Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Tổ ấm 'khuyết' và những định kiến về gia đình cần gỡ bỏ

Có thể trong suy nghĩ của mỗi người khi nhắc đến hai chữ gia đình sẽ bao gồm người bố, người mẹ và một hoặc nhiều đứa trẻ. Song, cuộc sống hiện đại ngày nay đã cho chúng ta thêm một góc nhìn khác về gia đình.

Có những nhóm người mà trước đây chúng ta lãng quên họ, thậm chí cho rằng nó là cái gì đó thuộc về “sự cố vô tình” của tạo hóa để không giống ai về hình hài hoặc về mặt giới tính. Họ khác nhau về hoàn cảnh, nhưng lại giống nhau ở một điểm chung là tổ ấm của họ đều bị “khuyết” về một điều gì đó. Vậy nên, họ luôn là tâm điểm kỳ thị của một số bộ phận trong xã hội. Họ bị soi mói và mỉa mai, thậm chí cả sự hoài nghi về tương lai của những đứa trẻ do họ sinh ra.

Tổ ấm 'khuyết' và những định kiến về gia đình cần gỡ bỏ - ảnh 1

Gia đình cũng giống như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu thương chứ không phải từ các định kiến xưa cũ (ảnh minh họa)

NVCC


Có một phim ngắn tôi đã từng xem với những câu thoại rất cay nghiệt như: “Làm sao chăm được con?” “Hai thằng đực rựa thì ai là cha ai là mẹ?” “Rồi chơi với con được không?” “Sao lại sinh con một mình?”... Đó là những câu nói mà không ít người đã và đang dành cho những gia đình đang bị khuyết đi một điều gì đó.

Tôi chơi với nhiều bạn thuộc cộng đồng LGBT+ , họ kể tôi nghe những câu chuyện về sự kỳ thị của một số người trong xã hội và sự ép buộc của những người thân trong gia đình không cho phép họ được sống thật với giới tính của mình. Trong đó, đã có một số bạn đã từng nhiều lần có ý định tự vẫn, bởi không chịu đựng được sự miệt thị của người đời. Cũng có những bạn cố gắng che đậy thân phận của mình bằng tờ giấy hôn thú với người họ chẳng bao giờ có chút cảm xúc. Một mái ấm chỉ có sự hạnh phúc giả tạo để che mắt người đời mà thôi.

Hay như chính bản thân tôi cũng không ít lần phải nghe những câu nói đầy bỡn cợt khi nghe tôi chia sẻ mơ ước xây dựng một tổ ấm hạnh phúc cho riêng mình. Đại loại như: “Người như vậy mà cũng đòi lập gia đình gì cho khổ”. Hay sẽ là: “Bộ nghĩ có ai dám cưới một người như vậy chắc?” Thật ra trong số đó cũng có những lời khuyên lo lắng cho sức khỏe của tôi nếu như tôi mang thai. Song bên cạnh đó, sẽ có không ít người tỏ vẻ hoài nghi về vai trò trách nhiệm của người phụ nữ như tôi khi làm vợ, làm mẹ và làm dâu.

Đâu đó, việc bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn là gánh nặng dành cho người phụ nữ thay vì họ xứng đáng được hưởng sự yêu thương chia sẻ từ người chồng. Tuy nhiên, xét về góc độ tích cực thì thật may mắn khi truyền thông hiện nay đang cố gắng kiếm tìm các câu chuyện về những gia đình “khuyết” và tạo ra câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, nhằm mục đích truyền tải thông điệp đầy yêu thương đến cộng đồng. Để khái niệm về hai chữ gia đình thiêng liêng có thêm nhiều góc nhìn mới hơn. Đón nhận, chấp nhận những nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt để họ có được các quyền làm người cơ bản nhất.

Xét cho cùng thì gia đình cũng giống như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu thương chứ không phải từ các định kiến xưa cũ. Với bối cảnh ngày nay, gia đình không nhất thiết phải có cả bố lẫn mẹ hay những đứa trẻ. Nhưng gia đình chính là môi trường đầu tiên tạo ra nhiều cá nhân tử tế, cho một xã hội mà ở đó tất cả chúng ta ai ai cũng được hưởng sự yêu thương như nhau, dù cho đấy là những cá thể khác biệt.

Nguồn: https://thanhnien.vn/to-am-khuyet-va-nhung-dinh-kien-ve-gia-dinh-can-go-bo-post1472522.html

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Hồi ức về những tháng ngày phong tỏa

 Đúng 0 giờ ngày 31-5-2021 là dấu ấn vô cùng đáng nhớ của toàn dân TP. Hồ Chí Minh và cũng như 16 tỉnh lân cận. Nó đánh dấu chuỗi ngày tháng dài trong lịch sử hơn 300 năm thành lập thành phố năng động này. Những tháng ngày cả thành phố đều bị “đóng băng” bằng những sắc lệnh nghiêm ngặt nhất.

Tôi còn nhớ lúc đó hẻm nhà trọ tôi ở đã bị phong tỏa từ ngày 29-5. Đúng sau 1 ngày khi các chiến sĩ bộ đội biên phòng Bình Phước ghé nhà tôi để chở hàng tiếp tế do tôi đứng ra vận động. Lúc đó tôi vẫn giữ vững tinh thần vui vẻ, lạc quan khi cứ nghĩ nhiều lắm chỉ 1 tháng thì mọi thứ sẽ ổn trở lại. Thậm chí, lương thực dự trữ tôi cũng không mua nhiều. Bởi 15 năm sống tự lập ở thành phố này, tôi chưa bao giờ hình dung ra khung cảnh mình sẽ bị nhốt trong nhà gần nửa năm trời.

Những món ăn tinh thần đến tận nhà người dân khu phong tỏa trong đó có sách của tôi

Nhưng rồi, trong chuỗi ngày dài phong tỏa, từ mớ rau, cọng hành hay trái ớt tươi ai cũng phải tập ăn tiết kiệm. Tôi không thể gặp được ai và thậm chí, đồ mọi người tiếp tế tôi phải nhờ hàng xóm ra tận đầu hẻm lấy vì giao hàng không thể mang vào tận nhà. Có khoảnh khắc khi lướt facebook hay tin một người bạn của mình vừa ra đi vì Covid-19, lúc đó tôi khóc nức nở nhưng trong phút chốc lại gạt nước mắt vì phải ra ngoài nhận một xe hàng rau củ mà tôi đã xin được về cho bà con quanh khu phố.

Trời mưa, tôi ngồi sau xe máy của một anh dân quân, vì lúc đó không phải ai cũng được phép ra khỏi nhà. Tôi vừa khóc vì bạn mất, lại bị ướt lạnh vì mưa, vừa phải tiếp xúc với người lạ trong khi bản thân mình chưa được tiêm vắc xin. Đêm về, tôi pha vội một ly nước mật ong nóng uống và cầu nguyện không bị cảm hay nhiễm bệnh. Vì khi đó tất cả hệ thống y tế đều quá tải.

Những ngày dài phong tỏa, tôi thường chủ động hỏi han mọi người trong khu nhà trọ mình ở xem họ có còn gì ăn không, nếu thiếu gì cứ ghé phòng trọ tôi lấy. Thậm chí, có hôm tôi xin bạn cho tôi mười phần quà lương thực để tặng mọi người trong khu nhà trọ, trao quà xong mới chợt nhớ không xin cho mình. Vậy là đành nhoẻn miệng cười tự nhủ nếu mình thiếu gì sẽ đi xin lại mọi người trong khu trọ.

Những ngày không quên ấy, sự xuất hiện của bộ đội là nguồn động viên tinh thần cho người dân

Rồi khi Chỉ thị 16+ được ban hành, tôi đọc báo thấy đoàn viên thanh niên quận Phú Nhuận khởi động chương trình tặng sách đến các khu phong tỏa. Tôi chủ động liên hệ và xin được góp một phần nhỏ bé để hy vọng những tháng ngày giãn cách xã hội, người dân sẽ được thưởng thức thêm “món ăn” cho tinh thần bớt căng thẳng. 

Với Sài Gòn, những tháng ngày phong tỏa là những câu chuyện buồn và rất đau thương. Thậm chí, có những câu chuyện người dân chỉ có thể truyền miệng rồi ngậm ngùi chua xót! Ở đó, dù người giàu cũng như người nghèo đều phải gồng mình cố gắng san sẻ cho nhau. Và phải nói thật vào thời điểm đó ai phải có một tình yêu mãnh liệt lắm mới dũng cảm ở lại. Bởi ở lại nghĩa là chọn đương đầu với dịch bệnh, với một thử thách vô hình. Thương xót nhất là những nhóm người xa quê phải di tản khi không thể bám trụ mãi trong căn nhà trọ chật chội suốt mấy tháng dài đằng đẵng. 

Tôi còn nhớ suốt chuỗi ngày ấy, điều tôi luôn nghĩ là liệu ngày mai tấm hàng rào phong tỏa phía đầu hẻm có được tháo dỡ? Lúc đó tôi sẽ đi ăn ngay món lẩu. Lý do đặc biệt bởi khi ăn lẩu phải ăn đông người và được ăn kèm nhiều loại rau. Mà trong những ngày giãn cách ấy thì rau và cuộc gặp gỡ bạn bè luôn là 2 thứ xa xỉ nhất. Thế nên ngày được “giải phóng”, được gặp lại mọi người, được ôm lấy nhau lại là một món quà vô giá! Ai cũng cảm thấy trân quý cuộc sống mình hơn khi đứng trước đại dịch. 

Tiếp tế lương thực từ bạn bè nhưng phải giữ khoảng cách an toàn sau hàng rào phong tỏa

Một năm trôi qua, Sài Gòn đã hồi sinh, dù những nỗi đau vẫn đọng lại, hơn 1.000 đứa trẻ bỗng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những khu vực bệnh viện dã chiến đã được tháo dỡ và trả lại mặt bằng, đội ngũ y tế và tình nguyện viên chống dịch đã được nghỉ ngơi, những câu khẩu hiệu phòng chống đại dịch Covid-19 nên được sửa thành thích nghi và chung sống an toàn. Cả thế giới bắt đầu thừa nhận đây là bệnh đặc hữu như những bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp khác.

Nay Sài Gòn sẽ không còn phải chịu cảnh “ngủ yên” và tin chắc rằng sẽ không bao giờ lặp lại những tháng ngày kia. Đâu đó, trong góc khuất trái tim người Sài Gòn vẫn còn những hồi ức nhói đau về chuỗi ngày dài phong tỏa. Nhưng một lần nữa tôi luôn tin rằng sự bao dung và tử tế của thành phố này sẽ thoa dịu hết tất cả mọi vết thương và cả những lỗi lầm…

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/133875/hoi-uc-ve-nhung-thang-ngay-phong-toa

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Bình Phước trong trái tim tôi

  Khi tôi còn nhỏ, Bình Phước lúc đó vẫn thuộc tỉnh Sông Bé và thi thoảng một vài họ hàng xa đi lập nghiệp, có dịp về thăm quê hay biếu gia đình tôi ít hạt tiêu và hạt điều. Quảng Trị là mảnh đất nghèo nên dân di cư vào Nam rất nhiều, trong đó có cả họ hàng nhà tôi. Cũng vì thế mà từ đó tôi đã mang sẵn tư tưởng sau này mình cũng tha phương vào Nam lập nghiệp. Đứa con nít như tôi từ nhỏ đã luôn nghĩ về điều này.

Vào năm 2007, tôi cũng đã hoàn thành tâm niệm của mình là được vào Nam lập nghiệp. Tôi quen với một bạn đang là sinh viên trường đại học kinh tế, khi tôi hỏi quê bạn ở đâu thì bạn bảo ở Bình Phước. Tôi hỏi lại, thế Bình Phước có gì hả bạn? Bạn tôi bảo ở đó nghèo lắm, nhà bạn ở trên rẫy nên chỉ có vườn điều với tiêu, thi thoảng có voi ghé chơi. Tôi hay giỡn, khi nào cho mình về thăm quê bạn một lần cho biết nhé. Thế là từ đó, tôi hay nghĩ rằng, à Bình Phước ngoài cây tiêu, cây điều ra còn có cả voi nữa. Và tôi chỉ có dịp về ăn cưới nó để được đặt chân đến Bình Phước.

Một buổi sáng thức dậy tại Tiểu đoàn 208, có lẽ tôi là người khuyết tật may mắn khi có được nhiều trải nghiệm như vậy

Rồi cơ duyên cũng tới khi đầu tháng 12-2019 trong một sự kiện của Quỹ Hòa bình và Phát triển tổ chức, tôi may mắn được gặp anh Trần Quốc Duy, lúc đó đang còn làm Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước. Hai anh em chúng tôi có cuộc gặp gỡ hết sức “vô duyên” khi cùng khóc cho những nỗi đau của người khác. Ngồi nghe anh kể anh hay vào trại giam để nói chuyện với các bạn phạm nhân trong các buổi tuyên truyền. Tôi cũng nói mình đang làm dự án đem sách vào tặng các trại giam và tha thiết mong anh giới thiệu cho tôi về các trại giam và các trung tâm cai nghiện tại quê anh.

Các chiến sĩ tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đang chờ xin chữ ký của cô tác giả đặc biệt này

Đúng một tuần sau, tôi có mặt tại Bình Phước để làm một tour đi giao lưu truyền “lửa”. Và mở đầu cho tour này, tôi đến giao lưu tại Trường THPT chuyên Quang Trung. Một buổi sáng thứ 2 đầu tuần, giữa sân trường đầy nắng dù lúc ấy mới chỉ 7 giờ. Lúc đó, tôi đã nghĩ: “Sao nơi này nắng ghê quá!” nhưng cảm giác được lắng nghe những câu chuyện của các bạn học sinh đã làm tôi quên hết cái oi bức kia.

Trưa về, tôi tranh thủ cùng một người bạn chạy xe máy đi giao hàng. Tự nhiên lúc dừng đèn đỏ, tôi bỗng có cảm giác sao cái không khí nắng nóng này, cái bối cảnh của thành phố Đồng Xoài có cái gì đó na ná quê mình. Thật ra nó chỉ thiếu chút “đặc sản” gió Lào nữa là y chang Quảng Trị, bởi đa phần người ở đây đều giữ được chất giọng quê tôi. Có những lúc ra đường vô tình nghe ai đó nói giọng miền Trung là ngay lập tức tôi quay lại kiếm tìm, như thể đang kiếm tìm một người thân quen vậy.

Những cái nắm tay dễ thương của các em học sinh Trường THPT chuyên Bình Long

Ở Bình Phước một tuần với rất nhiều hoạt động và cũng có rất nhiều người ái ngại cho sức khỏe của tôi. Anh Duy liên tục hỏi: “Em có mệt không My?”. Tôi chỉ vui vẻ lắc đầu vì sự thân thiện của người dân ở đây khiến tôi thấy vui và thân quen như đang ở tại quê mình vậy. Tôi luôn tự hỏi rằng: “Nơi này không có nhiều cảnh đẹp như các tỉnh khác mình ghé tới, đặc sản đồ ăn cũng ít ỏi nữa, mà sao mình có cảm giác thân quen đến vậy?”.

Tuần đầu tiên ở Bình Phước, tôi chỉ làm giao lưu ở vài huyện quanh thành phố Đồng Xoài, nhưng tôi cảm nhận được nơi đây còn rất nhiều người khó khăn và tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm làm điều gì đó. Từ tâm niệm, tôi và anh Duy cùng nhau bắt đầu lên phương án để hiện thực hóa. Cứ vậy, tính trung bình 1 tháng tôi đều có mặt ở Bình Phước 1 lần với rất nhiều chương trình liên quan đến thiện nguyện. Lúc thì quyên góp sách cho trung tâm cai nghiện huyện Chơn Thành, lúc cùng đoàn làm phim tài liệu của TFS đi làm phim về các chiến sĩ biên giới đang căng mình chống dịch, khi thì tham gia chương trình tặng áo dài biên giới cùng NTK Nguyễn Việt Hùng và một số nghệ sĩ khác.

Có hôm đi thăm trại trẻ mồ côi nào đó, tôi và anh Duy ngồi với các em cả buổi chỉ để hát cho tụi nhỏ nghe. Có hôm lại tới giao lưu ở Tiểu đoàn 208 và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động ở huyện Lộc Ninh, rồi cùng vào các chốt biên giới thăm các chiến sĩ. Có hôm dẫn đoàn khảo sát vào các vùng dân tộc thiểu số, chứng kiến sự nghèo khổ, thiếu thốn của họ, khi về đã khiến tôi trằn trọc với suy nghĩ có cách nào để người đồng bào được thoát nghèo?

Khoảnh khắc tác giả chụp hình lưu niệm tại chương trình tặng áo dài cho các cô giáo vùng biên ở Trường TH&THCS Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh

Có những chuyến hành trình thiện nguyện phải bắt đầu đi từ 4-5 giờ sáng và kết thúc tầm 1-2 giờ sáng hôm sau, thế nhưng tôi vẫn không thấy mệt. Thậm chí, có những hôm lên biên giới với những cung đường khiến tôi có cảm giác mình có thể văng ra khỏi ôtô bất cứ lúc nào. Không những vậy, có những vùng sâu, vùng xa, các chốt biên phòng không có đường cho xe ôtô vào nên mọi người phải thay phiên nhau bồng bế tôi giữa cái nắng gắt vùng biên cương. 

Tôi đi nhiều đến mức giờ không nhớ bao nhiêu chuyến, bởi làm hết chương trình này là đã lo lên kế hoạch chuẩn bị cho chương trình khác. Đến mức bây giờ nhiều bạn trên mạng xã hội mỗi lần muốn về Bình Phước tổ chức một chương trình thiện nguyện nào đó đều liên hệ tôi nhờ kết nối với Bình Phước. Và với cá nhân tôi, đó là điều vô cùng hạnh phúc vì không bao giờ dám nghĩ công việc mình đang làm lại có tính lan tỏa rộng như vậy!

Song, bên cạnh đó cũng có một số người đặt ra câu hỏi: “Ở Bình Phước có gì mà thấy Trà My suốt ngày đi và kéo nhiều người đi làm thiện nguyện cùng vậy?”. Và lúc đó, tôi cười trả lời rằng: “Tại Bình Phước chỉ có tình người mà thôi!” Vậy nên, đây là nơi tôi đi nhiều nhất so với các tỉnh, thành khác. 

Với tôi bây giờ mỗi chuyến đi Bình Phước lại có cảm giác như đang về quê hương của mình vậy, lúc nào cũng đầy ắp tình thương. Tôi có cả những tình bạn hơn chục năm trời và có những người bạn chỉ mới quen gần đây. Thế mà, trong trái tim tôi luôn dành ra một góc đặc biệt cho mảnh đất này.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/133291/binh-phuoc-trong-trai-tim-toi?zarsrc=10&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR0gOLIZsVM96WdJlTYEl-XsflB9VujzkOopirB8s6ruL3JTgcDL13x_qcE

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Hành trình đi đến Côn Đảo

  Công việc viết lách của tôi vốn không xa lạ gì với việc đi tác nghiệp khắp các tỉnh, thành và nó là một điều may mắn hiếm có dành cho một người khuyết tật như tôi. Tuy nhiên, tôi lại ít khi có cơ hội bỏ tất cả để dành thời gian cho việc tận hưởng du lịch. Bởi tất cả chuyến đi của tôi đều có sẵn lịch trình; khi thì đi phỏng vấn nhân vật nào đó, khi đi giao lưu truyền “lửa” vừa kết hợp trao quà từ thiện rồi ra về. Vậy nên, mở đầu cho chuyến hành trình này tôi quyết định mình sẽ đến vùng đất du lịch tâm linh Côn Đảo.

Một nơi tôi chưa bao giờ đặt chân đến và chưa hề có bất kỳ mối quan hệ nào tại nơi này. Nhắc đến địa danh này, tôi chỉ ấn tượng hai thứ, một là mộ cô Võ Thị Sáu và hai là những trại tù giam cầm hàng ngàn chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra là những lời đồn liêu trai, luôn khiến tôi bị kích thích với mong muốn phải ra đó một lần.

Xuống sân bay Côn Đảo lúc 17 giờ, thời tiết rất mát mẻ, dễ chịu. Lúc này, tôi đã cảm nhận được một vài ánh mắt của du khách và cả người dân đang hướng về mình với sự tò mò khác lạ. Thậm chí tài xế lái xe trung chuyển từ sân bay khi thấy tôi đi bằng “siêu xe” cũng tỏ thái độ bất ngờ. Về tới khách sạn tôi đã đặt sẵn, cô chủ khách sạn rất vui vẻ, niềm nở khi lần đầu tiên có một vị khách “sáu chân” ra đặt phòng. Đến mức cô chủ khách sạn liên tục hỏi thăm tôi xem có cần hỗ trợ gì không?

Sau bao năm nuôi ước mơ, nay tôi đã được đứng trước ngôi mộ của một nữ anh hùng sống mãi ở tuổi thanh xuân 16 cho sự bình yên của Tổ quốc

Nếu với một người bình thường thì việc đi bộ tầm 800m là điều bình thường, còn bản thân tôi có những phút giây quên đi rằng mình đang là người khuyết tật nên mạnh miệng bảo: “Hay để mai chị đi bộ ra đó, em khỏi cần đặt xe điện nhé”. Bạn lễ tân tròn mắt bảo: “Ôi không chị ơi, trời nắng lắm! Với lại từ nghĩa trang vào tận mộ cô phải đi thêm 200m, và chị cầm theo 2 bó hoa như vậy không đi được đâu”.

7 giờ 30 phút, tôi bước ra khỏi khách sạn, hai bên “con siêu xe” của tôi treo 2 bó hoa cúc trắng. Bạn lễ tân kêu một chiếc xe điện đang đậu sẵn trước cửa khách sạn. Một nam tài xế ngơ ngác nhìn tôi hỏi muốn đi đâu, tôi bảo đi viếng mộ cô Sáu. Khi chiếc xe điện vừa đến trước cổng nghĩa trang Hàng Dương, tôi ngơ ngác nhìn các du khách đang được ban quản lý kiểm tra thông tin trước khi vào nghĩa trang viếng.

Còn tôi, mặc một bộ bà ba màu tím, tóc thắt bím hai bên vẫn ngồi ì trên xe điện. Bởi tôi mặc định rằng đã nhờ lễ tân khách sạn đặt trước lịch với nghĩa trang Hàng Dương rồi thì cứ vậy họ sẽ cho tôi vào. Thậm chí tôi còn lầm tưởng chắc mình sẽ được ưu tiên. Một chú bảo vệ giọng miền Trung ra hỏi tại sao tôi không xuống xe? Tài xế chạy xe điện cũng bối rối bảo đây là người khuyết tật. Chú bảo vệ tỏ vẻ cáu gắt và nói tại sao không có người nhà đi theo? Tôi năn nỉ cho tôi xuống xe để mình tự đi vào nhưng tài xế nhất quyết bảo tôi không thể tự đi bộ được vì nó quá xa.

Cãi cọ một hồi thì có ai đó trong ban quản lý khu nghĩa trang cũng chịu đặc cách cho xe điện vào trong và họ còn điều thêm một người đi theo để cõng tôi vào tận mộ cô Sáu. Họ cũng không quên dặn tài xế tìm chỗ đậu xe vì xe điện không được vào tận trong khu nghĩa trang. Khi xe điện chạy vào bên trong, tôi bước xuống xe và một anh công nhân cõng tôi vào trong trước sự ngỡ ngàng của mọi người đang đi viếng.

Trại giam Phú Hải nơi đã giam giữ rất nhiều chiến sĩ yêu nước. Bước vào đây, tôi đi chậm hơn các du khách khác nên không thể nghe hết được phần thuyết minh lịch sử

Thắp hương xong, tôi tranh thủ đi dạo ngắm cảnh tại nghĩa trang và nhờ bạn tài xế kia chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Lúc này, tôi mới khai thật với tài xế xe điện kia mình làm nghề gì. Bạn tỏ vẻ ngạc nhiên và đi khoe mọi người xung quanh biết về tôi. Ngoài ra, lúc đưa tôi về, bạn nhất quyết không cho tôi trả tiền xe. Thậm chí, trên đường đi về khách sạn, bạn tài xế luôn nói đi nói lại một câu: “Đây là lần đầu tiên trong đời, em thấy một người như chị đi ra đây một mình”.

Về khách sạn nghỉ một chút, tôi lại bắt xe điện tìm nơi ăn sáng rồi tiếp tục cuộc hành trình khám phá Côn Đảo. Một bạn lái xe điện chở tôi tới một quán bún riêu cua nổi tiếng tại đây và khi ăn xong cô chủ quán nhất quyết không lấy tiền. Tôi ngơ ngác hỏi lý do thì cô bảo: “Nhìn con như vậy mà ra được đây nên cô xin phép được mời con tô bún”. Tôi lại tiếp tục bắt chiếc xe điện khác và nhờ bạn dẫn tôi đến tham quan một trại giam nào đó. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hầu hết các trại giam đều phải tạm đóng cửa để trùng tu và chỉ còn duy nhất trại giam Phú Hải được phép mở cửa đón khách tham quan mà thôi.

Đến cổng mua vé, tự nhiên tôi cũng có cảm giác lo sợ vì biết đâu cũng bị đối xử như lúc ở nghĩa trang Hàng Dương. Thế nhưng lần này Ban quản lý khu di tích trại giam Phú Hải đặc cách không để tôi mua vé vào cổng. Và lần này bạn nam lái xe điện cũng trở thành hướng dẫn viên du lịch riêng mình tôi, bởi cá nhân tôi không thể nào theo kịp mọi người để được nghe thuyết trình về lịch sử của trại giam. 

Nơi đây chỉ có duy nhất chùa Núi Một là tôi phải đầu hàng vì không thể nào leo lên vài chục bậc cầu thang. Còn lại các địa danh khác, tôi đều đặt chân tới. Dường như đi tới đâu, tôi cũng luôn nghe được hai câu nói với đại ý rằng: “Sao ra đây một mình hay vậy!” hoặc “Lần đầu tiên được thấy một người khuyết tật ra đảo một mình”.

Có một bữa trưa khi tôi đang ngồi ăn hải sản thì tự nhiên một cô bán trái cây đặt trên bàn bịch ổi. Tôi ngơ ngác cứ tưởng họ ép khách du lịch mua hàng, nhưng thật ra không phải vậy. Cô chỉ có nhã ý muốn tặng tôi bịch trái cây vì tôi đã ra nơi này du lịch. Đang chưa hết xúc động thì một chú bán vé số chạy lại bảo: “Hôm qua, tui thấy có người cõng cô vào thắp hương cho cô Sáu. Cô ra được đây là quá giỏi á!”.

Buổi sáng cuối cùng trước khi lên máy bay về lại Sài Gòn, tôi được 2 du khách ở tỉnh Bình Dương mời đi ăn sáng. Ăn xong, tôi quyết định sẽ tự đi bộ về khách sạn chứ không muốn bắt xe điện. Thú thật, tôi chỉ muốn lang thang để được tận hưởng không khí nơi này. Côn Đảo vẫn giữ được những nét hoang sơ thủa ban đầu, môi trường vẫn còn trong xanh, những người dân trên đảo đa số là dân tứ xứ ra đây làm ăn lập nghiệp nên họ sống rất chan hòa.

Đây là nơi mà có thể ban đêm đi ngủ không cần phải cửa đóng then cài. Các nhà hàng, khách sạn cũng không phải tốn tiền thuê bảo vệ trông xe. Thậm chí khách sạn nơi tôi ở có vị trí 2 mặt tiền cũng chẳng thấy một anh bảo vệ gác cổng nào. Mọi người thật sự sống chan hòa, tử tế với nhau để kéo thêm nhiều du khách trở lại ở những lần tiếp theo.

Tôi vẫn ước ao một điều là mong sao Ban quản lý nghĩa trang Hàng Dương nên trang bị sẵn vài chiếc xe lăn để không chỉ người khuyết tật mà cả các cựu chiến binh hoặc người cao tuổi mỗi khi có dịp đến viếng mộ các anh hùng liệt sĩ, họ sẽ cảm thấy chu đáo hơn. Bởi đứng trước nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và trước sự tri ân của những ai đã từng hy sinh cho Tổ quốc, tất cả chúng ta đều phải được bình đẳng như nhau.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/133119/hanh-trinh-di-den-con-dao

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...