Tôi quen chị một
năm về trước khi còn ở chung cư cũ. Buổi tối nóng nực tôi hay xuống ngồi vỉa hè
để hóng mát, còn chị cứ 9h tối lại đẩy chiếc xe trái cây bày bán dưới khu chung
cư. Tối nào cũng vậy tôi cứ quan sát chị bên chiếc xe trái cây cũ kỹ và trĩu nặng
đủ thứ linh tinh khác, bởi ngoài bán trái cây ra chị còn bán thêm bánh tráng trộn,
bánh tráng muối, bắp rang, kẹo lạc và còn tranh thủ lượm thêm ve chai bán kiếm
thêm ít đồng.
Cứ vậy quan sát
chị từ mùa nắng cũng như mùa mưa, cứ sáng 7h bước xuống đường ăn sáng là tôi đã
thấy chị đẩy chiếc xe bán trái cây dạo đi ngang qua và tối đến 9h là tôi thấy
chị đẩy xe bán trước cổng chung cư cho đến tầm 11h khuya chị lại ì ạch đẩy về
khu nhà trọ của chị cách đó vài cây số.
Người phụ nữ
ngoài 40 tuổi, thân hình mập mập kia đang gồng gánh bên chiếc xe trái cây để
nuôi một người chồng bị thoái hóa cuộc sống và ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học
ở quê. Tranh thủ những lúc chị ngồi nghỉ do vắng khách tôi hay đến bắt chuyện.
Chị tâm sự quê ở tận Miền
Bắc và một mình vào đây
kiếm sống để lo cho gia đình.
Khi được nghe
tâm sự một ngày quần quật bên chiếc xe trái cây này chị kiếm được 300 ngàn, còn
những hôm ế thì chỉ dưới 200 ngày mà thôi. Tôi vội hỏi sao chị không kiếm nghề
khác mà làm cho đỡ vất vả mà thu nhập cao hơn. Bởi một giờ làm việc nhà người
ta cũng trả ít nhất 50 ngàn cho một giờ làm.
Chị lắc đầu bảo
đã từng đi làm nhưng sau đó phải nghỉ vì chân chị bị khớp và không thể leo nổi
từng bậc cầu thang.
Hai chân chị bị
phù rất nặng đồng nghĩa với việc người chị cũng bị phù theo. Trên tay người phụ
nữ đó lúc nào cũng mang theo một bịch thuốc to tướng để uống mỗi ngày và đã rất
nhiều lần bác sĩ bảo nghỉ ngơi nhưng chị vẫn không có lấy một ngày nghỉ bệnh. Cứ
vậy sáng sớm 5h sáng phải đẹp xe đạp ra chợ Hoàng Hoa Thám để lấy trái cây, vội
vàng đem về gọt rửa rồi bỏ lên chiếc xe đẩy, 7h sáng là chị đã đẩy bộ chiếc xe
trái cây ấy từ quận Tân Bình lên đến quận 3 để bán, tới chiều tối lại đẩy về và
tranh thủ bán dọc đường đến 12h mới mò về nhà trọ để tắm rửa, giặt đồ, ăn cơm tối.
Chị bảo mỗi ngày
tiền ăn của mình chỉ từ 8 đến 10 ngàn đồng vì còn phải để dành tiền đóng tiền
nhà và gửi tiền về quê nuôi gia đình. Tôi thật sự ngớ người vì với khoản tiền cỏn
con như vậy chỉ đủ mua một ổ bánh mì hoặc mua một hộp xôi bé tí ở vỉa hè.
Và “lịch trình”
ăn uống của người phụ nữ ấy là sáng chỉ mua một ổ bánh mỳ không hết hai ngàn rưỡi,
trưa mua một gói mì tôm rồi xin ai đó ít nước nóng để pha ăn, nếu không có nước
nóng thì chị sẽ ăn sống cho qua bữa. Tối về ghé một tiệm cơm nào đó mua ít cơm
canh còn dư về ăn. Có nơi chủ tiệm tốt họ sẽ không lấy tiền, còn có nơi họ sẽ lấy
hai, ba ngàn gì đó.
Dần dần sau những
lần nghe chị tâm sự như vậy thì thỉnh thoảng tôi hay dúi vào tay chị ấy năm ba
chục rồi bảo chị thêm tiền mà mua thuốc uống cho chân nó bớt phù. Nói xong tôi
vội vàng bỏ đi mặc cho tiếng kêu của chị muốn gửi trả lại tôi tiền. Có hôm
khuya đi bán về chị thấy tôi ngồi ăn hủ tíu ở ven đường, bất giác ngước lên
nhìn tôi thấy chị nhìn tô hủ tíu một cách thèm thuồng.
Tôi vội kêu thêm
một tô nữa và cố gắng kéo chị ngồi xuống ăn trong khi chị một mục từ chối. Ăn
xong tô hủ tíu, húp đến giọt nước uống cùng chị mới thốt lên rằng cả năm rồi mới
được ăn một miếng thịt lợn ngon như vậy. Nghe xong câu đó tôi thấy tim mình như
nhói lên. Quả thật khi ngắm nhìn một người phụ nữ cực khổ, áo quần đều nhuốm
màu khói bụi, tóc tai bê bết những giọt mồ hồ và một khuôn mặt không có một lớp
trang điểm nào, tự nhiên tôi thấy họ đẹp đến lạ lùng?...
Cái đẹp ấy được
toát lên từ ánh mắt phục hậu, từ nụ cười hạnh phúc khi kể về những đứa con của
mình dù nghèo mà vẫn ham học. Và người phụ nữ bán trái cây dạo kia không chỉ
dãi nắng dầm mưa, mà họ còn phải dầm thêm sương đêm buốt lạnh. Ấy vậy mà họ vẫn
cứ đẹp!
Cái đẹp của sự
lam lũ tảo tần dường như không thể làm họ tàn phai nhan sắc. Thi Thoảng tôi hay
ngước nhìn chị bán trái cây dạo ấy dưới ánh đèn đường và bảo: “Chị có một khuôn
mặt phúc hậu và nước da thật đẹp!”
Dù họ nghèo đến
mức phải chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền bạc để mua những thứ mỹ phẩm đắp
lên mặt. Song ai nghĩ như vậy họ sẽ xấu đi. Dù có thể thời gian, sự khổ cực phải
vật lộn với gánh nặng mưu sinh sẽ làm họ trong xuề xòa đôi chút. Nhưng cái đẹp
bên trong thường không cần đến những lớp trang điểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét