Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Ý Thức Công Dân



Hiện nay cụm từ: “ý thức công dân” vẫn còn là một khái niệm mơ hồ. Không ít người vẫn còn đang "giữ sự hồn nhiên " như thể điều này thuộc về ai đó, chứ không phải là mình. Lấy ví dụ việc xếp hàng mỗi lần thanh toán ở siêu thị, xếp hàng khi vào rạp xem phim hay đến các khu du lịch đông người. Ai có ý thức sẽ điềm tĩnh xếp hàng trong trật tự, còn ai thiếu ý thức vì nghĩ rằng mình bỏ tiền ra là mình được quyền sử dụng trước tiên, thì họ sẽ nháo loạn lên. 

Đây chỉ là một vài hình ảnh ví dụ đơn giản trong vấn đề ý thức công dân, vậy thì khi thế giới hay đất nước xảy ra khủng hoảng nào đó thì việc đầu tiên của một công dân cần làm gì đề cao sự ý thức, trách nhiệm để kiểm soát chính bản thân mình. 

Bài học đau đớn từ Hàn Quốc khi bệnh nhân thứ 31 vì sự cuồng tín của tôn giáo mình đang theo, mà vẫn vô tư đi lại trong khi bản thân mình đang mắc bệnh Covid-19. Đã khiến cho chính phủ các nước khác cũng phải giật mình nhìn lại về việc kiểm soát đám đông trong mùa đại dịch. 

Thật ra với virus corona thì nó không còn là dịch bệnh nữa mà đã trở thành một đại dịch cho cả nhân loại khi mới hai tháng đã có hơn 199 nước bị nhiễm bệnh. Cho dù nước giàu hay là nước nghèo, cho dù con người ở trong thành phần xã hội nào, từ quan chức cấp cao cho đến một người ăn xin trên đường phố thậm chí, là cả phạm nhân ở trại giam, tách biệt với thế giới bên ngoài thì vẫn bị nhiễm bệnh. 

Thế nên, chúng ta đã sửa cụm từ: "bị cách ly " thành: "được cách ly". Tại sao lại dùng từ "được" thay cho từ "bị". Nếu là người có ý thức công dân tốt chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn về vấn đề này. Vì trước tiên mình được bảo vệ bởi sự tấn công của virus corona, rồi sau đó mới tính đến chuyện nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh. 

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận công dân lại hiểu nhầm sang vấn đề khác hoặc họ hồn nhiên nghĩ nó sẽ không thuộc về trách nhiệm của mình. Hoặc mình không phải là nhóm đối tượng bị nhiễm và lây nhiễm. Sự nông cạn đến mức xem đó là một "chiến tích" để đi kể cho nhiều người nghe về "chiến tích" thoát được cách ly. Hay như có người còn dùng uy quyền để nhờ người đi cách ly giùm mình. Thậm chí, mới đây nhất khi một bạn nam đang được cách ly đã bỏ trốn và đã bị cộng đồng mạng công khai thông tin cá nhân của bạn này lên các trang mạng xã hội để truy tìm cho bằng được nhằm đưa bạn về lại khu cách ly. Và cũng còn rất nhiều người khác nữa bỗng dưng tự biến mình như một tên tội phạm đang bị truy nã, khi thiếu ý thức công dân trước những biến động xã hội.Vậy thì, có nhất thiết không khi họ đang tự đưa chính mạng sống của mình cho thần chết quyết định?... Điều này không phải là vấn đề thiếu hiểu biết, mà nó nhằm ở vấn đề ý thức và trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân.

 Khi một đất nước chưa có được nền y tế tốt như Việt Nam và quan trọng nhất là khi chúng ta ở ngay kế bên tâm bão của dịch bệnh. Song đất nước vẫn phải gồng mình lên để kiểm soát được sự lộng hành của chủng virus này. Và khi chúng ta chưa kịp để ăn mừng cho "chiến tích" này thì...

Xin đừng đổ lỗi cho việc kiểm soát chưa chặt chẽ. Vì một phần nó xuất phát từ vấn đề thiếu trách nhiệm công dân của một vài cá nhân. Thế đó, bệnh tật vốn không trừa một ai. Vậy thì chỉ mong sao chúng ta sống thật sự có ý thức hơn trong trách nhiệm và quyền lợi công dân của mình, bởi có thể là tôi là bạn đang mang sẵn một mầm bệnh truyền nhiễm nào đó trong người. Trước bệnh tật buộc chúng ta ai cũng phải "bình đẳng" như nhau mà thôi! 
                

Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

MC Phan Anh: Tôi ủng hộ các con bày tỏ quan điểm


Dù là người cha nghiêm khắc nhưng MC Phan Anh không theo “trường phái” đòn roi mà để con tự suy ngẫm về hành động của mình
MC Phan Anh: Toi ung ho cac con bay to quan diem
MC Phan Anh và các con
Phóng viên: Người Việt vẫn hay dạy các con theo kiểu con gái thì dạy phải biết nấu ăn để sau này còn đi làm dâu, còn con trai thì sướng hơn, chỉ dạy phải lo học giỏi. Ở nhà anh, việc dạy con có như vậy không?
MC Phan Anh: Gia đình tôi không như vậy. Chúng tôi đều muốn con cái biết nấu nướng vì trước tiên là để phục vụ chính bản thân mình. Tụi nhỏ, ngay cả bé Pooh (6 tuổi), thỉnh thoảng cũng được giao nhiệm vụ tự đi siêu thị để mua một số đồ. Cũng vui vì vào bếp là niềm háo hức của bọn nhóc.
Nhưng tại thời điểm này, chúng tôi không yêu cầu các con phải lo việc bếp núc. Còn chuyện học hành, dù con trai hay con gái, tôi đều không yêu cầu các con học giỏi theo kiểu thành tích học sinh giỏi ở trường.
Câu hỏi mà tôi hay hỏi các con là: hôm nay các con đến trường có gì vui, chứ không phải con được bao nhiêu điểm. Tôi khuyến khích các con học những gì mình thích và cố gắng hoàn thành cả những điều mình không thích, chứ không ép buộc. Quan trọng là tinh thần tự học, tự suy nghĩ.
Được biết trong gia đình anh là ông bố khó tính và nghiêm khắc, nên chắc các con sẽ về phe mẹ nhiều hơn?
MC Phan Anh: Toi ung ho cac con bay to quan diem
 
- Các con tôi cũng có sự sợ sệt khi bố ở nhà, nhưng không phải vì thế mà chúng sẽ ngồi im một chỗ, hay răm rắp nghe theo tất cả những gì tôi yêu cầu. Tôi nghiêm khắc một số điều, nhưng rất ủng hộ các con tự do bày tỏ quan điểm và chịu khó lắng nghe các con.
Tôi cũng không có chủ trương đòn roi mà thay vào đó là những hình phạt nhẹ nhàng, chẳng hạn ngồi im một chỗ trong một khoảng thời gian để tự suy nghĩ về hành động của mình, tự rút ra kinh nghiệm. Mọi chuyện khá phân minh và tôi tin các con nhận thức được điều đó.
Vợ chồng tôi khi vui thì giỡn với các con theo phe này phe kia, nhưng khi cùng thảo luận vấn đề nghiêm túc thì tụi nhóc đều có suy nghĩ riêng, chứ không ai áp đặt cả. 
Là người bận rộn, anh xoay xở thế nào nếu vợ anh vắng nhà một tuần?
-  Tôi hoàn toàn có thể thu xếp được. Tất nhiên nó không dễ dàng, nhưng tôi nghĩ trừ việc mang thai, sinh nở ra, còn lại điều gì phụ nữ làm được thì đàn ông cũng làm được. Tôi luôn ủng hộ bình đẳng giới, thiết nghĩ cũng cần đòi hỏi luôn cả việc chăm sóc con (cười lớn). 
Vậy việc nhà và chăm sóc ba đứa con có khi nào khiến anh căng thẳng?
- Hiển nhiên sẽ vất vả vì đó không phải là việc tôi thường xuyên làm. Song, cứ thu xếp thì đâu cũng vào đó. Trẻ con thì phải nghịch, đôi lúc không nghe lời, mè nheo đòi chiều chuộng. Có lúc, tôi cũng phải quát lớn, nhưng cuối ngày, đi ngủ thì mọi chuyện đều êm đẹp. Đó là lúc chúng tranh thủ làm tôi “tan chảy” bởi những cử chỉ ngọt ngào. Chúng hiểu được những vất vả và những cố gắng của bố trong một ngày bận rộn.
“Quần” với ba đứa con nhỏ mà vợ anh ngày càng xinh đẹp và tươi trẻ. Phải chăng anh cũng có “tiếp sức” một phần?
MC Phan Anh: Toi ung ho cac con bay to quan diem
Gia đình MC Phan Anh
- Tôi có mở trung tâm chăm sóc sắc đẹp, nên tôi có thể giúp vợ tôi đẹp hơn nhưng tiếc là vợ tôi cũng giản dị, ít son phấn, ít cầu kỳ shopping này nọ... Chứ nếu không, cô ấy còn thay đổi nhiều. Thực ra, đó cũng chính là điều tôi yêu ở vợ mình, vì giữ được chính mình mới là điều quan trọng. Cô ấy làm những điều cô ấy thích, điều đó làm cô ấy hạnh phúc. Và khi hạnh phúc thì người ta sẽ rạng rỡ thôi! 
Thấu hiểu và đồng cảm thì đàn ông nào cũng nói được nhưng làm thế nào để “đưa” người đàn ông vào cuộc, cùng chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái?
- Tôi nghĩ, phụ nữ cần chủ động hơn trong vấn đề này. Đàn ông vốn đã định kiến về việc nhà, lại còn lười biếng, phụ nữ chiều mãi cũng thành quen, chẳng ông nào muốn động chân động tay. Thế nên, phụ nữ nên chia sẻ nhẹ nhàng kiểu anh ơi giúp em việc này, anh ơi giúp em việc kia.
Nói chung, nên thẳng thắn như vậy để người đàn ông hiểu. Thỉnh thoảng cũng nên chủ động giao hẳn việc nhà một vài ngày cho các ông có trải nghiệm mà nhận ra vấn đề, thấu hiểu và thông cảm. Phụ nữ đừng nghĩ rằng, việc nhà là việc của riêng mình, hay mình phải chọn cách hy sinh để chứng minh công dung ngôn hạnh gì cả. 
Trần Trà My (thực hiện)

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Dịch Ở...Lòng Người


Trong lịch sử nhân loại hầu như con người phải đương đầu với rất nhiều đại dịch còn khủng khiếp hơn virus Corona. Thế nhưng, chắc có lẽ sự khủng khiếp của con virus này không đáng sợ bằng việc người ta lợi dụng Corona. Có thể thấy trong kỷ nguyên 4.0 này thì người người đều có thể trở thành một “chuyên gia truyền thông”, khi chỉ cần có một tài khoản mạng xã hội bất kỳ và có khoảng tầm một ngàn bạn bè theo dõi hoặc kết bạn.

 Hơn hai tháng nay khi đại dịch Corona oanh tạc thế giới, nền chính trị trao đảo, nền kinh tế ngã nghiêng theo từng sự tăng trưởng từng giờ của con virus corona. Và lòng người cũng nhói lên khi mỗi ngày trôi qua nhìn thấy con số người nhiễm, người chết cứ tăng lên, các quốc gia có số ca nhiễm ngày một nhiều. Những chiếc khẩu trang, những chai nước rửa tay mà ngày thường ít ai để ý thì hôm nay bỗng trở thành vật cứu cánh.

Nó vừa là vật cứu cánh để chống chọi lại con virus corona và nó cũng là “vật cứu cánh” cho lòng trắc ẩn vẫn còn tồn tại trong thế giới 4.0 này. Bạn thấy đấy, giờ hàng ngày mở báo chí, mở tivi hay mở các trang mạng xã hội thì bênh cạnh những thông tin về đại dịch corona, số người chết/người nhiễm hay đơn giản là những phương thức phòng bệnh, sự dịch chuyển của chủng virus mới này v/v…

Nhưng bên cạnh đó chúng ta vẫn được đọc những thông tin như số người bị phạt vì đưa thông tin sai sự thật về corona 2019-nCoV, các cửa hàng bán thuốc đẩy giá khẩu trang, các đại lý sản xuất nước rửa tay giả và thậm chí ngay cả việc đi thu gom lại khẩu trang đã qua sử dụng họ cũng có thể nghĩ ra, cốt để kiếm lời. Và chỉ mới ít ngày đây khi VN công bố ca nhiễm thứ 17 (Người viết xin đơn cử ca này còn những ca sau xin phép không đề cập); sau những ngày ít ỏi khi cả chính phủ và người dân tưởng chừng sắp được ăn mừng nếu đất nước không có thêm ca nhiễm mới. Vậy mà con số 17 định mệnh kia khiến cho HN có một đêm mất ngủ, còn cả nước lại thoi thóp lo sợ.

Và cũng chỉ sau vài tiếng công bố ca dịch mới, công khai danh tính người nhiễm bệnh và lý do họ bị nhiễm bệnh, thì chuyện gì đã xảy ra với xã hội VN? Nếu như Covid19 sau 14 ngày mới phát bệnh, thì nay có một loại dịch bệnh chỉ bùng phát trong vài phút đồng hồ mà thôi. Tốc độ lây lan đến chống mặt mà không cần phải tiếp xúc với người bệnh, chỉ cần nghe thấy thông báo có thêm ca bệnh mới là tự khắc con “virus” kia đã được lan truyền khắc cộng đồng mạng.

Đó là “một loại dịch bệnh” xuất phát từ chính tư duy lẫn tâm hồn của một số người. Không biết những người dân quanh khu vực người bệnh thứ 17 có thực sự hoảng loạn đến mức phải tháo chạy trong đêm, để thoát khỏi cảnh được cách ly hay không? Nhưng trên mạng xã hội đã nhìn thấy rất nhiều bức ảnh người dân gần đó hoảng loạn “đi sơ tán”. Và sáng sớm hôm sau người người đổ sô đi tích trữ lương thực, như thể tận thế sắp dáng xuống gia đình mình vậy. Ngoài ra còn có thêm một sự “nhầm lẫn” vô cùng tai hại giữa việc lên tiếng trước hành động che dấu việc khai báo bệnh của người bị nhiễm Covid19 và việc lăng mạ tấn công người khác, xem họ như một tội đồ.Việc họ đã sai vì không khai báo tình trạng sức khỏe, cũng như lịch trình chuyến đi, khiến cho đất nước phải chao đảo thêm một thời gian, những đứa trẻ phải tiếp tục nghỉ học, các chuỗi cung ứng dịch vụ buộc phải dừng thêm một thời gian. Nhưng sao một bộ phận nhỏ trong chúng ta cứ tự cho phép “phần con” trong chính mình không chịu ngủ yên?

Rồi lại khiến cho những người cơ hội biết cách “tận dụng” thời cơ để tăng giá hàng hóa, thậm chí sẵn sàng làm nhái, làm giả, làm hàng kém chất lượng để mình kiếm lời. Và đấy cũng “một loại dịch bệnh” vô cùng nguy hiểm đang ngày càng phát triển trong xã hội hiện nay, khi mà thời công nghệ đang lên ngôi thì “con virus” này “lây lan” còn nhanh hơn tốc độc của ánh sáng.

“Con virus” mang tên tiêu cực có thể giết chết cả một tương lai con người, dù họ vẫn sống trên hành tinh này, dù có thể đi kiểm tra sức khỏe thì cơ thể họ không hề bị gì, duy chỉ có tư duy, tâm hồn thì vẫn “ủ bệnh” nên dẫn đến những lời nói tiêu cực và hành động tiêu cực. Và tất nhiên rồi chính “con virus tiêu cực” ấy sẽ làm giết chết đi lòng trắc ẩn luôn tồn tại trong bất kể người nào sinh ra trên hành tinh này. Bởi cấu tạo cơ thể con người được thượng đế sinh ra, dù cho phải ở trong bất kể hình hài hay địa lý quốc gia nào thì cũng như nhau cả.

Tuy nhiên chúng ta chỉ khác nhau duy nhất một điểm là tự cho phép mình “ủ bệnh” lâu hay mau mà thôi! Vậy thì dịch corona hay bất kỳ đại dịch nào xuất hiện trên hành tinh này nó đều là “một tín hiệu” mà vũ trụ đang gửi đến nhân loại. Một tính hiện cảnh báo rằng con người cần yêu thương nhau hơn, cần đoàn kết hơn cho dù ở trên bất kỳ quốc gia hay châu lục nào, cần biết kiềm chế dục vọng để không tàn phá trái đất hơn và quan trọng hơn hết là cần tiêu diệt bớt đi những “con virus tiêu cực” đang ngày đêm gậm nhấm tâm hồn và tư duy mỗi người.

 Vậy thì dịch ở đâu xa? Dịch ở lòng người mà ra…!

Đăng trên tạp chí Văn Nghệ Bình Phước số ra tháng 3/3020


CĂN BẾP “THẠCH SANH” CỦA MẸ


Mẹ tôi cũng như bao bà mẹ trên đất nước Việt Nam này khi ngày thường tần tảo một và đến những ngày tết lại tần tảo thêm gấp trăm ngàn lần. Cứ quần quật từ 2, 3h sáng đến hơn 10h đêm, công việc bếp núp vốn không có tên nên sẽ làm mãi mà chả bao giờ hết việc. Chưa kể cái nghề của mẹ tôi là nghề đầu bếp nên ngày thường người ta đặt làm mâm cổ cưới hỏi, kỵ giỗ, đầy tháng, về nhà mới, còn những ngày giáp tết người ta sẽ đặt làm thêm mâm cơm cúng tất niên hay tiệc tùng cuối năm…
Vậy nên nhà tôi bắt đầu từ rằm tháng chạp trở lên là đã rộn ràng không khí cũng như tràn ngập những mùi thơm của đồ ăn bay khắp nhà. Nào gà luộc, heo quay, nào xôi, nào lẩu, nào mùi thơm của món tôm xóc tỏi đến mùi hành ngò từ những món bò né, cá hấp…  Cộng thêm tiếng người ra kẻ vào cứ í ới vang khắp nhà.


Có ngày cao điểm mẹ tôi sẽ nhận nấu cho chục đám tất niên, khiến cho nhân viên vắt chân lên cổ cũng không xoay kịp với tốc độ làm việc của mẹ. Thậm chí mẹ có thể nấu được cả những món chay rất ngon và không gây hại cho sức khỏe người dùng. Cứ tất bật như vậy nhưng mẹ vẫn tranh thủ làm thêm những món ăn đặc trưng của tết để đi biếu họ hàng nội ngoại, thông gia, bạn bè hay đối tác làm ăn của chồng con. Nào dưa món củ kiệu, nào hành muối, cóc xoài, nào dưa cải dưa cà, nào chả bò chả heo cứ nối tiếp nhau ra đời dưới bàn tay thoăn thoát của mẹ.
Vậy nên trong tiềm thức của tôi nếu nhắc đến tết, đến mùi của tết thì tôi sẽ liên tưởng ngày đến cái mùi hành ngò thơm phức, mùi nước mắm nấu với đường phèn mặn mặn để làm dưa món, mùi củ kiệu, cà rốt, đu đủ sấy khô trên bếp, hay mùi chua chua của dưa cải muối… Và tất cả những thứ mùi ấy đều được toát ra trong căn bếp của mẹ. Vậy cũng đủ để làm nên cái gọi là mùi của tết. Nó ám ảnh tôi đến mức vào những ngày Sài Gòn cuối năm se lạnh mà vô tình được ngửi một trong các mùi trên là thể nào lòng tôi cũng nôn nao đến lạ. Chỉ mong được chạy về nhà thật nhanh để được ngồi bên căn bếp “Thạch sanh” ấm áp của mẹ.
Ngày còn ở quê, tôi đã là một đứa trẻ gặp khiếm khuyết vậy nên mọi thứ trong nhà tôi không phải làm gì cả. Đến giờ cơn tôi chỉ việc ngồi vào mâm và bao món ngon cả nhà đều gắp cho tôi, ấy vậy mà tôi là một đứa trẻ khó tính trong ăn uống, nhiều lúc nhăn mặt chê ỏng chê eo, sao rau này mẹ xào chín quá, kho cá kia cay quá…
Rồi khi lớn lên vào Sài Gòn lập nghiệp. Một thân một mình nơi xứ người, chẳng có những bữa cơm dọn sẵn, nên đã có những hôm tôi đã bật khóc ngon lành khi vô tình nhìn thấy gia đình ai đó đang quây quần bữa cơm bên nhau. Có khi tôi mày mò vật lộn với sự khuyết tật cộng với sự hậu đậu của mình để nấu cho được một bữa cơm; có lúc, nồi cá tôi kho cháy khét, có hôm chảo bông bí tôi xào nát nhừ, rồi có khi cả tuần tôi phải ăn mì tôm cho qua bữa và sau đó phải nhập viện. Xa nhà, tha phương đã cho tôi nhận ra sự quý giá của bữa cơm gia đình vô lo vô nghĩ và biết được sự vật vả của mẹ khi nấu ra một bữa cơm vất vả biết nhường nào!
Căn bếp của mẹ tôi không chỉ là thức ăn, mà nó còn chứa cả sự thơm thảo sẻ chia. Thế nên tôi hay để ý thấy hễ ai bước vào nhà tôi vào những ngày giáp tết lúc ra về thì trên tay đều được mẹ tôi tặng một cái gì đó. Ai ít nhất cũng là một hủ dưa muối be bé. Cứ vậy có nhiều lúc tôi phải thảng thốt với ý nghĩa có khi nào đến ngày tết cả nhà mình sẽ không còn gì ăn vì mọi đồ ngon trong nhà mẹ đều đem cho người ta hết sạch. Có khi hốt hoảng chạy xuống bếp thì thấy nó vẫn còn những món đó, trong khi mẹ vẫn tiếp tục mang đi biếu hết người này đến người khác.
Còn nhớ lúc nhỏ gia đình tôi rất nghèo vì kinh tế gia đình phải đổ lên vai cha, bởi mẹ phải ở nhà chăm bốn con nhỏ và có những cái tết nhìn xuống bếp chẳng còn hủ dưa món dưa kiệu nào, vì mẹ đem cho bà con hết sạch, vậy là đêm 30 tết mẹ phải nấu một nồi nước mắm khác để kịp làm dưa món cho mấy đứa con ăn tết như bao gia đình khác.
Khi ấy tôi rất giận cha mẹ mình vì hễ mỗi lần nhà có gì ngon là lại bắt mấy đứa em tôi đi phát từ đầu xóm đến cuối xóm. Thậm chí, tết nhất được ăn một món ngon mà cũng bị mẹ đem chia cho người khác.
Chợt nhớ có lần mẹ làm một mẻ bánh lọc trần ngon hết biết thậm chí, mùi thơm bay khắp xóm đến mức mọi người bu lại mỗi người xin một ít, trong phút chốc chị em tôi chỉ biết đứng nhìn và mỗi đứa chỉ được ăn có một cái chả thấm vào bụng. Nhiều lần ức quá chúng tôi vừa khóc vừa bảo: “Sao trong nhà có gì ngon là ba mẹ đều chia cho người ngoài hết vậy?”
Lúc đó mẹ tôi chỉ bảo: “Mình cho họ để mai sau họ cho lại mình.” Tuổi thơ non nớt của chúng tôi chẳng thể nào biết được mai sau là khi nào, nhưng chị em chúng tôi đã hình thành thói quen hễ có đồ ăn ngon, có đồ chơi đẹp là s chia cho mấy đứa trẻ hàng xóm hay mấy đứa em con chú, con bác để cùng “chung vui”.
Nuôi xong bầy con trưởng thành cũng là lúc mẹ tôi phải đi kiếm công việc làm để giảm bớt gánh nặng tài chính cho ba tôi và mẹ chọn nghề đầu bếp vì nó phù hợp với đam mê nấu nướng của mình. Nhờ vậy kinh tế gia đình tạm ổn định và căn bếp của mẹ tôi lúc nào cũng đầy ắp đủ loại đồ ăn do chính tay mẹ tôi chế biến. Và không kể gì ngày tết mà ngay cả ngày thường cứ hễ ai bước vào nhà tôi đều cũng được một bữa no căng bụng, khi ra về mẹ hay ba tôi sẽ không quên dúi vào tay họ một món đồ ăn nào đó đang có sẵn trong nhà.
Tôi hay mường tượng ra rằng căn bếp của mẹ mình chẳng khác gì một căn bếp là một căn bếp Thạch Sanh” khi đồ ăn càng cho đi bao nhiêu thì nó càng đầy bấy nhiêu. Tháng năm tha phương tự lập ở Sài Gòn và theo đuổi những hoạt động vì cộng đồng, đã không ít lần tôi rơi vào trạng thái không một xu dính túi. Vậy mà lạ thay, tôi được người ta dẫn về nhà mời ăn một bữa cơm, hay mua tặng mình một cái bánh ăn qua ngày. Hoặc có ai đó vừa chuyển vào tài khoản mình một khoảng tiền để đóng tiền nhà, thì tôi lại thấm hơn câu nói năm xưa của mẹ: “Mình cho họ để mai sau họ cho lại mình.”
Uh, tết vốn là sự đoàn viên sum vầy bên các thành viên trong gia đình cho một năm đi xa gây dựng sự nghiệp riêng của mỗi người. Vì vậy mà trong quan niệm của người Việt từ xưa tới giờ vẫn giữ được truyền thống rằng, ba ngày tết dù có như thế nào thì căn bếp luôn ánh lên ngọn lửa ấm áp. Nó không những mang ý nghĩa để nấu những bữa ăn ngon cúng tổ tiên ông bà vào ngày tết, hay những bữa cơm níu chân các thành viên trong gia đình, mà ở đó còn ẩn chứa một điều, căn bếp luôn là nơi san sẻ cho nhau những yêu thương thông qua con đường bao tử.
 Sắp tết rồi, và tôi lại được về bên “căn bếp Thạch Sanh” của mẹ!
Bài đăng trên số báo Tuổi Trẻ Xuân Canh Tý 2020

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Chùm truyện mini Li Ti Chuyện Đời


1.      Tượng đài

Anh chỉ là một nhân viên quèn trong Bộ Ngoại giao, khi đến tuổi gần về hưu anh may mắn được cử đi công tác vài năm tại Đại sứ quán ở một nước Trung Đông. Nghe nói Đại sứ quán đã nỗ lực vận động nước chủ nhà để đặt được một bức tượng đài ở Thủ đô nước bạn. Đặt xong tượng thì vợ con anh ở Việt Nam cũng đổi được căn hộ tập thể cũ thành hai căn chung cư mới, một ở một cho thuê lấy tiền đi chợ hằng ngày. Từ đó gia đình anh thoát nghèo còn vợ con anh ngày ngày khắc cốt ghi tâm câu khẩu hiệu: “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ.”


2. Làm gương

Ông bố đi nhậu về thấy cậu con trai đang ngồi học bài trong phòng khách.
-Đời bố lên tới chức tiến sĩ thì con cố gắng thành giáo sư cho nó oách con ạ! Mà ngày xưa bố chả được ngồi học bài dưới bóng đèn sáng trưng như vậy đâu.
Cậu con trai liền hỏi lại:
-Ơ, thế ngày xưa ông bà nội có hay phải đến nhà thầy cô giáo chủ nhiệm của bố không ạ?
Ông bố bỗng mặt biến sắc quát lớn: -Hỏi linh tinh! Mà học kỳ này ông mà để tôi phải đến nhà cô chủ nhiệm xin xỏ, là đừng có trách tôi.
Ông bố vừa nói vừa bước đi xiêu vẹo vào phòng ngủ trong tiếng lẩm bẩm của cậu con trai.
-Năm nào bố chả nói câu đó!
3. Chữ hiếu

Cuộc họp gia đình diễn ra rất hăng say.
Con trai cả bảo:-Nhà thằng A xây cái bia mộ gần năm trăm triệu thì nhà mình phải bảy trăm.
Cô con gái thứ hai cũng hùng hổ không kém: -Vợ chồng tôi xin góp hẳn năm mươi triệu để xây bia mộ cho ba mẹ, miễn sao xây được cái bia mộ đẹp nhất làng để các cụ ở suối vàng được mát mặt!
Cậu con út bỗng hỏi ngược lại:-Ơ thể lúc ba mẹ còn sống hàng tháng xin vợ chồng chị năm trăm ngàn để lo ăn uống thuốc thang, thì chị bảo vợ chồng chị không có tiền. Ba mẹ ở nhà ai thì người đó phải lo.
Mọi con mắt đều không dám nhìn nhau. Trên bàn thờ nguội ngắt những nén hương…


4. Màu tóc hoài niệm

Cô chủ tiệm sau khi gội đầu xong và đứng sấy khô tóc cho bà cụ liền bảo:-Bà ơi, tóc bà giờ chỉ còn lưa thưa vài cọng hay bà cắt ngắn cho dễ chăm sóc mà trông bà lại trẻ thêm vài tuổi.
-Không được đâu cháu ạ! Vì ông rất yêu mái tóc này của bà.
Cô chủ tiệm liền hỏi lại:-Thế cụ ông năm nay mấy chục tuổi rồi bà?
-Ông mất được năm năm rồi cháu! -Giọng bà cụ bỗng nhỏ lại, mái tóc bạc trắng chỉ còn vài sợi phất phơ trước gió…

5. Phản ứng dây chuyền

Vừa nhìn thấy cậu con trai áo quần xộc xệch, mặt mũi lấm lem ngồi một góc trong phòng giám thị người mẹ đã quát lớn:-Mẹ vất vả kiếm tiền cho con ăn học, chứ đâu phải cho con đi đánh nhau đâu con?
Thầy giám thị bỗng lên tiếng:-Con trai chị thường xuyên đánh bạn trong lớp và cả bạn khác lớp. Hôm nay camera trong trường đã ghi lại được, đấy mời chị xem.
Vừa nói thầy giám thị vừa cầm remove tivi bật lên đoạn clip quay cảnh đánh bạn của con trai mình. Chẳng biết như thế nào mà người mẹ lại chỉ nhìn thấy cảnh ký ức tuổi thơ trong tâm trí mình khi người mẹ ấy thường xuyên bị ông bố đánh đòn mỗi ngày. Trong chốc lát lại hiện ra hình ảnh người mẹ cũng thường xuyên đánh cậu con trai; như những gì ngày xưa người mẹ từng bị đánh.
Bất giác người mẹ vội ôm cậu con trai vào lòng như đang ôm lại chính tuổi thơ của mình và những giọt nước mắt cứ thế tuôn trào.

7. Bà Bán Rau

Đôi vợ chồng dừng lại giữa ngã tư đèn đỏ. Cột tín hiệu báo còn 60 giây. Tan tầm mọi người mệt mỏi ùa ra đường để mong nhanh về nhà. Anh chồng nhìn ngang nhìn dọc quan sát mọi người để giết thời gian, còn cô vợ ngồi sau lưng cằn nhằn.
“Lại kẹt xe!”
Bất chợt trong mớ âm thanh ồm ào, anh chồng quay sang bên cạnh và nhìn thấy bà lão với một giỏ rau muống. Giọng bà yếu ớt vang xin.
“Cô chú mua giùm tôi ít rau để tôi có tiền đi xe buýt về nhà.”
Cô vợ bĩu môi bảo.
“Rau vừa già vừa héo thế mang về cho lợn nó ăn.”
Anh chồng lặng đi trong giây lát, nhẹ nhàng nói.
“Bà cho con mua hết số rau này nhé!”
Trên đường về cô vợ liên tục cằn nhằn.
Vào đến nhà anh chồng kéo cô vợ đứng trước bàn thờ và nói to.
“Vì ngày xưa mẹ anh cũng như vậy để nuôi được anh đến hôm nay.”


8. Chữ Trinh
Cưới nhau sau ba tháng người vợ quyết định ly hôn, vì sau đêm tân hôn anh chồng luôn hỏi về lý do tại sao tấm grap giường không thấy gì. Dù khi, ấy người vợ đã mang thai hơn một tháng.
Một thời gian sau anh cưới vợ mới. Đêm tân hôn, anh hả hê trong sự giãy dụa của cô gái khi lần đầu tiên…
Vài năm sau gia đình gặp sự cố khi cha anh vướng vào vụ việc ăn hối lộ, mọi gia sản trong nhà bị nhà nước tịch thu.
Vợ anh bỏ nhà đi để lại tờ đơn ly hôn kèm lời nhắn: “Khi đến với anh em đã quen cuộc sống vật chất sung sướng, nên giờ…”
Anh lặng người không nói gì. Ngoài phòng khách mẹ anh nói vọng vào: “Hôm qua mẹ lên trại thăm ba thì gặp vợ cũ của con dẫn thêm thằng Tom nữa. Tội nghiệp thằng bé vào lớp một rồi mới biết mặt ông bà nội.”





9. Mua Iphone

“A lô, mẹ gửi cho con thêm ba triệu nữa đi.”
Bên kia đầu giây giọng người mẹ thều thào.
“Tuần trước mẹ mới gửi con hai triệu rồi mà?”
Nó vùng vằng, khó chịu.
“Trời ạ, hai triệu đó mới đủ con đóng tiền nhà với tiền ăn thôi mẹ ơi. Gửi nhanh thêm ba triệu cho con liền đi!”
“Ừ, để mẹ ráng con ạ!”
Nghe xong nó cụp máy cái rụp. Trong nhà tắm tiếng bạn nó vọng ra.
“Mày mua nhanh không hai hôm nữa hết khuyến mãi đó. Cuối năm Iphone mới có khuyến mãi thôi.”
Ở quê, mẹ nó vẫn đang vật lộn giữa trời đông giá rét để kiếm tiền gửi cho nó.

10. Tầm Nhìn Chiến Lược

Tại phòng phỏng vấn của công ty nọ, người tuyển dụng hỏi anh chàng sinh viên có bằng tốt nghiệp loại giỏi.
“Bạn có có một bảng điểm tốt nghiệp rất cao tuy nhiên, trong hồ sơ của bạn lại chưa đề cập đến chuyện bạn có đi làm thêm hoặc tham gia bất kỳ một hoạt động xã hội nào?”
Anh chàng sinh viên tự tin trả lời.
“Vì tôi đặt việc học của mình lên hàng đầu, để khi ra trường tìm được công việc với mức lương tương đương tấm bằng ấy. Còn những thứ khác tôi không bận tâm.
Người tuyển dụng hỏi tiếp.
“Vậy lý do gì bạn quyết định nộp đơn vào công ty chúng tôi và đưa ra một mức lương cao đến vy?
Vẫn thái độ ấy cậu ta đáp.
“Vì đây là một công ty lớn và mức lương tôi đưa ra xứng đáng với tấm bằng loại giỏi của tôi!”
Đế lượt phỏng vấn anh chàng sinh viên có thành tích học loại trung bình, người tuyển dụng hỏi.
“Hồ sơ của bạn ghi rất đầy đủ những công việc bạn đã làm khi còn sinh viên và bạn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, những bù lại bằng tốt nghiệp của bạn chỉ đoạt loại trung bình. Bạn giải thích sao về điều này?”
“Vì tôi không cần bằng cấp mà cần kinh nghiệm, bởi đây mới là kiến thức thật sự qua chính những công việc tôi đã làm.
“Thế lý do gì để anh quyết định xin vào công ty chúng tôi?”
Hít một hơi thở thật sâu, anh sinh viên hào hứng trả lời.
“Vì môi hình kinh doanh của công ty phù hợp với đam mê tôi đang theo đuổi và ở đây có rất nhiều người để tôi học hỏi.”
Người tuyển dụng ra vẻ đăm chiêu trong giây lát, rồi nhìn thẳng vào mắt anh sinh viên tiếp tục hỏi.
“Hiện công ty chúng tôi đang gặp khó khăn về tài chính, liệu anh có muốn ở lại không?”
Anh sinh viên không chần chừ đáp.
“Tôi làm việc vì đam mê của mình.”
Ba năm sau người ta thấy chàng sinh viên tốt nghiệp loại trung bình đã trở thành giám đốc cho chi nhánh lớn của công ty, còn chàng sinh viên có bằng tốt nghiệp loại giỏi vẫn chỉ là một nhân viên bình thường cho một công ty nhỏ.



11. Đạo Đức

Hai cô y tá ngồi nói chuyện với nhau.
Y tá một: “Hôm nay mình được bênh nhân “Bo” gần ba trăm luôn.”
Y tá hai: “Hôm nay mình kiếm được gần năm trăm lận.”
Y tá một thốt lên: “Ồ, ngon quá rồi còn gì!”
Ngừng trong giây lát y tá một xuống giọng nói tiếp: “Nhưng mình làm vậy có đạo đức không nhỉ?”
Y tá hai nguýt dài: “Mình chỉ là y tá đi tiêm thuốc cho bệnh nhân thôi mà. Hôm qua nghe nói ông bác sĩ bên khoa cấp cứu để bệnh nhân chết vì người nhà chưa kịp đóng viện phí.”


12. Ngây Thơ

Đứa trẻ bảy tuổi ngây thơ hỏi bố.
-Tối nay bố ngủ với con, con sẽ trả tiền cho bố nhé.
Bố ngạc nhiên hỏi:-Là sao bố không hiểu?
Đứa trẻ hồn nhiên đáp: -Thì lúc nãy con đọc tin nhắn trong điện thoại của bố, cái gì mà nếu anh cho em năm trăm đô, em sẽ ngủ với anh.”
Đứa trẻ vội đưa tay vào túi quần lấy ra tờ tiền và nói tiếp: -Nè, con cho bố hẳn năm ngàn luôn. Tối nay bố ở nhà vừa ngủ với con vừa ngủ với mẹ, vừa chẳng lo mất tiền cho người khác!




13. Làm từ Thiện

Vừa thấy con trai bước xuống cầu thang người mẹ liền nói: “Con à, vợ chồng thằng út vừa điện lên bảo cái Thảo đã thi đậu đại học, thằng em nó năm nay lên lớp chín, nhưng vợ chồng nó đau ốm quanh năm nên…” Chưa đợi mẹ nói hết câu người con trai đã cướp lời: “Úi giời, đã nghèo rồi mà còn đòi học cao. Mẹ không thấy ngoài kia sinh viên ra trường thất nghiệp cả đàn đấy à.” Người mẹ lưng chừng định nói lại thì bỗng tiếng chuông điện thoại reo: “Alo, ừ yên tâm năm trăm triệu chứ năm trăm tỷ anh cũng xin ủng hộ để đúc tượng Phật nhé!” Cánh cửa ô tô đóng cái rầm, trái tim người mẹ cũng nghe một tiếng vỡ…

14. Thứ quý Giá

Cô yêu anh bằng một tình yêu trong sáng, bất chấp mọi lời khuyên ngăn từ bạn bè của chính anh, họ bảo cô đừng nên tin những lời hứa hẹn, họ bảo anh chỉ chơi bời chứ không thật lòng với ai cả. Nhưng cô lại nghĩ có thể anh sẽ chơi bời với những cô gái trẻ đẹp, còn với cô ngoài một tâm hồn trong sáng ra cô không có gì cả. Vì cô là một cô gái khuyết tật về hình thể. Nhưng ở đời khi con người ta quá coi trọng vẻ đẹp bên ngoài, thì một người có vẻ đẹp tâm hồn như cô lại là một thứ hàng không đáng giá. Tuy nhiên, người tử tế thì sẽ coi đó như một báu vật để gìn giữ nâng niu. Còn người không tử tế sẽ coi như một món ăn lạ, chỉ ăn vài lần rồi thôi…


15. Hai đứa Trẻ

Có hai căn nhà đối diện nhau và hàng đêm người ta được nghe những câu nói phát ra từng hai căn nhà ấy.
-Ăn gì mà ngu thế. Học thế thì có nước sau này đi ăn mày thôi!
-Gắng lên đi con. Học để sau này thành người tử tế và thành công con nhé!
Lớn lên người ta thấy một trong hai đứa trẻ; đứa thì đi ăn cướp, say xỉn. Đứa còn lại trở thành người tử tế và thành công.



16. Má

11h đêm má nó vẫn chờ cửa. Mâm cơm trên bàn đã nguội từ lâu. Nó vừa thấy má mở cửa đã càu nhàu: “Con đã bảo đừng đợi cơm chờ cửa con rồi mà.” Nó ném cuốn sách xuống bàn rồi hí hững gọi điện thoại khoe với bạn: “Ê, hôm nay tau đã đợi cả mấy tiếng đồng hồ để xin được chữ ký của Má (*) rồi đó.” Má nó cứ đứng ngắm nghía cuốn sách một hồi rồi loay hoay xuống bếp hâm lại mâm cơm.
(*) tên thường gọi thân mật của độc giả thể loại ngôn tình dùng để gọi tác giả DLVT.



17. Như nhau

Đàn ông vốn thích của lạ và gã cũng không nằm ngoại lệ. Gã không nhớ hết mình đã yêu bao nhiêu cô, vì chỉ cần yêu một thời gian là gã lại đi tìm cô khác. Vào một ngày gã chợt nhận ra rằng đàn bà khi lên giường thì 99,8% đều như nhau. Nhưng cái chính để phân biệt giữa một cô gái có yêu mình thật lòng hay không là cách cô ấy đối xử với mình không phải lúc lên giường. Hình như gã cũng đã từng có diễm phúc gặp một vài cô như thế, nhưng gã đã đá phăng họ ra khỏi cuộc đời mình như một món đồ không còn muốn sử dụng nữa. Mặc cho họ đau đớn đến thất thần. Giờ đây gã bỗng thèm được nghe một tiếng cằn nhằm của một người đàn bà nào đó, thèm nghe tiếng khóc í ơi gọi bố của một đứa trẻ con. Nhưng ngoảnh lại gã đã ngoài 50 tuổi.


18. Hoa bất Tử

Ông chủ vừa mua về một chậu hoa bất tử. Vừa đặt bất tử xuống vườn thì các chậu hoa khác như hồng, lan, cúc, ly đều xì xào bàn tán. Ly nói bằng giọng kiêu sa nhất: “Gớm, nhìn cái màu vàng sẫm của nó mà tôi muốn ói quá, ít ra phải vàng tươi như tôi nè.” Hồng chảnh chọe bỗng cất giọng: “Chí ít cũng tỏa ra được mùi hương quyến rũ và những cái cánh mềm mại như tôi cũng được.” Bất tử vẫn giữ thái độ niềm nở và khiêm nhường nhất. Bỗng một cơn mưa giông ập đến, những bông hoa lan, cúc, ly, hồng đều bị ướt sũng và những cánh hoa rơi xuống đất. Chúng nó buồn bã hỏi bất tử: “Sao nhà ngươi không bị gì hết vậy?” Bất tử bình tỉnh trả lời: “Thật ra tôi cũng bị rụng vài cánh hoa đấy chứ. Nhưng ông chủ bảo tôi cần tu luyện sức mạnh từ bên trong thì đứng trước giông tố chẳng sợ gì cả…!”



19. Hoàn hảo và Hoàn thiện

Vào một ngày đẹp trời Mr hoàn hảo và Mr hoàn thiện bỗng gặp nhau. Mr hoàn hảo mỉa mai bảo: “Sao ông trời vô lý thế nhỉ. Đã sinh ra tôi hoàn hảo lại sinh ra ông hoàn thiện làm gì?” Mr hoàn thiện cười hiền đáp: “Vì nếu không có tôi thế giới này sẽ không có tình yêu, bởi con người ta hoàn hảo quá thì cần gì đi tìm một nửa còn lại nữa.” Mr hoàn hảo vô cùng tức giận và thầm nhủ được rồi ta sẽ đi hỏi ông trời làm cho ra nhẽ vụ này. Kể từ đó người ta không còn thấy Mr hoàn hảo xuất hiện trên thế gian nữa. Chỉ còn lại Mr hoàn thiện ngày ngày đi tìm những đôi trai gái bị khuyết một cái gì đó và tìm cách ghép họ lại với nhau để tạo ra những con người hoàn thiện.


20. Thay đổi

Trước khi gặp chàng nàng luôn được các chàng khác khen xinh, nhưng nàng vẫn không tin nên bao nhiêu tiền kiếm được nàng đều đổ vào thời trang, mỹ phẩm làm đẹp. Sau khi gặp chàng, người ta ít thấy nàng lui tới các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm và thay vào đó nàng chỉ đầu tư vào những cuốn sách, các khóa học nâng cao kỹ năng mềm. Và đặc biệt nàng lo tập trung đầu tư những loại thức phẩm có lợi cho sức khỏe để chuẩn bị cho thiên chức cao cả của một người phụ nữ. Mặc dù chàng chưa một lần khen nàng đẹp!



21.  Niềm tin

Vừa vào công ty nàng sực nhớ ra sáng đi chợ để quên bó rau dù đã trả tiền. Chiều đi làm về nàng mệt mỏi bước vào chợ để tìm mua bó rau khác.
-Sáng em để quên bó rau nên chị bán cho người khác rồi. Nàng vội quay người lại thấy chị bán rau trả lại đúng số tiền rau lúc sáng.
Từ chợ về đến nhà nàng lại luẩn quẩn với dòng suy nghĩ: “Bây giờ người ta cũng có thể giết cả mấy mạng người cùng một lúc chỉ vì vài trăm ngàn hay chỉ vì mấy quả chanh. Và đôi khi người ta cũng giết nhau chỉ vì mất đi niềm tin tốt đẹp vào người khác. Tuy nhiên chỉ cần một hành động nhỏ nhặt nào đó về sự tử tế cũng đủ lấy lại niềm tin cho nhau.”
Nàng bỗng thấy mình nhẹ nhõm khi không bị tha hóa niềm tin vào mấy chuyện cỏn con như bao người…

22.  Chức chủ tịch

Cậu con trai lớp hai hí hửng về khoe với mẹ.
-Hôm nay lớp bầu con làm chủ tịch đó mẹ ạ!
-Ủa lớp trưởng chứ con.-Người mẹ ngạc nhiên hỏi lại.
-Mẹ lạc hậu quá, giờ người ta sửa thành chức chủ tịch rồi.
Cậu con trai lại ôm vai mẹ và nói tiếp.
-Từ nay hàng đêm mẹ phải ăn cơm một mình rồi nhé.
Người mẹ ngơ ngác hỏi:-Tại sao con?
-Thì con thấy bố làm chủ tịch công ty tối nào cũng đi nhậu đến khuya mới về, giờ con được làm chủ tịch lớp con sẽ đi nhậu với bạn đến khuya mới về.

23. 49 gặp 50

Bỗng một ngày nọ tự nhiên Nhục và Hôi Của vô tình đụng phải nhau. Hôi Của cười mỉa mai bảo: -Dạo này bạn hot quá hen. Trên các trang mạng xã hội đi đâu cũng thấy người ta nhắc đến tên bạn. Nào là Nhục vì cử nhân cầm biển xin việc đứng giữa đường. Nào là Nhục Quốc Thể ở MiLan. Nào là Nhục vì… Chưa đợi nghe hết câu thì Nhục đã cướp lời: -Thì năm ngoái bạn được lên ngôi thì năm nay cho tôi soán ngôi vị của bạn chứ. Suy cho cùng chúng ta đều là “những sản phẩm tinh hoa” của nền văn hóa văn hóa mạng xã hội người Việt thời nay hết mà!


24. Hy sinh

Đứa bé bốn tuổi chạy lon ton trong căn nhà mới và bất chợt hỏi mẹ.
-Mẹ ơi, nhà rộng và đẹp nhưng không có bố nhỉ? Con chả thích tẹo nào!
Người mẹ lưng chừng nước mắt. -Vì bố bay về trời mất rồi con ạ.
Đứa bé hí hửng bảo:-Vậy lớn lên con sẽ làm phi công như bố, mẹ nhé.
Người mẹ cười hiền đáp: -Uh và con sẽ dũng cảm như bố đã từng làm.
Đứa bé hồn nhiên trả lời: -Con sẽ dũng cảm để nhà mình lại đông người đến thăm; để người ta cứ quay phim chụp ảnh tặng quà, để những người con chưa hề quen cũng bỗng nhiên chạy đến.
Đứa bé mắt nhìn xa xăm hỏi lại mẹ:-Mà sao lúc bố còn sống con chưa thấy những người lạ đó đến chơi nhà mình mẹ nhỉ?...

25. Tư Duy Quần Short

Quần tây hay mỉa mai quần short rằng: “Cái thứ anh người ta chỉ mặc trong phòng ngủ và phòng vệ sinh thôi. Còn tôi lúc nào cũng được người ta mặc đến những nơi sang trọng nhất.” Quần short nghe xong chỉ biết ngậm ngùi và không cãi lại một câu. Đôi khi quần short hay nghĩ, mình chỉ bị người ta coi thường vì những tư duy chưa cởi mở, chưa sáng tạo, chứ ở phương tây thì quần short, quần jean hay quần tây đều được coi trọng như nhau. Bởi mỗi thứ đều có giá trị riêng của nó và quan trọng là người mặc có mang đến điều gì có ích cho xã hội không thôi.
Quần short cứ an ủi mình như vậy và rồi cho đến một ngày đẹp trời, tại một chương trình của một trường đại học lớn, có sự hiện diện của hàng ngàn bạn sinh viên quần short lần đầu tiên trong cuộc đời được đứng lên chia sẽ về việc thế nào là sự sáng tạo và tư duy cởi mở.
Quần tây há hốc mồm ấm ức bèn chụp hình lại để đưa lên facebook hòng bêu xấu quần short, nói đủ điều này n về nhân phẩm của quần short. Ngay tức khắc quần short bỗng dung “được nổi tiếng” với rất nhiều lượt bình luận và share từ cộng đồng mạng xã hội.
Tuy nhiên ít ai biết được rằng quần short chỉ được xuất hiện một lúc để làm dẫn chứng cho việc thế nào là tư duy sáng tạo, dám phá bỏ mọi giới hạn của những định kiến xưa cũ mà thôi.
Có thể khi đạt đến một nên văn minh cao hơn thì quần tây, quần short hay quần jean đều ngang hàng và được coi trọng như nhau vì mỗi thứ khi sinh ra đều mang trong mình một giá trị riêng biệt.

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...