Mẹ
tôi cũng như bao bà mẹ trên đất nước Việt Nam này khi ngày thường tần tảo một
và đến những ngày tết lại tần tảo thêm gấp trăm ngàn lần. Cứ quần quật từ 2, 3h
sáng đến hơn 10h đêm, công việc bếp núp vốn không có tên nên sẽ làm mãi mà chả
bao giờ hết việc. Chưa kể cái nghề của mẹ tôi là nghề đầu bếp nên ngày thường
người ta đặt làm mâm cổ cưới hỏi, kỵ giỗ, đầy tháng, về nhà mới, còn những ngày
giáp tết người ta sẽ đặt làm thêm mâm cơm cúng tất niên hay tiệc tùng cuối năm…
Vậy
nên nhà tôi bắt đầu từ rằm tháng chạp trở lên là đã rộn ràng không khí cũng như
tràn ngập những mùi thơm của đồ ăn bay khắp nhà. Nào gà luộc, heo quay, nào
xôi, nào lẩu, nào mùi thơm của món tôm xóc tỏi đến mùi hành ngò từ những món bò
né, cá hấp… Cộng thêm tiếng người ra kẻ
vào cứ í ới vang khắp nhà.
Có
ngày cao điểm mẹ tôi sẽ nhận nấu cho chục đám tất niên, khiến cho nhân viên vắt
chân lên cổ cũng không xoay kịp với tốc độ làm việc của mẹ. Thậm chí mẹ có thể
nấu được cả những món chay rất ngon và không gây hại cho sức khỏe người dùng. Cứ
tất bật như vậy nhưng mẹ vẫn tranh thủ làm thêm những món ăn đặc trưng của tết
để đi biếu họ hàng nội ngoại, thông gia, bạn bè hay đối tác làm ăn của chồng
con. Nào dưa món củ kiệu, nào hành muối, cóc xoài, nào dưa cải dưa cà, nào chả
bò chả heo cứ nối tiếp nhau ra đời dưới bàn tay thoăn thoát của mẹ.
Vậy nên trong tiềm thức của tôi nếu nhắc đến tết, đến
mùi của tết thì tôi sẽ liên tưởng ngày đến cái mùi hành ngò thơm phức, mùi nước
mắm nấu với đường phèn mặn mặn để làm dưa món, mùi củ kiệu, cà rốt, đu đủ sấy
khô trên bếp, hay mùi chua chua của dưa cải muối… Và tất cả những thứ mùi ấy đều
được toát ra trong căn bếp của mẹ. Vậy cũng đủ để làm nên cái gọi là mùi của tết.
Nó ám ảnh tôi đến mức vào những ngày Sài Gòn cuối năm se lạnh mà vô tình được
ngửi một trong các mùi trên là thể nào lòng tôi cũng nôn nao đến lạ. Chỉ mong
được chạy về nhà thật nhanh để được ngồi bên căn bếp “Thạch sanh” ấm áp của mẹ.
Ngày còn ở quê, tôi đã là một đứa trẻ gặp khiếm khuyết
vậy nên mọi thứ trong nhà tôi không phải làm gì cả. Đến giờ cơn tôi chỉ việc ngồi
vào mâm và bao món ngon cả nhà đều gắp cho tôi, ấy vậy mà tôi là một đứa trẻ
khó tính trong ăn uống, nhiều lúc nhăn mặt chê ỏng chê eo, sao rau này mẹ xào
chín quá, kho cá kia cay quá…
Rồi khi lớn lên vào Sài Gòn lập nghiệp. Một thân một
mình nơi xứ người, chẳng có những bữa cơm dọn sẵn, nên đã có những hôm tôi đã bật
khóc ngon lành khi vô tình nhìn thấy gia đình ai đó đang quây quần bữa cơm bên
nhau. Có khi tôi mày mò vật lộn với sự khuyết tật cộng với sự hậu đậu của mình
để nấu cho được một bữa cơm; có lúc, nồi cá tôi kho cháy khét, có hôm chảo bông
bí tôi xào nát nhừ, rồi có khi cả tuần tôi phải ăn mì tôm cho qua bữa và sau đó
phải nhập viện. Xa nhà, tha phương đã cho tôi nhận ra sự quý giá của bữa cơm
gia đình vô lo vô nghĩ và biết được sự vật vả của mẹ khi nấu ra một bữa cơm vất
vả biết nhường nào!
Căn bếp của mẹ tôi không chỉ là thức ăn, mà nó còn chứa
cả sự thơm thảo sẻ chia. Thế nên tôi hay
để ý thấy hễ ai bước vào nhà tôi vào những ngày giáp tết lúc ra về thì trên tay
đều được mẹ
tôi tặng một cái gì đó. Ai ít
nhất cũng là một hủ dưa muối be bé. Cứ vậy có nhiều lúc tôi phải thảng thốt với
ý nghĩa có khi nào đến ngày tết cả nhà mình sẽ không còn gì ăn vì mọi đồ ngon
trong nhà mẹ đều đem cho người ta hết sạch. Có khi hốt hoảng chạy xuống bếp thì
thấy nó vẫn còn những món đó, trong khi mẹ vẫn tiếp tục mang đi biếu hết người
này đến người khác.
Còn
nhớ lúc nhỏ gia đình tôi rất nghèo vì kinh tế gia đình phải đổ lên vai cha, bởi
mẹ phải ở nhà chăm bốn con nhỏ và có những cái tết nhìn xuống bếp chẳng còn hủ
dưa món dưa kiệu nào, vì mẹ đem cho bà con hết sạch, vậy là đêm 30 tết mẹ phải
nấu một nồi nước mắm khác để kịp làm dưa món cho mấy đứa con ăn tết như bao gia
đình khác.
Khi
ấy tôi rất giận cha mẹ mình vì hễ mỗi lần nhà có gì ngon là lại bắt mấy đứa em
tôi đi phát từ đầu xóm đến cuối xóm. Thậm chí,
tết nhất được ăn một món ngon mà cũng bị mẹ đem chia
cho người khác.
Chợt
nhớ có lần mẹ làm một mẻ bánh lọc trần ngon hết biết thậm chí, mùi thơm bay khắp
xóm đến mức mọi người bu lại mỗi người xin một ít, trong phút chốc chị em tôi
chỉ biết đứng nhìn và mỗi đứa chỉ được ăn có một cái chả thấm vào bụng. Nhiều lần
ức quá chúng tôi vừa khóc vừa bảo: “Sao trong nhà có gì ngon là ba mẹ đều chia
cho người ngoài hết vậy?”
Lúc
đó mẹ tôi chỉ bảo: “Mình cho họ để mai sau họ cho lại mình.” Tuổi thơ non nớt của
chúng tôi chẳng thể nào biết được mai sau là khi nào, nhưng chị em chúng tôi đã
hình thành thói quen hễ có đồ ăn ngon, có đồ chơi đẹp là sẻ chia cho mấy đứa trẻ hàng xóm hay mấy đứa em con
chú, con bác để cùng “chung vui”.
Nuôi
xong bầy con trưởng thành cũng là lúc mẹ tôi phải đi kiếm công việc làm để giảm
bớt gánh nặng tài chính cho ba tôi và mẹ chọn nghề
đầu bếp vì nó phù hợp với đam mê nấu nướng của mình. Nhờ vậy kinh tế gia đình tạm
ổn định và căn bếp của mẹ tôi lúc nào cũng đầy ắp đủ loại đồ ăn do chính tay mẹ
tôi chế biến. Và không kể gì ngày tết mà ngay cả ngày thường cứ hễ ai bước vào
nhà tôi đều cũng được một bữa no căng bụng, khi ra về mẹ hay ba tôi sẽ không quên dúi vào tay họ một món đồ ăn nào
đó đang có sẵn trong nhà.
Tôi
hay mường tượng ra rằng căn bếp của mẹ mình chẳng khác gì một căn bếp là một căn
bếp “Thạch Sanh” khi đồ ăn càng cho đi bao
nhiêu thì nó càng đầy bấy nhiêu. Tháng năm tha phương tự lập ở Sài Gòn và theo đuổi những
hoạt động vì cộng đồng, đã không ít lần tôi
rơi vào trạng thái không một xu dính
túi. Vậy mà lạ thay, tôi được người ta dẫn về nhà mời ăn một bữa cơm,
hay mua tặng mình một cái bánh ăn qua ngày. Hoặc có ai đó vừa chuyển vào tài
khoản mình một khoảng tiền để đóng tiền nhà, thì tôi lại thấm hơn câu nói năm
xưa của mẹ: “Mình cho họ để mai sau họ cho lại mình.”
Uh, tết vốn là sự đoàn viên sum vầy bên các thành viên
trong gia đình cho một năm đi xa gây dựng sự nghiệp riêng của mỗi người. Vì vậy
mà trong quan niệm của người Việt từ xưa tới giờ vẫn giữ được truyền thống rằng,
ba ngày tết dù có như thế nào thì căn bếp luôn ánh lên ngọn lửa ấm áp. Nó không
những mang ý nghĩa để nấu những bữa ăn ngon cúng tổ tiên ông bà vào ngày tết,
hay những bữa cơm níu chân các thành viên trong gia đình, mà ở đó còn ẩn chứa một
điều, căn bếp luôn là nơi san sẻ cho nhau những yêu thương thông qua con đường
bao tử.
Sắp tết rồi, và
tôi lại được về bên “căn bếp Thạch Sanh” của mẹ!
Bài đăng trên số báo Tuổi Trẻ Xuân Canh Tý 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét