Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Bao Giờ, Sài Gòn?...


 

Bao giờ Sài Gòn lại trở về lại với những đêm không ngủ?

Dưới ánh đèn đường quán hủ tiếu gõ vẫn đông vui.

Rồi lúc bình minh tiếng còi xe ý ới,

Lại tắc đường trong khói bụi triền miên...

 

Bao giờ Sài Gòn lại trở lại như xưa ?

Tiếng em bé tan trường, gọi ngoại ơi con đói.

Mình tấp vào vỉa hè ăn vội chén chè ngon.

Rồi mè nheo đòi ăn thêm bò bía.

 

Quán xá ven đường tấp nập lắm người qua.

 

Vậy mà nay Sài Gòn bỗng đổ bệnh.

Quán vắng ven đường đã đóng cửa đìu hiu

Từng góc phố vá chặt những tường rào.

Tiếng người dân khóc gào nhờ cầu cứu.

 

Cảnh tang thương khi mẹ cha nằm xuống,

Con trẻ quặn đau không thể vào chịu tang.

Ai đó lang thang nơi lề đường chờ xin hàng cứu trợ

Mất việc rồi mà chẳng thể về quê.

 

Nơi xóm trọ cô công nhân nằm khóc,

Vơ vét  sạch  rồi chẳng tiền sữa cho con?

Người mẹ già đếm  tháng ngày giãn cách

Mong bình yên để được đón con về

 

Ở trong  khu cách ly tiếng con thơ gọi mẹ

Chỉ có thể chờ từng giọt sữa cô y tá truyền cho.

 

Ngày mai đây khi tháng 9 mùa thu

Mùa tựu trường, để em thơ đi học

Có kịp không, hay vẫn là giãn cách?

Khi F1, F0 vẫn nối tiếp mỗi ngày.

 

Sài Gòn ơi, 100 ngày rồi đó,

Đến bao giờ trở lại giống ngày xưa?

Ngày đông vui, đồng bào cùng nhộn nhịp

Tết đoàn viên, Nam Bắc được  sum vầy

 

Để anh hai Sài Gòn lại thêm  hảo sản,

đón bạn bè khắp bốn bể năm châu!

      Trần Trà My

Khi bộ đội giúp dân chống dịch

 Những ngày này, cả nước ta đang hướng về thành phố mang tên Bác với niềm tin và hy vọng một ngày gần nhất Sài Gòn sẽ trở lại nhịp sống bình thường mới.

Ngoài việc hỗ trợ các chốt chống dịch thì những người lính mang quân hàm xanh còn làm thêm nhiệm vụ vô cùng “đặc biệt”. Đó là đi chợ giúp dân, hỗ trợ điều trị ca F0 tại nhà và chuyển những phần quà tặng các gia đình đang gặp khó khăn trong khu phong tỏa trên địa bàn các quận. Tùy tình hình dịch bệnh ở mỗi phường, quận sẽ có số lượng chiến sĩ phù hợp hỗ trợ chống dịch.

Cùng với các địa phương khác, tại phường 13, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, các chiến sĩ trẻ (thuộc Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) đều đặn mỗi ngày cùng với Hội Phụ nữ phường phân loại và chuyển quà tặng các gia đình khó khăn hay đi siêu thị giúp dân, dọn dẹp đường phố sạch sẽ hoặc hỗ trợ y tế cho bệnh nhân đang điều trị tại nhà. Với mỗi phần quà hỗ trợ trong đại dịch đơn giản chỉ là mì tôm, gạo, trứng, rau, củ, mắm muối, dầu ăn nhưng đã gửi gắm tình cảm yêu thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. 

Nhận phần quà nghĩa tình từ các chiến sĩ, ai cũng xúc động và trân quý bởi họ không quản ngày đêm, nắng mưa kịp thời hỗ trợ khi dân cần. Thật xúc động với hình ảnh một phụ nữ đã bật khóc khi thấy chiến sĩ mang quà đến tặng gia đình. Bởi mấy tháng nay, vợ chồng bà thất nghiệp, không có thu nhập.

Chị Lê Thị Hương Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 13 chia sẻ: Cảm ơn các anh bộ đội rất nhiều khi đã về địa phương hỗ trợ chống dịch. Nhờ có các anh san sẻ công việc mà những phần quà đã kịp thời đến với nhiều người dân hơn, giúp bà con thêm niềm tin và động lực vượt qua đại dịch.

Bằng những việc làm thiết thực, nghĩa tình quân dân càng thêm bền chặt, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ được tỏa sáng, tô thắm trên mọi nẻo đường, ngõ phố, tiếp sức cùng chính quyền và người dân đẩy lùi Covid-19.

Các chiến sĩ tranh thủ những ngày giãn cách, người dân không ra đường để hỗ trợ phường dọn dẹp đường phố, bảo đảm vệ sinh môi trường

Các chiến sĩ cùng với chị Lê Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 13 chia từng túi quà để gửi tặng người dân Chiến sĩ trẻ phối hợp hội phụ nữ tặng quà và động viên người dân vững tâm vượt qua đại dịch

Chiến sĩ hỗ trợ các phường, quận sẵn sàng phối hợp cùng các tình nguyện viên ở địa phương thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụTừng phần quà được các chiến sĩ chia ra để chuyển đi trao tặng hộ dân trong khu vực phong tỏa

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/126506/khi-bo-doi-giup-dan-chong-dich?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo 

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Tôi đi tiêm vắc-xin

 

Tự thuật của cây bút Trần Trà My, từ việc mong đợi được tiêm vắc xin COVID-19 lẫn phập phồng có đủ sức khỏe để tiêm hay không và cuối cùng là trải nghiệm vượt qua sự khó chịu sau mũi tiêm mong mỏi.

Tôi đi tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Trước khi tôi đi tiêm, anh Hồ Trung Kiên (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 13, quận Tân Bình) tặng ít sữa và thuốc bổ - Ảnh: T.C.

LTS: Trần Trà My, nhà văn sinh năm 1986, bị khuyết tật nặng ở hai chân và cả tay, thuộc nhóm người yếu thế trong đại dịch này. Cô đã tự thuật lại mong đợi được tiêm vắc xin COVID-19 lẫn phập phồng có đủ sức khỏe để tiêm hay không, cuối cùng là trải nghiệm vượt qua sự khó chịu sau mũi tiêm mong mỏi...

Tôi viết bài này để mọi người biết trong xã hội có nhiều người yếu thế đang rất cần tiêm vắc xin phòng bệnh. Tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn bị khiếm khuyết cơ thể đừng sợ hãi, hãy để bác sĩ kiểm tra sức khỏe và quyết định tiêm cho mình.

TRẦN TRÀ MY

1. Giữa bão dịch trầm trọng ở TP.HCM, tháng 7 tôi thử đăng ký online tiêm vắc xin. Trong chờ đợi, tôi chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, vitamin C, lá xông, sả khô và cả lá tía tô khô để uống. Mỗi lần thấy họng và mũi hơi khó chịu, tôi lại tự nấu ngay một nồi xông. Cứ vậy tôi loay hoay, chờ đợi một mình trong căn phòng trọ 16m2.

Tôi cố gắng bình tĩnh để chờ ngày được tiêm vắc xin, nhưng đã gần 3 tuần trôi qua vẫn không thấy ai gọi. Hằng ngày, tôi đọc những con số thống kê người nhiễm bệnh, người mất do COVID-19 ngày một tăng. Và điều đáng sợ nhất là khi mất đi phải đem thi thể vào lò hỏa thiêu. 

Tôi không sợ chết bằng nếu như không may mình bị chết cháy hoặc là chết vì bệnh truyền nhiễm. Nó đồng nghĩa với việc toàn bộ nội tạng và cơ thể mình đều không thể hiến tặng cho những người cần đến. Đó là một cái chết chẳng kịp giúp gì thêm cho đời như suy nghĩ của tôi.

Đắn đo rất lâu, tôi quyết định chủ động liên lạc với anh Hồ Trung Kiên, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 13 tôi đang sống ở quận Tân Bình. Anh hỏi tôi có bị dị ứng gì hay có đang sử dụng thuốc gì không. 

Tôi bảo mình thuộc nhóm người dị ứng nhẹ với kháng sinh và dị ứng với các loại thịt đỏ. Còn lại sức khỏe bình thường và không sử dụng bất kỳ loại thuốc gì cả.

Anh bảo vậy hôm sau tôi ra trường mầm non đang có chiến dịch tiêm vắc xin cho cộng đồng, và nhờ một bạn đang làm bên thư viện quận Tân Bình qua đón tôi đi tiêm. Chiều hôm đó, tôi tắm rửa sạch sẽ, ăn một chén cơm đầy và uống sẵn vitamin C. Trước khi ra đường, tôi còn "xí xọn" xịt thêm tí nước hoa, đeo khẩu trang và đeo thêm kính bảo hộ cho an toàn.

Nhưng đến nơi thì cán bộ y tế thấy tình trạng khuyết tật của tôi liền cẩn thận hỏi kỹ thông tin, rồi quyết định làm giấy tờ cho tôi ra trung tâm y tế phường tiêm cho bảo đảm an toàn. Lại nhờ bạn chở đến trung tâm y tế phường, tôi chờ làm thêm thủ tục, đo thân nhiệt. 

Bác sĩ tiếp tục cẩn thận hỏi tôi về tiền sử bệnh tật và có bị dị ứng gì, sau đó đo huyết áp và đo cả lượng đường trong máu. Có lẽ do tôi hơi lo lắng, huyết áp bị hạ thấp nên phải ngồi nghỉ để bác sĩ tiếp tục đo lại. 

Sau đó, tôi lại được đưa qua một phòng của bác sĩ khác để đo thêm nhịp tim và tiếp tục kiểm tra huyết áp. Có lẽ tôi được kiểm tra sức khỏe đặc biệt hơn người bình thường.

Tôi đi tiêm vắc xin - Ảnh 3.

Bác sĩ đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe cho tôi trước khi tiêm - Ảnh: T.C.

2. Thật may mắn, lần này bác sĩ đã ký giấy cho tiêm và đưa tôi qua một phòng khác. Một nữ nhân viên y tế thấy tôi ngồi xe lăn, liền niềm nở cười như để trấn an cho tôi khỏi sợ, chứ thật ra tôi vốn là đứa chẳng sợ kim tiêm. 

Trong tích tắc đã xong mũi tiêm và trong vài giây ấy tôi bỗng có cảm giác hơi ù tai một xíu. Thoáng chút lo sợ, tôi tự nhủ sao cơ thể mình phản ứng nhanh với vắc xin vậy? Loại vắc xin tôi được tiêm là AstraZeneca mà tôi tìm hiểu thật kỹ trên mạng.

Tôi lại ngồi trong phòng chờ 30 phút để xem cơ thể có xảy ra biến chứng gì không. Và lúc này tôi có thời gian quan sát để bắt chuyện làm quen với "biệt đội áo xanh" - các bạn tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ bịt kín từ đầu đến chân hỗ trợ người dân đến tiêm. 

Các bạn là những sinh viên của Trường đại học Y tế cộng đồng tại Hà Nội tình nguyện vào đây chống dịch. Tự nhiên quan sát họ, tôi lại chạnh lòng nghĩ: "Mình bịt khẩu trang và đeo kính chống giọt bắn chưa đầy một tiếng mà đã khó thở. Huống hồ các bạn phải mặc nguyên bộ đồ bảo hộ như vậy".

Thế mà bạn Cường, người chở giúp tôi đi tiêm, lại hồ hởi bảo: "Chị ơi, thứ bảy này em cũng đi làm tình nguyện viên như các bạn ấy và phải mặc đồ bảo hộ nguyên ngày đó chị". Sau 30 phút, cơ thể tôi vẫn bình thường nên bác sĩ đã cho tôi ra về. 

Trên đường về, tôi tranh thủ chạy qua con hẻm Tân Hải để mua ít trái cây. Vào nhà, tôi vội tắm rửa, thay bộ đồ khác và phập phồng chờ đợi xem cơ thể nó có phản ứng gì không. Tôi vắt hai trái cam uống, pha một gói cháo để ăn. 

Bất ngờ, đang đứng trên bếp, cổ tay tôi nhói lên một cái như bị điện giật và hai bả vai bắt đầu ê ẩm...

4h30, cơ thể tôi bắt đầu ớn lạnh, run cầm cập. Tôi phải đắp hai cái chăn vẫn còn thấy lạnh. Tôi vội ngồi dậy, uống từng ngụm nước lá tía tô ấm. Cơn sốt kéo dài trong một tiếng, cơ thể lại tự hạ nhiệt, nhưng tôi vẫn không thể nào ngủ được. 

Toàn thân bắt đầu đau nhức ở các khớp xương. Cơ thể mệt lả vì kiệt sức. Hai bả vai tôi như thể vừa bị ai đánh. Tôi nằm bẹp đến 8h30, người bạn lại pha một gói cháo, một ly nước gừng và cắt thêm một trái ớt chuông cho tôi ăn sống.

Rất kỳ lạ là tôi vẫn ăn ngon miệng, chứ không phải ngán ăn như những trận sốt cảm bình thường. Ăn xong, tôi uống thêm viên vitamin C và còn ăn thêm ít bánh. Cơ thể vẫn đau nhức đến mức tôi phải bật khóc. 

Nó đau từng cơn trong 30 phút ở từng bộ phận khác nhau. Cảm giác như con virus nó đang chạy khắp cơ thể mình vậy. Cơn sốt nhẹ lại ập đến và đỉnh điểm tôi không thể tự ngồi dậy đi vệ sinh. Đau đến mức tôi thiếp đi trong hai tiếng.

Tôi đi tiêm vắc xin - Ảnh 4.

Mũi tiêm mong mỏi - Ảnh: B.C.

3. Đến 13h chiều mở mắt ra là cơ thể tôi thèm ăn cơm. Tôi xin hàng xóm một chén cơm và tự xào cá hộp với ớt chuông. Tôi ăn một cách ngon lành. Uống thêm một viên hạ sốt. 

Tôi định bụng sẽ đi ngủ tiếp. Nhưng khi tiếng chuông điện thoại reo, tôi chợt nhớ ra hôm nay mình xin 10 phần quà để tặng cho 10 người khó khăn trong khu nhà trọ mình. Cơ thể rã rời nhưng tôi vẫn gắng đợi người giao quà đến.

Nhận hàng xong, tôi gọi mọi người ở trên lầu xuống trao quà và chụp ảnh lại để gửi nhà tài trợ. Cơn sốt lại ập đến và có dấu hiệu khó thở, tôi lại vã mồ hôi. Cố ăn xong cháo và uống lá tía tô thay nước lọc, tôi tự nhủ sẽ không uống thêm bất kỳ viên hạ sốt nào để xem cơ thể phản ứng ra sao. 

Lần này, cơ thể đau nhức ít hơn, nhưng tôi vẫn bị mất ngủ. Ban đêm, tôi uống thêm nước ấm phòng khi mất nước vì sốt.

Sáng hôm sau tôi chỉ còn đau hai bả vai, còn lại đều ổn. Các khớp xương đã giảm đau, thi thoảng tôi chỉ nhức đầu và tim đập hơi nhanh. Chắc có lẽ vắc xin thương nên chỉ hành tôi một cách rất nhẹ nhàng.

Tôi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người khác, cầu mong mọi người đều được tiêm vắc xin như tôi.

Tôi thèm ăn và khó ngủ sau tiêm

22h đêm đầu tiên sau khi tiêm, tôi lo xa, uống sẵn viên hạ sốt dù chưa thấy có dấu hiệu gì. Tối đó, tôi nhờ một bạn trọ gần phòng qua ngủ chung, đề phòng trường hợp bị gì còn có người cứu.

Kỳ lạ là 12h đêm, cơ thể tôi lại bồn chồn và cứ thèm ăn. Tôi uống thêm sữa, ăn chút trái cây và một cái bánh ngọt. Rồi suốt cả đêm tôi cứ thấy bồn chồn, tim hơi đập nhanh nhưng nhiệt độ vẫn bình thường.

Tôi có cảm giác mình thêm tăng động chứ không hề đau nhức như mọi người vẫn hay chia sẻ. Vẫn cố nhắm mắt nhưng tôi không ngủ được.


Nguồn: https://tuoitre.vn/toi-di-tiem-vac-xin-20210822235609453.htm?fbclid=IwAR27QMDGrHYplMioeUQabknAduuloXGeGVT6mbXXYFJ6MRBHgGYgJgiKr3A

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Vu Lan nhớ nội

 


Nội tôi mất vào một ngày rất đặc biệt, đó là vào mùa Vu Lan năm 2008. Lúc đó, tôi đang ở Hà Nội để tìm nhà xuất bản bán bản quyền cho tác phẩm đầu tay của mình. Trước khi ra Hà Nội, tôi đã cầm tay nội và khóc rất nhiều. Tôi nói nội gắng chờ con thành công rồi hãy đi nhé. Khi ấy, sức khỏe nội rất yếu.

Chiều đó 17 giờ nghe tin nội mất, người tôi cứng đơ lại. Mặc dù biết sẽ có ngày này nhưng tim tôi cũng muốn ngừng đập theo. Vội vàng thu xếp hành lý, tôi cùng bác họ vội bắt xe khách vào Quảng Trị ngay trong đêm. Chưa bao giờ tôi thấy chuyến đi đêm của mình lại dài đến vậy. Chiếc xe khách chạy xuyên đêm như đưa tôi về lại với những ký ức xa xưa. 

Còn nhớ lúc nhỏ, thi thoảng tôi hay thủ thỉ vào tai cả nội và ngoại rằng: “Mệ phải sống đến năm chín mươi tuổi để chờ ngày con lấy chồng nhé!”. Và cứ mỗi độ tết Nguyên đán về, tôi luôn thích cái cảm giác được ngồi chính giữa nội và ngoại, được hít hà hơi ấm từ hai người phụ nữ đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi. 

Tuổi thơ tôi chẳng có được ký ức bình thường vui chơi chạy nhảy hay đến trường như những trẻ lành lặn khác. Nhưng tuổi thơ tôi được ở bên nội, vậy là tôi đã có được một kho tàng lịch sử đồ sộ. Thời trẻ, nội tôi làm giáo viên chuyên dạy xóa mù chữ cho dân nghèo. Lúc nhỏ, ai cũng bảo tôi có cái trán cao thông minh giống nội là tôi khoái chí lắm. Mỗi lần ngồi xem những bộ phim na ná như Người đẹp Tây Đô là tôi lại khóc nức nở, là vì cuộc đời nội tôi cũng tương tự như vậy. Thân phận vợ lẽ thường chịu nhiều áp lực đắng cay.

Ở với nội, đêm đêm tôi cũng ngồi tụng kinh theo, nhất là vào rằm tháng 7. Có hôm mát trời, tôi ngủ lăn ra giữa nền nhà trong tiếng tụng kinh cầu nguyện của nội. Thời đó chưa có điện nên phải thắp bằng đèn dầu và vừa tụng kinh, nội vừa canh chừng tôi khỏi bị muỗi đốt, làm lễ xong lại phải bế tôi lên giường. 

Nghe người ta kể, thời trẻ nội vừa đẹp vừa thông minh lại rất đảm đang. Mỗi lần nhà có đám giỗ hay lễ, tết là tự tay nội làm đủ thứ bánh trái và món ăn. Bởi vậy mà sau này bốn người con dâu của nội tôi đều biết nấu ăn. 

Hằng năm vào rằm tháng 7 là tôi được cùng nội lên chùa thắp hương lễ Phật và sẽ tụng kinh, ăn chay nguyên tháng 7. Vậy nên, nội đã “chọn” ngày 16 mà ra đi. Ai cũng bảo sao nội “chọn” được ngày mất hay vậy khi đám giỗ của nội sẽ rơi vào đúng lễ Vu Lan - ngày con cháu báo hiếu công đức của cha mẹ, ông bà.

Tự dưng mấy hôm trước, sau khi đi tiêm vắc xin tôi sốt mê mệt, ấy thế mà trong cơn mơ tôi thấy nội về, mang bộ đồ lụa màu vàng đồng rất đẹp, tóc bối gọn gàng. Nội ngồi trên ghế salon phòng khách nhà ba mẹ tôi. Lúc đó, tôi chạy ra mừng reo hạnh phúc, ôm chầm lấy nội thì nội hỏi: “Sao không chịu lấy chồng đi con?”. Giật mình tỉnh dậy, hóa ra đã là lễ Vu Lan và năm nay tôi chẳng thể nào về giỗ nội, nước mắt rơi. Và giờ đây, Vu Lan năm nào con chẳng ngồi khóc vì nhớ nội! 

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/126315/vu-lan-nho-noi

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Cảm ơn những ngày gian khó

 Sài Gòn đang trải qua những ngày lịch sử. Tôi thích gọi như vậy cho nó mang lại một năng lượng lạc quan. Những ngày mà toàn bộ nhân dân thuộc các tỉnh, thành phía Nam, nhất là Sài Gòn đều phải ở yên trong nhà với nhiều ngày dài. Chỉ được phép ra đường khi có vấn đề liên quan đến sức khỏe và đi mua lương thực, thực phẩm mà thôi. Thậm chí, sau 18 giờ tất cả người dân đều không được ra khỏi nhà.

Quả thật 100 ngày ở yên trong nhà như thế này khiến tôi luôn hoài niệm về ký ức tuổi thơ của mình. Vì với người dân miền Trung chúng tôi luôn phải đối mặt với tình trạng thiên tai khắc nghiệt. Mùa hè thì hạn hán và gió Lào như quật ngã con người mỗi khi ra đường. Còn đông tới, mưa bão giá rét suốt vài tháng trời là điều hiển nhiên. Thành ra, nhiều khi vài ba tháng mẹ tôi mới được đi chợ một lần để gia đình có được bữa ăn tươi. 

Còn lại những ngày sau đó, thường chúng tôi sẽ được ăn cá khô, muối sả, các loại rau, củ, quả muối chua. Có hôm nhà không còn gì ăn thì tụi tôi sẽ được ăn món ruốc kho, đậu phộng rang ăn kèm với nước mắm ớt tỏi. Hoặc tép rang trộn thêm mắm ớt. Gọi là ăn cho no cái bụng và qua thời kỳ mùa đông lạnh giá buốt. Nhưng nồi cơm không bao giờ thừa một hạt. Thậm chí, mẹ tôi còn phải hạn chế cho tôi ăn, bởi lúc đó tôi quá mập.

Lúc đó, nghe những người đi vào Nam lập nghiệp, mỗi lần về thăm quê họ lại kể về miền Nam với một khí hậu ôn hòa, thức ăn trù phú và trái cây quanh năm. Không như người dân miền Trung chúng tôi, lúc nào cũng phải lo chắt chiu dành dụm. Thậm chí làm 10 đồng thì nhiều lắm chỉ dám tiêu xài ½ số tiền mình kiếm được. Và người dân miền Trung chúng tôi còn có tiếng đôi khi hơi keo kiệt vì tiết kiệm quá đà. Tại trong tiềm thức của chúng tôi luôn được “cài đặt” sẵn chế độ phải biết tiết kiệm và tích trữ thực phẩm phòng khi đói kém, thiên tai ập đến còn có cái mà dùng. 

Trong nhà bao giờ cũng phải dự trữ gạo và mắm muối đủ xài có khi nửa năm. Vậy nên khi nghe kể về miền Nam trù phú, thích cái gì được ăn cái đó làm tôi cảm thấy vô cùng thích thú. Quyết tâm sau này cũng phải Nam tiến, để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế mà, những năm đầu tiên mới vào Sài Gòn, tôi vẫn còn mang tư tưởng tích trữ thực phẩm trong phòng trọ. Bạn bè rất nhiều người chọc tôi sao người bé mà mua một đống thực phẩm mỗi lần đi siêu thị. Lúc đó, tôi chỉ biết nhoẻn miệng cười trừ! Tại các bạn dân Sài thành chưa nếm mùi vị của sự khắc nghiệt từ thiên tai.

Nhưng dần dần tôi cũng bỗng “Nam hóa” vì cuộc sống thời 4.0 rất tiện ích. Thậm chí, ngồi một chỗ cũng có thể đi chợ online mua hàng đủ thứ. Song, khi dịch bệnh ập đến và nhất là khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thì tự khắc tôi thấy mình đã hiện “nguyên hình” là một phụ nữ miền Trung. Thực phẩm được bạn bè tiếp tế, tôi thường chia sẻ lại cho hàng xóm một ít, vì rất nhiều người còn khó khăn hơn mình. Hôm nào may mắn có được rau củ hay trái cây thì đối với tôi đó là niềm hạnh phúc. Còn lại tôi sẽ ăn theo kiểu của người dân miền Trung ngày xưa nghèo khó. Thế nên, bạn bè và người thân trong gia đình hỏi có ổn không thì tôi đều tự tin trả lời là vẫn ổn! 

Đôi khi một chén cơm trắng và một ít muối sả ở quê gửi vào tiếp tế cũng làm một bữa ăn hạnh phúc giản đơn. Bởi nó sẽ giúp tôi thêm nhận ra rằng phải đi qua những ngày mưa mới cho ta biết yêu thêm những ngày nắng. Bình an và khỏe mạnh hay không đầu tiên phải nằm ở phần tâm hồn trước đã.

Mà muốn có được một nội tâm an yên thì phải học cách chấp nhận với những gian khó. Cảm ơn những ngày tháng tuổi thơ thật nhiều thiếu thốn về vật chất để khi lớn lên bước ra đời thấy mình vẫn bình an mà sống! 

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/369/125758/cam-on-nhung-ngay-gian-kho

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!


Viết cho “người đàn ông” những ngày “ngã bệnh”

 Tháng 7, những cơn mưa trĩu nặng và lòng người càng như nặng trĩu hơn! Có lẽ đây sẽ là một mùa mưa đặt biệt nhất của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, những giọt mưa của trời và nước mắt của lòng người hòa quyện vào nhau.

Các ca bệnh cứ thi nhau tăng theo con số hàng ngàn. Những tiếng kêu cứu ở các khu cách ly khi người dân cần sự giúp đỡ từ lương thực, thực phẩm, thuốc men... Sự chia ly của những con người tha phương vào Nam lập nghiệp, nay đành chọn phương án trở về quê để tránh dịch. 

Những chuyến xe yêu thương từ Bình Phước, Quảng Trị, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông vẫn ngày đêm tiếp tế lương thực cho TP. Hồ Chí Minh. Những bệnh viện dã chiến được lập ra. Hàng ngàn y, bác sĩ, tình nguyện viên thay phiên nhau làm việc để giành giật sự sống với Covid-19…

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Internet

Quả thật, sẽ chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng, đến một ngày nào đó, TP. Hồ Chí Minh lại phải đón nhận yêu thương từ cả nước, thay vì thành phố vốn dĩ hào hoa này luôn đi đầu trong việc san sẻ yêu thương từ vật chất đến tinh thần cho cả nước. Nào mớ rau, con cá, quả bầu, quả bí; nào hũ muối sả, chai nước tương… được người dân các tỉnh gom góp để gửi vào miền Nam đang oằn mình chống dịch.

Sài Gòn, thành phố mà trước giờ luôn hào sảng, cho dù có nhộn nhịp, xô bồ và hối hả đến đâu vẫn luôn đón nhận những con người tứ phương về quy tụ. Thế nên tôi luôn ví Sài Gòn như “người đàn ông tuổi 30”. Lúc nào cũng căng tràn sự sống và hừng hực khí thế. Luôn năng động, nghĩa hiệp và tử tế với tất cả mọi người. 

Đó cũng là lý do mà từ rất nhỏ tôi đã thầm yêu "người đàn ông tuổi 30" ấy và nuôi quyết tâm sau này lớn lên phải ở bên cạnh bằng bất cứ giá nào. Mười bốn năm trôi qua, trải qua biết bao đắng cay để có thể "tìm được chỗ đứng trong trái tim người đàn ông ấy", tôi vẫn quyết tâm, không bỏ cuộc!

Dường như, càng thử thách tôi càng thêm yêu “người đàn ông" này hơn! Thế nên khi hơn hai tháng qua, nhìn "người đàn ông tuổi 30" kia ngã bệnh, những “vết thương” chằng dây băng trên khắp nẻo đường, tiếng còi xe cứu thương cứ vài phút lại vang lên thảm thiết. Những giờ giới nghiêm không một bóng người ra đường…

Tim tôi thắt lại! Đau lắm chứ khi nhìn thấy những F0, F1 liên tục tăng. Thương đến đứt ruột gan khi nghe tin bạn bè mình có người thân phải ra đi vì Covid-19. Xót xa lắm khi nhìn thấy bản đồ phong tỏa ngày một dài ra. 

Thành phố xô bồ nay bỗng nhiên vắng lặng đến sợ. Thèm nhìn thấy mặt người và thèm được thấy cảnh kẹt xe trở lại. Tiếc nuối cho những cánh cửa nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các trung tâm thương mại hay nhiều khu chợ, nay bỗng nhiên bị đóng kín chỉ vì một thứ vi khuẩn vô hình, không ai có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Từng dòng người đã chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi lập nghiệp, nay phải quyết tạm rời xa để về quê tránh dịch. Đối với tôi đó là một viễn cảnh xót xa nhất! Cũng có những phút giây yếu mềm tôi giật mình tự hỏi: “Liệu mình có thể can tâm tạm rời xa thành phố này không?”. Quả thật chỉ nghĩ đến thôi là nước mắt đã chực trào. Thấy mình yếu hèn khi không thể đồng cam cùng khổ với “người đàn ông” mà mình luôn yêu thương nhất! 

Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng, giữa muôn trùng thử thách, nếu đủ tin yêu, ắt sẽ cố gắng để vượt qua! Rồi TP. Hồ Chí Minh sẽ khỏe lại, rồi “người đàn ông tuổi 30” kia sẽ lại hừng hực khí thế, để rồi mở rộng trái tim ôm cả nước vào lòng. Đại dịch dù có thế nào cũng chỉ là một phép thử của vũ trụ! 

Mình cùng dìu nhau qua những ngày gian khó, để thấy thêm yêu thành phố này hơn!

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125639/viet-cho-nguoi-dan-ong-nhung-ngay-nga-benh

Nếu quý độc giả thấy bài viết của mình mang tới giá trị, thì hãy ủng hộ tinh thần cho mình bằng một ly cà phê tại đây nhé!

Bỏ công việc ở công ty tài chính, 8x về quê giúp người nghèo 'có cần câu'

Tốt nghiệp thạc sĩ thương mại ĐH Queensland ở Úc,  trở về Việt Nam làm cho một công ty tài chính ở TP.HCM. Sau 7 từ ngày ra trường, Trần Đăng Tiến quyết tâm bỏ tất cả trở về quê hương Tây Ninh giúp người nghèo có 'cần câu'.

Tiến trao tặng bàn ghế, sách vở cho các em vùng biên giới Tây Ninh. /// NVCC
Tiến trao tặng bàn ghế, sách vở cho các em vùng biên giới Tây Ninh.
NVCC
Trần Đăng Tiến (32 tuổi), Phó trưởng ban phong trào Tỉnh đoàn Tây Ninh, tham gia công tác tình nguyện từ những năm còn là sinh viên. Sau thời gian đi làm, nay Tiến muốn toàn tâm thực hiện những dự án thiện nguyện giúp người nghèo, học sinh nghèo tỉnh Tây Ninh.

Từ góc học tập cho học sinh đến trao bò cho người nghèo 

Tháng 3.2021 Tiến phát triển dự án Cùng em đến trường. Mục đích gây quỹ để trang bị góc học tập, dụng cụ học tập, xe đạp, học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó  khăn ở những xã nghèo vùng sâu vùng xa biên giới không có hoặc có góc học tập không đảm bảo để giúp các em nâng cao chất lượng việc học. Tính đến tháng 6 dự án đã vận động và trao 94 góc học tập, 66 đèn học, 24 phần quà và 2 xe đạp cho 94 em học sinh với tổng số tiền 112 triệu đồng.
Bỏ công việc ở công ty tài chính, 8x về quê giúp người nghèo 'có cần câu' - ảnh 1

Trao bò cho các hộ gia đình nghèo trong tỉnh Tây Ninh

NVCC

Tiến còn lập một nhóm thiện nguyện đi trao bò cho bà con nghèo. Dự án này được triển khai từ năm 2017 phát triển dự án Gây quỹ trao bò sinh sản (theo hình thức xoay vòng). Mục đích gây quỹ để mua bò trao cho các đối tượng khó khăn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, thanh niên không có vốn sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thanh niên ở khu vực nông thôn ... Dự án sẽ trao bò mẹ cho đối tượng khó khăn, sau khi bò mẹ sinh xong, sẽ giữ lại bò con, bò mẹ sẽ được chuyển giao cho hộ tiếp theo. Như vậy mỗi bò mẹ sẽ giúp được cho 9-10 gia đình khó khăn tương ứng với số lần sinh sản của bò mẹ.
Tính đến nay dự án đã vận động và trao được 23 con bò sinh sản trị giá 460 triệu đồng cho những người khó khăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tiến bộc bạch rằng: “Mình luôn tâm niệm là quê hương đã sinh ra, nuôi dưỡng ta nên người thì mình về cống hiến cho quê hương là điều hiển nhiên”.
Bỏ công việc ở công ty tài chính, 8x về quê giúp người nghèo 'có cần câu' - ảnh 2

Cùng các nhà hảo tâm trao tặng “Góc học tập cho em”

NVCC

Cho cần câu chứ không cho con cá 
Khi chia sẻ về tâm niệm của hai dự án trên, Tiến bộc bạch: “Quê mình là một tỉnh nghèo nên các đối tượng khó khăn cần giúp đỡ còn rất nhiều và mình quan niệm là cho cần câu chứ không cho con cá nên các hoạt động thiện nguyện của mình là trao sinh kế cho đối tượng nghèo để họ làm ăn hoặc trao góc học tập cho các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.” 
Công việc giúp Tiến được đi nhiều nơi nên đem lại cho chàng trai này cái nhìn đa chiều, tiếp xúc được với nhiều giới trong xã hội. Điều đó làm cho Tiến có thêm nhiều cơ hội, nhiều cách thức mới để giúp đỡ các đối tượng mà Tiến đang phụ trách, nhất là các em thanh thiếu nhi tỉnh Tây Ninh. 
Quan niệm làm thiện nguyện của anh chàng cán bộ Đoàn này là "của cho không bằng cách cho”, làm thiện nguyện phải diễn ra một cách kịp thời, công khai và minh bạch.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/bo-cong-viec-o-cong-ty-tai-chinh-8x-ve-que-giup-nguoi-ngheo-co-can-cau-1411906.html

Quả bóng lăn, trái tim lăn

Vậy là thêm một mùa World Cup nữa lại về, hàng triệu trái tim trên khắp hành trình lại có dịp lăn theo quả bóng tròn. Bóng đá môn thể thao đ...