mẹ khi đứa con hỏi mẹ xem có cần mua gì không, thì người mẹ đã bảo không cần mua gì vì nhà có đủ hết rồi.

Mang tiền về cho mẹ có phải là thực dụng? - ảnh 2

Hình ảnh người mẹ (trái) và Đen Vâu trong MV Mang tiền về cho mẹ

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YOUTUBE

Ba mẹ tôi năm nào cũng nói câu đó trong điện thoại và chắc chắn tất cả những ông bố bà mẹ có con xa nhà đều nói một câu y chang vậy! Bởi tâm lý đấng sinh thành chỉ cần thấy con mình về ăn tết mà khỏe mạnh, công việc làm ăn học tập thuận lợi đã là một “món quà” vô cùng quý giá rồi. Nhưng với bổn phận làm con lớn lên xa nhà lập nghiệp nơi xứ người thì những ngày giáp tết dù bận bịu đến đâu hay cả năm làm ăn khó khăn như thế nào, đến cuối năm cận tết cũng luôn băn khoăn với câu hỏi mua quà gì cho ba mẹ, biếu ba mẹ bao nhiêu tiền tiêu tết.

Tất cả những ai được sinh ra trên đời này đều cũng là “một sản phẩm” được tạo dựng từ bàn tay yêu thương dạy dỗ từ chính mẹ cha mà ra.

19 tuổi, tôi đã tự kiếm ra tiền bằng công việc viết lách, dù bản thân tôi bị khuyết tật và chẳng được học hành gì. Nhưng các khoản tiền tôi kiếm được đều dành sắm sửa cho gia đình cho đến khi nào mấy đứa em tôi học xong, có công việc ổn định thì tôi sẽ buông trách nhiệm đó cho các em. Song mỗi dịp sinh nhật hay cuối năm tôi đều cho ba mẹ tiền hay mua sắm gì cho ba mẹ. Bởi đó là tinh thần của một đứa con sống tự lập và có ý chí cầu tiến.

Quà gì cũng được miễn đừng gửi lo lắng muộn phiền cho ba mẹ

Ấy vậy nhưng, mỗi lần tết về quê tôi chứng kiến những câu chuyện về những đứa con chỉ to xác về mặt vật lý. Có những câu chuyện cả năm cha mẹ làm việc cật lực, nhịn ăn nhịn uống để gửi tiền cho con học ở thành phố, và rồi cuối năm mới hay tin con mình ham chơi đã bị đuổi học từ rất lâu. Thậm chí, có những đứa con xa nhà vướng vào tệ nạn cờ bạc, cuối năm cha mẹ phải gom tiền trả nợ để chuộc con về. Hay có những người cả năm tiêu xài hoang phí, đến khi cuối năm về nhà ngửa tay xin tiền cha mẹ và có khi còn gây gổ, đánh đập cha mẹ, anh em để tranh giành tài sản.

Và đớn đau là những người vướng vào các tệ nạn xã hội để rồi cuối năm khi gia đình người ta sum họp, con cái quanh quần đón tết thì cha mẹ mình phải ngậm ngùi. Tôi đã từng ngồi nghe tâm sự của một gia đình có hai cậu con trai; một người đi làm không may bị điện giật phải nằm ở bệnh viện, còn cậu con trai thứ hai vướng vào ma túy nên phải đưa vào trung tâm cai nghiện. Thế nên đêm 30 tết hai vợ chồng già nhìn nhau rơi lệ.

Mang tiền về cho mẹ có phải là thực dụng? - ảnh 3

Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền "tệ", thông điệp trong bài rap của Đen Vâu

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Đưa tiền cho mẹ, mẹ là tiền "vệ"/ Đừng làm điều xấu, sẽ thành tiền "lệ"/ Lao động hăng say, hơn cả tiền "đề"/Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền "tệ".

Vậy cuối năm này dù không đươc về quê do dịch thì chúng ta đã chuẩn bị quà gì để gửi về cho cha mẹ mình? Gửi quà gì cũng được, miễn đừng gửi lo lắng muộn phiền về cho cha mẹ là điều hạnh phúc nhất trên đời.

Nguồn: https://thanhnien.vn/mang-tien-ve-cho-me-co-phai-la-thuc-dung-post1417777.html

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...