Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

Những khoảnh khắc khiến chàng bác sĩ 9X gắn bó với con nít

 


'Đến lúc cả đoàn lên xe về lại xuôi, các em cứ theo nắm tay giữ lại, không cho tụi mình về. Nhìn những ánh mắt ngây thơ của tụi nhỏ, tự nhiên mình ước sau này sẽ làm cái gì đó gắn bó với con nít'.

Đây là một trong những khoảnh khắc khiến Hồ Quốc Pháp, chàng bác sĩ 32 tuổi, gắn bó với con nít từ khi ra trường đến nay.

Những khoảnh khắc khiến chàng bác sĩ 9X gắn bó với con nít - ảnh 1

Hồ Quốc Pháp, chàng bác sĩ trẻ quê Quảng Ngãi, luôn tâm huyết với bệnh nhân nhi

NVCC

Chàng bác sĩ 9X, quê Quảng Ngãi, tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Dược Huế, sau đó học thạc sĩ nhi khoa ở Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện công tác tại khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM).

Bệnh nhi được khỏe lại là một thứ cảm xúc khó miêu tả nhất

Quốc Pháp tâm sự: “Hồi tụi mình làm các chương trình thiện nguyện mang cho các em nhỏ ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) một bộ dụng cụ chăm sóc cá nhân gồm xà phòng tắm, bộ kem đánh răng…, trong đó có hoạt động hướng dẫn đánh răng. Có nhiều em lần đầu được tiếp cận với bàn chải đánh răng. Bố mẹ bé kể, tối đó có em còn để “bạn bàn chải” ngủ bên mình như một người bạn, thật sự rất đáng yêu. Một kỷ niệm khác, trong chương trình Hơi ấm mùa đông 2013 của Hội từ thiện xã hội Búp sen hồng cũng tổ chức ở A Lưới, sau 3 ngày trao quà, chăm sóc sức khỏe và vui chơi cùng các em, đến lúc cả đoàn lên xe về lại xuôi, các em cứ theo nắm tay giữ lại, không cho tụi mình về. Nhìn những ánh mắt ngây thơ của tụi nhỏ, tự nhiên mình ước sau này học xong ra trường sẽ làm cái gì đó gắn bó với con nít, liên quan đến thiếu nhi”.

Bác sĩ Quốc Pháp còn chia sẻ khoảnh khắc thấy các em bé đang bệnh được khỏe lại là một thứ cảm xúc khó miêu tả nhất vì nó thân thương và rất thú vị. “Trong lần đầu tiên được chăm sóc em bé khi còn học trong trường y, được trải qua cảm giác đó, mình đã chọn nhi khoa là chuyên ngành sẽ gắn bó sau khi tốt nghiệp. Và đến thời điểm hiện tại, sau 8 năm, cảm giác ấy vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Nhìn các bé khỏe lên từng ngày khi được chăm sóc và điều trị, trong lòng mình luôn có một cảm giác vui sướng đến kỳ lạ”, bác sĩ Pháp chia sẻ lý do chọn nhi khoa.

Đối với Quốc Pháp, sự đáng yêu và ngây ngô của em bé cũng khiến các bác sĩ nhi khoa luôn yêu và gắn bó với sự lựa chọn của mình. "Có lần, đang khám cho các bé, tự nhiên bé ghé sát tai mình thì thầm thật nhỏ (chắc có lẽ sợ mẹ nghe được): 'Bác sĩ ơi, con nói nhỏ nghe nè, thiệt nhỏ thôi nha, con khỏe lắm rồi, lát bác sĩ cho con về nha, tối nay sinh nhật mẹ con á, con muốn về với mẹ'. Tự nhiên sự đáng yêu đó khiến bản thân mình có cảm giác thân thương và yêu quý hơn nghề nhi khoa hơn bao giờ hết", bác sĩ Quốc Pháp kể.

Khi được hỏi về những áp lực của một bác sĩ chuyên về khoa nhi, Quốc Pháp bộc bạch: “Thật sự em bé không phải là người lớn thu nhỏ, có những em bé nhập viện ngay khi vừa được sinh ra, nhìn các em thật mỏng manh và yếu đuối, mọi sự chăm sóc và điều trị cho các em cần sự tỉ mỉ và cẩn thận. Ngoài ra, nhiều lúc cách duy nhất để các em giao tiếp với bác sĩ nhi khoa là tiếng khóc (vì các em chưa nói được), thông qua tiếng khóc đó, bác sĩ phải phán đoán được các em khỏe hay không. Với những em lớn hơn có thể giao tiếp được, để nói chuyện và hỏi được bệnh của các con, bác sĩ nhi khoa phải là người chịu khó, kiên nhẫn và phải tạo được cảm giác an toàn, phải đặt mình vào vị trí của các bé hoặc thật sự phải là những người yêu thích trẻ con mới có thể làm được”.
Những khoảnh khắc khiến chàng bác sĩ 9X gắn bó với con nít - ảnh 2

Bác sĩ trẻ này còn đa tài, hát hay và là MC được nhiều người mến mộ trong chương trình Hát Cho Ngày Mai của HTV

NVCC

Hạnh phúc nhiều khi chỉ giản đơn là thấy người thân được khỏe mạnh

Hồ Quốc Pháp đã từng xin đi tình nguyện chống dịch và phụ trách quản lý 1 khoa gồm 1.000 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 11. Đối với Quốc Pháp, đó là vinh dự và cũng là một trọng trách. Bác sĩ Quốc Pháp tâm sự: "Cảm giác nhói tim nhất khi phải thấy sự chia xa của bệnh nhân và gia đình của họ, có những bệnh nhân khi đi vẫn vẫy tay chào người thân, nhưng người thân cũng không biết được đó là lần cuối họ được gặp nhau, vì bệnh nhân Covid-19 có thể diễn tiến nặng và ra đi rất nhanh".

“Khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh giống vậy và trải qua thật nhiều cung bậc cảm xúc chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, cảm xúc của mình trở nên nhạy cảm hơn - dù biết rằng y khoa cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh. Lúc đó mình nhận ra, hạnh phúc nhiều khi chỉ giản đơn là thấy người thân được khỏe mạnh”, bác sĩ Quốc Pháp kể.

Sau khi thành phố dừng các bệnh viện dã chiến, Quốc Pháp vẫn tiếp tục những công việc của mình liên quan đến bệnh nhi. Bên cạnh đó vẫn là những hoạt động khám thiện nguyện dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Quốc Pháp hy vọng tình hình dịch sớm ổn định để các đội nhóm thiện nguyện của mình đang tham gia có thể sớm thực hiện các chuyến đi trở lại. Ngoài ra, trong đại dịch có rất nhiều em bé bị mồ côi ba mẹ vì Covid-19, bác sĩ Quốc Pháp hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động cũng như chương trình để hỗ trợ và chăm sóc các em bé này, như một phần an ủi cho các mất mát mà các em đã trải qua.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-khoanh-khac-khien-chang-bac-si-9x-gan-bo-voi-con-nit-post1438649.html?fbclid=IwAR3DleQOykcdB5m3Yact6yOEqNUTy0-6uxOb47kFm_wZGSRw2GXDmdhBlvk

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Viết cho ngày 27/2

 Vào một sáng chủ nhật đẹp trời giữa tháng 2, chúng tôi hẹn nhau cà phê sau gần 1 năm không thể gặp trực tiếp. Lúc ngồi xuống bàn, em cởi chiếc khẩu trang ra, đã khiến tôi giật mình thốt lên: “Trời ơi, da em sao vậy?” thì em thỏ thẻ: “Tại mấy tháng chống dịch đó chị, giờ em đang trong thời gian điều trị lại da”. Em vừa nói vừa nháy mắt tinh nghịch như để trấn an tôi đang nhìn em đầy thương xót!

Những tháng ngày căng mình chống dịch cho một bệnh viện dã chiến, lúc đó em được giao nhiệm vụ điều hành cả một khoa và có ngày phải đón nhận gần 1.000 bệnh nhân vào điều trị, làm việc cật lực trong bộ đồ bảo hộ kín mít và không có lấy một ngày nghỉ. Em bảo nó giống như một trận chiến đến mức có những phút giây em đã tìm một góc khuất để khóc, để tự trấn an tinh thần của chính mình khi nhìn số ca tử vong cứ tăng liên tục. Hay có những phút giây em đã gồng mình lên, đã thấy mình buộc phải chai sạn cảm xúc đau thương, để trực tiếp điều hành nhân sự. Lúc đó còn có cả những y, bác sĩ ở miền Bắc, miền Trung cùng vào giúp sức cho miền Nam. 

Ngày thường, một bác sĩ khoa nhi như em dù có tăng khối lượng công việc đến đâu, hay có phải làm thêm ở phòng khám tư, thì em vẫn có thời gian để “thở”. Ấy thế mà khi tình nguyện xông pha đi chống dịch về, em gầy nhom, da dẻ hư hao do mùi cồn xát khuẩn cộng với cường độ làm việc cao. Em gần như phải mất 2 tuần ăn, ngủ mới tạm cân bằng lại sức khỏe. Tôi đã bật khóc khi nghe em kể về quãng thời gian trực tiếp tham gia chống dịch và cả những sang chấn tâm lý em đã từng trải qua. 

Bởi lẽ, là con người cho dù có tinh thần thép đến đâu cũng phải có lúc đối diện với hoang mang lo sợ, trước cuộc chiến vô hình tàn khốc kia. Đó cũng là lý do khi tham gia một chương trình truyền hình tôn vinh các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, em thẳng thắn thừa nhận bản thân mình không phải là chiến binh, chiến sĩ anh hùng trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh. Nó cũng chẳng có gì to tát ngoài trách nhiệm của một bác sĩ đang khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Thế nên sau khi các bệnh viện dã chiến được đóng cửa, em lại trở về Bệnh viện Nhi Đồng 2 để tiếp tục công việc. Hằng ngày, em được khám bệnh cho các bé một cách vui vẻ nhất, để những đớn đau của trẻ được giảm bớt phần nào.  

Những ngày gần 27-2 này, cả xã hội xôn xao về một bạn trẻ đã giả danh bác sĩ để tình nguyện tham gia vào khu cách ly điều trị cho F0, thậm chí còn làm giả giấy khen để mang về khoe với gia đình. Và bạn bác sĩ giả danh kia có muôn vàn lý do biện minh cho động cơ của mình. Nhưng có lẽ, nếu đây là động cơ cứu người, dù cho bác sĩ giả hay thật đi chăng nữa thì khi “cuộc chiến” đã kết thúc, họ đều lặng lẽ trở về với công việc của mình. Bởi đơn giản rằng, họ chỉ xem đây là trách nhiệm của một người đã dũng cảm chọn làm nghề y mà thôi.

Xã hội chúng ta có ngày 27-2 để tôn vinh những ai đang làm nghề thầy thuốc, họ đang ngày đêm nỗ lực trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Những người đã, đang và sẽ tiếp tục hết mình vì người bệnh, để xứng đáng với danh hiệu cao quý “Người thầy thuốc của nhân dân”. 

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/130980/viet-cho-ngay-27-2

Cầu xin sự may mắn


 


Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến mồng 10 tháng giêng âm lịch là nhiều người đi mua vàng, mua lễ vật cầu mong may mắn cả năm luôn làm ăn phát đạt. 

Người giàu mua vài chỉ hoặc có khi mua cả cây vàng. Người chưa giàu sẽ mua 1 chỉ hoặc nửa chỉ vàng. Cứ gọi là xin được vía của Thần Tài. Và mỗi năm cứ đến ngày này khi nhìn người ta phải xếp hàng dài từ 3-4 giờ sáng với hy vọng mình sẽ mua được vàng sớm nhất, đi tìm mua bằng được lễ cúng với giá cao hơn ngày thường rất nhiều. 

Tôi đã tự hỏi ngược lại rằng, sao ngày vía Thần Tài người ta thay vì đem tiền mua vàng để cầu xin may mắn, thì sao mọi người không thử đem một ít vật chất mình đang có để đi giúp ai đó đang cần tiền chữa bệnh, giúp một em học sinh hay sinh viên cần tiền đóng học phí hay trả tiền nhà trọ.

Đem tiền đó đi đóng góp xây dựng cầu đường, trường học, giúp một gia đình khó khăn sửa chữa lại nhà cửa, giúp một xã nghèo nào đó sửa lại trạm y tế hay sửa chữa con đường để người dân đi lại dễ dàng, hoặc mua một ít sách tặng các thư viện cộng đồng chẳng hạn... 

Vào tháng giêng hằng năm là thời điểm nhà nhà, người người sắm sửa lễ vật cúng bái, đốt vàng mã, để mong cầu xin may mắn cho cả năm. Trong khi đó, thế giới tâm linh vốn dĩ không màng đến vật chất như trong cõi ta bà này. 

Mỗi người có một sự lựa chọn mà người ta gọi là niềm tin, có thêm niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp cũng tốt, nhưng miễn sao không để lãng phí vì đốt vàng mã, không phải mất thời gian và công việc để xếp hàng mua lễ vật, hay mua sắm lễ cúng tốn kém quá mức, mua rồi không dùng được, việc xếp hàng mua bán không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, hay lợi dụng ngày vía thần tài để tăng giá, bán hàng kém chất lượng…

Riêng tôi không cầu xin sự may mắn như thế mỗi khi đi đến những nơi thuộc về tâm linh. Tôi chỉ cầu mong có được dũng khí để có thể vượt qua những thử thách của số phận và sẽ chia sẻ với những ai đang gặp khó khăn, những ai đang thiếu ý chí phấn đấu, hoặc mất đi phương hướng trong cuộc sống, lúc đó tôi sẽ có năng lượng tích cực và năng lượng tích cực được lan tỏa. Và với tôi đó là may mắn.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/130562/cau-xin-su-may-man


Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Rạng rỡ thanh xuân tà áo dài nơi biên giới

 


Hưởng ứng Tuần lễ áo dài, các bạn trẻ Bình Phước đã cùng chụp nhiều bức ảnh siêu dễ thương với áo dài.

Rạng rỡ thanh xuân tà áo dài nơi biên giới - ảnh 1

Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy (đứng giữa) cùng nhóm bạn trẻ hào hứng mặc áo dài của nhà thiết kế Việt Hùng

B.P

Khi nam Bí thư Tỉnh đoàn"lăng xê" áo dài

Cùng tham gia chụp ảnh ngoại cảnh mặc áo dài với nhóm bạn trẻ cả buổi sáng, anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, hào hứng chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu nên càng lưu tâm hơn đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam để tránh nguy cơ dần bị mai một. Theo mình, mặc áo dài chính là tôn vinh, gìn giữ trang phục truyền thống của người Việt”.

“Đặc biệt, nên khuyến khích cả nam giới mặc áo dài trong những dịp phù hợp để ngày càng khẳng định vị thế của áo dài nam hiện có số phận ‘thăng trầm’, vốn ít phổ biến và dần bị lãng quên trong cuộc sống ngày nay. Vì thế, mình đã bàn bạc, thống nhất cùng nhà thiết kế Việt Hùng thực hiện nhiều phần việc để lan tỏa tình yêu áo dài Việt”, anh Duy tiếp lời.

Được biết, anh Duy rất say mê vẻ đẹp của áo dài Việt. Chính vì thế, trong hành trang của hàng chục chuyến giao lưu thanh niên quốc tế mà anh từng tham gia, anh luôn mang theo chiếc áo dài Việt dành cho nam giới.

Rạng rỡ thanh xuân tà áo dài nơi biên giới - ảnh 2

Cái nắng oi bức không thể làm tắt nụ cười của nhóm bạn trẻ khi hớn hở “show” nét đẹp áo dài trước Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài (P.Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước)

B.P

Nhiều việc làm ý nghĩa từ chiếc áo dài

Anh Duy kể nhằm chung tay cùng tuổi trẻ Bình Phước tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt và tiếp sức những vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bão lũ, cuối tháng 11. 2020, nhà thiết kế Việt Hùng đã cùng Tỉnh đoàn Bình Phước, MC Quỳnh Hoa, ca sĩ Quốc Đại, nhà văn Trần Trà My tổ chức hành trình “Thương về miền Trung”. Nhóm đã mang gần 500 bộ áo dài và hơn 600 triệu đồng để trao tặng cho các cô giáo và người dân miền Trung ruột thịt.

Rạng rỡ thanh xuân tà áo dài nơi biên giới - ảnh 3

Tung bay tà áo dài trong khí thế sôi nổi của Tháng Thanh niên 2022

B.P

Bên cạnh đó, trong mùa dịch vừa qua, nhà thiết kế Việt Hùng đã cùng Tỉnh đoàn Bình Phước và đoàn công tác xã hội vì cộng đồng Dự án Đại sứ áo dài Việt Nam gồm ca sĩ Quốc Đại, Hoa hậu quý bà duyên dáng Trịnh Vân Anh, Á quân Đại sứ áo dài Việt Nam Lê Bích Nhân tổ chức chương trình “Trao áo dài - Gửi yêu thương đến phụ nữ biên cương” tại 3 huyện vùng biên của tỉnh Bình Phước. Chương trình trao tặng 103 bộ áo dài cho các nữ giáo viên những nơi này.

Sắp tới đây, nhà thiết kế Việt Hùng sẽ phối hợp với tỉnh Bình Phước thực hiện các hoạt động trao tặng áo dài, tổ chức liveshow áo dài và các chương trình giao lưu phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...