Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Hạnh phúc là gì?

 


Khi nghe đến câu hỏi này thì mỗi người sẽ có đáp án khác nhau cho riêng mình. Có người sẽ bảo hạnh phúc là khi có được một khoản tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Rồi có người sẽ nói hạnh phúc là khi mua được một căn nhà ở đâu đó. Hoặc có khi hạnh phúc là mua được điện thoại đời mới nhất, hay tậu được dòng xe mới xuất hiện trên thị trường. Cũng có người sẽ trả lời rằng hạnh phúc là khi có được vị trí công việc mình hằng mơ ước. Thậm chí ai đó sẽ nói hạnh phúc là khi có tiền để đi tân trang lại nhan sắc. 

Đôi khi có người sẽ trả lời hạnh phúc là khi được sống thật với chính mình, không cần phải xinh đẹp, thông minh hay làm ra thật nhiều tiền. Đó là một trong rất nhiều đáp án nhận được khi đặt câu hỏi này với những người trưởng thành. Còn với trẻ nhỏ thì ngược lại. Bởi càng nhỏ tuổi thì nhu cầu hạnh phúc của trẻ càng đơn giản. 

Cháu gái 4 tuổi của tôi sau hai năm đại dịch mới được mẹ đưa sang đoàn tụ với ba ở Nhật Bản một thời gian. Trong một buổi tối, gia đình trẻ đang ngồi vui đùa cùng nhau thì bé thốt lên: “Hạnh phúc quá!”. Hai vợ chồng em tôi giả vờ ngơ ngác hỏi lại: “Hạnh phúc là gì hả con?” thì bé gái nhanh nhảu đáp: “Là khi cả nhà mình được ở cạnh nhau đó ba mẹ”.

Còn nhớ có lần tôi cùng đoàn đến huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước tặng quà cho các em thiếu nhi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thấy một bé gái tầm 5, 6 tuổi mà vẫn đi chân đất nên mọi người trong đoàn tìm một đôi dép nhựa màu hồng tặng bé. Thế nhưng mãi không thấy bé gái ấy đi dép mới, một bạn trong đoàn chạy tới hỏi lý do thì bé trả lời: “Tại xíu về nhà để đi dép mới cùng em trai sẽ thấy hạnh phúc hơn!”.

Nghe vậy, mọi người trong đoàn đều mỉm cười. Một bạn nam trong đoàn chạy tới hỏi bé gái kia: “Ủa thế nào là hạnh phúc hơn vậy con?” thì bé nói: “Là khi hai chị em nhà con được cùng đi dép đẹp á chú”. Tiếng cười giòn tan của bé làm cả đoàn chúng tôi xua tan mệt mỏi sau một ngày dài đến vùng biên giới thực hiện chương trình từ thiện. 

Hạnh phúc là gì và đôi khi chẳng có gì cả nhưng vẫn cảm nhận được thực sự thế nào là hạnh phúc. Vậy cũng đủ làm nên hạnh phúc rồi nhỉ.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/136058/hanh-phuc-la-gi

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi

Có lần tôi tham gia một buổi giao lưu mang tên “Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi”, trong lúc đang chờ sắp xếp chỗ ngồi thì hai mẹ con chị bước vào. Họ là những vị khán giả đến sớm nhất buổi giao lưu. Tôi lúc đó đang tranh thủ ăn để kịp vào chương trình. Hai mẹ con đến ngồi cạnh tôi, chị niềm nở nói với con gái: “Cô Trà My kìa con, cô viết sách đó. Cô giỏi lắm đó con”. 




Tôi chào hỏi lại và hỏi thăm thì được biết bé 19 tuổi và đang học cấp 3 tại một trường bên quận 6. Khi nghe tên trường bé đang học, tôi nói mình đã từng được mời về trường đó giao lưu. Nghe xong, người mẹ vội quay lại nói với cô bé: “Vậy là cô My đã từng về trường con giao lưu với các bạn rồi đó”.

Trong tích tắc tự nhiên tôi khựng người lại, cảm giác có gì đó sai sai vì tầm tuổi này sao lại là học sinh cấp 3? Thoáng thấy ánh mắt khác lạ của tôi, chị bỗng giải thích: “Tại cháu bị tự kỷ”. Hơi bối rối và có chút thoáng buồn, nhìn cô gái 19 tuổi, trắng trẻo, mập mạp, xinh xắn, tự nhiên tôi muốn khóc vì thương cảm. Những biểu hiện giao tiếp khác lạ, thậm chí giống một đứa trẻ 5 tuổi hơn là 19 tuổi. 

Tôi cố gắng nuốt cái gì đó đang mắc kẹt trong cảm xúc của mình và sau vài giây để cố gượng cười. Người mẹ đặc biệt ấy lanh trí nhận ra những dòng cảm xúc khác lạ của tôi nên cố gắng nói chuyện để quên đi tâm trạng. Còn cô gái 19 tuổi kia vẫn đang ôm điện thoại, thi thoảng lại vùng vằng hệt đứa bé mẫu giáo nên người mẹ phải hết sức nhỏ nhẹ dỗ dành đầy kiên nhẫn. 

Trong quá trình diễn ra buổi giao lưu, khi tất cả khán giả đều chăm chú lắng nghe thì riêng cô bé kia vẫn ôm điện thoại. Mãi sau này tôi mới biết, đó là giải pháp chữa cháy hiệu quả, bởi nếu không bé sẽ không chịu ngồi yên. Đối với đứa trẻ tự kỷ thì việc ra ngoài giao tiếp với xã hội là điều rất khó khăn. Tôi ngồi trên hàng ghế diễn giả và không hề rời mắt khỏi hai mẹ con họ.

Tự nhiên tôi chợt nghĩ chủ đề “Yêu thương dẫu cuộc đời trần trụi” ngày hôm nay rất hợp với mẹ con họ. Trong mỗi chương trình giao lưu, tôi hay khuyến khích mọi người chia sẻ về câu chuyện của cá nhân mình, hơn là cứ bắt diễn giả trên sân khấu kể về chính bản thân họ. Đến lượt chị ấy chia sẻ, chị đã làm tôi ngạc nhiên đến bật khóc khi nói rằng chị biết ơn chính đứa con của mình đã khiến bản thân chị được thay đổi.

Chị nói rằng, biết ơn con gái đã mang đến cho chị đức tính kiên nhẫn, nguồn năng lượng tích cực mà mỗi ngày chị đều phải học từng chút một. Dành thời gian nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã vất vả thì với một đứa trẻ có những tổn thương về tâm trí là một hành trình chắc sẽ không ngôn từ nào có thể diễn tả được!... Phải có một tình yêu thương vô điều kiện dẫu sự thật cuộc đời có trần trụi đến đâu thì người mẹ kia vẫn đón nhận để được đồng hành với con bằng tâm thái của sự biết ơn.

Những ngày gần đây khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, tự nhiên hình ảnh hai mẹ con họ luôn hiện về trong tâm trí tôi. Bởi tôi biết dẫu cô bé 19 tuổi kia có kết quả như thế nào thì người mẹ ấy vẫn sẵn sàng đón nhận, không phán xét oán trách và cũng chẳng bao giờ đổ lỗi hay chối bỏ. Thôi thì cứ yêu thương nhau dẫu sự thật cuộc đời có trần trụi đến đâu!

Thế nên, làm cha mẹ bao giờ cũng là một hành trình gian nan nhưng cũng đầy yêu thương nhất.         

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/135032/yeu-thuong-dau-cuoc-doi-tran-trui


Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Nguyễn Á và buổi triển lãm về chiến sĩ Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Sudan

 BPO - "Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan" là buổi triển lãm sách lần thứ 17 của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á được tổ chức mới đây tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP. Hồ Chí Minh.

Bộ sách ảnh lần này gồm 150 bức ảnh màu trưng bày là thành quả chọn lọc từ hàng ngàn bức ảnh được bấm máy trên đất nước Sudan, góp phần khắc họa hình ảnh về người lính đang góp thêm những điểm son đẹp trong công tác đối ngoại quốc phòng.

Buổi triển lãm ảnh thu hút hơn 100 khán giả đến tham dự

Đây là bộ ảnh vô cùng đặc biệt khi Nguyễn Á đã vượt hành trình tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) với chặng đường dài 8.000km, thời gian bay hơn 12 tiếng. Nguyễn Á cùng các "chiến sĩ mũ nồi xanh" Đội công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 xuất quân thực hiện nhiệm vụ của Liên hiệp quốc đáp xuống phi trường Juba (thủ đô Nam Sudan). 

Suốt 1 tháng trời lăn lộn, Nguyễn Á ăn ngủ, sinh hoạt trong khu vực bệnh viện dã chiến cùng các chiến sĩ Việt Nam tình nguyện gìn giữ hòa bình tại Sudan, trong môi trường vừa khắc nghiệt vì nghèo đói và cũng rất nguy hiểm đến tính mạng khi bên ngoài đang là cuộc nội chiến. Những lúc tác nghiệp bên ngoài không hề dễ dàng.

Nguyễn Á xúc động chia sẻ: “Cuộc đời quan trọng nhất là được sống với đam mê của mình. Điều đó đối với Á vô cùng quan trọng! Cuộc đời Á có rất nhiều chuyến đi nhưng đây là chuyến đi đặc biệt nhất khi Á được đến một vùng đất nghèo nhất thế giới, gặp những con người nghèo khổ nhất. Họ không có nhà ở và phải sống trong các khu tị nạn. Bản thân Á may mắn khi được đồng hành với lực lượng chiến sĩ tình nguyện, tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nghèo đói trong một đất nước ở thời kỳ nội chiến”.

Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.3 đang bồi hồi chia sẻ lại những kỷ niệm lúc đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

Trung tá Trịnh Mỹ Hòa đang công tác tại Bệnh viện 175, người trực tiếp điều hành tại bệnh viện 2.3 tại Sudan kể về những tháng ngày làm công tác tình nguyện tại bệnh viện dã chiến: “Bệnh viện dã chiến có 63 tình nguyện viên gồm các y, bác sĩ và một số người phục vụ hậu cần, nó tương đương một bệnh viện cấp huyện tại Việt Nam. Bệnh viện gồm có các chuyên khoa về sản, chấn thương chỉnh hình, nội thần kinh. Thời gian làm tình nguyện bên đó gần 14 tháng. Nam Sudan là đất nước vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực, nghèo đói, xung đột sắc tộc diễn ra hằng ngày. Chính vì thế nên lực lượng chúng tôi qua đó vô cùng nguy hiểm. Ngoài công tác chữa bệnh, chúng tôi còn làm thêm công tác dân vận như hướng dẫn bà con bảo vệ môi trường, trồng cây xanh; đến trường học tặng sách và dạy các em vẽ tranh, hoặc đến trại giam khám bệnh cho phạm nhân. Lồng ghép các hoạt động này, chúng tôi còn có dịp quảng bá thêm về hình ảnh con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước mình”.

Lực lượng tình nguyện viên quốc tế xem lại từng trang sách ảnh có mặt mình lúc đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

Ngoài triển lãm ảnh “Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình còn diễn ra ở thủ đô Hà Nội ngày 8-7 và kết thúc ở TP. Đà Nẵng vào ngày 15-7.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/134672/nguyen-a-va-buoi-trien-lam-ve-chien-si-viet-nam-gin-giu-hoa-binh-o-sudan

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Những câu chuyện cảm động từ chàng thượng úy tình nguyện 'mũ nồi xanh' tại Nam Phi

 

Thượng úy Hà Minh Tuấn, 32 tuổi, quê Đà Nẵng hiện công tác tại Bệnh viện 175 thuộc khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, đã hai lần tham gia lính tình nguyện 'mũ nồi xanh' tại Nam Phi.

Lần đầu tiên thượng úy Hà Minh Tuấn tham gia lính tình nguyện "mũ nồi xanh" với vai trò là nhân viên đội cấp cứu đường không (AMET) thuộc bệnh viện dã chiến 2.1 từ tháng 10.2018 đến tháng 12.2019. Về nước một thời gian, Hà Minh Tuấn lại tiếp tục đăng ký đi tình nguyện tiếp cho bệnh viện dã chiến 2.3 từ tháng 3.2021 đến hết tháng 5.2022.

Những câu chuyện cảm động từ chàng thượng úy tình nguyện 'mũ nồi xanh' tại Nam Phi - ảnh 1

Thượng úy Hà Minh Tuấn những ngày làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

NVCC

Nam Sudan là một trong đất nước nghèo của châu Phi. Sự thiếu thốn nghèo đói, an ninh xã hội, sự khắc nghiệt của thời tiết và điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn là một vấn đề ở nơi này. Vậy nên, những ngày đầu khi mới đặt chân đến Nam Sudan, thượng úy Hà Minh Tuấn cũng có chút bỡ ngỡ khi làm công tác tình nguyện tại một trong những nơi còn rất khó khăn.

Những ngày đầu đến thủ đô Nam Sudan nhận nhiệm vụ, làm việc ở môi trường mới, tất cả mọi thứ từ nhiệt độ, ăn uống và cả sinh hoạt đều khác biệt, chàng thượng úy gặp không ít khó khăn để hòa nhập. Khi được hỏi về cơ duyên nào khiến Tuấn đăng ký đi tình nguyện qua Nam Phi, anh chàng tự hào trả lời: “Nghĩa vụ của một quân nhân là sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ cấp trên giao phó. Vậy nên mình tình nguyện đi chứ không đắn đo gì cả”.

Trong 3 năm làm tình nguyện viên bảo vệ hòa bình tại Nam Sudan, có hai kỷ niệm sâu sắc khiến Hà Minh Tuấn không thể nào quên được. Đó là vào khoảng thời gian 30.4 và 1.5.2021, trong lúc đang chuyển một bệnh nhân ốm nặng lên thủ đô Juba, khi máy bay vừa đáp xuống thì chàng thượng úy thấy rất nhiều cuộc gọi nhỡ từ gia đình ở Việt Nam báo tin vợ đã sinh con gái đầu lòng.

Những câu chuyện cảm động từ chàng thượng úy tình nguyện 'mũ nồi xanh' tại Nam Phi - ảnh 2

Thượng úy Hà Minh Tuấn ngày trở về Việt Nam cũng là lúc con gái tròn một tuổi mới thấy được mặt cha

NVCC

Niềm vui vỡ òa khi vừa hoàn thành được nhiệm vụ cứu sống bệnh nhân vừa được nhìn thấy con gái chào đời chỉ qua video call. Điều này đã khiến anh chàng chiến sĩ "mũ nồi xanh" dù mạnh mẽ đến đâu cũng đã bật khóc vì hạnh phúc. Bên cạnh đó Hà Minh Tuấn vẫn phải cố gắng giữ vững tinh thần để động viên gia đình tại Việt Nam yên tâm rằng dù bên Nam Phi như thế nào thì mình vẫn ổn.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là khi Hà Minh Tuấn nhận một nhiệm vụ đặc biệt phải chuyển thương gấp một bệnh nhân bị xuất huyết não và chẩn đoán là xuất huyết dưới nhện. Đây vừa là bệnh nhân và cũng chính là đồng nghiệp của Tuấn - một quân nhân nữ đang thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan. Thành ra, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Để chuyển bệnh nhân về Việt Nam an toàn mà phải qua các nước như Uganda và Kenya đang diễn ra nội chiến là một việc đầy nguy hiểm nhưng vì nhiệm vụ và cũng là tình đồng đội với bệnh nhân, Hà Minh Tuấn sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường một mình với quyết tâm về Việt Nam an toàn tuyệt đối.

Những câu chuyện cảm động từ chàng thượng úy tình nguyện 'mũ nồi xanh' tại Nam Phi - ảnh 3

Đây là khoảnh khắc trước khi thượng úy Hà Minh Tuấn chuyển bệnh nhân, cũng là đồng đội của mình, về Việt Nam điều trị bệnh

NVCC

Đây cũng là lúc dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới. Vừa chiến tranh vừa dịch bệnh nhưng cuối cùng chuyến bay cũng hạ cánh an toàn xuống Việt Nam, kịp cứu sống đồng đội. Với nhiệm vụ này, thượng úy Hà Minh Tuấn đã được cấp trên khen thưởng cho sự dũng cảm của người lính.

Được biết, tiêu chí đầu tiên được tuyển chọn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình phải là quân nhân có kinh nghiệm. Sau đó là tiếng Anh phải đạt số điểm nhất định, phải hoàn thành tất cả bài huấn luyện và kiểm tra của các chuyên gia. Điều đặc biệt hơn cả phải có tư tưởng chính trị vững vàng. Đó là những chia sẻ của thượng úy Hà Minh Tuấn dành cho các bạn trẻ có ước mơ muốn tham gia lực lượng lính tình nguyện "mũ nồi xanh" bảo vệ hoà bình quốc tế.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-cau-chuyen-cam-dong-tu-chang-thuong-uy-tinh-nguyen-mu-noi-xanh-tai-nam-phi-post1486080.html

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...